SIÊU THOÁT
Chúa Nhật 13A Thường Niên
Đức Giêsu có phải là
một mâu thuẫn lớn nhất trong cuộc đời này không ? Một đàng, Người nêu gương và
kêu gọi mọi người hi sinh chính bản thân.
Một đàng, Người lại muốn biến bản thân thành trung tâm cuộc sống con người. Thế
nghĩa là gì ?
THEO THẦY
Không gì thân thiết
với con người bằng tương quan gia đình.
Chính từ gia đình, con người hiện hữu và phát triển. Càng sống dưới mái ấm gia đình, con người càng
đi sâu vào tương quan tình cảm và nội tâm.
Thế nhưng trước những đòi hỏi Tin Mừng, các giá trị đó trở thành tương đối,
vì “Nước Trời đã đến gần,” (Mt 10:7) và “Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.”
(Lc 17:21) Không có gì cao trọng hơn Nước
Trời. Nước Trời là một giá trị tuyệt đối, đến nỗi người ta phải “bán tất cả những
gì mình có” (M6 13:44.46) mới mua sắm nổi.
Nước Trời là tất cả ý nghĩa và giá trị cuộc đời. Quả thực, “chính vì Nước Thiên Chúa mà anh
em chịu đau khổ.” (1 Tx 1:5)
Để mua được một giá trị siêu việt đó, người ta phải hi sinh cả tương
quan gia đình. Tương quan gia đình vượt
lên trên “những gì mình có” và rất gần “những gì mình là”, tức là chính bản thân. So với Nước Trời, bản thân cũng là một giá
trị quá nhỏ. Nhưng giá trị nhỏ bé này vẫn là một thực tại vô cùng quí giá không
dễ gì đánh đổi. Chỉ đức tin mới thấy được chiều kích vĩ đại của Nước Trời và mới
mạc khải cho ta biết Nước Trời chính là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.”
(Mt 16:16) “Người cũng là đầu của thân
thể, nghĩa là đầu của Hội thánh,” (Cl 1:18) và “chúng ta là bộ phận trong thân
thể của Người.” (Ep 5:30) Chính vì thế, Đức
Giêsu mới nói : “Ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.” (Mt
10:39) Cái tôi nhỏ bé hòa nhập vào cái
tôi vĩ đại. Không những không mất mát,
mà còn tìm thấy chính mình trong một chiều kích lớn lao và một giá trị tuyệt vời
hơn.
Nhưng trong cuộc sống, nhiều lúc hi sinh gần như đồng nghĩa với đổi
chác. Người ta hi sinh là để tìm lại được
cái gì cân xứng hoặc trổi vượt hơn. Thật
vậy, những hi sinh của “một phụ nữ giàu sang” (2 V4:8) tại Sunêm cho ngôn sứ
Eâlisa đã không uổng phí. Vì hiếu khách,
vợ chồng đã đặc biệt dành nơi ăn chốn ở xứng đáng cho ngôn sứ Eâlisa, “là một người của Thiên Chúa, là một vị thánh.”
(2 V4:9) Phần thưởng của ngôn sứ thật
trọng hậu. Không những bà được ông bảo đảm
có con trai (x. 2 V 4:8-17). Sau này,
khi con bà chết, ông cũng đã làm cho cậu sống lại và trả lại cho bà (x. 2 V
4:31-37). Như thế, chính khi hi sinh thời giờ, sức lực
và tiền của cho ngôn sứ, bà đã được đền bù cân xứng.
Nếu một ngôn sứ còn đem lại được phần thưởng lớn lao như thế, Đức
Giêsu sẽ có phần thưởng nào cho người môn đệ ? Khi
chạm tới mạng sống, mọi hi sinh đều phải khựng lại, mọi tính toán đều phải chấm
dứt. Thế mà Đức Giêsu dám đòi hỏi người
môn đệ phải hi sinh chính bản thân là giá trị đáng quí nhất trên đời. Đó là một đòi hỏi tuyệt đối. Dĩ nhiên hi sinh đó sẽ được đền bù cân xứng. Đúng hơn còn vượt quá điều người ta mong đợi. Đức Giêsu khẳng quyết : “Phàm ai bỏ nhà cửa,
anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gập bội
và còn được sự sống đời đời làm gia nghiệp.” (Mt 19:29; Mc 10:28-30; Lc
18:28-30) Bỏ đi những liên hệ tình cảm để
đi sâu vào nguồn mạch tình yêu vô cùng lớn lao là Thiên Chúa, còn gì lợi hơn ? Một khi đã đón nhận được nguồn tình yêu đó,
ngay từ đời này, người môn đệ đã được quan tâm và che chở. Thực tế, “khi chúng ta được dìm vào nước
thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm trong cái chết của
Người,” (Rm 6:3) để “chúng ta cũng được sống một đời sống mới như Người nhờ quyền
năng vinh hiển của Chúa Cha.” (Rm 6:7) Đời
sống mới “đầy tràn ân sủng và sự thật.” (Ga 1:14) Nói khác, khi theo Đức Giêsu, người môn đệ sẽ
“trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1:12), và hoàn toàn được giải thoát (x. Ga
8:36). Đó là phần thưởng dành cho những
ai “theo Thầy” và “đón tiếp Thầy”. Từ đó, cuộc sống tự nhiên trở thành một chứng
từ mãnh liệt trước mắt mọi người.
Thực ra, khi kêu gọi môn đệ “theo Thầy” và “liều mất mạng sống mình
vì Thầy”, Đức Giêsu không có ý thổi phồng cái tôi của mình. Hi sinh cái tôi để đánh đổi lấy một cái tôi
khác, dù cái tôi này có vĩ đại tới đâu, cũng chỉ là chuyện “đánh bùn sang
ao”. Chính Đức Giêsu cũng phải hi sinh
cái tôi để làm theo thánh ý Chúa Cha.
“Thực vậy, Đức Kitô đã không chiều theo sở thích của mình.” (Rm
15:3) Trong vườn Cây Dầu, Người đã “xin
đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.” (Mt 26:39) Ý Cha đã thực thi hoàn toàn trong cái chết của
Đức Giêsu. Như vậy, Người đã từ bỏ chính
mình. Muốn “theo Thầy”, môn đệ cũng “phải
từ bỏ chính mình.” (Lc 9:23)
Xét cho cùng, khi sống kiếp
phàm trần, Đức Giêsu cũng chấp nhận chỉ một mình Chúa Cha mới là nguyên ủy tuyệt
đối. Từ lời nói tới việc làm, Đức Giêsu
luôn qui hướng về Chúa Cha (x. Ga 14:10).
Bởi đấy, nếu “vì yêu mến Thầy” (Ga 16:27) mà anh em đã “liều mất mạng sống
mình vì Thầy” (Mt 10:39) thì “chính Chúa Cha sẽ yêu mến anh em.” (Ga
16:27) Nơi đỉnh cao tình yêu đó, con người
có thể vượt lên trên tất cả để đạt tới “một cái gì tuyệt đối, tột đỉnh và nền tảng.”
(ĐGH Gioan Phaolô II : Zenit 24/06/2002)
Như thế, “theo Thầy” không có nghĩa là đi từ hư vô này sang hư vô khác,
nhưng tới một hiện hữu tuyệt đối là chính Thiên Chúa. Thực vậy, “ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã
sai Thầy.” (Mt 10:40) Đức Giêsu còn nhấn mạnh : “Tôi và Chúa Cha là
một.” (Ga 10:30) Không những Người hiệp nhất với Chúa Cha, nhưng
còn đồng hóa với các môn đệ (x. Mt 10:40) và người nghèo (x. Mt 26:40). Như vậy, khi “theo Thầy”, người môn đệ biết
mình theo ai và phải làm gì.
SIÊU THOÁT
Càng từ bỏ càng siêu thoát.
Nhân loại hôm nay đang cần những con người biết từ bỏ mọi sự để tìm chân
lý. Nói khác, con người siêu thoát là một
nhu cầu cấp thiết nhất cho sự sống còn của nhân loại. Nếu chết dí dưới đống dữ kiện khoa học và kỹ
thuật, con người sẽ không tìm được hướng giải thoát cho chính cuộc sống. Nhân loại hôm nay đang căng thẳng vì lo âu mọi
mặt. Chính vì thế, Đức Giáo Hoàng Gioan
Phaolô II đã thúc đẩy các Kitô hữu hãy cống hiến cho những người đang ưu tư đau
khổ “những câu giải đáp của chân lý và hi vọng” bằng cách trình bày cho họ một
triết lý siêu việt (Zenit 24/06/2002).
Triết lý đó không đến với những con người suốt ngày cắm đầu vào những đống
dữ kiện khổng lồ và chết ngộp trong đời sống dư thừa vật chất. “Song song với những khám phá khoa học lạ lùng
và những tiến bộ kỹ thuật kỳ diệu, chúng ta đang chứng kiến hai mất mát lớn : mất
mát Thiên Chúa và hiện hữu, mất mát linh hồn và nhân phẩm. Đôi khi sự kiện này sinh ra những hoàn cảnh khó
khăn cần đến những câu trả lời trong chân lý và hi vọng.” (ĐGH Gioan Phaolô II
: Zenit 24/06/2002) Nếu không từ bỏ
chính mình, con người sẽ không bao giờ tìm thấy những câu trả lời đó và sẽ không
bao giờ khám phá thấy mình là ai. Quả
thực, “văn hóa ngày nay nói và biết nhiều về con người, nhưng hình như không biết
con người là ai. Thực vậy, con người chỉ
có thể hiểu biết trọn vẹn về chính mình trong
ánh sáng Thiên Chúa. Con người là “hình ảnh
Thiên Chúa – được tình yêu tạo dựng và được an bài sống hiệp thông đời đời với
Thiên Chúa.” (ĐGH Gioan Phaolô II : Zenit 24/06/2002) Hình ảnh này chỉ tìm thấy nơi Đức Giêsu và
những ai đang“theo Thầy”.
Lm. Đỗ Vân Lực, OP