CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN, năm A

Mt 13, 24-43

 

THIÊN CHÚA  VÔ CÙNG KIÊN NHẪN CHỜ ĐỢI

 

       Đọc đoạn Tin Mừng của thánh Matthêu 13,24-43, chúng ta thất sự kiên nhẫn vô cùng của Thiên Chúa. Thiên Chúa có thể dùng lưỡi hái của Ngài để cắt tất cả cỏ dại, tất cả những gì là xấu xa trong thế gian. Điều này nếu xẩy ra thì chắc chắn là hạnh phúc cho chúng ta vì chúng ta sẽ không phải sống với những tệ nạn của thế gian : xì ke, ma túy, phá nạo thai, những kẻ du đãng giết người, những trẻ em vô giáo dục vv…Tại sao Thiên Chúa lại không làm thế bởi vì Ngài nhân từ, chạnh lòng xót thương. Sách khôn ngoan cho chúng ta hay Thiên Chúa ban cho chúng ta niềm hy vọng, nghĩa là cho chúng ta cơ hội để ăn năn sám hối tội lỗi. Thiên Chúa luôn tôn trọng sự tự do của con người. Ngài muốn tạo dịp thuận tiện để con người quay trở về và đổi mới con người.

DỤ NGÔN CỎ DẠI SỐNG CHUNG VỚI LÚA : Sống trên trần gian bao giờ cũng có người tốt, người xấu, sự lành, sự dữ, vàng thau lẫn lộn với nhau. Về phương diện bề ngoài, nghĩa là thế gian thì bất cứ ở chỗ nào, bất cứ nơi đâu, cũng có mặt phải mặt trái, cũng có ánh sáng và bóng tối. Tất cả đều sống bên nhau lẫn lộn lẫn nhau. Ngay trong một con người cũng có cái xấu, cũng có cái tốt, cũng có sự dữ, sự lành đan xen với nhau như cỏ lùng và lúa tốt trong một mảnh đất, trong một thuở ruộng.Thực tế, trong dụ ngôn này, Chúa Giêsu đã sống ở làng quê Nagiarét, đã đi qua vùng Palestina, Ngài đã thấy dân chúng làm ruộng, gieo vãi những hạt lúa mì và khi cây lúa mì còn nhỏ, người ta rất khó phân biệt với cỏ dại. Do đó,Chúa đã căn dặn một việc làm rất thực tế :” Khi nhổ cỏ, các anh sẽ nhổ cả lúa mì lẫn trong cỏ “. Có một sự thực hiển nhiên: cỏ lùng vì là cỏ dại nên không bao giờ nó có thể trở nên lúa tốt được và lúa đã là lúa thì vạn đại nó vẫn cứ là lúa. Chính vì thế, con người thường hay xét đoán người này tốt, người kia xấu, người này là cỏ dại, người kia là lúa tốt. Thực ra, chúng ta không có quyền xét đoán người khác một cách quá giản đơn như thế. Đặc biệt, chúng ta không có quyền xét đoán tội lỗi của bất cứ ai. Quyền đó là quyền của Thiên Chúa. Con người tự bản tính là tốt, nhưng khi lớn lên, con người có thể từ tình trạng lúa tốt biến thành cỏ dại, rồi với ơn Chúa và sự suy nghĩ, hồi tâm, cố gắng con người lại trở thành lúa tốt. Con người là lúa tốt hay là cỏ dại theo một ý nghĩa và giới hạn nào. Điều quan trọng là tới khi chết con người đang ở tình trạng nào ? Lúa tốt hay cỏ dại, cỏ lùng. Đó là sự tự do của con người và con người phải chịu trách nhiệm về sự tự do Chúa ban cho họ khi còn sống trên mặt đất này. Ở xã hội hay ngay trong Giáo Hội cũng có người tốt người xấu, cũng có kẻ lành kẻ xấu. Ngay trong nhóm 12 tông đồ, Giuđa Iscariốt cũng là cỏ lùng mà.

DỤ NGÔN MUỐN DẬY CHÚNG TA ĐIỀU GÌ ?: Tục ngữ ta có câu:” Nhân vô thập toàn “. Con người vốn không hoàn hảo. Nên, cần phải cố gắng, vươn lên, vượt thắng mọi tính hư, tật xấu, đẩy lùi bóng tối, diệt trừ tội lỗi. Chúa đã nói :” Hãy bước qua cửa hẹp “ hoặc, ai muốn theo Ta :” Hãy từ bỏ mình, vác Thập Giá mà theo Ta “. Từ bỏ mình có nghĩa là diệt sự dữ, đẩy lùi tội lỗi, tính ích kỷ, keo kiệt mà quảng đại theo Chúa. Qua dụ ngôn cỏ lùng và lúa, Chúa muốn nhắc nhở con người, nhân loại, chúng ta : con người được Chúa cho sinh ra vốn tốt lành nhưng vì tội lỗi xâm nhập, con người bị vương mắc tội tổ tông và rồi tội riêng mình làm. Tuy nhiên, con người có trí khôn, biết phân biệt đâu là cái tốt, đâu là cái xấu, điều gì nên làm và điều gì không được làm và sống đúng là người môn đệ Chúa. Nói rõ hơn, Chúa mời gọi chúng ta phải tỉnh thức và cầu nguyện để chiến đấu, chống trả tội lỗi: xác thịt, danh vọng và kiêu ngạo là cỏ lùng, cỏ dại xen lấn, sống lẫn lộn trong ta , đồng thời cầu nguyện để bảo vệ những nhân đức, đức bác ái và mọi công phúc chúng ta làm được. Tỉnh thức và cầu nguyện để sẵn sàng đến mùa lúa chín tức là khi con người nhắm mắt xuôi tay, Chúa sẽ thu vào kho lẫm của Ngài.

ÁP DỤNG VÀO CUỘC SỐNG : Ác giả ác báo quả cũng có lý do của nó. Đời sống con người tác ác sẽ gặp tai họa mà hiền lành, đạo đức dù có gặp thử thách như ông Gióp thì đó cũng chỉ là thử thách của Chúa nơi ông. Con người sống khiêm tốn, hiền lành, sống cậy trông nơi Chúa, tin tưởng vào tình yêu của Chúa sẽ được Chúa chúc lành. Chúa luôn luôn kiên nhẫn đợi chờ con người. Chúa không bao giờ muốn loại trừ ai, miễn là con người biết quay trở về với Ngài để được Ngài tha thứ. Đọc Tin Mừng chúng ta thấy rất nhiều trường hợp, Chúa yêu thương và tha thứ cho người có tội như dụ ngôn “ Người con hoang đàng”, “ Người nữ phạm tội ngọai tình” “ Bà Maria Mađalêna “ vv…Tất cả những dụ ngôn trong Tin Mừng đều nói lên lòng nhân từ và sự kiên nhẫn của Chúa đối với tội nhân. Chúng ta phải sống hiền hòa, hòa thuận với mọi người vì Chúa là Đấng nhân từ và hay tha thứ.

       Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con ánh mắt của Chúa để chúng con biết nhìn anh chị em chúng con như Chúa nhìn. Xin cho chúng con trai tim của Chúa để chúng con biết nhạy cảm trước sự đau khổ của người khác.Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.       Cỏ lùng là gì theo nghĩa thông thường và theo nghĩa của dụ ngôn ?

2.       Chúa muốn nói đến lọai lúa gì và ở vùng nào ?

3.       Trong con người có sự lành và sự dữ không ?

4.       Tại sao Chúa lại ban tự do cho con người ?

5.       Tại sao Chúa lại kiên nhẫn với con người ?

 

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi   DCCT


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà