Lễ Chúa Hiển Linh, A
2008
Lễ
Chúa Hiển Linh là cao điểm của mùa Giáng Sinh.
Ta đã có dịp suy niệm Lời Chúa về ý nghĩa của biến cố Ngôi Hai làm người
sinh xuống và ở giữa nhân loại. Sự hiện
diện của Chúa Giê-su trong thế giới luôn luôn là một dấu chỉ, một ngôn ngữ để
Thiên Chúa nói với loài người. Vậy qua
biến cố Giáng Sinh, Thiên Chúa muốn tỏ mình ra, muốn “lộ diện” với nhân loại, để
nhân loại thấy được Thiên Chúa vô hình và kế hoạch ân sủng của Người (xem Ga
1:18).
1.
Vinh quang của Thiên Chúa chiếu tỏa trên nhân loại (bài đọc Cựu Ước – Is 60:1-6)
Qua
cái nhìn của ngôn sứ I-sai-a, Giê-ru-sa-lem không còn là thủ đô của dân tộc nhỏ
bé Ít-ra-en nữa, nhưng nó đã trở nên “đô thành của Thiên Chúa” và trung tâm cứu
độ của toàn thể thế giới rồi. Từ bao lâu
nay, thế giới nằm dưới ách thống trị của bóng tối và mây mù tội lỗi. Tình trạng của Giê-ru-sa-lem cũng không hơn
gì thế giới, vì cũng ở trong tối tăm và chẳng dân tộc nào nhận ra nó. Nhưng khi Giê-ru-sa-lem được mặt trời công
chính ngự đến thì chỗ đứng của nó hoàn toàn thay đổi. Giê-ru-sa-lem đã được chọn làm nơi “vinh
quang của Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa”.
Vì thế ngôn sứ kêu gọi Giê-ru-sa-lem hãy đứng cao lên để toàn thế giới
nhận được ánh bình minh của Đức Chúa.
Giê-ru-sa-lem sẽ chứng kiến tầm quan trọng của nó vì nó trở nên nguồn
sáng lôi cuốn và hướng dẫn toàn nhân loại đến một vương quốc mới.
Ngôn
sứ I-sai-a sử dụng hình ảnh giàu có phong phú của một quốc gia trần thế để diễn
tả một thực tại thiêng liêng là vương quốc ân sủng của Thiên Chúa. Theo quan niệm Do-thái, một quốc gia hùng mạnh
là quốc gia đông dân cư và giàu sang, với của cải vàng bạc từ các nước thiên hạ
đổ về qua đường biển, hoặc qua đường bộ và chở đầy trên lưng đàn lạc đà không
sao đếm xuể. Hình ảnh ấy tượng trưng cho
sự sung mãn ân sủng Thiên Chúa ban cho nhân loại khi Con Một xuống thế làm người
tại Giê-ru-sa-lem mới. Muôn dân nước “đều
tập hợp, kéo đến” để nhìn nhận “vinh quang của Thiên Chúa”.
Nhưng
vinh quang của Thiên Chúa phải chăng là quyền năng cao cả của Người? Đúng vậy. Tuy nhiên hơn thế nữa, quyền năng cao cả ấy được
biểu hiện qua việc làm yêu thương của Thiên Chúa khi Người ban cho ta Con Một. “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được
biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai
Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (l Ga
4:9). Thiên Chúa có cả một kế hoạch để
chiếu tỏa vinh quang của Người trên Giê-ru-sa-lem mới, tức là kế hoạch ân sủng
được thực hiện một cách lạ lùng qua Đức Giê-su Ki-tô và thánh Phao-lô Tông đồ gọi
đó là Mầu nhiệm Đức Ki-tô.
2.
Mầu nhiệm Đức Ki-tô được mặc khải cho cả Ít-ra-en lẫn dân ngoại (bài đọc Tân Ước – Ep 3:2-3a.5-6)
Thần
học gia Phao-lô cho ta một cái nhìn thật rõ ràng về kế hoạch cứu độ của Thiên
Chúa. Kế hoạch cứu độ, những từ này nói
lên công việc Thiên Chúa làm và sự rỗi của ta là đối tượng của công việc ấy. Những từ này nhấn mạnh về phía Thiên Chúa chủ
động. Nhưng đối với thánh Phao-lô, việc
cứu rỗi không phải là việc làm của mình Thiên Chúa, mà còn phải có sự đáp trả của
ta. Thiên Chúa ban ân sủng cứu độ, nhưng
ta là kẻ được lãnh nhận cần phải cộng tác tích cực, sử dụng ân sủng đó để sống
như con cái Thiên Chúa hầu đạt tới mức sung mãn trong Đức Ki-tô. Do đó, thánh Phao-lô gọi kế hoạch đó là “kế
hoạch ân sủng”, vì Đấng ban ân sủng cũng như những kẻ lãnh nhận ân sủng sẽ cùng
cộng tác với nhau mà đến với nhau và làm cho quan hệ đôi bên được vững bền muôn
đời. Ta không thể tưởng tượng nổi tại
sao Thiên Chúa lại chọn cách thế như vậy để đến với nhân loại và cứu độ con người. Quả thực là một mầu nhiệm! Trong tiếng La-tinh, mầu nhiệm cứu độ thường
được gọi là “kế hoạch cứu độ” (economia salutis). Mầu nhiệm này được Thiên Chúa tỏ ra và thực
hiện qua Đức Ki-tô nên thánh Phao-lô gọi là “Mầu nhiệm Đức Ki-tô”.
Thánh
Phao-lô cho ta một định nghĩa đầy đủ về mầu nhiệm này. “Mầu nhiệm đó là: trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các
dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một
thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (Ep 3:6).
Vậy
Thiên Chúa muốn tỏ cho ta biết những gì qua “Mầu nhiệm Đức Ki-tô”? Có ba điểm cốt yếu trong chân lý mầu nhiệm
này. Trước hết Thiên Chúa muốn mọi người
không trừ ai, Do-thái cũng như dân ngoại, đều được cùng hưởng phần phúc gia
nghiệp của Người, tức là lời hứa được cứu độ.
Mầu nhiệm Đức Ki-tô khẳng định tính cách phổ cập của ơn cứu độ. Dù thuộc bất cứ dân tộc nào, nền văn hóa nào,
hoặc giai cấp nào trong xã hội mọi người đều được mời gọi đón nhận ơn cứu độ của
Thiên Chúa, vì đây là kế hoạch ân sủng dành cho tất cả nhân loại. Nhờ chia sẻ cùng một bản thể nhân loại với Đức
Ki-tô nên ta được mời gọi lãnh ân sủng Thiên Chúa ban cho ta trong Đức Ki-tô.
Điểm
thứ hai mầu nhiệm Đức Ki-tô cho ta thấy vai trò quan trọng của Đấng thực hiện kế
hoạch ân sủng là Đức Ki-tô Giê-su. Thiên
Chúa không đặt kho tàng ân sủng cứu độ ấy ở trên trời hay một địa điểm đặc biệt
nào đó dưới thế gian, vì như thế làm sao con người có thể tìm kiếm được. Nhưng Người đặt nguồn ơn cứu độ ấy “trong Đức
Ki-tô Giê-su”, Đấng được Chúa Cha sai đến “làm người để chuộc tội cho thiên hạ”
(Rm 8:3). Đức Ki-tô vừa là Thiên Chúa vừa
là người phàm, cho nên khi Đức Ki-tô thực hiện kế hoạch ân sủng cứu độ qua bản
thể nhân loại và bản thể Thiên Chúa của Người, thì tất cả những lời giảng, việc
làm, cái chết và sự phục sinh của Người đều có giá trị của Thiên Chúa và có khả
năng cứu độ mọi người. Người chịu cuộc
Thương Khó, chết và sống lại, để được Thiên Chúa tôn vinh và đặt làm anh cả của
một đoàn em đông đúc, tức là nhân loại mới (Rm 8:29).
Điểm
thứ ba nói lên phương thức giúp mọi người nhận biết và tin vào Đấng Cứu Độ. Đó là “nhờ Tin Mừng”. Tin Mừng cứu độ này “những người thuộc các thế
hệ trước”, tức là các vị ngôn sứ thời Cựu Ước, không có diễm phúc biết tới. Chỉ có các thánh Tông đồ mới là những người
được biết và được Thiên Chúa trao phó cho nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng ấy. Trong thư gửi tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô
nói về sứ vụ rao giảng Tin Mừng như sau:
“Thế nhưng làm sao người ta kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai
đi?... Nhưng không phải mọi người đều đã vâng theo Tin Mừng; chính ngôn sứ
I-sai-a đã nói: Lạy Đức Chúa, ai đã tin
khi nghe chúng con giảng? Ấy vậy, có đức
tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Ki-tô” (Rm
10:14-17).
3.
“Từ phương Đông chúng tôi đến bái lạy Người” (bài Tin Mừng – Mt 2:1-12)
“Nhưng
không phải mọi người đều đã vâng theo Tin Mừng”, thánh Phao-lô đã phải cay đắng
nói lên sự thật phũ phàng ấy. Thánh
Gio-an Tông đồ cũng đồng quan điểm khi ngài khẳng định ngay trong lời tựa sách
Tin Mừng: “Người đã đến nhà mình, nhưng
người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1:11).
Câu truyện các nhà chiêm tinh phương Đông đến bái lạy Hài Nhi Giê-su
trong khi vua Hê-rô-đê bối rối và dân thành Giê-ru-sa-lem xôn xao đã chứng thực
điều các thánh Tông đồ khẳng định là một sự thật. Chúa Giê-su Ki-tô được sai đến để cứu độ mọi
người và mọi người được mời gọi đón nhận Người, đó là một tin mừng. Nhưng người ta từ chối không tin nhận Người
là Đấng Cứu Độ. Như thế Tin Mừng đã trở
thành tin buồn đối với họ rồi.
Rõ
ràng có hai lớp người khác nhau theo câu truyện trong bài Tin Mừng. Các nhà chiêm tinh đại diện cho những người
tin vào Đức Ki-tô, còn vua Hê-rô-đê và dân Giê-ru-sa-lem thay mặt cho những kẻ
chối bỏ Đức Ki-tô. Gặp được Đức Ki-tô,
các nhà chiêm tinh đã thay đổi cuộc đời mình.
Hình ảnh các ông “đi lối khác mà về xứ mình” thật có ý nghĩa. “Lối khác” đây chính là con đường Đức Ki-tô dạy
trong Tin Mừng của Người. Còn “xứ mình”
không phải là phương Đông nữa, mà là quê hương đích thực của họ, tức nhà Cha
trên trời.
Bài
Tin Mừng là một kết luận của Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, đặt ta trong tư thế phải
trả lời dứt khoát: tin Đức Ki-tô và đón
nhận ân sủng cứu độ, hay là chối bỏ Người và hư mất đời đời.
4.
Sống Lời Chúa
Thiên
Chúa yêu thương ta và muốn tỏ cho ta biết Người yêu thương ta đến ngần
nào. Qua biến cố Giáng Sinh của Chúa
Giê-su, Thiên Chúa cho ta biết Người là ai và muốn làm gì để ta được làm con cái
Người và được cứu độ. Điều đáng mừng nhất,
đó là ơn cứu độ đã được ban cho mọi người không trừ ai. Dĩ nhiên ta không phải là người Do-thái,
nhưng cũng không bị loại bỏ, trái lại được quyền đến chia sẻ cùng một gia nghiệp
của Thiên Chúa. Nhưng điều quan trọng là
ta có thực lòng và hăng hái đón nhận Đức Ki-tô như các nhà chiêm tinh phương
Đông hay không.
Suy nghĩ: Các nhà chiêm tinh “đã đi lối khác mà về xứ
mình”. Các vị ấy đã từ bỏ lối sống cũ để
đi theo lối sống của Đức Ki-tô. Vậy lối
sống cũ của tôi là lối sống nào? Ngôi
sao tức là Ánh Sáng Tin Mừng đã soi lối cho tôi bước đi. Vậy tôi có đi theo Ánh sao ấy không hay vẫn
“đường xưa lối cũ” từ bao năm nay?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, hôm nay Chúa đã khiến ngôi sao chỉ
đường mà mặc khải cho muôn dân nhận biết Con Một Chúa. Phần chúng con đã nhận biết Chúa nhờ đức tin
dẫn lối đưa đường, xin dủ lòng thương đưa chúng con về chiêm ngưỡng Thánh Nhan
vinh hiển. Chúng con cầu xin nhờ Đức
Ki-tô, Chúa chúng con. A-men. (Lời
nguyện nhập lễ, lễ Chúa Hiển Linh).
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi