CHIẾN THẮNG CUỐI CÙNG

 

Chúa Nhật 16A Thường Niên

 

 

Giơí trẻ hôm nay đang tìm mọi cách ngăn chặn những con đường gây chia rẽ thế giới.   Đó là ước vọng lớn  lao và phức tạp.   Nhưng đó cũng là niềm hi vọng không ai có thể dập tắt được.

 

BI QUAN HAY LẠC QUAN ?

 

Quả thực, Thiên Chúa “đã cho con cái niềm hi vọng tràn trề” (Kn 12:19), mặc dù sống giữa bao thách đố.     Tưởng chừng trong Nước Trời là cánh đồng chỉ có con cái Thiên Chúa tức là những hạt giống  và cây lúa tốt (x. Mt 13:38).    Ai dè “khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện” (Mt 13:26) và lấn át cả lúa.   Trong Nước Trời, cũng có “con cái Aùc Thần” (Mt 13:38).   Đó là điều làm cho các đầy tớ kinh ngạc và muốn tỏ thái độ ngay (x. Mt 13:27-28).    Chỉ cần ông chủ hạ lệnh, đầy tớ có thể làm sạch cỏ lùng trong nháy mắt.   Thế nhưng, ông chủ có cái nhìn xa và kiên nhẫn hơn nhiều.   Đợi tới “mùa gặt là ngày tận thế” (Mt 13:39) vẫn chưa muộn !  Số phận cây lúa và cỏ lùng sẽ rõ trắng đen (x. Mt 13:30).

 

Hiện tại không thể nói hết được sự thật.  Cây lúa cũng như rau cải đều cần thời gian mới phơi bày tất cả ra ánh sáng.   Khi nhìn đến hạt cải nằm giữa các hạt giống khác, ai cũng coi thường, vì kích thước quá bé nhỏ của nó.   “Nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ rau lớn nhất … đến nỗi chim trời đến làm tổ trên cành được” (Mt 13:32).   Thật là một mầu nhiệm !    Kích thước không đủ xác định giá trị sự vật.   Sự thật này được củng cố bằng hình ảnh của “nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột” (Mt 13:33). Nắm men vượt ngoài mọi tính toán của con người.   Một nắm men nằm giữa một thúng bột còn chẳng ra gì, huống hồ ba thúng.     Số lượng bên ngoài không quyết định nổi ảnh hưởng của thực chất bên trong.

 

Rõ ràng trong cánh đồng Thiên Chúa, kích thước và số lượng không đáng kể.   Ngay từ đầu, một mình Đức Giêsu tưởng chừng vừa nhỏ về số lượng và về kích thước.  Có thêm mười hai tông đồ cũng chẳng thấm tháp gì !   Cả cộng đoàn Giáo Hội tiên khởi cũng chỉ là số không so với đế quốc Roma vĩ đại.   Thế nhưng, thời gian đã trả lời cho cả nhân loại thấy tầm ảnh hưởng và sức mạnh chiến thắng thuộc phe nào.   Cuộc chiến thắng cuối cùng chưa được xác định ở trần gian.   Phải đợi “đến ngày tận thế, người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ”(Mt 13:43).   Từ Nước Trời sang “Nước của Cha” quả thật đã có một khác biệt khủng khiếp.  Trong “Nước của Cha” chắc chắn sẽ không còn bóng dáng cỏ lùng.   Đó là cõi tuyệt đối.

 

Nhưng Nước Trời giữa trần gian vẫn mở rộng vòng tay đón tiếp mọi người.   Đó là một thời để thương !   Những người xấu vẫn có cơ hội gặp gỡ Thiên Chúa và gần gũi với những người công chính.   Đó là thời gian tràn đầy hi vọng cho những người thành tâm thiện chí.  Ngay cả “người có tội được Ngài ban ơn sám hối” (Kn 12:19), điều kiện để họ khỏi rơi vào thất vọng não nề.  Tâm hồn con người cũng là một thửa ruộng có lẫn cỏ lùng lẫn cây lúa.   Dù cỏ lùng có tràn ngập, nhưng bao lâu còn cây lúa, thửa ruộng vẫn hứa hẹn một tương lai tươi sáng.   Cũng như hạt cải và nắm men, cây lúa không thể bị chôn vùi dễ dàng.   Sức mạnh không căn cứ trên số lượng. “Dù cả một đạo quân vây đánh, lòng tôi chẳng sợ gì” (Tv 27:3).    Không bao giờ con người có quyền thất vọng trước những cỏ lùng mọc tràn ngập trong tâm hồn.   Thiên Chúa chưa thất vọng vì còn thấy một vài hạt lúa, nắm men hay hạt cải trong thửa ruộng trần gian và lòng người.   Tại sao con người lại có quyền thất vọng trước Thiên Chúa ?

 

Trên trần gian, chẳng ai thấy mình bất lực bằng người công chính.   Ngay trong việc đạo đức, họ cũng chẳng biết bắt đầu từ đâu.   Chính thánh Phaolô đã thú nhận : “Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải” (Rm 8:26).   Nhưng lòng tin vào Thiên Chúa khiến họ yên tâm, vì “có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn” (Rm 8:26).  Không những nâng đỡ sự yếu đuối, Thần Khí còn khiến cả khối bột dậy men, lúa chín đầy đồng và hạt cải thành “thứ rau lớn nhất, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được” (Mt 13:32).  

 

Sức mạnh Thần Khí lên cao nhất khi giúp tín hữu gần gũi Thiên Chúa. Thật vậy, “chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta” (Rm 8:26) tìm lại niềm hi vọng và sức mạnh nơi Thiên Chúa.  Lời cầu nguyện sẽ rơi vào quãng không, nếu Thiên Chúa không hiểu những lời lẽ vô nghĩa của nhân loại tội lỗi.  Chỉ có tiếng nói Thần Khí mới thấu đến tai Chúa.  Ngược lại, chỉ có Thần Khí mới biết được ý Thiên Chúa để “cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa” (Rm 8:27) “bằng những tiếng rên siết khôn tả” (Rm 8:26).  Thật tuyệt vời !  Khi đã có một máng chuyển thông những lời cầu nguyện tuyệt hảo như thế, còn gì dân Chúa không làm được ?

 

HẠT GIỐNG TIN MỪNG

 

Chính những lời cầu nguyện đầy thần lực đó đã khiến ngọn lúa lớn lên giữa bao cơn sóng gió và lấn lướt của cỏ lùng thời đại.   Có thể kiếm thấy những dấu chứng thần lực đó nơi các nỗ lực xây dựng thế giới hôm nay của Giáo Hội.   Chẳng hạn hiện nay “một phong trào Giáo Dân, liên kết với Hội Thừa Sai Bác Aùi của Mẹ Têrêsa Calcutta, đã qui tụ hơn một ngàn thành viên khắp thế giới, khấn hứa sống trong sạch (hôn nhân), khó nghèo, vâng lời và hết lòng phục vụ không công  những người nghèo khổ nhất, bắt đầu từ những thành viên trong gia đình của mình.   Các giáo dân truyền giáo đó thờ phượng Chúa khắp mọi nơi bằng đời sống thánh thiện qua việc cầu nguyện, hãm mình và những việc từ thiện, theo gương Thánh Gia Nadarét.” (Zenit 15/07/02)   Với một lối sống như thế, chắc chắn những giáo dân  thiện chí đó sẽ là những bông lúa đang mọc lên mạnh mẽ từ những cánh đồng đầy cỏ lùng.

 

Mặt khác, những nỗ lực hiệp nhất nhân loại Giáo Hội đang tung ra trên thế giới hôm nay cũng đang làm cho bước tiến của cỏ lùng nhiều nơi phải khựng lại.   Trước những đau khổ vì nạn chia rẽ giữa các tôn giáo, Giáo Hội đã chứng tỏ mình không phải là kẻ thù của bất cứ tôn giáo nào trên thế giới.   Bằng chứng, “Giáo Hội Công giáo tại Argentina đã bày tỏ tình liên đới với cộng đồng Hồi giáo quốc gia, sau khi một nghĩa trang của họ đã bị xâm phạm.” (Zenit 17/07/02)   Cha Guillermo Marco, giám đốc văn phòng báo chí Tổng Địa Phận Buenos Aires còn nói : “Cộng đoàn Công giáo hỗ trợ những anh em Hồi giáo bằng lời cầu nguyện cho những người thân của họ trong các nghĩa trang lâu đời đó.   Chúng tôi cầu xin Thiên Chúa ban ơn hòa bình xuống cho dân tộc chúng tôi, để nhổ tận gốc sự kỳ thị tôn giáo khỏi tâm trí chúng tôi.” (Zenit 17/07/02)   Tình liên đới đúng lúc đó chắc chắn phải gieo những hạt giống lúa tốt vào cánh đồng đầy những cỏ lùng, đợi ngày trổ mùa màng tươi tốt trong tương lai.


 Có lẽ cánh đồng cần đón nhận hạt giống Tin Mừng nhất là tâm hồn các bạn trẻ.  “Ít nhất có một giám mục tin rằng Ngày Giới Trẻ Thế Giới đã tạo ra một con đường mới Phúc âm hóa các bạn trẻ” (Zenit 16/7/02).  Trong khi bao bạn trẻ đang say sưa bạo lực,  nhiều bạn trẻ thế giới đã qui tụ lại quanh Đức Giáo Hoàng tại Toronto từ ngày 23 đến 28 tháng 7 năm 2002 reo hò trước Tin Mừng giải thoát.  Đức Giám mục Schockert, chủ tịch Uûy Ban về Giới Trẻ Pháp, nói: “Ngày Giới Trẻ Thế Giới làm cho các bạn trẻ có một chỗ đứng trong Giáo Hội.  Cuộc lễ Ngày Giới Trẻ Thế Giới đã gây ý thức về việc phục vụ công chúng của Giáo Hội có tầm ảnh hưởng tới việc xây dựng một xã hội cởi mở hơn cho giơí trẻ” (Zenit 16/7/02).   Bao nhiêu hạt giống Tin Mừng được gieo vãi vào tâm hồn các bạn trẻ trong ngày hội lớn đó ? 
Làm sao biết được ? !

 

Lm. Đỗ Vân Lực, OP


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà