LỄ THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ,

 ngày 29/6

Mt 16, 13-19

 

HAI CỘT TRỤ XÂY DỰNG GIÁO HỘI

 

    Nói đến thánh Phêrô và Phaolô, chúng ta không khỏi ngạc nhiên và cảm động vì hai môn đệ của Chúa Giêsu được sinh ra giữa hai môi trường, hai gia đình khác nhau, hai nền giáo dục khác nhau. Tuy nhiên, đi theo Chúa Giêsu thánh Phêrô và thánh Phaolô đã trở nên hai tông đồ nhiệt thành, trung kiên đến giọt máu cuối cùng để làm chứng nhân cho Chúa phục sinh.

HAI CON NGƯỜI, HAI TÍNH KHÍ KHAC NHAU : Đọc lại Tin Mừng chúng ta không khỏi nửa cười nửa khóc, thánh Phêrô xuất thân từ một gia đình thuyền chài, làm nghề đánh cá, tính tình nóng nảy, ăn nói không xuôi, cục mịch, thánh Phaolô lại là một thư sinh, cha mẹ trí thức, Ngài là người học cao hiểu rộng. Tuy hai vị tông đồ Phêrô và Phaolô xuất thân từ những giới khác nhau và trình độ, tính khí cũng không giống nhau, nhưng các Ngài lại có chung một mẫu số là yêu mến Chúa Giêsu hết mình. Ơn kêu gọi của hai Ngài cũng hoàn toàn riêng biệt. Khi Chúa gặp Phêrô đang trên thuyền để cùng cha mình và Anrê chuẩn bị lưới đánh bắt cá, Chúa gọi  Phêrô, Ngài đã bỏ mọi sự mà theo chân Chúa. Theo Chúa, Phêrô vẫn nóng nảy, bộc trực, ông nói đó nhưng lại không giữ lời. Theo dõi cuộc hành trình của thánh Phêrô, chúng ta không khỏi buồn cười và ngạc nhiên. Buồn cười vì con người bộc trực, nhưng lại rất mềm yếu của Phêrô. Ngạc nhiên vì con người của Phêrô luôn biết nhận ra khuyết điểm, yếu đuối của mình để sửa đổi, để quay lại. Chúa loan báo cuộc khổ hình Ngài sẽ phải chịu để cứu rỗi nhân loại, Phêrô không tin, ông bịt tai không muốn nghe và phản kháng lại Chúa Giêsu. Chúa mắng ông là satan.Để thử lòng ông, Chúa hỏi Phêrô tới ba lần :” Phêrô, con có yêu mến Thầy không ? “. Phêrô vốn nóng tính, nên Ông tỏ ra bực tức, sao Thầy lại hỏi mình tới ba lần như thế! Chúa muốn cho Phêrô có cơ hội để chuộc lỗi lầm của mình, ba lần hỏi của Chúa là ba lần để Phêrô nói lời yêu thương và tuyên xưng lại niềm tin. Phêrô đã không bỏ lỡ cơ hội ngàn năm một thuở, Ông đã thưa:”  Thưa Thầy có, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy “ ( Ga 21, 17 ). Phêrô đã thực sự khám phá ra con người của Chúa Giêsu sau ba lần phản bội. Còn thánh Phaolô, một con người trí thức, hăng say với việc bắt bớ Giáo Hội, bắt bớ các môn đệ của Chúa vì Ông tưởng mình đang làm đúng. Phaolô nhiệt tình truy lùng các môn đệ Chúa, nhưng Ông chỉ nhận ra Chúa khi Ông bị Chúa làm cho Ông ngã ngựa và mù lòa hai mắt khi đang truy đuổi các môn đệ. Đối diện với Chúa trên đường Đamas khi Ông đang nằm sóng xoài trên đường vì bị đánh ngã khỏi con ngựa Ông đang cưỡi, với đôi mắt mù lòa, Ông nghe tiếng Chúa và Ông nhận ra Người. Đây là cuộc gặp gỡ, một sự khám phá ra Chúa vô cùng lạ lùng và kỳ diệu. Ông thưa với Chúa :” Lạy Chúa, Chúa muốn con làm  gì ?” . Sau đó, Phaolô đã được chữa khỏi mù lòa, Ông trở nên môn đệ của Chúa và trở thành vị tông đồ cho dân ngoại. Thánh Phêrô và thánh Phaolô đã gặp gỡ nhau và bổ túc cho nhau để xây dựng Giáo Hội của Chúa.

THÁNH PHÊRÔ VÀ THÁNH PHAOLÔ MUỐN NÓI VỚI CHÚNG TA ĐIỀU GÌ ? : Mừng lễ hai vị tông đồ Phêrô và Phaolô, chúng ta vẫn tự hỏi:” Tại sao Chúa lại chọn các Ngài, những con người xem ra yếu đuối và hay sa ngã ? “. Để hiểu được điều đó chắc chắn chúng ta phải tạ ơn Chúa vì chính bởi tình thương vô biên của Chúa mà Chúa đã chọn các Ngài. Hai thánh Phêrô và Phaolô là hình ảnh phong phú, đa dạng của Hội Thánh, là niềm tin và hy vọng của tất cả chúng ta. Chúa muốn cứu rỗi mọi người. Chúa không loại trừ bất cứ người nào. Đọc Tin Mừng của Chúa Giêsu, chúng ta thấy nhiều người được Chúa gọi, nhiều người được Chúa chọn. Ơn gọi là do tình thương bao la của Chúa. Chúa muốn chọn ai tùy Chúa, không ai có quyền bắt buộc Chúa phải chọn mình theo ý mình. Chúa gọi Lêvi người thu thuế, Chúa gọi ông Giakêu và Ngài vào nhà ông cùng với các môn đệ để yêu thương và tha thứ cho ông. Chúa tha thứ cho Mađalêna. Chúa yêu thương những người tội lỗi, những người thu thuế, những kẻ nghèo hèn, những kẻ thấp cổ bé họng, những người bị xã hội đẩy ra ngoài lề. Chúa yêu thương và yêu thương tất cả mọi người. Các môn đệ đi theo Chúa, không phải tất cả đều tốt, Chúa biết điều ấy nhưng Ngài vẫn gọi Giuđa Iscariốt.

   -Qua ơn gọi của Phêrô và Phaolô, Chúa muốn dạy nhân loại, dạy mọi người: “ Chúa đầy lòng xót thương và tình thương Chúa vượt qua mọi biên giới, vượt qua mọi rào cản “.

   -Chúa đã yêu thương đến nỗi tự hiến vì nhân loại, vì mỗi người:” Không tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu”( Ga 15, 13 ).

   -Chúa cho chúng ta thấy không phải Phêrô không tin vào Chúa, nhưng vì Ông yêu mến Chúa rất nhiều, nên Ông chống lại con đường khổ giá mà Chúa loan báo, bởi vì Ông không hiểu hết về Chúa Giêsu. Chúa đã nói :” Ai  muốn giữ mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình thì sẽ tìm lại được “.

  -Phaolô đã lầm lẫn khi bắt bớ Giáo Hội của Chúa và Ông đã nhận ra điều đó khi Chúa hỏi Ông:” Tại sao ngươi bắt bớ Ta ? “. Đó là một mạc khải đối với thánh Phaolô. Điều khác nữa Ngài viết trong thư  gửi tín hữu Galata :” …Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người. Người đã đoái thương mạc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin mừng về Con của Người cho các dân ngoại “.

      Thánh Phêrô và thánh Phaolô là mẫu gương tông đồ sáng chói để mọi người noi theo.

      Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con được vui mừng hoan hỷ nhân ngày đại lễ kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô. Chính nhờ các ngài Hội Thánh đã bắt đầu đón nhận đức tin, xin cho Hội Thánh cũng luôn trung thành tuân giữ lời các Ngài giảng dạy  ( Lời nguyện nhập lễ, lễ hai thánh Phêrô và Phaolô tông đồ ). Amen .

 

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi  DCCT


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà