Lễ Mình và Máu Thánh
Chúa Ki-tô
Kế
hoạch cứu độ của Thiên Chúa là Chúa Giê-su được Chúa Cha sai đến trần gian để
đem Tin Mừng cho nhân loại và chết trên thập giá để chuộc tội muôn người. Tuy nhiên, để tiếp tục kế hoạch ấy sau khi
Chúa Giê-su về trời, Người đã hứa ở lại với Giáo Hội cho đến ngày tận thế. Người ở lại với ta bằng hai cách: sai Thánh Thần tới để dẫn dắt ta và thiết lập
Bí tích Thánh Thể để dưỡng nuôi ta trên hành trình đi về nhà Cha. Các bài đọc hôm nay liên hệ đến cuộc hành
trình của ta và lương thực dưỡng nuôi ta đang khi thực hiện cuộc hành trình ấy.
1.
Man-na và hành trình của dân Ít-ra-en (bài đọc Cựu Ước – Đnl 8:2-3.14b-16a)
Thường
sau cơn khốn khó một thời gian, người ta cũng dễ quên đi nhiều kỷ niệm, có khi
quên luôn cả những người đã từng giúp đỡ mình trải qua những ngày tháng hoạn nạn
ấy. Đây cũng là tâm trạng của dân
Ít-ra-en sau khi thoát khỏi bàn tay bạo tàn của Pha-ra-ô cùng nước Ai-cập và cuộc
sống khắc nghiệt bốn mươi năm trong sa mạc.
Họ bắt đầu lãng quên vai trò quan trọng của Thiên Chúa, Đấng cùng hành
trình và bảo vệ họ trên đường vào Đất hứa. Trước khi vượt qua sông Gio-đan vào đất Thiên
Chúa đã hứa ban cho tổ tiên Ít-ra-en và con cháu, ông Mô-sê đã hết lời hiệu triệu
dân Chúa trung thành với Người. Để giúp
họ đừng quên Thiên Chúa, ông nhắc lại những ngày tháng khổ cực của họ từ ngày rời
Ai-cập, lang thang trong sa mạc cho tới hôm nay bên bờ sông Gio-đan và nhìn thấy
Đất hứa. Vậy Thiên Chúa đã làm gì cho họ
trong suốt bốn mươi năm ấy?
Trước
hết, “Người thử thách anh em cho biết lòng dạ anh em, xem anh em có giữ các mệnh
lệnh của Người hay không” (Đnl 8:2). Dĩ
nhiên thử thách là điều ta không mấy thích, nhưng nó lại ích lợi cho ta, nhờ đó
ta biết trung thành hơn. Thiên Chúa “thử
thách” dân Người bằng cách cho họ nếm mùi cực khổ đói khát. Ta cứ tưởng tượng tâm trạng của dân Ít-ra-en
lúc bấy giờ. Nếu ở lại Ai-cập, tuy sống
kiếp tôi mọi nhưng có lẽ không phải cơ cực vì đói khát như trong sa mạc. Giờ đây trong cơn đói khát, làm sao họ giữ vững
được lòng tin vào Thiên Chúa? Để củng cố
lòng tin của họ, Thiên Chúa ra tay cứu giúp.
Người ban man-na và nước uống cho họ giữa sa mạc “mênh mông khủng khiếp,
đầy rắn lửa và bọ cạp, trong miền đất khô cằn không giọt nước”. Hình ảnh này mang hai ý nghĩa. Về phía dân Ít-ra-en, nó nói lên bản chất đầy
thử thách của cuộc hành trình về Đất hứa và cuộc hành trình đức tin của mỗi người. Về phía Thiên Chúa, hình ảnh diễn tả lòng yêu
thương đặc biệt Chúa dành cho dân Người.
Man-na không chỉ nuôi sống phần xác người Ít-ra-en, nhưng man-na còn biểu
tượng cho tình yêu và lòng thương xót phong phú của Thiên Chúa dành cho họ. Như man-na dư dùng cho dân mỗi ngày, lòng yêu
thương của Chúa cũng không hề vơi. Ông
Mô-sê đã rút ra cho họ một bài học vô cùng sâu sắc từ mục đích của phép lạ
man-na, đó là “Để làm cho anh em nhận biết rằng người ta sống không chỉ nhờ cơm
bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng Đức Chúa phán ra” (Đnl 8:3). Man-na quan trọng thế nào cho sự sống phần
xác, thì lương thực thiêng liêng là Lời Chúa cũng quan trọng cho sự sống linh hồn
như vậy. Ông Mô-sê nói cho dân Ít-ra-en
biết tầm quan trọng của Lời Chúa trước khi họ lãnh nhận Lề Luật Người ban cho họ
qua ông. Nếu người ta chỉ sống bằng cơm
bánh mà không dùng Lời Chúa để sống tâm hồn thì sống cũng như chết! Như thế, ông đã chuyển từ ý nghĩa man-na là của
ăn phần xác sang ý nghĩa man-na là “mọi lời từ miệng Đức Chúa phán ra”. Cũng vậy, man-na là lương thực cho hành trình
về Đất hứa thì Lời Chúa là lương thực cho hành trình đức tin đến sự sống đời đời.
2.
Thánh Thể, bánh hằng sống bởi trời, trong hành trình của Ki-tô hữu (bài Tin Mừng – Ga 6:51-58)
Người
Do-thái coi man-na là thứ bánh bởi trời do ông Mô-sê làm phép lạ để nuôi dưỡng
họ trong sa mạc. Nhưng Chúa Giê-su đã
xác định lại việc này: “Thật, tôi bảo thật
các ông, không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là
Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là
bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian” (Ga 6:32-33). Xác định này hết sức quan trọng, vì nó sẽ đưa
ta vào thực tại hoàn toàn mới lạ là Bí tích Thánh Thể. Như Thiên Chúa đã ban man-na cho dân Người thời
Cựu Ước thì giờ đây thời Tân Ước, Thiên Chúa cũng ban Con Một Người cho thế
gian làm lương thực thường tồn. Chính
Chúa Giê-su long trọng tuyên bố: “Tôi là
bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh
này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6:51).
Đúng vậy, Chúa Cha đã sai Con Một từ trời cao xuống thế gian làm lương
thực dưỡng nuôi nhân loại. Hình ảnh Hài
Nhi Giê-su nằm trong máng cỏ biểu tượng cho lương thực thường tồn của nhân loại. Theo quan niệm Do-thái, linh hồn nằm trong
máu, cho nên hai yếu tố thịt và máu nói lên toàn vẹn con người. Bởi vậy, khi Chúa Giê-su nói “Ai ăn thịt và uống
máu tôi, thì được sống muôn đời” thì ta hiểu là ta phải tiếp nhận tất cả con
người Chúa Giê-su, gồm sứ mệnh, Tin Mừng, giáo lý, cái chết và sự sống lại của
Người. Hoặc nói khác đi, là ta phải trở
nên một với Người. Tiếp nhận hoặc “ăn”
Chúa là Sự Sống muôn đời thì dĩ nhiên ta sẽ có sự sống muôn đời.
Chúa
Giê-su dùng hình ảnh man-na để giải thích cho xuất xứ bởi trời của Người. Nhưng giữa man-na và bánh ban sự sống đời đời
là Chúa Giê-su thì khác nhau một trời một vực.
Chúa Giê-su so sánh: “Đây là bánh
từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời” (Ga
6:53). Man-na chỉ là của ăn tạm thời (Xh
16:19-21), còn Thánh Thể là lương thực thường tồn. Man-na giúp người ta giữ được sự sống đời
này, còn Thánh Thể đưa ta đến sự sống vĩnh cửu đời sau. Man-na cần thiết cho hành trình trần gian đi
đến Đất hứa, còn Thánh Thể là lương thực cho hành trình đến Đất hứa vĩnh cửu là
quê trời. Man-na là dấu chỉ bề ngoài để
người Do-thái tin vào lòng yêu thương và quyền năng của Thiên Chúa, còn Thánh
Thể kết hiệp ta với chính Thiên Chúa, cho ta được “ở lại” trong Chúa và Chúa “ở
lại” trong ta.
3.
Thánh Thể kết hiệp ta với Chúa và với nhau (bài đọc Tân Ước – 1 Cr 10:16-17)
Suy
niệm về quyền năng của Thánh Thể kết hiệp ta với Chúa, thánh Phao-lô còn đưa ta
đi xa hơn nữa, tức là Thánh Thể cũng kết hiệp các Ki-tô hữu lại với nhau để làm
thành một thân thể là Giáo Hội. Trước hết
ngài nhắc đến việc “nâng chén chúc tụng mà tạ ơn Thiên Chúa” và “cùng bẻ Bánh
Thánh” tức là việc Giáo Hội cử hành Bí tích Thánh Thể. Mục đích của việc cử hành Bí tích Thánh Thể là
để ta được “dự phần” vào Mình và Máu Chúa Ki-tô, hoặc được kết hiệp với Người. Một khi ta hết thảy được kết hiệp với Chúa
Ki-tô là “một tấm Bánh”, thì hệ quả chắc chắn là ta hết thảy làm thành “một
thân thể”. Cùng “ăn” một tấm Bánh Ki-tô
là cùng làm thành một thân thể.
Thánh
Phao-lô muốn nhấn mạnh đến lý tưởng hiệp nhất, một lý tưởng Ki-tô hữu cần phải
thực hiện qua việc lãnh nhận Bí tích Thánh Thể.
Mỗi Ki-tô hữu là một tạo vật độc đáo của Thiên Chúa, một phần tử đặc biệt
của Giáo Hội. Tuy nhiên tính cách độc
đáo và đặc biệt ấy không phải là lý do để ta đứng riêng rẽ, không muốn kết hợp
với anh chị em Ki-tô hữu khác hoặc tệ hơn nữa còn chống lại anh chị em Ki-tô hữu
khác. Trái lại, ta thuộc đoàn dân Chúa,
giống như dân Ít-ra-en ngày xưa cùng ăn man-na và cùng hành trình về Đất hứa. Cũng thế, ta “tuy nhiều người”, nhưng “chia sẻ
cùng một Bánh” là Thánh Thể trong hành trình cùng nhau tiến về nhà Cha. Ta cứ tưởng tượng coi, mỗi ngày trong tuần hoặc
ngày Chúa Nhật, hằng triệu triệu người Công giáo tham dự Thánh lễ, chia sẻ cùng
một Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô để làm gì nếu không phải là để kết hiệp với
Chúa và với nhau? Sự kết hiệp đó quả thực
là to lớn và nếu tất cả cùng nhắm mục đích “được sống muôn đời” thì người ta sẽ
thấy được ơn cứu độ lớn lao biết chừng nào!
Đáng buồn là có nhiều người tuy tham dự Thánh lễ nhưng lại không nhận ra
được sự kết hiệp tuyệt diệu và ơn cứu độ vĩ đại ấy. Họ không hiểu được chiều kích kết hiệp và cứu
độ của Bí tích Thánh Thể quan trọng như thế nào đối với nhân loại và với chính
họ, do đó tham dự Thánh lễ mà vẫn thấy lẻ loi cô độc, chứ không phải như một
người con cái Chúa hoặc anh chị em với nhau, cùng sánh vai trong hành trình
băng qua “sa mạc mênh mông khủng khiếp” đời này để tới quê hương vĩnh cửu trên
trời.
4.
Sống Lời Chúa
Phụng
vụ Lời Chúa hôm nay trình bày Thánh Thể trong bối cảnh cuộc hành trình, hành
trình về Đất hứa của dân Chúa trong Cựu Ước và hành trình đức tin của Ki-tô hữu
tiến về sự sống muôn đời. Như man-na là
lương thực giúp dân Ít-ra-en đến được nơi Đất hứa, Thánh Thể cũng là lương thực
thường tồn cho Ki-tô hữu tiến dần đến sự sống muôn đời. Trong cuộc hành trình đến sự sống muôn đời,
Ki-tô hữu không độc hành, nhưng cùng đi với Chúa Giê-su và cùng anh chị em
Ki-tô hữu khác. Do đó, việc lãnh nhận
Thánh Thể là phương tiện giúp Ki-tô hữu được kết hiệp với Chúa và với nhau, nhờ
đó họ mới có thể vượt qua cuộc sống đầy thử thách đời này để đạt tới sự sống
muôn đời.
Suy nghĩ: Thánh Phao-lô dạy: “Tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy,
nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể”. Những lời này có bao giờ làm cho tôi suy nghĩ
về sự hiệp nhất giữa anh chị em Ki-tô hữu không? Giả như tôi đang gây nên sự chia rẽ trong cộng
đoàn dân Chúa, thì những lời này sẽ đánh động tôi như thế nào? Hoặc nếu tôi đang góp sức xây dựng cộng đoàn
dân Chúa, thì những lời này đem lại cho tôi cảm nghiệm nào?
Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, trong mầu
nhiệm Vượt Qua của Con Chúa, Chúa đã thực hiện công trình cứu độ thế gian. Này chúng con cùng nhau cử hành Thánh lễ,
cùng nhau loan truyền Đức Ki-tô đã chịu chết và tuyên xưng Người sống lại vinh
quang. Xin cho Thánh lễ giúp chúng con cảm
nghiệm ơn cứu độ của Chúa đang tiến triển trong chúng con. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng
con. A-men. (Lời
nguyện Nhập lễ, Thánh lễ ngoại lịch kính Thánh Thể)
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi