Chúa Nhật 16 mùa Thường niên, A
Dụ
ngôn người gieo hạt giống trong bài Tin Mừng tuần trước chuẩn bị cho ta hiểu những
khía cạnh khác nhau về Nước Trời. Bài
Tin Mừng hôm kể lại luôn một lúc ba dụ ngôn nói lên những đặc tính của Nước Trời
tại trần gian này. Mọi kẻ hiện diện
trong Nước Trời được mời gọi tiếp nhận Lời và trở nên con cái tốt lành của
Thiên Chúa. Tuy nhiên không phải hết thảy
đều đáp lại lời mời gọi ấy, mà một số vẫn nghe theo tiếng gọi của ác thần, sống
ngược lại với những giá trị Tin Mừng. Trước
tình huống ấy, Thiên Chúa vẫn được mô tả như một Thiên Chúa khoan dung và từ
bi, sẵn sàng mở rộng vòng tay đón nhận “những kẻ yếu hèn” biết vâng nghe sự hướng
dẫn của Thánh Thần mà trở về với Thiên Chúa.
1.
Dụ ngôn về Nước Trời (bài Tin Mừng – Mt 13:24-43)
Những
câu chuyện xảy ra trong đời sống thường ngày đã được Chúa Giê-su sử dụng để diễn
tả một mầu nhiệm cao cả là Nước Trời. Nước
Trời hoặc Nước Thiên Chúa là đề tài chính trong sứ vụ rao giảng của Chúa
Giê-su. Đó không phải là một vương quốc
trần gian như Phi-la-tô lầm tưởng (Ga 18:36), nhưng là một “triều đại cứu độ”
Thiên Chúa mở ra để quy tụ muôn vật muôn người về một mối trong Chúa Ki-tô (Ep
1:10). Triều đại có tính cách phổ quát
không loại trừ một ai và sẽ kết thúc vào ngày Chúa Ki-tô quang lâm để phán xét
chung.
Nước
Trời là một thực tại vô cùng súc tích, do đó một chuỗi ba dụ ngôn trong bài Tin
Mừng hôm nay cũng chỉ mô tả được một vài nét chính mà thôi. Trước hết là dụ ngôn kẻ thù gieo cỏ lùng vào
ruộng lúa. Trong kế hoạch cứu độ của Thiên
Chúa, “Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giê-su Ki-tô” (Ep 1:5) và
viễn ảnh của Người là một thửa ruộng tốt đẹp, được gieo trồng với những hạt giống
tốt sẽ mọc lên xinh tươi và trổ bông kết hạt.
Tuy nhiên, vì phẩm giá và tự do của ta, Thiên Chúa vẫn để cho ta có cơ hội
lớn lên trong thử thách, giữa những ảnh hưởng của tội lỗi và ma quỷ. Kẻ thù là ma quỷ gieo rắc tội lỗi vào môi trường
cứu độ của ta, giống như cỏ lùng mọc lên xen lẫn với lúa tốt. Lúa phải chống chọi để lớn lên bên cạnh cỏ
lùng thế nào, thì ta cũng phải trở nên Ki-tô hữu chân chính giữa thế giới đầy
gương xấu và sự dữ như vậy. Con cái Chúa cần được lớn lên qua những chiến đấu họ
phải đương đầu với cám dỗ và tội lỗi.
Dụ
ngôn thứ hai ví Nước Trời như hạt cải. Hạt
cải nhỏ li ti như mũi kim, nhưng khi được gieo trồng trong đất tốt, nó sẽ biến
thành một cây rau khổng lồ, đến độ chim có thể đến làm tổ trên cành. Hình ảnh cây cải lớn lên từ một hạt giống nhỏ
xíu diễn tả mức độ phát triển của Nước Trời.
Nước Trời không thể bị giới hạn do không gian hay thời gian. Như sức sống của cây cải vươn mạnh trong điều
kiện tốt, Nước Trời trong lòng ta hay trong lòng Giáo Hội hoặc xã hội sẽ phát
triển mạnh mẽ nhờ quyền lực và ân sủng của Thánh Thần.
Dụ
ngôn thứ ba mang một sắc thái đặc biệt nói lên sức mạnh biến đổi của Nước Trời. Một vốc nhỏ men có thể làm cho ba thúng bột
thay đổi từ thể chất đến hình dạng. Nước
Trời có nhiều thứ men thiêng liêng giúp cho tâm hồn người ta cũng như hiện trạng
xã hội được biến đổi. Men của Tin Mừng
làm cho lối sống của ta nên giống như lối sống của Chúa Ki-tô, cách suy nghĩ và
hành động của ta giống như cách suy nghĩ và hành động của Người. Nếu ta đích thực là một chút men giữa gia
đình, giữa cộng đoàn hay giữa sở làm, thì tất cả những nơi ấy chắc chắn sẽ được
biến đổi thành những thiên đàng nhỏ ở trần gian rồi!
Nước
Trời được khai mở để chuẩn bị cho tương lai vĩnh cửu của ta. Chúa Giê-su được sai đến trần gian để thiết lập
Nước Trời như triều đại ân sủng cứu độ.
Người giảng dạy một giáo lý mới về ơn cứu độ. Không còn là Lề Luật khắc trên bia đá, nhưng
là luật tình yêu, mến Chúa yêu người, ghi khắc trong tâm hồn ta. Cái chết của Người đã nói lên tột đỉnh của luật
mới đó: chết vì yêu nhân loại. Sức sống và phát triển của Nước Trời chính là
tình yêu, cho nên ta càng sống yêu thương thì Nước Trời càng triển nở nơi ta và
lan rộng tới môi trường ta sinh sống.
2.
Nhờ sức mạnh Thánh Thần, ta đáp lại lời mời gọi gia nhập Nước Trời (bài đọc
Tân Ước – Rm 8:26-27)
Mặc
dù Nước Trời mở rộng cửa cho tất cả mọi người và đó là ý muốn của Thiên Chúa,
nhưng bản chất ta là “những kẻ yếu hèn” không biết phải làm sao cho đúng ý
Thiên Chúa, nên ta không đủ can đảm chấp nhận những điều kiện để vào Nước Trời. Thánh Phao-lô đã nhìn thấy khó khăn đó và
ngài bảo ta đừng lo, vì: “Có Thần Khí
giúp đỡ chúng ta, cầu thay nguyện giúp chúng ta” (Rm 8:26).
Gia
nhập Nước Trời là bước vào một quan hệ mới giữa Thiên Chúa với ta. Thánh Phao-lô gọi quan hệ mới này là “cầu
nguyện”, nghĩa là sống mối quan hệ với Thiên Chúa. Do đó, “chúng ta không biết phải cầu nguyện
thế nào cho phải” có nghĩa là ta không biết phải sống quan hệ mới với Thiên
Chúa như thế nào. Vậy vai trò của Thánh
Thần là giúp đỡ ta sống làm sao cho phải trong quan hệ làm con Chúa. Thiên Chúa đích thân đến với ta qua Chúa
Ki-tô và nhắm mục đích cho ta được sống và sống phong phú (Ga 10:10), tức là được
sống đời đời. Nhưng để được sống đời đời,
ta phải làm môn đệ Chúa Ki-tô để Người uốn nắn cuộc đời ta theo những tiêu chỉ
Tin Mừng. Việc uốn nắn tâm hồn ta chính
là “công tác” của Thánh Thần, Đấng đã đến biến đổi bộ mặt trái đất. Thánh Thần giúp ta nhận ra được chính “những
tiếng rên xiết khôn tả” của ta, hay nói đúng hơn, giúp ta nhận ra được ta cần
Thiên Chúa cứu độ và cần phải trở nên như trẻ thơ thì mới có thể đón nhận Nước
Trời. Chúa Giê-su nói: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ em,
thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18:2).
Tóm lại, Thánh Thần giúp ta trở về với chính mình, tự hạ và hoàn toàn lệ
thuộc vào Thiên Chúa, như thế ta mới đủ tư thế để mở lòng đón nhận Chúa Ki-tô
và sống giáo lý Tin Mừng của Người.
3.
Mời gọi ta vào Nước Trời, Thiên Chúa ban cho ta niềm hy vọng tràn trề (bài đọc
Cựu Ước – Kn 12:13.16-19)
Vai
trò của Thánh Thần là giúp ta sống quan hệ làm con Chúa, đồng thời cũng tỏ cho
ta thấy dung mạo khoan dung và từ bi của Thiên Chúa, Cha chúng ta. Lời Chúa trong sách Khôn ngoan là những lời đầy
an ủi khích lệ. Dấu ẩn dưới những nét
nghiêm nghị của một vị Thiên Chúa “hành động công minh, bá chủ vạn vật, nắm trọn
quyền năng và sẵn sàng trị tội”, ta lại có thể nhận ra một hình ảnh trái ngược. Đó là một Thiên Chúa “xử khoan hồng, lấy lượng
từ bi cao cả mà cai quản chúng ta, dạy ta phải có lòng nhân ái”, và nhất là cho
ta “niềm hy vọng tràn trề rằng người có tội được Ngài ban ơn sám hối”.
Những
điểm trên được minh chứng qua những gì Thiên Chúa làm cho ta. Ta sinh ra trong tội nguyên tổ, mất khả năng
tự mình đến với Thiên Chúa và như thế sẽ hoàn toàn bị hư mất. Nhưng khi khai mở Nước Trời, Thiên Chúa đã
cho ta cơ hội sám hối, trở về làm con Chúa nhờ cái chết của Đức Ki-tô. Đó chính là lý do tại sao khi bắt đầu rao giảng
Tin Mừng, Chúa Giê-su đã khởi sự bằng sứ điệp:
“Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4:17). Từ thân phận thù nghịch với Thiên Chúa, ta được
quay đầu hướng mặt về Thiên Chúa, đồng thời quay lưng lại với tội lỗi, để sống
đời sống mới trong Thần Khí của Chúa Ki-tô.
Ca tụng lòng từ bi khoan dung của Thiên Chúa đã trở thành một điệp ca đậm
nét nhất trong các Thánh Vịnh của dân Chúa mọi thời. Lòng từ bi khoan dung ấy đương nhiên trở thành
lời mời gọi nhân loại mọi thời mọi nơi hãy mở lòng đón nhận Nước Trời. Nếu ta không đáp lại thì đó hoàn toàn là lỗi
của ta không muốn sống “niềm hy vọng tràn trề” mà Người đã ban cho ta qua Bí
tích Rửa tội.
4.
Sống Lời Chúa
Nước
Trời không phải là một mầu nhiệm tự bản chất, nhưng mầu nhiệm do ý định và kế
hoạch của Đấng đã thiết lập. Tại sao
Thiên Chúa lại dùng Nước Trời như một phương tiện cứu độ? Động lực nào đã thúc đẩy Người thiết lập Nước
Trời? Tại sao Thiên Chúa phải mất công
sai Con Một Người tới để khai mở và rao giảng Nước Trời? Bao nhiêu câu hỏi đã làm cho Nước Trời trở
thành một mầu nhiệm. Sử dụng dụ ngôn dễ
hiểu, Chúa Giê-su đã cho ta thấy những nét chính của Nước Trời. Nhưng thấy để làm gì nếu không phải là đáp lại
lời mời gọi hãy gia nhập Nước Trời. Lời
đáp ấy là phần của ta.
Suy nghĩ: Chúa nói dụ ngôn Nắm men vùi trong ba thúng bột
là Người nhắm đến tôi. Người muốn tôi trở
thành men trong bột. Vậy tôi đã đóng vai
trò làm men như thế nào? Liệu tôi có
giúp được gì để thay đổi những người chung quanh không? Gương sáng nào của tôi đã giúp họ thay đổi tốt
hơn? Hay là ngược lại, tôi lại khiến cho
họ trở nên xấu hơn?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin tỏ lòng nhân hậu với các tín hữu
Chúa và rộng tay ban phát mọi ơn lành, để chúng con thêm lòng tin, cậy, mến, và
chuyên cần tuân giữ những điều Chúa truyền dạy.
Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. A-men.
(Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật 16
mùa Thường niên)
Lm.
Đaminh Trần Đình Nhi
ngày 17-7-2008