CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN, năm A

Mt 14, 23-36

 

ĐI TRÊN MẶT BIỂN

 

     Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ, mọi loài và dựng nên con người giống hình ảnh Ngài. Do đó, Thiên Chúa có toàn quyền trên vũ trụ, vạn vật, con người, và mọi loài, mọi vật, thiên nhiên, con người đều phải vâng phục lệnh của Ngài. Quyền năng của Chúa được thi thố ngay trên biển cả, khi sóng to, gió lớn, bão táp xẩy đến, lúc các môn đệ đang run sợ…Chúa hướng về phía họ, đi trên mặt hồ, Ngài làm phép lạ khiến biển im, gió lặng. Ngài khiến Phêrô đi trên mặt biển đến với Ngài. Các môn đệ đã nhận ra quyền năng của Chúa, nên các Ngài đã xưng tụng Chúa :” Thật là Con Thiên Chúa “. Cái trớ trêu là nhiều người chứng kiến phép lạ, nhưng đã không nhận ra Ngài. Chúa đến trần gian không phải để giương Đông kích Tây, không phải để thị oai, xưng hùng xưng bá, Ngài đến để ban bình an, ban ơn cứu độ, chạnh lòng thương xót và trung thành giữ trọn Giao ước mà Ngài đã ký kết với dân, Ngài sẽ ban cho nhân loại mọi điều thiện hảo, Ngài dùng quyền năng để thi thố ơn lành của Ngài cho nhân loại, cho con người…

PHÊRÔ VÀ CÁC MÔN ĐỆ TƯỞNG CHÚA GIÊSU LÀ MA : Là những ngư phủ lành nghề, các tông đồ hiểu nước rất rõ. Nước mang lại nguồn sống cho các ông. Nước mênh mông của hồ, của biển, của đại dương mang nguồn sống cho các loài cá, loài tôm, loài ốc, loài vật và cả con người vv…Có nước nghĩa là có sự sống cho con người và cho các loài vật sống dưới nước. Nước là nguồn cung cấp sự sống cho con người, cho động vật, cho thảo mộc. Không có nước vũ trụ sẽ khô cằn và sẽ chết. Tuy nhiên, hôm nay trong một bối cảnh xem ra thật khác lạ. Các môn đệ đang ở dưới thuyền sau khi phép lạ Chúa Giêsu làm cho năm chiếc bánh và hai con cá nuôi sống nhiều ngàn người ăn. Chúa thi thố quyền năng của Ngài chế ngự thiên nhiên. Số là đang đêm thuyền của các môn đệ đã ra xa bờ khoảng mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió ( Mt 14, 24 ). Sóng gào, nước gầm rú dưới thuyền của các ông, nước giờ đây đồng nghĩa là chết. Tin Mừng viết:” Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ.Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau :” Ma đấy!”, và sợ hãi la lên “( Mt 14, 26 ). Đúng là các môn đệ chưa nhận ra Chúa vì trong bóng đêm họ lầm tưởng Chúa là ma. Chúa Giêsu trấn an các ông :” Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ “ ( Mt 14, 27 ). Bây giờ họ mới hoàn hồn. Phêrô với tính bốc đồng muốn được Thầy ban đặc ân cho mình được tới với Thầy. Chúa nói với Phêrô:” Cứ đến !” ( Mt 14, 29 ). Chúa chiều lòng Phêrô nhưng ông không thành công vì thiếu lòng tin khi thấy gió thổi mạnh, ông bắt đầu chìm xuống nước. Phải chăng Chúa muốn dạy cho Phêrô và mọi người bài học hãy bằng lòng với cách Chúa thực hiện điều này điều nọ, chứ đừng đòi hỏi Người phải làm theo ý của con người ?. Chúa Giêsu liền đưa tay nắm lấy Phêrô và nói :” Người đâu mà kém tin vậy ! Sao lại hoài nghi ?”( Mt 14, 31 ). Khi Thầy trò lên thuyền thì gió lặng ngay ( Mt 14, 32 ).

TIN MỪNG MUỐN NÓI GÌ ? : Chúa có toàn quyền trên mọi loài, mọi vật, trên vũ trụ, thiên nhiên, con người. Tin Mừng hôm nay là một trong những bằng chứng để quả quyết điều đó : Sóng to, gió lớn im lặng khi Chúa Giêsu có mặt. Thực ra, đối với Chúa Giêsu điều này chẳng có gì là khó khăn cả và về chúng ta, phần con người điều này cũng chẳng có gì là khó hiểu cả bởi vì Thiên Chúa là Thiên Chúa và là Đấng sáng tạo, tạo dựng mọi loài, mọi vật. Chính Ngài cầm quyền trên mọi sự, mọi định luật khoa học, toán học, vật lý vv…Do đó, việc Ngài đi trên mặt nước chẳng có gì là phản khoa học, hoặc tỏ ra vô lý nhưng lại chứng tỏ uy quyền Thiên Chúa của Ngài. Các môn đệ đêm hôm ấy nhận ra uy quyền của Chúa và họ càng gia tăng lòng tin nơi Ngài. Đối với nhân loại, đối với con người, đức tin của chúng ta, của mỗi người hầu như còn non kém và hay thay đổi, nên chúng ta phải cầu xin Chúa tăng thêm lòng tin cho chúng ta. Phêrô là gương điển hình cho chúng ta. Phêrô thấy Chúa đi trên mặt nước, ông vui sướng và cầu xin cho mình cũng được phúc đi trên mặt nước, Chúa đã ban cho ông ơn ấy, nhưng vừa đi ông thấy gió to thổi mạnh, ông lại sợ và chìm mình xuống nước, khiến ông phải cầu cứu Chúa và Chúa đã cứu ông. Dù sao đây cũng là lời cầu nguyện chân thành của Phêrô. Ông ý thức sự yếu hèn của mình và xin Chúa nâng đỡ, cứu vớt. Con người chúng ta cũng vậy thôi, trong cuộc hành trình về Trời, chúng ta gặp không biết bao nhiêu khó khăn thử thách, chúng ta hãy thành thực cầu xin Chúa giúp chúng ta và khiêm tốn xin Chúa cứu vớt. Chúng ta hãy tin tưởng, Chúa luôn có mặt bên ta để cứu giúp chúng ta như đã cứu vớt Phêrô:” Hãy yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ “. Đây là lời trấn an của Chúa và Chúa đã thực hiện như lời Chúa nói. Chúng ta hãy tin tưởng thật sự và khiêm tốn phó thác cho Ngài cuộc đời với những thử thách, khó khăn vv…

ÁP DỤNG VÀO THỰC TẾ CUỘC ĐỜI CỦA MỖI NGƯỜI : Mỗi người chúng ta đều có chỗ trong trái tim Chúa, Ngài không gọi chúng ta cách chung chung. Ngài kêu tên từng người. Chúa dậy chúng ta, Ngài ở khắp mọi nơi, nhưng Ngài không ở trong gió bão, trong những đam mê, trong sự huyên náo ồn ào, trong những chia rẽ, hận thù, ghen ghét của con người. Chúa ở trong thinh lặng, thanh vắng, thanh bình, ở nơi những tâm hồn thanh sạch, đầy niềm tin như bài đọc thứ nhất diễn tả. Trong bài Tin Mừng Chúa dậy chúng ta phải hết lòng tin cậy vào Chúa. Chúa quở trách Phêrô vì ông tin vào Chúa nhưng lại nghi ngờ quyền năng của Ngài khi bị dao động, khi thấy gió thổi, sóng to. Chúa muốn chúng ta khiêm tốn vâng theo lời Chúa và sẵn sàng tin theo Chúa:” Chính Thầy đây, đừng sợ “.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm lòng tin cho chúng con để chúng con luôn vững vàng trước mọi thử thách của cuộc đời. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Chúa làm phép lạ cho sóng im biển lặng để cứu các tông đồ sau phép lạ nào ?

2.Phêrô có tin vào Chúa không ?

3.Tại sao Phêrô lại chìm xuống nước ?

4.Chúa dậy chúng ta những gì ?

5.Có khi nào gặp khó khăn thử thách ÔBACE phàn nàn Chúa không ? Tại sao ?

6.Chúa có ở bên chúng ta không ? Lúc nào và khi nào ?

 

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi  DCCT


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà