THẾ GIỚI MỚI
Chúa Nhật
14A Thường Niên
Trái đất đang già đi
vì những lối sống ngạo mạn. Bước đi nặng
nề vì cuộc sống quá lầm than. Mất mát quá nhiều vì không còn niềm tin nơi Thiên
Chúa và con người. Trước một thế giới chỗ thì sưng phồng lên vì kiêu ngạo chỗ
thì lõm sâu vì “mang gánh nặng nề” (Mt 11:28), ai sẽ đem lại thế quân bình cho
nhân loại ?
HI VỌNG VẪN CÒN ĐÓ
Đức Giêsu muốn mở ra
trước mắt chúng ta một thế giới mới, gồm những người bé mọn. Chính trong những tâm hồn bé mọn đó “người
Con mạc khải cho” (Mt 11:27) chân lý vĩ
đại về “mầu nhiệm Nước Trời” (Mt 11:25) và về “Chúa Cha.” (Mt 11:27) Mầu nhiệm Nước Trời chính là sự sống huyền
nhiệm giữa Ba Ngôi Thiên Chúa hiện thân nơi con người Đức Giêsu Kitô. Chỉ “những người bé mọn” mới có thể nhận thức
đúng thời điểm “Thiên Chúa đã sai Con của Người đến thế gian.” (Ga 3:17) Chân lý siêu việt và vĩnh hằng đó đem lại một
hạnh phúc khôn tả. Chân lý đó không phải
là đối tượng nghiên cứu của những “bậc khôn ngoan thông thái.” (Mt 11: 25) Càng không phải do công tìm tòi vất vả của
những người bé mọn, vì vượt ngoài khả năng và mơ ước của họ. Đúng là tình cho
không biếu không !
Khi được mạc khải “mầu nhiệm Nước Trời”, “những người bé mọn” được
đưa vào một thế giới mới, thế giới của Thiên Chúa. Tất cả những tiêu chuẩn trong thế giới này đều
dựa trên “ý Cha” (Mt 11:26). Chúa Cha muốn
“những người bé mọn” biết rõ về tương quan thâm sâu giữa Chúa Cha và Chúa
Con. Vượt trên kiến thức tự nhiên, sự hiểu
biết về Thiên Chúa đưa con người tới đỉnh cao hạnh phúc ! Vì nhờ đó, họ bước vào tương quan với Chúa
Cha và Chúa Con. Thật vậy, chính sự hiểu
biết lẫn nhau đã khiến tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con khắng khít tuyệt đối
và trở thành khuôn mẫu cho mọi mối tương quan.
Chính trong tương quan sâu xa đó, Đức Giêsu đã được Chúa Cha tin tưởng
tuyệt đối đến nỗi “giao phó mọi sự” (Mt 11:27) cho Người.
Bởi thế, Chúa trở nên thành lũy bảo đảm hạnh phúc cho những người
bé mọn (x. Tv 27:1). Người ta chỉ sợ hãi
khi không có nơi bảo đảm và không hiểu biết về ngoại vật cũng như chính bản
thân. “Những người bé mọn” có một bộ óc khổng lồ vì đã được mạc khải về tình
yêu Thiên Chúa. Dù có hao mòn thân xác
vì phải “vất vả mang gánh nặng nề”, tâm hồn họ vẫn bình an vì biết có một nơi sẽ
đem lại sự “nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11:28)
Đó là chính Thánh Tâm. Tìm cư trú
nơi Thánh Tâm không phải là cách trốn nợ đời.
Nói khác, “theo Thầy”, những môn đệ vẫn phải “mang lấy ách” (Mt 11:29) của
Người. Nhưng khác với những lo toan trần
thế, họ thực sự cảm thấy bình an. Chính Đức Giêsu đã mạc khải huyền nhiệm đó :
“Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.
Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” (Mt 11:30)
Làm cách nào Đức Giêsu có thể làm cho ách và gánh đó thoát khỏi định
luật nặng nề tự nhiên ? Thứ nhất, vì “những người bé mọn” sẽ học được
cách mang lấy ách và gánh đó nơi Đức Giêsu. Cây khổ giá chính là ách và
gánh Chúa Cha đã trao cho Người. Nhưng Người đã hân hoan vác lấy để hoàn thành
sứ mệnh “Con Chiên Thiên Chúa” (Ga 1:29) và “Người Tôi Trung của Thiên Chúa”
(Is 52:7-10; Ga 13:1-20). Người là
khuôn mẫu cho những người bé mọn. Lời Thầy
Chí Thánh luôn văng vẳng bên tai : “Hãy học với tôi,” (Mt 11:29) vì “Thầy là sự
thật” (Ga 14:6) giải thoát.
Lý
do thứ hai vì chính tình yêu Chúa Cha sẽ đưa họ vượt qua mọi trở ngại trong cuộc
đời. Vì tình yêu Chúa Cha đã khiến Chúa
Con vượt qua mọi chướng ngại tới vinh quang.
Tình yêu sẽ làm cho tất cả nên nhẹ nhàng. Tình yêu Thiên Chúa cũng làm cho những người
bé mọn coi thường mọi gánh nặng trần gian.
Dưới ánh sáng “mầu nhiệm Nước Trời”, họ hiểu được tất cả ý nghĩa và giá
trị cây khổ giá. Vì chính trên cây
thánh giá, Người xuất hiện như “Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, thống trị từ
biển này qua biển nọ, từ sông Cả đến tận cùng cõi đất” để “công bố hòa bình cho
muôn dân.” (Dcr 9:9.10)
Lý do thứ ba vì “Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ
cõi chết sẽ làm cho thân xác của anh em được sự sống mới.” (Rm 8:11) Chính Thần Khí đã làm cho Đức Giêsu vượt
qua cái chết, làm sao Thần Khí nơi những người bé mọn lại phải đầu hàng cuộc đời
? Được Chúa Con mạc khải mầu nhiệm Nước
Trời, người môn đệ nhìn rõ mầu nhiệm trần thế.
“Mầu nhiệm Nước Trời” phơi bày bộ mặt thật trần thế chỉ là tham sân si
(x. 1 Ga 2:16) dẫn con người vào cõi chết.
Sống là lựa chọn giữa Nước Trời và trần thế. Do đó, “nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ
những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em sẽ được sống.” (Rm
8:13) Với một đầu óc sáng suốt và một
tâm hồn bình an, “những người bé mọn” sẽ dễ dàng chọn lựa những “điều đẹp ý
Cha” (Mt 11:26) để sống hạnh phúc.
MỘT CUỘC GẶP GỠ
Hạnh phúc đã trở thành
giấc mơ đối với nhiều người hôm nay. Cuộc
sống vội vã quay cuồng khiến nhiều người thấy cuộc đời vô nghĩa. Đó chính là tâm trạng của anh chàng họa sĩ
Kiko Argűello tại thủ đô Madrid, Tây Ban Nha.
Anh đã chiếm được nhiều phần thưởng lớn lao trong ngành hội họa. Dù thế, thành công cũng không làm cho anh hạnh
phúc. Anh tự vấn và hỏi những người
chung quanh về mục đích cuộc đời. Nhưng
không ai trả lời được câu hỏi căn bản đó.
Anh muốn tự tử vì nhàm chán và thất
vọng. Anh muốn chạy trốn chính
mình. Anh cảm thấy có một vực thẳm mở
ra trong nội tâm. Anh gọi đó là tiếng
Thiên Chúa mời gọi tận nơi sâu thẳm nhất.
Một ngày kia, anh vào phòng và hét to lên : “Nếu Chúa có thật, xin hãy
giúp con ! Con không biết Chúa là ai –
xin giúp con ! Lúc đó, Chúa đã thương
xót tôi, vì tôi đã có một kinh nghiệm sâu xa về cuộc gặp gỡ Thiên Chúa đầy kỳ
thú này.” (Zenit 28/06/02) Cuối cùng
anh đã bỏ mọi sự để sống giữa người nghèo, nơi ngoại ô Madrid. Anh đã thành lập một cộng đoàn sống với người
nghèo và xây dựng một Đường Hướng Giáo Lý mới dựa trên Lời Chúa, phụng vụ và cộng
đoàn. Đường hướng này đã trở thành thực
thể Giáo Hội mở rộng tới 105 quốc gia, 883 giáo phận và 4.950 xứ đạo. Hiện nay khắp thế giới khoảng 1.000.000 giáo
dân, 1.457 chủng sinh, 63 phó tế và 731 linh mục đang theo đuổi Đường Hướng
này.
Trước trào lưu tục hóa khiến nhiều người bỏ đạo và Giáo Hội, Đường
Hướng Tân Giáo Lý cố gắng mở ra một con đường khai tâm Kitô giáo đưa tới bí
tích Thanh Tẩy, mục đích khám phá ý nghĩa đời sống Kitô hữu. Sau năm năm nghiên cứu, Tòa Thánh Vatican đã
chấp nhận qui chế Đường Hướng Tân Giáo Lý, một thực thể Giáo Hội đã bắt đầu từ
năm 1964. Nhờ Đường Hướng Tân Giáo Lý
này, nhiều giáo xứ đã được canh tân, tạo nên một động lực truyền giáo lạ lùng,
khiến nhiều giáo lý viên và nhiều gia đình cả nhà dấn thân đi truyền giáo bất cứ
nơi nào cần. Từ đó cũng nẩy sinh nhiều
ơn gọi, cho cả đời sống tu trì lẫn linh mục.
Chừng 40 chủng viện truyền giáo đã mọc lên để giúp nhiều giáo phận đang
gặp khó khăn vì thiếu ơn gọi (Zenit 28/06/02).
Giáo Hội đang cần những con người như Kiko Argűello để tái khám phá
con đường cứu độ Chúa mở ra cho “những người bé mọn”. Càng đi sâu vào “mầu nhiệm Nước Trời”
càng cảm thấy “ách Chúa êm ái và gánh
Chúa nhẹ nhàng”, để hoàn thành sứ mệnh cứu độ giữa bao thách đố hôm nay.
Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP