Chúa Nhật Lễ Hiện Xuống, A
“E
pluribus unum” (từ nhiều làm nên một) là khẩu hiệu của Hiệp chủng quốc Mỹ. Nước Mỹ gồm nhiều sắc dân khác nhau hợp lại. Có lẽ đó cũng là hình ảnh có thể giúp ta hiểu
cách cụ thể về Chúa Thánh Thần. Trong
Giáo Hội Chúa Ki-tô, Chúa Thánh Thần đã đóng vai trò hiệp nhất muôn dân nước và
muôn người lại để làm thành một Giáo Hội duy nhất. Các bài đọc hôm nay trình bày công việc ấy của
Chúa Thánh Thần và mượn lệnh truyền của Chúa Giê-su để mời gọi ta hãy ra đi tiếp
nối những gì Chúa Thánh Thần đã khởi sự và đang thực hiện trong Giáo Hội.
1.
Ngôn ngữ của Thánh Thần (bài trích
sách Công vụ Tông Đồ – Cv 2:1-11)
Ngôn
ngữ là phương tiện thông đạt tư tưởng. Nếu
muốn nghe, hiểu và nói một ngoại ngữ, ta cần phải học ngôn ngữ ấy và việc học
không dễ dàng trừ khi ta có năng khiếu về ngôn ngữ. Vậy mà tại Giê-ru-sa-lem khoảng hai ngàn năm
trước có một lớp sinh ngữ thật kỳ lạ.
Người ta không cần học, nhưng vẫn hiểu được ngôn ngữ lạ. Người ta hết sức bỡ ngỡ hỏi nhau: “Những người đang nói đó không phải là người
Ga-li-lê cả ư? Thế sao mỗi người chúng
ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta?” Vậy ngôn ngữ ấy là gì? Đó là ngôn ngữ của Thánh Thần. Lời là Ngôi Hai Thiên Chúa và Thánh Thần là
ngôn ngữ của Thiên Chúa. Như thế, Chúa
Cha nói với ta bằng Lời và Thánh Thần giúp ta hiểu Lời Chúa.
Dịp
lễ Ngũ Tuần, bàn dân thiên hạ đổ về Giê-ru-sa-lem. Tại nhà Tiệc Ly, Giáo Hội sơ khai nhỏ bé của
Chúa Giê-su vẫn tụ họp như thường lệ sau khi Chúa về trời. Đây cũng là dịp để Chúa Thánh Thần dùng ngôn
ngữ của Người mà quy tụ muôn dân trong một mối.
Ngôn ngữ loài người đã nhường chỗ cho ngôn ngữ của Thiên Chúa và các
Tông đồ là những người làm phát ngôn viên của Thánh Thần mà “loan báo những kỳ
công của Thiên Chúa”. Trước đây, Cựu Ước
và nhất là các Thánh Vịnh đã ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa. Người đã tạo dựng vũ trụ và nhân loại. Người đã thiết lập giao ước với các tổ phụ
Ít-ra-en. Người đã cứu Ít-ra-en khỏi ách
nô lệ Ai-cập… Tuy nhiên, “vào thời sau hết
này” (Dt 1:2), Thiên Chúa nói với ta về những kỳ công thuộc kế hoạch cứu độ,
nói khác đi, về tình yêu cứu độ, về “Con Yêu Dấu” của Người đã đến thế gian và
thực hiện công trình cứu độ như thế nào.
Muốn hiểu được nhiệm cục cứu độ, ta phải đọc bằng ngôn ngữ của Thánh Thần,
thứ ngôn ngữ của đức tin chứ không phải của lý trí.
Lễ
Ngũ Tuần của người Do-thái là lễ tưởng niệm Thiên Chúa ban Lề Luật và thiết lập
giao ước với dân Do-thái tại núi Xi-nai.
Như thế, Lề Luật đã trở thành khuôn vàng thước ngọc cho Dân Chúa sống
theo để sống xứng đáng làm dân riêng của Người.
Nhưng hôm nay, Chúa Thánh Thần đến thiết lập lễ Ngũ Tuần Mới với Lề Luật
Mới là Tin Mừng của Chúa Ki-tô. Các Tông
đồ đã sử dụng ngôn ngữ của Thánh Thần mà “loan báo những kỳ công của Thiên
Chúa”, tức là Giao Ước Mới và Tin Mừng của Chúa Ki-tô. Thánh Thần không chỉ giúp người ta biết “những
kỳ công của Thiên Chúa”, mà còn quy tụ muôn dân thành Ít-ra-en Mới của Thiên
Chúa. Không còn là người Pác-ti-a,
Mê-đi, Me-xô-pô-ta-mi-a, Ai-cập…, Do-thái hay Dân ngoại nữa, nhưng là tín hữu
thuộc Giáo Hội Chúa Ki-tô.
2.
Trong Giáo Hội Chúa Ki-tô, “chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một
Thần Khí để trở nên một thân thể” (bài
Thánh Thư – 1 Cr 12:3b-7.12-13)
Thánh
Thần Thiên Chúa là nguyên lý phát sinh sự sống.
Thực vậy, nhờ Thánh Thần, ta được tái sinh trong nước Rửa tội, được làm
con Chúa và chi thể trong Giáo Hội. Tuy
nhiên, Thánh Thần không chỉ ban cho ta một căn tính mới, gọi Thiên Chúa là
“Cha”, nhưng còn đưa ta dấn thân vào những hoạt động và phục vụ theo chức năng
làm con Chúa. Phù hợp với bản chất và
tài năng của mỗi người là một đặc sủng giúp ta chu toàn đóng góp việc xây dựng
Giáo Hội. Để duy trì tính duy nhất của
Giáo Hội, ta phải noi theo gương mẫu của Thiên Chúa Ba Ngôi, tuy khác biệt ngôi
vị nhưng không chia rẽ hoặc hơn thua.
Đặc điểm của Thánh Thần là nguồn phong
phú về đặc sủng. Lãnh nhận Thánh Thần là
ta lãnh nhận một ân huệ đặc biệt làm cho ta trở nên độc đáo trong việc xây dựng
Giáo Hội, và ân huệ ấy gọi là đặc sủng.
Đặc sủng tuy khác nhau, nhưng lại cùng nhắm một mục đích là xây dựng
Giáo Hội. Mà Thánh Thần chính là Đấng
giúp đỡ ta hướng về cùng một mục đích ấy.
Đặc điểm của Chúa Con là phục vụ.
Người đã lãnh nhận sứ vụ từ Chúa Cha và dưới sự dẫn dắt của Thánh Thần,
Người đã hoàn tất sứ vụ phụng sự Chúa
Cha và phục vụ mọi người cho đến chết trên thập giá. Đặc điểm của Chúa Cha là làm việc hoặc hoạt động
(Ga 5:17), “làm mọi sự trong mọi người”.
Mẫu thức hoạt động của Ba Ngôi trở thành nguyên tắc hành động cho mọi
Ki-tô hữu góp phần xây dựng Giáo Hội. Mỗi
Ki-tô hữu phải là một đặc sủng để phục vụ và xây dựng Giáo Hội theo thánh ý
Chúa Cha. Chúa Giê-su đã đi trước làm
gương cho ta. Người vâng lệnh Chúa Cha đến
với nhân loại như Ân Sủng, phụng sự Thiên Chúa và nhân loại dưới sự hướng dẫn của
Thánh Thần. Trong cuộc đời và sứ mệnh của
Chúa Giê-su, Thánh Thần đã đóng vai trò vô cùng quan trọng. Ngôi Hai làm người được thụ thai do quyền
năng Thánh Thần. Suốt cuộc sống là một
cuộc sống đầy tràn Thánh Thần. Cuối cuộc
đời khi tắt thở trên thập giá, Chúa Giê-su đã “gục đầu xuống và trao Thần Khí”
(Ga 19:30) để khởi sự cuộc Sáng tạo Mới.
Thánh Phao-lô quả quyết với ta:
“Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1 Cr
12:13). Như vậy ta cũng có thể noi theo
Chúa Ki-tô để xây dựng Giáo Hội, góp phần vào công cuộc cứu độ của Chúa Ki-tô.
3.
Thánh Thần và bình an trong Giáo Hội (bài
Tin Mừng – Ga 20:19-23)
Chúa
Thánh Thần tạo nên sự hài hòa mọi sinh hoạt của Giáo Hội, vì “chỉ có một Thần
Khí duy nhất”. Một khi đã có sự hài hòa
và duy nhất thì không còn tình trạng chia rẽ, mạnh ai nấy sống nữa. Trong các ân huệ của Thánh Thần (Gl 5:22-23),
bình an là kết quả của mọi ân huệ khác.
Do đó ta không lấy làm lạ khi Chúa Giê-su hiện ra với các Tông đồ, Người
đã chúc bình an cho họ, rồi “thổi hơi vào các ông và bảo: ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần’” (Ga 20:22).
Thánh
Thần quả thực cần thiết cho các Tông đồ trong hoàn cảnh hiện thời. Các ông vẫn còn bị chi phối, sợ hãi vì biến cố
Thương khó của Chúa. Mọi người đều có cảm
giác bơ vơ, mất nơi nương tựa. Không ai
biết phải làm gì trong những ngày sắp tới.
Lời chúc bình an của Chúa Giê-su mở ra cho họ một chân trời mới: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai
anh em”. Người muốn ám chỉ đến Chúa
Thánh Thần. Đúng vậy, được Chúa Cha sai
đến trần gian, Ngôi Hai Thiên Chúa đã để cho Thánh Thần hoàn toàn sắp đặt và hướng
dẫn. Chúa Cha đã sai Chúa Giê-su đi và
thi hành kế hoạch của Người, nhưng phải hoàn toàn theo tinh thần của Người, tức
là Thánh Thần. Giờ đây các Tông đồ cũng
được sai đi và thi hành sứ mệnh Người trao, cũng phải hoàn toàn theo cùng một
tinh thần ấy, tức là Thánh Thần. Chúa
Giê-su đã thổi một tinh thần mới, tinh thần của Thiên Chúa, vào các môn đệ để họ
tiếp tục sứ mệnh của Người là sứ mệnh “xóa tội trần gian”. Được đầy tràn Thánh Thần, Chúa Giê-su đã ra
đi để tha thứ tội lỗi cho người ta, hủy diệt những hậu quả tội lỗi gây nên cho
nhân loại và cuối cùng Người đã chiến thắng tội lỗi bằng cái chết đổ máu của
Người. Người đã hòa giải, đem lại bình
an cho loài người, bình an với Thiên Chúa và bình an với nhau. Tất cả những công việc ấy Người đều thực hiện
dưới ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần.
Đối
với các Ki-tô hữu, khi được lãnh nhận Thánh Thần qua Bí tích Rửa tội cũng như
Thêm sức, họ nghe cùng một lệnh truyền của Chúa Giê-su: Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai
anh em. Người sai ta đi trong cuộc đời,
tại gia đình, vào sở làm, đến với mọi người ta gặp gỡ…, để như các môn đệ đầu
tiên, ta “loan báo những kỳ công của Thiên Chúa”, những kỳ công Người đã thực
hiện để bày tỏ tình yêu của Người đối với nhân loại.
4.
Sống Lời Chúa
Chúa
Thánh Thần là linh hồn của Giáo Hội, điều khiển mọi sinh hoạt của Giáo Hội. Chúa Thánh Thần trước tiên đã hoạt động trong
Chúa Giê-su là Đầu của Nhiệm Thể, giúp Người chu toàn sứ vụ và thiết lập Giáo Hội. Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục là linh hồn của
mỗi chi thể trong Giáo Hội để giúp họ xây dựng Giáo Hội. Tuy nhiên, ta có sống như một đặc sủng, một
người đầy tràn Thánh Thần, để thi hành việc xây dựng ấy hay không là tùy ở thái
độ ta tiếp nhận Thánh Thần. Chắc chắn
Chúa Giê-su đều muốn “thổi hơi” vào từng người chúng ta, ban Thánh Thần cho ta
và sai ta đi. Nhưng nếu ta không muốn và
không cộng tác, thì đó là tùy ý ta và ta có trách nhiệm với việc chối từ ấy. Ước gì ta có được bình an của Chúa và sống sự
bình an đó trong gia đình của Chúa Ki-tô là Giáo Hội.
Suy nghĩ: Thánh Phao-lô dạy: Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có
một Chúa. Tôi được mời gọi phục vụ Chúa
và anh chị em. Nhưng tôi phục vụ theo
“Chúa” nào? Chúa Ki-tô hay chúa tham vọng,
chúa lợi lộc, chúa quyền hành phô trương thường nằm sẵn trong tôi? Tôi có nhắm lợi ích của Giáo Hội và làm sáng
danh Chúa khi phục vụ không?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã cử Thánh Thần đến thánh hóa
Giáo Hội ngay từ buổi sơ khai, và sai Giáo Hội đi rao giảng Tin Mừng cứu độ. Hôm nay khi mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống,
chúng con nài xin Chúa tiếp tục công trình Chúa đã thực hiện, mà tuôn đổ ơn
Chúa Thánh Thần cho mọi tín hữu trên khắp cùng thế giới. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng
con. A-men. (Lời
nguyện Nhập lễ, lể Hiện Xuống)
Lm.
Đaminh Trần Đình Nhi
8-5-2008