Chúa Nhật 19 Mùa Thường Niên, A

 

          Trong Nước Trời, ta đã được gặp gỡ Chúa Ki-tô là tình yêu Thiên Chúa nhập thể, khiến cho ta được kết hợp mật thiết với Người và không gì có thể tách ta ra khòi tình yêu ấy.  Phép lạ bánh hóa nhiều gợi lại cho ta câu truyện ông Mô-sê cầu khẩn Chúa ban man-na cho dân Ít-ra-en giữa sa mạc.  Sau khi vượt qua Biển Đỏ và được nuôi dưỡng nhờ man-na, dân Chúa đã đi qua hoang địa mà vào Đất Hứa.  Thánh sử Mát-thêu kể lại câu truyện Chúa đi trên mặt biển sau phép lạ bánh hóa nhiều, hẳn ngài cũng muốn liên kết hai câu truyện với nhau để nói với ta rằng Chúa Ki-tô đã hành động như Thiên Chúa, Người luôn hiện diện bên ta, nuôi dưỡng và dẫn ta vượt qua biển trần gian mà đến với Cha trên trời.

1.  Thiên Chúa hiện diện bên cạnh ngôn sứ Ê-li-a (bài đọc Cựu Ước – 1 V 19:9a.11-13a)

          Thiên Chúa hiện diện nhiều cách.  Trong những lần thần hiện, Thiên Chúa đến với ông Mô-sê hoặc dân Ít-ra-en qua lửa bốc cháy bụi gai, qua cột lửa bảo vệ dân Chúa hay trong đám mây hoặc sấm sét.  Những dấu chỉ ấy mạnh mẽ nên người ta dễ nhận ra sự hiện diện của Người.  Nhưng ngôn sứ Ê-li-a không thể nhận ra sự hiện diện của Chúa qua những dấu chỉ lớn lao ấy, trái lại, ông chỉ nhận ra Chúa hiện diện qua tiếng gió hiu hiu nhẹ nhàng.

          Dấu chỉ để nhận ra Chúa hiện diện thật quan trọng, nhưng ý nghĩa sự hiện diện của Chúa muốn nói cho ngôn sứ Ê-li-a biết điều gì, đó mới quan trọng hơn.  Bị hoàng hậu I-de-ven tìm giết, ngôn sứ Ê-li-a vội vã chạy trốn vào sa mạc.  Phải chạy trốn cực khổ, ông thất vọng đến nỗi ông xin Chúa cho ông được chết quách đi cho rồi.  Nhưng Thiên Chúa có kế hoạch của Người.  Người sai thiên sứ đem bánh và nước đến cho ông ăn uống no nê và “nhờ lương thực ấy bổ dưỡng, ông đi suốt bốn mươi ngày, bốn mươi đêm tới Khô-rếp, là núi của Thiên Chúa”.  Núi của Thiên Chúa là nơi người ta có thể gặp gỡ Người, tuy nhiên không hẳn phải là một nơi cố định ở Khô-rếp hay Xi-on mà là ngay tại tâm hồn ta.  Nhiều khi ta đi hành hương xa ngàn dặm để gặp gỡ Chúa và Đức Mẹ, nhưng lại quên đi vào chính tâm hồn mình để tìm gặp Chúa ngự nơi ấy.  Ngôn sứ Ê-li-a trú ẩn tại một cái hang, rồi ông ra khỏi đó để gặp gỡ Chúa, có thể là một hình ảnh biểu tượng cho hoàn cảnh của mỗi người.  Ông khiếp sợ trước sự bách hại của hoàng hậu I-de-ven nên tìm một nơi trú ẩn trần gian và quên đi Thiên Chúa mới là “đá tảng” cho ta nương náu.  Do đó, ông cần phải đi ra khỏi con người khốn khổ để đến với Thiên Chúa, tìm lại sự bình an tựa như gió hiu hiu thổi.  Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, sự hiện diện của Thiên Chúa cũng là lẽ sống còn của đời ông.  Trong cơn gian nan hiện tại, ông được Chúa chăm sóc giữ gìn, để mai mốt ông lại trở về tiếp tục tác vụ ngôn sứ.  Việc ông Ê-li-a gặp gỡ Thiên Chúa cần phải được lập lại trong đời ta.  “Kìa Đức Chúa đang đi qua” là lời nhắc nhở ta từng giây phút trong cuộc sống, nhất là khi ta đang bị khiếp sợ khốn khổ trong lúc gian nan.  Điều quan trọng là ta có nhận biết Chúa qua dấu chỉ, tựa như ngôn sứ Ê-li-a nhận ra Người qua “tiếng gió hiu hiu” hay không.

2.  Chúa Giê-su hiện diện bên các môn đệ Người (bài Tin Mừng – Mt 14:22-33)

          Thiên Chúa luôn ở bên cạnh vị ngôn sứ trung thành của Người là ông Ê-li-a.  Cũng vậy, Chúa Giê-su hằng hiện diện bên các môn đệ Người.  Sự hiện diện ấy được nói lên rõ ràng qua câu truyện Tin Mừng hôm nay.

          Chúa Giê-su hằng quan tâm chăm sóc đám dân chúng đi theo Người.  Cho họ ăn no phần hồn phần xác chưa phải là xong chuyện.  Nhưng Người còn ở lại với họ một lúc và “giải tán” họ, một hình thức kết thúc Thánh lễ của ta ngày nay.  Người muốn nói với họ:  bữa tiệc Nước Trời hôm nay đã xong, chúc anh chị em ra đi bình an.  Trái tim Thiên Chúa của Người đủ chỗ cho toàn thể nhân loại, dân chúng sẽ trở về nhà cũng như nhóm môn đệ đã xuống thuyền để sang bờ hồ bên kia.  “Giải tán họ xong, Người lên núi riêng một mình mà cầu nguyện”.  Đây là một cách nữa Người hiện diện với ta.  Tuy Người ở “riêng một mình” trên núi, nhưng tâm trí Người lại đầy ắp sự hiện diện của các môn đệ, của ta và của nhân loại.  Người đưa hết thảy nhân loại vào trong lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa Cha.  Đề tài cầu nguyện của Người không phải là xin điều này điều kia cho mình, nhưng là mối quan tâm lo lắng cho nhân loại.  “Lạy Cha, con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17:20-21).

          Cơn gió đổi chiều khiến Chúa Giê-su nghĩ đến tình trạng khó khăn của các môn đệ trên thuyền.  “Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió”.  Chúa Giê-su biết các ông cần có sự hiện diện của Người lúc này.  Thế là Người dùng quyền năng Thiên Chúa để đi trên mặt nước mà đến với họ.  Đi trên mặt nước cũng như truyền cho sóng gió im lặng là những dấu chỉ Chúa có quyền trên thiên nhiên, nhưng cũng là dấu chỉ Người có quyền năng làm cho bão táp tâm hồn phải yên lặng và bình an được tái lập.  Cuộc đời ta khác nào con thuyền trên đại dương, luôn phải chống trả với phong ba bão táp.  Ta tin có Chúa bên cạnh ta trong những lúc quẫn bách ấy.  Nhưng đức tin của ta đôi khi cũng bị thử thách hoặc “kém lòng tin”, giống như ông Phê-rô.  Vừa trước đây vài phút lòng tin của ông còn mạnh mẽ đến độ xin Chúa “truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Chúa”.  Ngay sau đó, lòng tin của ông như biến mất khi “thấy gió thổi thì ông đâm sợ và bắt đầu chìm”.  Thực vậy, lòng tin không phải là cái gì cố định, nhưng thay đổi khi mạnh khi yếu, tùy theo mối quan hệ giữa ta với Chúa.  Bởi vậy, ta cứ phải luôn xin Chúa như ông Phê-rô:  “Xin Thầy thêm lòng tin cho chúng con”.

          Chúa hiện diện với ta không phải chỉ vì ta cần Người cứu giúp, nhưng còn để ta biết nhận ra Người là Đấng nào.  Câu truyện Chúa đi trên mặt nước đến với các môn đệ đưa ta tới một kết luận tất nhiên, đó là các môn đệ tuyên xưng đức tin:  “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!”  Các ông tuyên xưng đức tin khi thấy Chúa có mặt thì lập tức sóng gió yên lặng.  Tước hiệu Con Thiên Chúa nói lên sứ mệnh cứu độ Chúa Giê-su sẽ thực hiện.  Như thế các môn đệ đã vượt qua quan niệm bình thường, coi Chúa Giê-su chỉ như một “người làm phép lạ” để bước lên thềm đức tin, nhận biết căn tính và sứ mệnh cao cả của Người.

3.  Lòng tin vào Chúa Ki-tô của thánh Phao-lô (bài đọc Tân Ước – Rm 9:1-5)

          Các môn đệ trên thuyền tuyên xưng đức tin khi chứng kiến việc lạ xảy ra trước mắt các ông.  Còn thánh Phao-lô lại có cách khác để tuyên xưng đức tin của ngài vào Chúa Ki-tô.  Trong thư gửi giáo đoàn Rô-ma, ngài biểu lộ một nỗi bức xúc liên quan tới lòng tin vào Chúa Ki-tô.  Ngài viết:  “Lòng tôi rất đỗi ưu phiền, và đau khổ mãi không ngơi”.  Tại sao thánh Phao-lô lại ưu phiền đến độ ấy?  Lý do chỉ vì Ít-ra-en không tin và không đón nhận Chúa Ki-tô.  Theo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, Chúa Ki-tô được sai đến trần gian để khai mở Triều Đại Thiên Chúa, rao giảng Tin Mừng cứu độ.  Đáng lẽ Ít-ra-en phải nhận biết đặc ân Thiên Chúa chọn họ để ban cho nhân loại Đấng Cứu Thế.  Trái lại, họ lại bất trung và nộp Chúa Ki-tô cho dân ngoại đóng đinh thập giá.  Nỗi ưu phiền của thánh Phao-lô nảy sinh do tình đồng bào ruột thịt của ngài, càng gắn bó với anh chị em Do-thái bao nhiêu, ngài càng cảm thấy đáng thương cho họ bấy nhiêu.  Hơn nữa, thánh Phao-lô còn nghĩ đến tình đồng bào giữa Chúa Ki-tô và anh chị em Do-thái của ngài.  Lòng tin của ngài vào Chúa Ki-tô thúc bách ngài đem Tin Mừng đến với anh chị em Do-thái, nhưng họ từ chối đón nhận nên ngài chẳng đặng đừng phải quay sang với các anh chị em Dân ngoại.  Ra đi, nhưng lòng buồn trĩu nặng.  Tuy nhiên ngài lại nhìn theo cái nhìn của đức tin, nhìn nhận kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, từ việc Ít-ra-en không tin và không đón nhận Chúa Ki-tô thì Tin Mừng lại được rao giảng cho những anh chị em Dân ngoại.

          Điều ta học được nơi thánh Phao-lô là đức tin không giữ lấy cho riêng mình, nhưng cần phải được tuyên xưng.  Cách tuyên xưng của Phao-lô mang kích thước truyền giáo, thúc giục ta đem Chúa Ki-tô đến với anh chị em.  Trước tình trạng nhiều người không tin nhận Chúa Ki-tô, ta không thể thờ ơ, cho đó là điều không ăn nhập gì tới mình.  Nhưng ta phải đồng cảm với Chúa Ki-tô và Giáo Hội.  Chính Chúa Ki-tô đã bức xúc vì người Do-thái không đón nhận Người.  Sách Tin Mừng Gio-an nhiều lần ghi lại tâm tình của Chúa Giê-su khi bị chối từ.  Chúa thương tiếc Giê-ru-sa-lem là một bằng chứng (Lc 19:41-44; Mt 23:37-39).  Thánh Phao-lô cũng mang cùng một tâm tình của Chúa Ki-tô vậy.

4.  Sống Lời Chúa

          Chúa hiện diện ở mọi nơi, nhưng đặc biệt Chúa hiện diện ngay trong cuộc đời ta.  Hẳn ta rất quen thuộc với câu truyện “Vết chân trên cát” kể lại một người phàn nàn với Chúa là trước khi họ gặp hoạn nạn thì còn thấy Chúa đi với họ, vết chân của Chúa và của họ in trên cát bờ biển.  Nhưng khi họ gặp đau khổ thì thấy chỉ còn vết chân một người thôi.  Chúa trả lời:  “Chính lúc ấy Cha bồng con trên đôi tay Cha!”  Thiên Chúa hằng ở với ta cũng như Chúa Ki-tô hằng ở với các môn đệ Người.  Nhưng ta có thực sự tin Người là Thiên Chúa của ta hay không, điều ấy mới nói lên ý nghĩa đích thực của việc Thiên Chúa hiện diện.

Suy nghĩ:  Chúa Giê-su trách ông Phê-rô:  “Hỡi kẻ kém lòng tin!  Sao lại hoài nghi?”  Có khi nào Chúa nói điều này với tôi không?  Tôi hoài nghi điều gì?  Làm thế nào để lòng tin của tôi mạnh mẽ thêm?

Cầu nguyện:  Lạy Chúa là Đấng an bài mọi sự cách tuyệt vời, Chúa trải rộng vương quyền Đức Ki-tô trên khắp cùng trái đất để mọi dân được hưởng ơn cứu độ.  Xin làm cho Hội Thánh thực sự trở thành dấu chỉ ơn cứu độ cho hết thảy mọi người, đồng thời cũng trở thành nơi Chúa tỏ bày và thực hiện chương trình yêu thương của Chúa.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, lễ cầu cho Hội Thánh toàn cầu)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi                  

         

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà