SÓNG GIÓ

 

Chúa Nhật 19A Thường Niên

 

 

Giữa những sóng gió cuộc đời, đâu là con đường đến với Chúa ?   Con đường đó phải được khai thông, mọi vấn đề  mới có thể giải quyết.   Hi vọng truyện thánh Phêrô đi trên biển hôm nay sẽ mạc khải con đường ấy.

 

ĐỜI CHỈ  LÀ BÃO TỐ

 

Mở đầu và kết thúc câu truyện hôm nay là một cảnh yên tĩnh đầy ý nghĩa.   Làm sao thấy hết được tâm hồn Đức Giêsu bình an tới mức nào khi “Người lên núi riêng một mà cầu nguyện.   Tối đến Người vẫn ở đó một mình” (Mt 14:23) ?   Thật là một cảnh thanh tĩnh tuyệt đối.   Bầu khí thanh tĩnh không dẫn đến hư vô, nhưng tới sự hiện hữu vô cùng phong phú với Thiên Chúa.  

Kết thúc câu truyện là cảnh thanh tĩnh vì “gió lặng” (Mt 14:32) sau khi “chiếc thuyền bị sóng đánh vì ngược gió.” (Mt 14:24)   Cảnh thanh tĩnh tràn ngập sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô.    Người đã trấn an các ông : “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ !” (Mt 14:27)   Sự thanh tĩnh này đã dẫn các môn đế đến niềm tin lớn lao : “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa !” (Mt 14:33)    Nhưng  niềm tin đó đã phải trả một giá rất mắc.   Chút xíu nữa Phêrô mất mạng.   Thật vậy, sau khi “từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước” (Mt 14:29), “thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và bắt đầu chìm.” (Mt 14:30)    Tức khắc, “Đức Giêsu liền đưa tay nắm lấy ông” (Mt 14:21) mà đưa vào thuyền.   Bằng hành động cụ thể Người đã trả lại sự bình an cho ông và các môn đệ.  

 

Chỉ trong thanh tĩnh, môn đệ mới nhận ra bản chất con người Đức Giêsu.   Thực vậy,  chính ngôn sứ Eâlia chứng nghiệm : “Đức Chúa không ở trong cơn gió bão.   Đức Chúa không ở trong trận động đất.   Đức Chúa cũng không ở trong lửa.” (1 V 19:11.12)  Nhưng sự bình an đó chỉ đến với những ai thực sự  tin vào sự hiện diện của Thiên Chúa.   Xa Chúa, đời chỉ còn là bão tố.   Kinh hoàng và sợ hãi sẽ bao trùm cả cuộc đời.   Nhờ hiện diện, Thiên Chúa sẽ đem tất cả quyền năng để cứu những ai kêu đến Người.   Không phải đức tin có thể cứu được con người.   Nhưng khi sống với đức tin, con người thiết lập một tương quan với Thiên Chúa.   Nói khác, đức tin là một mời gọi Thiên Chúa đến hiện diện với con người.   Tự bản chất, đức tin không phải là một sức mạnh.   Nhưng Thiên Chúa chỉ hành động nơi những ai có niềm tin mà thôi.   Đó chính là một kinh nghiệm các môn đệ đã đạt được sau cơn bão tố trên biển cả

Chính vì không có niềm tin nơi Đức Giêsu, người Do thái đã làm cho thánh Phaolô “rất đỗi ưu phiền, và đau khổ không ngơi.” (Rm 9:2)   Đáng lẽ Đức Giêsu phải hiện diện với đồng bào của Người sâu xa và mãnh liệt hơn bất cứ đâu.   Vì “chính Đức Kitô, xét theo huyết thống, cũng cùng một nòi giống với họ.”(Rm 9:5)  Thấy cảnh đồng bào không quan tâm gì tới ơn cứu độ của Đức Giêsu, thánh Phaolô đã phải đau đớn thốt lên : “Giả như vì anh em đồng bào của tôi theo huyết thống, mà tôi có bị nguyền rủa và xa lìa Đức Kitô, thì tôi cũng cam lòng.” (Rm 9:3)   Như thế mới thấy tình yêu thánh nhân dành cho dân tộc sâu xa biết chừng nào.   Oâng không thể chịu nổi cảnh dân tộc  xa lìa Đức Kitô.   Không có một dân tộc nào được vinh dự lớn lao như Do thái.     Họ có đủ điều kiện gần gũi hơn bất cứ ai.   Đức Giêsu chính là Con Thiên Chúa, là vinh quang Đức Chúa Cha, đã đến thực hiện tất cả những điều đã viết trong lề luật và ngôn sứ.   Vậy mà chính người chối bỏ Đức Giêsu lại là dân tộc “đã được Thiên Chúa nhận làm con, được Người cho thấy vinh quang, ban tặng các giao ước, lệ luật, một nền phụng tự và các lời hứa.” (Rm 9:4)    Thật là chua xót !!!

Không những xa lìa Đức Giêsu, họ còn trở thành những cuộn sóng giận dữ trong lòng “biển cả đây là một chướng ngại tách lìa các môn đệ khỏi Đức Giêsu, tượng trưng cho hiện diện của Thiên Chúa.” (NIB vol. VIII:327)   Tuy thế, người tín hữu luôn tin tưởng chiến thắng cuối cùng vẫn thuộc về Đức Kitô.   Vì “chỉ một mình Thiên Chúa mới bước đi trên biển cả.” (G 9:8; 38:16; Tv 77:19; Is 32:16; 51:9-10; Kb 3:5) (NIB vol. VIII:327)     Nếu Đức Giêsu có cho ông Phêrô “đi trên mặt nước” (Mt 14:29) vì muốn chia sẻ quyền bính với ông mà thôi. Cũng chính Đức Giêsu đã cứu ông dậy khỏi cơn phẫn nộ của trùng dương ngạo nghễ và biến ông thành hoa tiêu đem con thuyền  ra khỏi cơn bão tố.   Nhưng muốn vượt qua cơn hiểm nghèo, tới bến bình an, con thuyền Giáo Hội phải luôn có Chúa hiện diện. Thật vậy “Thiên Chúa ở với chúng ta trong thuyền, thực sự hiện diện trong cộng đoàn đức tin khi làm cho con thuyền Giáo Hội vượt qua cơn bão tố.” (NIB vol. VIII:330)

 

GIÁO HỘI HÔM NAY

 

Dưới quyền điều khiển của hoa tiêu Gioan Phaolô II, con thuyền Giáo Hội hôm nay đang lao đi giữa biển cả mênh mông.   Không phải lúc nào cũng êm đềm.   Có những lúc sóng gió nổi lên dữ dội.   Thế nhưng, con thuyền lúc nào cũng đầy ắp sự hiện diện của Đức Giêsu. Bởi thế Giáo Hội đã thực hiện được những bước tiến ngoạn mục trong thế giới hôm nay.   Ví dụ cuộc thăm viếng Mỹ Châu tuần qua đã kết thúc ở Mexico.  Khắp đường phố Mexico, 12 triệu người ùa ra đón chào Đức Giáo Hoàng.   Nhiều người đã khóc vì vui sướng khi nhìn thấy người.   Đó không phải dịp để biểu dương quyền lực cá nhân, nhưng là sự hiện hữu của chính quyền bính Giáo Hoàng, và của Giáo Hội nữa, bất chấp những khó khăn hay gương mù.  

Nhân dịp phong chân phước cho Juan Bautista và Jacinto de los Angeles, ĐGH nói : “ Trước dung nhan dịu hiền của Đức Mẹ Guadalupe, Đấng hằng hỗ trợ đức tin con dân Mexico, chúng ta hãy canh tân lời thề Phúc âm hóa, đức tính trổi vượt của hai chân phước.   Chúng ta hãy làm cho các cộng đoàn Kitô hữu chia sẻ công tác này, để họ có thể nhiệt thành loan báo niềm tin  và truyền lại toàn vẹn niềm tin ấy cho thế hệ tương lai.   Phúc âm hóa bằng cách làm kiên cường những giao ước hiệp thông huynh đệ và làm chứng cho niềm tin nhờ một cuộc sống gương mẫu trong gia đình, nơi làm việc và những tương quan xã hội !   Hãy tìm Vương Quốc Thiên Chúa và sự công chính Người ngay tại miền đất này qua sự liên đới huynh đệ với những người cùng khốn nhất và những người ngoài lề xã hội (xc Mt 25:34-35) !   Hãy là những nhà xây dựng niềm hi vọng cho toàn thể xã hội.”  (Zenit 01/08/02)   Chính nhờ sự hi sinh lớn lao của hai vị chân phước, cả tu viện Đa Minh đã thoát chết.   Các ngài rất can đảm khi vượt qua những sóng gió kinh hoàng nhất để “đến với Đức Giêsu” (Mt 14:29) “là Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi sự.” (Rm 9:5)   Sau những trận tra tấn dã man,  
các ngài vẫn cương quyết giữ vững đức tin, mặc cho bao lời dụ dỗ của những người thổ dân nổi loạn.

Xét về mặt xã hội, hai vị chân phước Juan và Jacinto đều là những chưởng ấn.   “Các ngài đã khuyền khích các dân tộc bản xứ hôm nay biết quí trọng văn hóa và ngôn ngữ của mình, và nhất là phẩm giá làm con Thiên Chúa.   Phẩm giá này phải được người khác tôn trọng trong hoàn cảnh đất nước Mexico, do nhiều dân tộc thuộc các nguồn gốc khác nhau nhưng cùng muốn xây dựng thành một gia đình sống  trong công lý và tình liên đới.” (ĐGH Gioan Phaolô II : Zenit 01/08/02)    Đàng khác, hai vị đều là những người chồng và người cha trong gia đình, và được đồng bào thời đó nhìn nhận là những người có phẩm cách cao quí.  Điều đó nhắc nhở các gia đình Mexico hôm nay về ơn gọi cao cả, giá trị của sự trung tín và tình yêu, và lòng quảng đại chấp nhận sự sống.” (Zenit 01/08/02)    Trước cảnh những gia đình bị vùi dập dưới những cơn sóng gió trần gian, hai vị đã trở thành điểm sáng hướng dẫn các gia trưởng lèo lái gia đình thấy rõ con đường “đến với Đức Giêsu,” (Mt 14:29) Đấng cứu độ duy nhất của toàn thể nhân loại.

 

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà