Chúa Nhật 10 Mùa Thường
Niên, A
Một
khía cạnh căn bản của đời sống Ki-tô hữu, đó là chọn Đức Ki-tô và sống Tin Mừng,
giống như dân Ít-ra-en đã quyết định chọn Đức Chúa và thờ phượng Người. Ki-tô hữu noi theo lối sống của Chúa Ki-tô,
mang lấy những tâm tình của Người, nhất là trong cách cư xử với tha nhân. Thiên Chúa không hài lòng với Ít-ra-en, vì họ
chỉ thờ phượng Chúa bằng môi miệng hay bằng những nghi lễ rỗng tuyếch. Họ thờ phượng Chúa mà thiếu hẳn cái hồn của
việc thờ phượng, tức là tình yêu. Cũng vậy,
Ki-tô hữu không thể sống Tin Mừng mà lại thiếu lòng yêu thương bác ái đối với
anh chị em, nhất là những người tội lỗi.
Lời Chúa hôm nay cho ta thấy điểm chủ yếu của đời sống đức tin là tình
yêu.
1.
Thờ phượng Chúa với tất cả tấm lòng (Bài
đọc Cựu Ước – Hs 6:3-6)
Thiên
Chúa của Ít-ra-en khác hẳn với các thần dân ngoại tôn thờ. Người không xa cách Ít-ra-en giống như các thần
dân ngoại, nhưng “đem lòng quyến luyến và chọn” họ là vì yêu thương họ (Đnl
7:7-8). Thế mà Ít-ra-en vẫn cố tình bỏ
Thiên Chúa để phụng thờ ngẫu tượng và sống sa đọa (Hs 4:11-14). Ngôn sứ Hô-sê mô tả tình yêu hời hợt của
Ít-ra-en đối với Thiên Chúa, miệng họ nói “phải ra sức nhận biết Đức Chúa”,
nhưng lòng thì lại thật xa cách Người và hướng về các thần ngoại.
“Nhận
biết” Đức Chúa là hành vi chủ yếu của việc thờ phượng Người. Nhận biết không chỉ là một ý thức hoàn toàn
thuộc lý trí, nhưng còn là cảm nghĩ và tâm tình của tất cả lòng yêu mến. Dân ngoại nhận biết các thần của họ bằng những
lễ nghi bề ngoài, nhiều khi còn đi ngược với đạo đức như “ngay cả các con trai
con gái của chúng, chúng cũng đã bỏ vào lửa mà thiêu để tế các thần của chúng”
(Đnl 12:31). Vậy mà Ít-ra-en lại muốn bắt
chước cách thức của dân ngoại mà tế lễ Thiên Chúa! Cho nên Thiên Chúa khẳng định: “Ta muốn tình yêu, chứ không cần hy lễ, thích
được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu” (Hs 6:6). Nhưng tình yêu của Ít-ra-en dành cho Thiên
Chúa như thế nào? Ngôn sứ Hô-sê đã nói về
thứ tình yêu vật vờ ấy của Ít-ra-en như sau:
“Tình yêu của các ngươi khác nào mây buổi sáng, mau tan tựa sương mai”
(Hs 6:4). Mây buổi sáng và sương mai là
những thứ tạm bợ, chỉ một lúc là tan biến không tồn tại được lâu dài. Nếu tình yêu là cái hồn của việc thờ phượng
mà chỉ là tạm bợ, bề ngoài, thì việc thờ phượng làm sao có thể lâu bền và đậm
đà được. Lời hiệu triệu của Mô-sê chắc hẳn
Ít-ra-en không thể quên. “Nghe đây, hỡi
Ít-ra-en! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta,
là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức
Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em. Những lời này tôi truyền cho anh em hôm nay,
anh em phải ghi tạc vào lòng” (Đnl 6:4-6).
Lời
“than phiền” của Thiên Chúa chắc phải được áp dụng cho nhiều “sinh hoạt đạo đức”
của ta. Xây nhà thờ cho thật hoành
tráng, chuông lớn treo trên tháp thật cao, rước sách kèn trống linh đình, kinh
kệ và hát xướng rền vang, nhưng thử hỏi cái hồn của việc thờ phượng được bao
nhiêu. Tất cả những thứ đó phải biểu lộ
được tình yêu của ta đối với Chúa và anh chị em, phải đưa ta đến với Chúa, chứ
không phải “bắt Chúa đến với chúng ta” trong những sinh hoạt của ta, làm như
Chúa phải đến “như mưa rào, như mưa xuân tưới gội đất đai”!
2.
Thờ phượng Chúa với tất cả niềm tin (bài
đọc Tân Ước – Rm 4:18-25)
Nếu
tình yêu là cách thức để ta biểu lộ lòng tôn thờ Thiên Chúa, thì đức tin chính
là mối quan hệ yêu thương giữa Chúa với ta.
Chúa kêu gọi và tuyển chọn Áp-ra-ham, còn ông Áp-ra-ham thì đáp lại lời
gọi bằng cách hoàn toàn tín thác vào lời hứa và quyền năng của Chúa. Quan hệ giữa Thiên Chúa và Áp-ra-ham là quan
hệ giữa lời gọi và sự đáp trả. Dù phải
chấp nhận thiệt thòi trước mắt và tương lai xa mờ do việc rời xứ sở để đi đến một
nơi xa lạ, ông Áp-ra-ham vẫn đặt lời hứa của Thiên Chúa lên trên hết và vâng lời
ra đi. Lời hứa của Thiên Chúa với ông
Áp-ra-ham là một lời hứa không thể hiểu được.
Lời hứa đem lại cho ta niềm hy vọng.
Thế mà niềm hy vọng của ông Áp-ra-ham là gì nếu không phải là “trở thành
tổ phụ nhiều dân tộc”, một điều không thể xảy ra vì tuổi già của ông và bà
Xa-ra. Làm sao có thể tin vào lời hứa
cho hai ông bà già sinh con! “Nhưng ông
vẫn vững tin không nao núng, khi nghĩ rằng thân xác ông cũng như dạ bà Xa-ra đều
đã chết”. Ông biết giới hạn của con người,
nhưng ông cũng biết quyền năng vô biên của Thiên Chúa và ông tin vào quyền năng
ấy. “Điều Thiên Chúa đã hứa thì Người
cũng có đủ quyền năng thực hiện”.
Thánh
Phao-lô nêu tấm gương về lòng tin của ông Áp-ra-ham là để áp dụng cho đức tin của
ta nơi Thiên Chúa. Lòng tin của ông
Áp-ra-ham đã khiến cho thân xác già nua của ông và dạ đã chết của bà Xa-ra được
sống lại để sinh con và làm tổ phụ của nhiều dân tộc thế nào, thì cũng thế,
lòng tin vào Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô đã làm cho Người được sống lại từ
cõi chết để làm trưởng tử của một nhân loại mới. Vậy lòng tin của ta vào Thiên Chúa sẽ đem lại
cho ta điều gì? Thánh Phao-lô trả lời: Nếu ta tin vào Đấng đã làm cho Đức Giê-su,
Chúa chúng ta, sống lại từ cõi chết để chuộc tội lỗi ta, thì ta sẽ được kể là
công chính (Rm 4:24) và được bảo đảm ơn cứu độ (Rm 5). Sau khi được “sống lại từ cõi chết”, ông
Áp-ra-ham tiếp tục cuộc hành trình đức tin làm tổ phụ nhiều dân tộc, Chúa
Giê-su thì được tôn vinh làm “anh cả của một đàn em đông đúc”, còn ta thì được
làm con Chúa để tiếp tục hành trình đức tin tiến đến ơn cứu độ vĩnh viễn. Lòng tin biểu lộ mối quan hệ sống động giữa
Thiên Chúa với ông Áp-ra-ham, giữa Thiên Chúa với Đức Giê-su và giữa Thiên Chúa
với ta. Các Ngài đã nhờ đức tin mà “nên
vững mạnh và tôn vinh Thiên Chúa”. Đó
chính là gương mẫu sống đức tin cho ta, những Ki-tô hữu đang hành trình đức tin
trên trần gian này.
3.
Thờ phượng Chúa bằng cách sống lòng nhân từ của Người (bài Tin Mừng – Mt 9:9-13)
Lòng
mến và đức tin đưa ta vào mối quan hệ mật thiết với Chúa để ta biết sống theo
như Người muốn. Vậy Chúa muốn ta làm
gì? Qua ngôn sứ Hô-sê, Người bảo
ta: “Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ,
thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu”. Cốt lõi của cuộc sống là tình yêu, trong đời
sống đối với Chúa cũng như đối với nhau, hoặc ta thường nói vắn tắt, “mến Chúa
yêu người” là lẽ sống của ta. Mến Chúa với
tất cả tấm lòng và đức tin của ta, yêu người với tất cả lòng nhân ái. Chúa cho ta một gương mẫu về lối sống ấy, đó
là Đức Giê-su. Câu truyện Chúa Giê-su gọi
ông Mát-thêu và yêu thương những người tội lỗi đã cho ta thấy muốn thờ phượng
Thiên Chúa, ta không chỉ dâng Người lễ tế, nhưng là sống lòng nhân hậu của
Thiên Chúa đối với anh chị em.
Đối
với quan điểm của người Do-thái, ông Mát-thêu là người thu thuế thì đương nhiên
phải là người tội lỗi. Vậy mà Chúa
Giê-su không tránh ông như tránh hủi, trái lại Người đến nơi ông làm việc và
đích thân gọi ông làm môn đệ. Hành vi ấy
quả là chướng tai gai mắt đối với người Do-thái lắm rồi. Nhưng Chúa còn đi xa hơn nữa, là đến ăn uống
tại nhà ông cùng với “nhiều người thu thuế và những người tội lỗi kéo đến”. Chúa Giê-su muốn sống mối quan hệ với Thiên
Chúa bằng cách biểu lộ lòng nhân hậu của Thiên Chúa đối với kẻ tội lỗi. Người thực hiện chân lý “Thiên Chúa yêu
thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một”.
Giờ đây Chúa Giê-su “được ban” cho Mát-thêu và những người tội lỗi khác,
để kêu gọi họ và làm cho họ được nên công chính. Người thực hiện lý tưởng của Thiên Chúa đã được
ngôn sứ Hô-sê nói đến. Người muốn “tình
yêu chứ không cần hy lễ”. Nói khác đi,
Người muốn đối xử với Mát-thêu và các bạn bè tội lỗi của ông bằng lòng nhân ái
của Thiên Chúa, chứ không phải bằng sự khinh miệt của người Pha-ri-sêu. Người muốn “được nhận biết hơn là được của lễ
toàn thiêu”. Hoặc nói khác đi, Người muốn
được những kẻ tội lỗi nhận biết như người anh cả trong đại gia đình của Thiên
Chúa để dẫn đưa họ trở về nhà Cha. Đối với
Chúa Giê-su, việc thờ phượng Thiên Chúa cần phải vượt qua những việc biểu lộ bề
ngoài như dâng hy lễ hay lễ toàn thiêu để thực thi lòng nhân hậu đối với người
khác. Tế lễ Chúa mà đồng thời lại sống
ác nghiệt với anh chị em thì quả là đối nghịch nhau. Đọc kinh cho lắm và làm nhiều việc đạo đức mà
lại tìm cách làm hại anh chị em thì đúng là điều vô cùng mỉa mai. Chúa Giê-su lấy lòng nhân mà đối xử với kẻ tội
lỗi thế nào, ta cũng phải lấy tình bác ái huynh đệ mà đối xử với nhau như vậy.
4.
Sống Lời Chúa
Phụng
vụ Lời Chúa các Chúa Nhật mùa Thường niên thường xoay quanh giáo lý và gương mẫu
của Chúa Ki-tô. Đời sống Ki-tô hữu của
ta không những phải thay đổi theo lời dạy dỗ của Chúa, nhưng còn do lối sống và
cách cư xử của Người có sức mạnh thay đổi ta hơn nữa. Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo. Hôm nay ta đã biết được Thiên Chúa muốn ta
tin cậy và yêu mến Người. Nhưng Người
cũng muốn ta biểu lộ lòng tin cậy và yêu mến ấy, bằng cách sống lòng nhân đối với
những anh chị em con cùng một Cha với ta, giống như Chúa Giê-su đã yêu thương
và đến với những người tội lỗi.
Suy nghĩ: Chúa Giê-su gọi ông Mát-thêu làm môn đệ. “Ông đứng dậy và đi theo Người”. Làm môn đệ Chúa là sống theo giáo lý và lối sống
của Người. Tôi mệnh danh là môn đệ Chúa,
vậy tôi đã sống giống như Người chưa? Nhất
là trong cách đối xử với anh chị em và những “kẻ tội lỗi”, tôi đã đối xử với họ
theo “lòng nhân” chưa?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa là nguồn phát sinh mọi điều
thiện hảo, xin đáp lời con cái nài van mà soi sáng cho biết những gì là chính
đáng và giúp chúng con đủ sức thi hành.
Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. A-men.
(Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật 10
mùa Thường niên)
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi