Lễ Suy tôn Thánh Giá

 

          Ý nghĩa của đau khổ được lồng trong hình ảnh rất quen thuộc đối với Ki-tô hữu, đó là thánh giá.  Tuy nhiên ý nghĩa nguyên thủy của Thánh giá là ý nghĩa cứu độ, theo đó Giáo Hội dành một lễ đặc biệt để ta có thể suy tôn sự cao trọng của thập giá Chúa Ki-tô.  Chính Chúa Giê-su đã cho ta thấy ý nghĩa cứu độ này khi Người phán:  “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3:14-15).  Thêm vào đó, suy niệm của thánh Phao-lô giúp ta hiểu rõ hơn kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

1.  Câu truyện cứu sống trong sa mạc (bài đọc Cựu Ước – Ds 21:4b-9)

          Mặc dù dân Ít-ra-en được cứu thoát khỏi ách nô lệ Ai-cập và hành trình về Đất hứa, họ vẫn không hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa, kêu trách Người và vị lãnh đạo là ông Mô-sê về đời sống cực khổ trong sa mạc.  Để cảnh tỉnh họ, Chúa để cho rắn độc cắn nhiều người phải chết.  Sợ hãi trước cái chết, họ lại chạy đến xin ông Mô-sê khẩn cầu Chúa cứu họ.  Theo lệnh Chúa, ông làm một con rắn bằng đồng, treo lên cao ở giữa trại để bất cứ ai bị rắn cắn chỉ cần nhìn lên nó sẽ được Chúa cứu khỏi chết.

          Câu truyện lịch sử này gợi lại cho ta lịch sử cứu độ Thiên Chúa thực hiện qua Chúa Giê-su Ki-tô.  Thiên Chúa truyền cho ông Mô-sê làm một con rắn bằng đồng rồi “treo lên một cây cột.  Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống”.  Đã từ lâu, biểu tượng của y khoa là một con rắn được treo trên cây cột  khiến ta liên tưởng đến câu truyện ông Mô-sê treo con rắn đồng lên cột cao để chữa lành những người bị rắn độc cắn.  Con rắn và cây cột trong sa mạc chỉ là một biểu tượng giúp gợi lên lòng tin vào Chúa nơi dân Ít-ra-en.  Khi người ta nhìn lên đó và có lòng tin vào Chúa thì Người sẽ cứu họ khỏi cái chết do nọc độc của rắn lửa.  Đó là câu truyện con rắn đồng trong sa mạc.  Chúa Giê-su đã lấy câu truyện ấy để áp dụng cho chính mình.  Người dùng hình ảnh ấy để so sánh với sứ mệnh cứu độ Người sẽ hoàn tất:  “Con Người cũng phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đởi”.

          Sau khi được Thiên Chúa tạo dựng, con người đã không vâng phục Thiên Chúa.  Họ để cho con rắn Xa-tan quỷ quyệt đánh lừa, nhả vào con người họ nọc độc của nó là tội lỗi và gây nên cái chết thể xác cũng như phần hồn (Rm 5:12; 1 Cr 15:55).  Từ đó, thế giới trở thành một sa mạc và toàn thể nhân loại đều bị nhuốm nọc độc của Xa-tan, nên phải chịu đau khổ và phải chết vĩnh viễn nếu không được cứu chữa.  Tuy nhiên Thiên Chúa có kế hoạch để cứu độ nhân loại.  Người có thể treo lên một con rắn đồng khác.  Nhưng như thế con người khó nhận ra được tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa.  Do đó, Người đã chọn một cách thức quả thực nhiệm mầu, là sai chính Con Một Người xuống trần gian, để Con Một Người được giương lên cao cho ai nấy nhận biết Chúa yêu thương nhân loại đến mức nào (Ga 3:16).

          Cây cột do ông Mô-sê dựng trong sa mạc chỉ để “giương cao” con rắn lên cho mọi người nhìn thấy.  Còn cây thập giá để “giương cao” Chúa Ki-tô lên mang ý nghĩa sâu xa hơn vô cùng.  Nó gắn liên với sự đau đớn và nhục nhã Chúa Ki-tô phải chịu.  Nó thay thế cho cây biết lành biết dữ trong vườn địa đàng và nảy sinh hoa quả cứu độ cho loài người.

2.  Thập giá là thước đo sự vâng phục của Chúa Ki-tô (bài đọc Tân Ước – Pl 2:6-11)

          Suy niệm về kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, thánh Phao-lô đã đặc biệt đề cao vai trò của Chúa Ki-tô, nhất là việc Người trút bỏ vinh quang Thiên Chúa đến làm người giữa nhân loại.  Với lời lẽ của đoạn thư đã trở thành bài thánh thi của Giáo Hội sơ khai, thánh Phao-lô khai triển sự vâng phục của Chúa Ki-tô qua từng hành vi diễn tả con đường Thiên Chúa đến cứu độ nhân loại.  Trước hết là hành vi Chúa Ki-tô trút bỏ địa vị và vinh quang Thiên Chúa để xuống thế làm người.  “Sống như người trần thế”, Chúa Ki-tô đã sống đời hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa.  Mức độ vâng phục ở đây là Người “bằng lòng chịu chết”.  Tuy nhiên vẫn chưa có thể đo lường được cao độ vâng phục của Chúa Ki-tô bằng duy cái chết mà thôi.  Do đó, thánh Phao-lô đã nói thêm về cái chết ấy phải như thế nào để cho ta thấy Chúa Ki-tô đã vâng phục một cách hoàn toàn tuyệt đối.  Thời ấy, không có cái chết nào nhục nhã hơn cái chết bị đóng đinh vào thập giá, là “điều ô nhục không thể chấp nhận đối với người Do-thái” (1 Cr 1:23).  Vậy mà Chúa Ki-tô đã vui lòng chịu chết với một cái chết chẳng có người Do-thái nào muốn chết như thế.  Thập giá đã xác định cái chết của Chúa Giê-su, không phải cái chết bình thường, nhưng cái chết ô nhục nhất.  Cho nên chính thập giá đã chứng tỏ sự vâng phục của Chúa Ki-tô là vâng phục tuyệt đối và có khả năng đền bù tội bất tuân của A-đam xưa.  Hơn nữa, hiệu quả của sự vâng phục tuyệt đối này cũng được minh chứng do việc Chúa Cha đã siêu tôn Đức Giê-su Ki-tô:  Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người…”

          Nếu thực sự hiểu được thập giá là mức độ đo lường sự vâng phục của Chúa Ki-tô, thì ta hãy trở về với chính mình để xét lại sự vâng phục của ta đối với Thiên Chúa.  Đời ta quả thực có quá nhiều thập giá, nhưng lấy thập giá để xét xem mình có thực sự vâng phục Chúa trong mọi sự hay không thì ít khi nào, trái lại thường là những lúc ta dễ dàng kêu trách Chúa như dân Ít-ra-en xưa.

3.  “Để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (bài Tin Mừng – Ga 3:13-17)

          Chúa Ki-tô đã được “giương cao” trong thế giới sa mạc này không phải chỉ như một biến cố lịch sử, nhưng như nguồn ơn cứu độ.  Thánh giá gắn liền với cuộc đời và sứ mệnh cứu độ của Chúa Giê-su, từ khi sinh ra tại Bê-lem cho đến lúc tắt thở trên đồi Sọ.  Thánh giá là điểm kết thúc cuộc Thương khó của Người, nhưng cũng là điểm khởi đầu cho một cuộc Tạo Dựng Mới.  “Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” (Ga 19:30).  “Lúc khởi đầu” cuộc sáng tạo, Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước mênh mang (St 1:2).  Giờ đây, “Lúc khởi đầu” cuộc Sáng Tạo Mới, Chúa Ki-tô “trao ban Thần Khí” để sản sinh một nhân loại mới gồm những người được kêu gọi, cứu chuộc và dự phần gia nghiệp Thiên Chúa.

          Thập giá Chúa Ki-tô là dấu chỉ cứu độ.  Nhưng nhận ra Đấng cứu độ là bước ta phải tiến tới, vì nếu không, thập giá sẽ là dấu chỉ vô nghĩa giống như bao người đeo thánh giá như một món trang sức mà không biết đến ý nghĩa cứu độ.  Nói khác đi, thánh giá phải đưa ta tới Chúa Ki-tô, Đấng bị đóng đinh trên thập giá.  Mục đích của thánh giá là giúp ta tin vào Chúa Ki-tô để được sống muôn đời.  Thánh giá trở thành con đường đưa ta đến sự sống muôn đời.  Trên đường ấy, ta được Chúa Ki-tô, người Hướng đạo và đồng hành, cùng đi với ta, cùng chia sẻ khổ đau với ta.  Trên đường ấy, ta được mời gọi “trở nên đồng hình đồng dạng” với Chúa Ki-tô (Pl 3:10).  “Tin vào Người” đòi hỏi ta phải “chịu đóng đinh” với Người.  Thánh Phao-lô đã giảng giải về việc đóng đinh này.  Ngài viết cho tín hữu Ga-lát:  “Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian” (Gl 6:14).  Những lời này cho ta thấy hai chiều kích của đời sống Ki-tô hữu.  Thập giá Chúa Ki-tô đòi hỏi ta trước hết phải “đóng đinh thế gian vào thập giá”, nghĩa là phải bỏ đi những gì thuộc về thế gian, tội lỗi và ma quỷ.  Ngược lại, trong chiều kích tích cực, ta phải “đóng đinh chính mình” vào thập giá Chúa Ki-tô, để được kết hiệp với Chúa Ki-tô, sống theo giáo lý và gương mẫu của Người, nhất là sống trong sự vâng phục Thiên Chúa như con cái Người, trở nên tạo vật mới do ơn cứu độ Chúa Ki-tô chịu đóng đinh đem lại (Gl 6:15).

4.  Sống Lời Chúa

          Chúa Ki-tô chịu đóng đinh trên thập giá có lẽ là hình ảnh ta gặp thấy nhiều nhất, trong nhà thờ, trong phòng ngủ tại tư gia, trên tường, trên ngực…  Thánh giá quá quen thuộc đến độ ta dễ dàng quên mất ý nghĩa đích thực của nó là ơn cứu độ.  Giáo Hội suy tôn Thánh giá là vì muốn nhắc nhở ta hãy suy niệm ý nghĩa cao cả của nó.  Nhưng hơn thế nữa, ta được mời gọi hãy đến với Đấng đã dùng Thánh giá để cứu chuộc muôn người, hãy “cùng chịu đóng đinh với Đức Ki-tô vào thập giá”, hãy “sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2:19-20). 

Suy nghĩ:  Tôi hiểu ý nghĩa của Thánh giá như thế nào?  Tôi có thường suy nghĩ về mục đích của Thánh giá là để cứu độ tôi không?  Nếu thế, tôi có cảm tạ Chúa về sức mạnh của thánh giá và thấy mình được hãnh diện chung phần thánh giá với Chúa Ki-tô không?  Những thí dụ cụ thể nào trong cuộc sống nói lên việc tôi kết hiệp với Chúa Ki-tô chịu đóng đinh?

Cầu nguyện:  Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho Con Một Chúa chịu khổ hình thập giá để cứu chuộc loài người.  Xin cho chúng con mai sau được hưởng nhờ quả phúc cây thập giá, mà ngày nay chúng con vẫn một lòng yêu mến suy tôn.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, lễ Suy tôn Thánh giá).

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà