Chúa Nhật 12 mùa Thường
niên
Phụng vụ
Lời Chúa của Chúa Nhật trước đã giúp ta hiểu phần nào những chiều kích của tình
yêu Thiên Chúa. Vì yêu, Chúa bênh đỡ
ta. Vì yêu, ta cảm nhận được bình an bởi
có Chúa là Đấng phù trợ ta. Lời Chúa hôm
nay cho ta một mẫu gương sống động tin vào tình yêu Thiên Chúa và những lời giảng
dạy vô cùng thực tế của Chúa Giê-su về lòng tín thác nơi tình yêu Thiên Chúa.
1. Kinh nghiệm được tình yêu Thiên Chúa cứu giúp
của ngôn sứ Giê-rê-mi-a (bài đọc Cựu Ước
– Gr 20:10-13)
Ngôn sứ là những vị được Chúa sai đến để nói thay cho Người. Các ngài mang sứ điệp của Thiên Chúa đến cho
dân Người. Mà thường những sứ điệp ấy lại
là những lời kêu gọi họ bỏ đường tà để trở về nẻo chính. Sự thật mất lòng. Do đó các vị ngôn sứ cũng bị “vạ lây” khi các
ngài thi hành sứ vụ Thiên Chúa trao.
Ngôn sứ Giê-rê-mia không tránh khỏi tình huống thông thường ấy. Ngài bị ngược đãi tại A-na-thốt (Gr
11:18-23), bị mưu hại (18:18), bị bắt và bị xử (26:1-15; 37:11-21), trăm điều
khốn khổ đến nỗi ngài đã phải than thân trách phận: “Con vô phúc quá, mẹ ơi, mẹ sinh con ra làm
gì, để cho người ta chống đối, cho cả nước gây gổ với con. Con chẳng cho ai vay, cũng không mượn của người,
thế mà vẫn cứ bị nguyền rủa” (Gr 15:10).
Tuy nhiên có một điều làm ta hết sức khâm phục vị ngôn sứ,
đó là trong mỗi hoàn cảnh khó khăn như vậy, bao giờ ngài cũng hướng về Thiên
Chúa, cầu khẩn Người thương che chở giữ gìn.
Đáp lại, Thiên Chúa an ủi nâng đỡ ngài và thêm sức mạnh để ngài tiếp tục
thi hành sứ vụ. Dùng chính những kinh
nghiệm cá nhân ấy, ngôn sứ Giê-rê-mi-a mang lại một sứ điệp khích lệ ta vững
lòng tin Chúa: “Hãy ca tụng Đức Chúa,
hãy ngợi khen Đức Chúa, vì Người đã giải thoát kẻ cơ bần khỏi tay phường hung bạo”
(Gr 20:13).
Bí tích Rửa tội cho Ki-tô hữu được tham dự vào sứ vụ ngôn sứ
của Chúa Ki-tô, để làm chứng nhân cho Tin Mừng.
Trong sứ vụ ấy, chắc chắn ta phải chấp nhận những thiệt thòi bách hại vì
ta là môn đệ Chúa. Nhưng tình yêu của
Chúa là khí giới để ta đối phó với nghịch cảnh và được can đảm để tiếp tục sống
những gì Chúa Ki-tô dạy ta. Kẻ thù của
ngôn sứ Giê-rê-mi-a tưởng ngài khiếp sợ trước những tấn công dồn dập của họ,
nên họ gọi ngài là “lão Tứ phía kinh hoàng”.
Nhưng ngôn sứ lại vững như đồng, bởi vì “Đức Chúa hằng ở bên con như một
trang chiếbn sĩ oai hùng”. Nếu ta học được
gương tín thác vào tình yêu Thiên Chúa như ngôn sứ đã tín thác, thì ta cũng sẽ
được trung kiên làm chứng nhân cho Đức Ki-tô và “nức lòng phấn khởi, vì Chúa nhận
lời kẻ nghèo khó, chẳng coi khinh thân hữu bị giam cầm” (Tv 68:33-34).
2. Tình yêu Thiên Chúa cứu giúp ta được thể hiện
nơi Đức Ki-tô (bài đọc Tân Ước – Rm
5:12-15)
Thiên Chúa bênh đỡ vị ngôn sứ của Người là Giê-rê-mi-a thế
nào thì Người cũng bênh đỡ nhân loại như vậy.
Giê-rê-mi-a bị kẻ thù bách hại và được Thiên Chúa cứu thoát. Nhân loại bị tội lỗi làm cho phải chết và sẽ
được Thiên Chúa cứu sống. Thánh Phao-lô
Tông đồ trình bày việc cứu sống ấy trong giáo lý của ngài, đặc biệt trong thư gửi
tín hữu Rô-ma. Ngài dùng lối so sánh
giúp ta thấy được sự tương phản giữa sự sa ngã của A-đam và ân sủng của Thiên
Chúa là Đức Ki-tô, giữa hậu quả lớn lao của tội A-đam là sự chết và hiệu quả còn
lớn lao hơn do cái chết của Đức Ki-tô tức là ơn cứu độ. Ngài đi tới kết luận: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng
chứa chan gấp bội” (Rm 5:20). Giáo Hội
cũng theo đà suy nghĩ ấy mà gọi tội A-đam đã phạm là “tội hồng phúc” (bài công
bố Tin mừng Phục Sinh, Thứ Bảy Tuần Thánh)!
Tình yêu cứu độ của Thiên Chúa lớn lao như vậy, nhưng đáng
tiếc có nhiều người lại không nhận biết tình yêu lớn lao ấy. Có thể tại họ không được học hỏi giáo lý tường
tận. Nhưng cũng có thể vì họ được lãnh
nhận ân sủng như không nên họ coi thường và không trân quý ơn cứu độ Chúa
ban. Đời sống quá vật chất làm cho ta ít
nghĩ đến khía cạnh cứu độ, đến đời sống đức tin. Hơn nữa ta cũng ít để ý tới vai trò quan trọng
có một không hai của Đức Ki-tô và hiệu quả vô song do công nghiệp cứu độ của
Người. Những điều này nếu ta không xác
tín và tin vào Đức Ki-tô, thì ta chẳng khác gì những người Do-thái vẫn sống bám
víu vào Lề Luật thay vì mở lòng đón nhận Ân Sủng của Thiên Chúa là Đức
Ki-tô. Thánh Gio-an Tông đồ đã khẳng định
vai trò cứu độ của Đức Ki-tô: “Để ai tin
vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16).
So sánh với hoàn cảnh ngôn sứ Giê-rê-mi-a, ta còn được may
mắn hơn bội phần. Ngôn sứ được cứu giúp
trong cơn bách hại bởi kẻ thù của ngài.
Còn ta được cứu độ khỏi quyền lực của tội lỗi và khỏi sự chết muôn đời. Điều ấy càng giúp ta nhận biết tình yêu Thiên
Chúa dành cho ta bao la biết chừng nào.
Do đó, không gì tốt hơn là ta hãy cảm tạ Chúa vì “muôn ngàn đời Chúa vẫn
trọn tình thương” (Tv 136).
3. Vì Thiên Chúa yêu thương ta, nên ta “đừng sợ”
(bài Tin Mừng – Mt 10:26-33)
Chúa Giê-su được sai đến với sứ mệnh là cho ta biết Thiên
Chúa yêu thương ta đến mức nào. Người tỏ
cho ta biết dung mạo của Thiên Chúa đích thực, một Thiên Chúa làm người Cha
thương yêu con cái. Một trong những cách
Thiên Chúa biểu lộ tình yêu, đó là Người che chở gìn giữ ta trước những tấn
công của kẻ thù khi ta làm chứng nhân cho Đức Ki-tô và Tin Mừng của Người.
Trong sứ mệnh làm chứng nhân, thái độ can đảm và không sợ
hãi là điều kiện cần phải có. Thái độ
này giúp ta bất chấp mọi nguy hiểm đe dọa để cho người khác thấy điều ta muốn
làm chứng. Những giá trị Tin Mừng cần phải
được sống và biểu lộ qua cuộc sống cho người ta thấy được và nhận ra những gì
Chúa dạy ta phải sống. Mà việc làm chứng
nhân cho Chúa Ki-tô sẽ tạo ra những bất lợi cho ta. Ta sẽ phải đối phó với những thiệt thòi, những
đe dọa cho sự sống của ta nếu ta đang ở trong hoàn cảnh bị bách hại vì đức
tin. Thánh Mát-thêu viết những dòng Tin
Mừng này cho những anh chị em tín hữu đang bị bắt bớ khủng bố trong cơn bách hại. Ngài lập lại lời Chúa khuyên “đừng sợ những kẻ
giết thân xác mà không giết được linh hồn”, vì ta có Chúa là Đấng “có thể tiêu
diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục”. Người
sẽ bênh vực ta vì ta có một giá trị độc đáo đối với Người. Đến như những sinh vật nhỏ bé không giá trị
như chim sẻ mà Chúa còn lo lắng cho chúng, thì đời nào Người lại bỏ rơi linh hồn
ta trong khi ta có giá trị hơn chim sẻ trăm ngàn lần. Chẳng lẽ Chúa chăm sóc từng sợi tóc của ta mà
lại để kẻ thù cướp mất linh hồn ta.
Chính Chúa Giê-su đã sống điều Người dạy. Người không sợ rao giảng Tin Mừng. Người không sợ nói lên những sai lầm của nhóm
Pha-ri-sêu và kinh sư. Người không sợ những
người có thể giết Người bằng cách lên án bất công và đóng đinh Người vào thập
giá. Người chỉ kính sợ duy một mình
Thiên Chúa Cha, Đấng có quyền trên sự sống xác hồn và cho Người được sống lại từ
cõi chết.
Ta thường sợ “tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ”, tức
là sợ người khác biết ta là môn đệ Chúa.
Muốn làm chứng nhân cho Chúa, ta phải can đảm nhận mình là môn đệ Chúa
và chứng minh điều ấy qua lối sống của ta.
Một thí dụ cụ thể về việc nhận mình là môn đệ Chúa: trước khi ăn tại nhà hàng hoặc nơi có người lạ,
ta làm dấu Thánh giá, cầu nguyện tạ ơn Chúa trước khi bắt đầu ăn, không sợ ai
cười chê mình là người Công giáo. “Tuyên
bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ” là lối nói diễn tả cách ta làm chứng mình là
môn đệ Chúa và sống những giá trị Tin Mừng Chúa dạy. Như thế có không biết bao nhiêu là cách ta
“tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ”.
Mỗi lời nói, cử chỉ hay hành vi của ta đều phải nói lên được tinh thần của
Chúa Ki-tô, nhất là tình bác ái, yêu thương và tha thứ theo mẫu gương của Người.
4. Sống Lời Chúa
Tin vào tình yêu Thiên Chúa là nền tảng cho việc làm chứng
nhân của Ki-tô hữu. Bản chất con người
thường sợ nguy hiểm, đôi khi không dám lộ ra căn tính đích thực. Ta là Ki-tô hữu, là môn đệ Chúa Ki-tô. Muốn làm chứng nhân của Chúa, ta cần xác tín
rằng bên ta luôn có Thiên Chúa hiện diện để bênh vực ta và giúp đỡ ta thi hành
sứ mệnh chứng nhân. Noi gương Chúa
Giê-su đã làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa, ta cũng can đảm làm chứng cho những
giá trị Tin Mừng bằng cách sống chính những giá trị ấy qua tư tưởng, lời nói
cũng như hành động của ta trong cuộc sống thường ngày.
Suy nghĩ: Chúa nói: “Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn
vàn chim sẻ”. Đâu là giá trị của tôi trước
mặt Chúa? Những điều gì cho thấy là tôi
có giá trị độc đáo đối với Người? Nếu
tình yêu của Chúa đã làm cho tôi có giá trị thì tại sao tôi còn sợ hãi và sợ những
gì?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã cho
các thánh tử đạo biết thí mạng sống mình để trọn niềm trung thành với Lời Chúa
và làm chứng cho Đức Giê-su. Xin dùng
quyền năng của Thánh Thần giúp chúng con biết sẵn sàng đón nhận chân lý. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng
con. A-men. (Lời
nguyện Nhập lễ, lễ kính các thánh tử đạo trong mùa Phục sinh)
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi