CHÚA NHẬT CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG, năm A

Ga 20, 19-23

 

BÌNH AN CHO ANH EM

 

Xem ra có một cái gì đó vẫn chưa ổn đối với các tông đồ khi Chúa Giêsu bị bắt, bị treo trên thập giá và ngay cả khi Ngài đã sống lại ! Cái chưa ổn, đó là phong ba bão táp trong lòng các tông đồ. Thầy Giêsu, một Vị Thầy đầy uy quyền, làm nhiều phép lạ, đã bị giết chết. Làm sao các tông đồ lại có thể yên lòng, bình chân như vại được ru ? Các Ngài cứ tưởng Thầy Giêsu sẽ khôi phục lại Vương Quốc Israen để rồi các được nhiều đặc quyền đặc lợi. Nhưng đùng một cái, mọi sự đều biến tan theo mây khói. Các Ngài sợ hãi người Do Thái, ở im lìm trong một ngôi nhà tại Giêrusalem, các cửa đều đóng kín và rồi Chúa Phục Sinh hiện đến, thổi hơi ban Thánh Thần cho các Ngài. Cuộc đời các Ngài thay đổi từ đây…

CHÚA  PHỤC SINH HIỆN ĐẾN THỔI HƠI, TRAO BAN THÁNH THẦN VÀ 50 NGÀY SAU CHÚA THÁNH THẦN NGỰ ĐẾN KHIẾN CUỘC ĐỜI CÁC TÔNG ĐỒ HOÀN TOÀN ĐƯỢC ĐỔI MỚI : Tin Mừng thánh Gioan thuật lại cách rất rõ rệt, sau khi hiện ra, trấn an các tông đồ trong ngôi nhà cửa kín then cài, Chúa Phục Sinh thổi hơi và ban Chúa Thánh Thần cho họ. Người nói:”Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” ( Ga 20,22 ).Tuy nhiên, năm mươi ngày sau khi Chúa sống lại, vào buổi sáng Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần xuống tràn ngập trên các tông đồ dưới hình lưỡi lửa.Các tông đồ bỗng thay đổi hẳn: sự nhút nhát, sợ hãi biến khỏi các ông. Các ông đã trở nên những chứng nhân hiên ngang rao giảng Tin Mừng. Bởi vì, các tông đồ đã nhận được sự bình an của Chúa Phục Sinh. Sự bình an thật trong tâm hồn. Bình an của Chúa Phục Sinh khiến các tông đồ có thể đối diện với khổ đau và đối diện ngay cả cái chết. Do đó, Chúa Phục Sinh đã truyền lệnh cho các Ngài:” Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” ( Ga  20, 21 ). Các tông đồ được Chúa sai đi .Các Ngài đã hiên ngang, kiên cường vì như bài sách công vụ thuật:” Chính trong ngày lễ trọng đại của người Do Thái, năm mươi ngày sau lễ Vượt Qua. Dịp lễ đặc biệt này qui tụ nhiều dân thuộc mọi thứ tiếng về Giêrusalem. Cũng trong ngày lễ vô cùng trọng đại này mà hoạt động của Chúa Thánh Thần được biểu lộ một các rõ ràng. Các tông đồ của Chúa Phục Sinh nói tiếng lạ và nhiều người thuộc mọi ngôn ngữ đều hiểu những gì các Ngài nói. Điều này chứng tỏ Chúa Thánh Thần tạo nên sự hiệp nhất chứ không như tình trạng con người muốn xây tháp Babel xưa. Còn thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Corintô đã viết : “ Trong một Thánh Thần chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể cho dù là Do Thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do, tất cả chúng ta đã uống trong một Thánh Thần “ ( 1 Co 12, 13 ). Chúa Thánh Thần là Đấng bảo trợ, an ủi, soi sáng, ủy lạo vv…Chúa Thánh Thần còn được ví như :” Quả tim mới “ theo ngôn ngữ của ngôn sứ Edêkiên. Hội Thánh của Chúa ở trần gian trong niềm tin của mình Chúa Thánh Thần chính là nguồn sống mới, nguồn sống vô biên.

CÁC TÔNG CHỖI DẬY, RAO GIẢNG VÀ XÂY DỰNG MỘT NGÔI NHÀ CHUNG ĐẦY ẮP TÌNH THƯƠNG VÀ SỰ HIỆP NHẤT : Được đầy tràn Thánh Thần, các tông đồ nhất nhất đã chỗi dậy, đã nắm lấy lịch sử của Hội Thánh. Các Ngài đã ra đi khắp tứ phương thiên hạ để đến với muôn dân, xây dựng Giáo Hội huynh đệ và hiệp nhất. Các Ngài đã để cho Chúa Thánh Thần mở toang tâm hồn,mở toang cõi lòng của họ, không còn nhát đảm sợ sệt, không còn xao xuyến hoang mang, nhưng các Ngài đã làm chứng cho Chúa Phục Sinh và giới thiệu Nước Trời cho nhiều người.Nhờ Chúa Thánh Thần nhờ ngọn lửa tình yêu, các tông dồ đã mau mắn, nhanh nhẹ ra đi làm chứng cho Chúa bất chấp hiểm nguy, bất chấp khó khăn cho dù phải hy sinh tới cả tính mạng của mình. Đi tới đâu, các tông đồ cũng xây dựng giáo đoàn, xây dựng Hội Thánh. Và Giáo Hội của Chúa luôn đầy ắp tình thương, luôn xây dựng nước trời. Lễ Hiện Xuống là một cuộc hiển linh, một sự bầy tỏ Hội Thánh cho thế gian. Công Đồng Vaticanô là một Lễ Hiện Xuống mới. Công Đồng Vaticanô tuyên bố:” Bằng việc liên hệ của mình với Đức Kitô, Giáo Hội là một loại bí tích hay là một dấu chỉ sự hiệp nhất thân mật với Thiên Chúa và hợp nhất mọi dân nước. Giáo Hội cũng là khí cụ kiến tạo nên một sự hiệp nhất như vậy”.

GIÁO HỘI MỜI GỌI CHÚNG TA LÃNH NHẬN CHÚA THÁNH THẦN: Như các tông cùng với Mẹ Maria trng nhà Tiệc Ly cầu nguyện, chờ đón lãnh nhận Chúa Thánh Thần,mỗi người Kitô hữu chúng ta khi được lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức cũng đang được Chúa sai đi loan báo Tin Mừng. Mọi Kitô hữu đã có Chúa Thánh Thần luôn được mời gọi làm chứng cho Chúa, bởi vì Hội Thánh là Hội Thánh truyền giáo. Làm chứng cho Chúa Phục Sinh có nghĩa là đến với những người nghèo, những người neo đơn, đau khổ, những người gặp khó khăn, những người tù bị tù đầy, những người bệnh hoạn tật nguyền. Làm chứng cho Chúa là mở tung cửa lòng của mình ra để cho Chúa ngự. Làm chứng cho Chúa là không nhát đảm chối Chúa khi gặp khó khăn, dám tuyên xưng niềm tin khi phải tuyên xưng niềm tin. Mỗi người Kitô hữu phải có thái độ sám hối, quay về như Phêrô :” Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy “. Làm chứng cho Chúa là xây dựng sự hiệp nhất giữa nhau, giữa các cộng đoàn, giữa các giáo xứ, giáo họ. Làm chứng cho Chúa là gieo vãi tình thương và bình an của Chúa cho nhiều người. Tình thương và bình an là hoa trái tốt lành của Chúa Thánh Thần. Sự bình an phát xuất bởi Chúa Phục Sinh và tình thương tự hiến do Chúa trao tặng cho nhân loại. Chúng ta cầu xin tái diễn một Lễ Hiện Xuống mới để mọi người hiểu biết sâu xa hơn về Giáo Hội của Chúa.

Lạy Chúa Thánh Thần xin hãy đến! Lạy Chúa Thánh Thần xin hãy đến.

 

Cách đây hơn 2.000 năm, Thánh Thần của Chúa Phục Sinh bắt đầu ngự xuống trong tâm hồn các tông đồ cách đầy quyền năng. Chúng ta mừng ngày lễ trọng đại này với tất cả niềm tin và tình thương. Xin Chúa Thánh Thần đến trên chúng ta và biến đổi tâm hồn chúng ta hầu chúng ta trở nên những chứng nhân kiên trung của Chúa Phục Sinh.

 

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi  DCCT


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà