Chúa Nhật 15 mùa Thường niên, A

 

          Chúa Ki-tô là Bí Tích hoặc dấu chỉ để ta nhận ra được những nét vô hình của Thiên Chúa.  Người cho ta thấy Thiên Chúa là Đấng nào.  Mà đã là dấu chỉ, thì quả thực Người là một ngôn ngữ đặc biệt Thiên Chúa dùng để nói với ta.  Nói khác đi, Người chính là Lời để Thiên Chúa nói với nhân loại (Dt 1:1).  Có người nói thì cũng phải có người nghe.  Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đặc biệt trình bày Chúa dùng Lời để nói với ta và ta phải tiếp nhận Lời như thế nào cho phải.

1.  Lời Chúa luôn luôn sinh hiệu quả (bài đọc Cựu Ước – Is 55:10-11)

          Trong cuộc sống con người, Lời của Thiên Chúa giữ vai trò tuyệt đối quan trọng.  Nhờ Lời sáng tạo của Thiên Chúa mà ta được hiện hữu trên cõi đời này (St 2:4a).    Để nhắc nhở dân Ít-ra-en biết rằng Lời hiện diện trong cả cuộc sống (Đnl 6:1-13) và rất gần gũi họ (Đnl 30:14), ông Mô-sê đã không ngại dùng cả đến những hình thức giúp họ ghi lòng tạc dạ, như phải “lập lại cho con cháu, buộc những lời ấy vào tay làm dấu, mang trên trán làm phù hiệu, viết lên khung cửa nhà và cửa thành” (Đnl 6:8-9).  Tầm quan trọng của Lời đã được mô tả như lương thực thường tồn:  “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4:4). 

Sở dĩ Lời gắn liền với cuộc sống ta và giúp ta bước đi trong đời để tới cuộc sống vĩnh cửu là vì Lời có hiệu quả vô song.  Ngôn sứ I-sai-a đã dùng hình ảnh mưa và tuyết từ trời rơi xuống để nói lên tính bổ dưỡng và hữu hiệu của Lời mà Chúa sai đến với trần gian.  Mưa với tuyết từ trời rơi xuống đất làm cho đất phì nhiêu và cây cỏ sinh sôi nảy nở, rồi lại bốc hơi thành mây về trời.  Cũng thế, Chúa Giê-su là Lời được Thiên Chúa sai đến nhân loại để “thực hiện ý muốn của Người và chu toàn sứ mạng Người giao phó”, rồi Người mới trở về trời và ngự bên hữu Chúa Cha.  Theo kế hoạch cứu độ, Lời đã từ Thiên Chúa xuống mặc lấy thân phận con người.  Sau thời gian sống ẩn dật tại Na-da-rét, Lời đã “hỏa tốc chạy đi” (Tv 147:15) khắp chân trời góc biển, từ Ga-li-lê qua Sa-ma-ri xuống Giu-đê và cả những miền Dân ngoại, để loan báo Tin Mừng cứu độ.  Lời đã giảng dạy như “Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư, khiến cho thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người” (Mc 1:22).  Lời đã “ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh” (Mc 1:27; Mt 8:32).  Lời tuyên phán “Tôi muốn”, lập tức bệnh nhân được khỏi (Mt 8:3).  Những gì ngôn sứ I-sai-a nói về sự hữu hiệu của Lời Chúa đều được thể hiện trọn vẹn nơi Chúa Giê-su.

2.  Thiên Chúa sai Lời Người đến để mặc khải vinh quang của con cái Người (bài đọc Tân Ước – Rm 8:18-23)

          Thiên Chúa không còn sử dụng các ngôn sứ để phán dạy ta, nhưng Người muốn đích thân phán dạy ta bằng chính Lời của Người.  Do đó, Ngôi Lời đã hóa thân làm người phàm và cư ngụ giữa chúng ta (Ga 1:14).  Chúa Giê-su sinh ra giữa loài người để nói tiếng nói con người, hành động như một con người, ngoại trừ phạm tội, để cùng đồng hành với nhân loại và dạy họ sống theo đường lối của Thiên Chúa.  Tuy nhiên, thánh Phao-lô còn nhìn việc Chúa sai Lời đến dưới một khía cạnh vô cùng độc đáo và lạc quan.  Theo ngài, mục đích Thiên Chúa sai Lời đến với nhân loại là để “mặc khải vinh quang của con cái Người” (Rm 8:19).  Nhân loại đắm chìm trong khổ đau và tuyệt vọng do hậu quả tội nguyên tổ và tội lỗi cá nhân mang lại.  Giữa họ và Thiên Chúa là một xa cách không bao giờ họ có thể khắc phục để đến với Người.  Mặc dù Thiên Chúa hứa giải phóng họ, nhưng suốt thời gian chờ đợi lời hứa thể hiện, thì “muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng” (Rm 8:22).

          Vậy Thiên Chúa đã hứa điều gì?  Qua các tổ phụ Ít-ra-en và các ngôn sứ, Chúa hứa sẽ đến cứu độ ta, cho ta được làm con cái và được hưởng phần gia nghiệp cùng với Đức Ki-tô.  Thánh Phao-lô gọi việc thể hiện lời hứa này là “vinh quang của con cái Thiên Chúa”.  Nhưng lời hứa này chỉ được thực hiện nhờ Chúa Giê-su Ki-tô, Lời của Thiên Chúa.  Do đó, khi Ngôi Lời xuất hiện trong dòng lịch sử nhân loại, thì tất cả những rên siết quằn quại của nhân loại sẽ dừng lại, để cho vinh quang của con cái Thiên Chúa ló rạng.  Trong tiến trình làm con cái Thiên Chúa, trước hết ta lãnh nhận Thần Khí của Chúa Ki-tô, tức “Thần Khí làm cho ta nên nghĩa tử và được kêu lên ‘Áp-ba!  Cha ơi!’” (Rm 8:15).  Vinh quang của ta là được làm con Chúa và được Người cứu độ.  Thánh Phê-rô thì diễn tả vinh quang này như sau:  “Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền” (1 Pr 2:9).

          Ngôi Lời đến đã thay đổi hoàn toàn thân phận của ta.  Những đau khổ ta chịu hiện thời không thể sánh với vinh quang ta sẽ được mai sau.  Ngôi Lời đã đến để bảo đảm cho ta một hy vọng chắc chắn, niềm hy vọng làm cho cuộc đời Ki-tô hữu có ý nghĩa và giúp ta kiên vững trước mọi thử thách trần gian.  Đó chẳng phải là con đường hy vọng, con đường đã đưa Đức Ki-tô từ đau khổ qua cái chết và tới vinh quang Phục Sinh sao?  Nhưng đó cũng là con đường của ta nữa!

3.  Đón nhận Lời Thiên Chúa (bài Tin Mừng – Mt 13:1-23)

          Lời được Thiên Chúa sai đến là để sinh hoa trái nơi tâm hồn ta, làm cho ta được phát triển đầy đủ về mọi mặt, giống như mưa tuyết từ trời rơi xuống làm cho hạt lúa chứa đầy sức sống được mọc lên và phát triển trên mảnh đất màu mỡ.  Trong dụ ngôn Người gieo giống, Chúa Giê-su dùng hình ảnh hạt giống để chỉ về những người đón nhận lời rao giảng Nước Trời, hoặc đón nhận chính bản thân Người, vì lời giảng và người giảng cũng là một.  Những mảnh đất trên đó hạt lúa sẽ mọc lên và phát triển như thế nào là chỉ về cách thức họ đón nhận lời rao giảng ấy.  Do đó, trong Tin Mừng Mát-thêu và Mác-cô, cả hạt giống lẫn mảnh đất mới nói lên hạng người đón nhận lời rao giảng.  Còn trong Tin Mừng Lu-ca, giải nghĩa rõ ràng hơn:  hạt giống là Lời Chúa, còn mảnh đất là hạng người đón nhận Lời Chúa.

          Mỗi người đón nhận lời rao giảng Nước Trời mỗi cách, tùy theo thành tâm thiện chí của họ.  Đón nhận lời giảng không chỉ có nghĩa là nghe bằng đôi tai, nhưng là bằng cả tấm lòng, trí khôn và ý chí quyết tâm đáp lại những điều lời giảng ấy đòi hỏi.  Ai ai cũng đều có khả năng đón nhận lời giảng, tựa như hạt lúa có cùng một khả năng nảy mầm và lớn lên.  Nhưng để tiếp tục được lớn lên thì người ta lại phải đi xa hơn khả năng chung ấy bằng cách sống những lời giảng mình đã nghe.  Cho nên có nhiều trở ngại ngăn đường ta đi từ nghe tới thực hành.  Chúa Giê-su xếp thành bốn loại người đón nhận lời rao giảng Nước Trời.  Thứ nhất, hạt giống gieo bên vệ đường ám chỉ những người nghe Lời rao giảng mà không hiểu, hoặc nói đúng hơn là không muốn hiểu và chấp nhận Lời vì Lời đi ngược với lối sống buông thả của họ.  Thứ hai, hạt giống gieo trên đất sỏi đá là hạng người nông nổi nhất thời, đón nhận Lời theo hứng chứ thực sự không có thiện chí muốn gắn bó với Lời và để cho Lời biến đổi con người họ.  Thứ ba, hạt giống gieo vào bụi gai là hạng người muốn bắt cá hai tay, vừa muốn đón nhận Lời lại vừa muốn tìm vinh hoa phú quý trần gian, khiến lòng họ không có chỗ cho Lời cư ngụ.  Cuối cùng là hạt giống gieo vào đất tốt, tức là “những kẻ nghe Lời và hiểu”.  Dĩ nhiên hiểu ở đây có nghĩa là hiểu theo ý của người nói, chứ không phải hiểu theo ý mình.  Mà hiểu theo ý người nói không phải là chuyện dễ dàng, vì nó có thể khiến ta “gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời” (Mt 13:21).  Đón nhận Lời là mở tâm hồn để cho Lời thay đổi lối sống của ta, bỏ đi những gì ta vẫn ưa thích để thay thế bằng những gì ta không thích.  Thí dụ bản chất ta ích kỷ, đặt cái tôi của ta lên trên hết.  Thế mà Lời bảo ta phải khiêm nhượng, phải để ý và chăm sóc cho người khác, thì làm sao ta dễ dàng thay đổi được!  Chúa ban cho ta Lời của Người như tiềm năng biến đổi con người của ta.  Tuy nhiên Chúa lại tôn trọng để ta được tự do cộng tác với tiềm năng ấy.  Người cho ta tự do chọn lựa đứng vào hạng người nào.  Dĩ nhiên ta phải chọn điều tốt và là điều tốt nhất (Lc 10:42).  Ta cứ cộng tác với Lời ở mức tối đa để được phát triển tới mức tối đa.  Mức tối đa đối với người này là gấp trăm, nhưng đối với người khác lại chỉ có thể là gấp sáu chục hoặc ba chục.  Điều quan trọng là mỗi người phải đạt tới mức độ sung mãn nhờ cộng tác với hiệu năng của Lời Chúa và ân sủng Người.

4.  Sống Lời Chúa

          Lời nói của người đời thường có khả năng “lung lay”, khiến ta phải suy nghĩ.  Nhưng Lời của Thiên Chúa là chính Con Một Người là Chúa Giê-su Ki-tô.  Lời ấy đã xuống thế làm người để nói lên chính tiếng nói của Thiên Chúa.  Nghe Lời và sống Lời là hai điều không thể tách rời, giống như xây nhà thì phải có cái nền.  Nếu nghe Lời mà thực hành thì tựa như xây nhà trên nền đá, còn nghe mà không sống thì chẳng khác gì xây nhà trên nền cát (Mt 7:24-27).  Tóm lại, làm môn đệ Chúa, nghe lời Người giảng và sống lời Người dạy là ta sẽ được biến đổi thành con người mới, một Ki-tô hữu đích danh sống với vinh quang làm con Thiên Chúa.

Suy nghĩ:  Thánh Phao-lô cho ta thấy con đường ta phải đi là:  “Chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con”.  Vậy trong khi còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, tức là được hưởng trọn phần gia nghiệp của Người, thì tôi phải làm gì?  Tôi có thực tâm và thiện chí đón nhận Chúa Giê-su Ki-tô không?  Lắng nghe Chúa nói qua Kinh Thánh và sống Lời Chúa có là cách tôi đang đón nhận Chúa Ki-tô không?

Cầu nguyện:  Lạy Chúa, Chúa cho kẻ lầm lạc thấy ánh sáng chân lý của Chúa, để họ được trở về nẻo chính đường ngay;  xin ban cho những người xưng mình là Ki-tô hữu biết tránh mọi điều bất xứng và theo đuổi những gì thích hợp với danh nghĩa của mình.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật 15 mùa Thường niên)

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

10-7-2008       

           

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà