THÂN PHẬN

Chúa Nhật 12A Thường Niên

 

Đâu là thân phận con người giữa trời đất ?   Cao cả hay thấp hèn ?    Vĩ đại hay tầm thường ?   Sâu sắc hay hời hợt ?   Can đảm hay nhát sợ ?  Tất cả chỉ tìm được câu trả lời trong Đức Giêsu Kitô.

 

ĐỪNG SỢ !

 

Có nhiều mãnh lực đang đe dọa mạng sống con người.   Thiên nhiên, muông thú v.v. đều dễ dàng áp đảo con người bé nhỏ và yếu đuối.   Nhưng những mãnh lực đó không đáng sợ bằng chính con người.  Vì sợ hãi có người chấp nhận mọi điều kiện để bảo toàn mạng sống, dù phải bán rẻ linh hồn, danh dự v.v.  Vì sợ hãi, nhiều người không dám làm gì, chỉ khoanh tay nhìn thời sự xoay vần.   Đúng là hạng chết nhát !   Tệ hơn nữa, nỗi sợ còn đẩy nhiều người vào con đường gian ác, ngu xuẩn, phản bội. Trước những sợ hãi phi lý đó, Đức Giêsu trấn an : “anh em đừng sợ người ta.” (Mt 10:26)    Người nhấn mạnh : “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn.” (Mt 10:28)   Nếu có phải sợ, chỉ nên sợ một mình Thiên Chúa, vì Người là “Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục.” (Mt 10:28) 

Nhưng Thiên Chúa không muốn đối xử với các tín hữu với bộ mặt ghê sợ đó.   Trái lại, “Thiên Chúa là tình yêu.” (1 Ga 4:16)   Bằng chứng, “ngay tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi.” (Mt 10:30)    Người săn sóc từng người.  Người làm bá chủ chim trời cá biển, tới mức “không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em.” (Mt 10:29)   Chính Thiên Chúa đã làm cho “anh em quí giá hơn muôn vàn chim sẻ.” (Mt 10:31)   Thực ra, giá trị cuộc sống không đo bằng số lượng vật chất, nhưng bằng chính niềm tin nơi Thiên Chúa.  

Nếu tất cả không xảy ra ngoài thánh ý Thiên Chúa, tại sao phải sợ hãi trước các mãnh lực đe dọa con người ?  Chính cái chết là đầu mối sinh ra mọi sợ hãi nơi con người.    Thực vậy, “vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết.” (Rm 5:15)   Nhưng “tử thần đã bị chôn vùi.”  (1 Cr 15:54)   “Thực vậy, Đức Kitô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người.   Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết.” (1 Cr 15:25)   Nếu tử thần không lướt thắng nổi Người, thì những người trông cậy Chúa còn phải sợ chi nữa ?    Nhưng nếu không sống trong nguồn ân sủng là Thiên Chúa, con người chỉ còn sợ hãi.   Chẳng có sức mạnh nào lấn át được Thiên Chúa !  Vậy mà Thiên Chúa dùng tất cả sức mạnh tình yêu nhằm bảo vệ con người.   Vượt qua nỗi sợ hãi bình thường, các môn đệ sẽ can đảm dấn thân làm chứng cho Chúa trước muôn dân.    Với cánh tay hùng mạnh, Thiên Chúa “đã giải thoát kẻ cơ bần khỏi tay phường hung bạo,” (Gr 20:13) để trở thành nguồn hi vọng độc nhất của toàn thể nhân loại. 

Chỉ niềm tin mới mạc khải tất cả lý do tại sao có niềm hi vọng lớn lao.  Càng tin tưởng vào Thiên Chúa càng không lo sợ.    Thực vậy, “ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người.” (Rm 5:15)    Chính nguồn ân sủng lớn lao đó khiến chứng nhân can đảm leo “lên mái nhà rao giảng điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm hay điều anh em nghe rỉ tai.” (Mt 10:27)   Lời giảng phải bộc lộ tất cả niềm tin sâu xa nơi Thiên Chúa. Tất cả định mệnh con người tín hữu đều tùy thuộc vào sứ mệnh rao giảng.   Thực vậy, công cuộc Phúc âm hóa nhân loại hôm nay không thể hoàn thành, nếu người tín hữu không dấn thân tích cực vào việc làm chứng cho Đức Kitô.  Bởi thế, Chúa mới nói : “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời,” (Mt 10:32)  Nhờ những tiếng nói gan dạ đó, cả nhân loại sẽ bừng tỉnh trước Tin Mừng được các chứng nhân mạnh dạn “nói ra giữa ban ngày.” (Mt 10:27)

 

MỘT CHỨNG TỪ CAN ĐẢM

 

Càng suy nghĩ càng thấy các chứng nhân Tin Mừng có đủ lý do vượt lên trên mọi sợ hãi để “rao giảng lời Chúa lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện.” (2 Tm 4:2)   Mỗi thách đố đều thức tỉnh Giáo Hội và làm nảy sinh những phương pháp Phúc âm hóa mới lạ, phù hợp với các biến chuyển trên thế giới.  Hôm nay, cuộc rao giảng Tin Mừng đang gặp thách đố lớn tại Hoa Kỳ vì vấn đề lạm dụng tình dục của một số giáo sĩ Hoa Kỳ.   Đứng trước vấn đề đó, các vị lãnh đạo Giáo Hội Hoa Kỳ có đưa ra những giải pháp hợp tình hợp lý không ?    Giáo Hội đã làm gì trước sức tấn công như vũ bão của lực lượng truyền thông, mà không đánh mất nét Tin Mừng trên khuôn mặt của mình ?  

Như Đức Giêsu, Giáo Hội phải thể hiện được nét nhân từ ngay khi phải chiến đấu quyết liệt.  Trước hết, ĐHY Oscar Rodriguez Maradiaga giáo phận Tegucigalpa, Honduras, đã lên tiếng tố cáo giới truyền thông Hoa Kỳ và nêu đích danh ông Ted Turner, người sáng lập đài CNN, “người công khai chống Công giáo.”   Các tờ báo New York Times,Washington Post, và Boston Globe đang áp dụng các chiến thuật giống như các bạo chúa Diocletian, Neron, Stalin và Hitler để bách hại Giáo Hội (CWNews 11/06/02).    

Trước cơn bách hại của giới truyền thông, các vị lãnh đạo Giáo Hội Hoa Kỳ kêu gọi giáo dân cầu nguyện.  Trong suốt buổi họp tại Dallas, các ngài không ngừng khẩn nài Thánh Linh trợ giúp.   Kết quả những biện pháp đã được công bố để đề phòng các vụ vi phạm tính dục trẻ em.   Các ngài đã chính thức xin lỗi các nạn nhân và gia đình của họ.   Một chính sách cấm các giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ em thi hành công vụ, kể cả việc dâng lễ và phục vụ trong các hội từ thiện Công giáo.  ĐGM Wilton Gregory nói : “Từ nay trở đi, những người bị phát giác vi phạm tính dục trẻ em sẽ không được làm việc trong Giáo Hội Công giáo Hoa Kỳ nữa.” (Zenit 14/06/02)   Nhưng các giám mục quyết định các linh mục lạm dụng không tức khắc bị loại khỏi hàng ngũ linh mục như chính sách “bất khoan dung” đề ra.   Các linh mục đó có thể bị đẩy về hàng ngũ giáo dân, nhưng tiến trình tùy thuộc vị giám mục chủ chăn, cùng với ban cố vấn chủ yếu là giáo dân.   ĐHY Anthony Bevilacqua giáo phận Philadelphia đã trả lời Hội Nhà Báo : chính sách đó phản ánh nhu cầu tỏ bày “tấm lòng cảm thông của Đức Kitô” đối với các linh mục. (Zenit 14/06/02)    Thế là giới truyền thông đã vô tình tạo cơ hội cho Tin Mừng được rao giảng qua thái độ bao dung và nhân hậu của Giáo Hội.

Phải chăng đây cũng là cơ hội cho các linh mục nhận thức rõ về chính mình như những “thừa tác viên của lòng nhân hậu” hay như “chứng nhân của lòng Thiên Chúa xót thương.” (Cipriani: Zenit 17/06/2002)     ĐHY Cipriani kêu gọi các linh mục hãy phục hồi tất cả giá trị của bí tích giao hòa như tặng phẩm của lòng Thiên Chúa xót thương.   Sứ mệnh và lẽ sống của linh mục “là một dụng cụ sống động của ân sủng Thiên Chúa.” (Zenit 17/06/2002)   Giáo Hội là điểm qui tụ những “thừa tác viên phục vụ lòng tha thứ của Thiên Chúa.” (Cipriani: Zenit 17/06/2002)  Có thể thấy rõ chứng từ ấy trong cách Giáo Hội Hoa Kỳ đối xử với các giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ em.

 

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà