CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN, năm A
Ga 1, 29-34
ĐÂY CHIÊN THIÊN CHÚA
Mỗi ngôn từ, mỗi cụm từ đều mang một ý
nghĩa nào đó. Mỗi câu chuyện, mỗi dụ ngôn, mỗi huyền thoại cũng đều muốn nói
lên một sứ điệp nào đó.Từ “ Con Chiên “ trong Tin Mừng của thánh Gioan hôm nay
là hiện thân của sự thật : Đấng Cứu Thế đã hiến thân vì nhân loại như lời Ngài
đã tuyên bố:” Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng
sống vì người mình yêu”( Ga 15, 13 ). Đấng Cứu Thế là Đức Giêsu Kitô mà Gioan
Tẩy Giả đã giới thiệu với các môn đệ của Ông:”
Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” ( Ga 1, 29 ).
CHIÊN THIÊN CHÚA : Đối với người Do Thái
cụm từ Chiên Thiên Chúa gợi lên trong tâm trí, trong cõi lòng của họ toàn bộ
giáo lý đức tin của dân riêng họ. Ở đây, gioan Tẩy Giả đã nghĩ tới người tôi
đau khổ mà ngôn sứ Isaia đã đề cập tới. Chiên cũng có nghĩa là Chiên Vượt Qua.
Thiên Chúa ban ơn tha tội trọn vẹn cho toàn thể nhân loại qua Chiên Vượt Qua,
Đấng xóa hết tội lỗi trần gian bằng giá máu cứu chuộc của Người. Chiên Thiên
Chúa là Đấng-sẽ-đến-sau như Chiên Khải Huyền của Thiên Chúa. Chiên Thiên Chúa
là Con Chiên thanh sạch, vô tì tích, bị đưa đi lò sát nhưng hiền lành, khiêm
nhượng không than thở một lời, gánh hết tội cho nhân loại, cho từng người.
Chiên sát tế vô tội mới chết thay cho tội nhân. Chỉ có phép rửa trong Chúa
Thánh Thần, chính là Máu của Đức Giêsu Kitô mới có thể rửa sạch tội lỗi của con
người, của gian trần và ban ơn thánh hóa. Chiên Thiên Chúa là chính Đức Giêsu
Kitô, Đấng tới trần gian không phải để được hầu hạ, mà để phục vụ. Đây là Đấng
Cứu Độ, Đấng chuộc tội nhân loại. Do đó, đối với người Do Thái, hằng năm họ ăn
lễ Vượt Qua một cách rất trọng thể để tưởng nhớ biến cố Chúa đã giải thoát cha
ông họ ra khỏi ách nô lệ Ai Cập và dẫn đưa cha ông họ vào đất hứa.
HÃY YÊU MẾN VÀ ĐỀN ĐÁP CÔNG ƠN CỨU CHUỘC
CỦA CHÚA VÀ HÃY TRỞ THÀNH CHỨNG NHÂN CỦA NGƯỜI : Thánh Gioan Tẩy Giả đã chỉ cho
các môn đệ và mọi người biết Đấng Cứu Thế :” Đây Chiên Thiên Chúa. Đây Đấng xóa
tội trần gian”. Thánh Gioan đã làm chứng Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa. Qua
lời chứng của Gioan Tẩy Giả, Hội Thánh mời gọi nhân loại, đặc biệt mọi Kitô hữu
đền đáp công ơn cứu chuộc của Chúa, đồng thời kêu gọi mọi Kitô hữu hãy mau mắn
ra đi làm chứng cho Người. Người Kitô hữu phải tuyên xưng niềm tin bằng việc
đáp trả tình thương vô biên của Chúa Giêsu. Yêu mến Chúa Giêsu không có nghĩa
là miệng nói :” Lạy Chúa, lạy Chúa” mà còn bắt chước lối sống của Người. Yêu
mến, đền đáp công ơn của Chúa Giêsu không chỉ nhận lãnh nhưng không những ân
huệ cao quí của Người mà còn biết sống chia sẻ, quảng đại với hết mọi người.
Yêu mến Chúa là yêu mến người khác và không mong họ đền đáp lại mình. Sống đáp
trả ân tình đối với Chúa như thế cũng có nghĩa là làm chứng cho Chúa, bởi vì
đối với Chúa sống đời sống của Chúa như thánh Phaolô nói :” Tôi sống nhưng không
phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi “ , chính là việc họa lại sự sống
của Chúa và đó cũng là chứng nhân cho Chúa bằng đời sống của mình rồi. Làm
chứng cho Chúa Giêsu nghĩa là để Chúa dùng con tim, dùng trí óc, dùng lời nói,
hành động của chúng ta để tha thứ và yêu thương người khác. Và một cách thiết
thực, thực tế : làm chứng cho Đức Giêsu Kitô là để Chúa dùng con người của
mình, tiếp tục hy sinh, hiến mạng sống cho người khác.
Kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô khó
khăn nói lên trọn vẹn ý nghĩa yêu thương và làm chứng cho Chúa:” Lạy Chúa từ
nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người…Vì chính khi
thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời …vv…”.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết
đền đáp công ơn vô biên của Chúa và xin cho chúng con tấm lòng nhiệt thành làm
chứng cho Chúa”.Amen.
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT