THA THỨ
Chúa Nhật 2A Thường Niên
Chưa bao giờ nhân loại
cần đến sự tha thứ như bây giờ. Nhân loại
đứng trước một thách đố lớn lao. Một là
tha thứ hai là chết. Bởi vậy cần phải
tìm về nguồn cội của sự thứ tha để thấy được hướng đi tới cho toàn thể nhân loại.
CHIÊN THIÊN CHÚA.
Đức Giêsu đã được ông
Gioan Tẩy giả giới thiệu: “Đây là Chiên
Thiên Chúa” (Ga 1:29) Ông đã công bố
cho mọi người biết về bản chất sứ mệnh của Đức Giêsu, đồng thời nói lên tất cả
tình yêu tuyệt vời nơi con người kỳ diệu ấy.
Tình yêu Thiên Chúa mang một chiều cạnh thực tế vô cùng lớn lao. Đã đến lúc Thiên Chúa không thể che dấu lòng
bao dung vô bờ bến của mình nữa. Chính ông
Gioan đã mạnh mẽ làm chứng ơn cứu độ đã đến với con người Đức Giêsu. Nói khác, đã đến lúc Thiên Chúa tha thứ cho
nhân loại.
Ai có thể tha thứ
cho nhân loại nếu không phải là Thiên Chúa ?
Tha thứ là một việc vô cùng khó khăn.
Bởi vậy, Thiên Chúa đã phải chuẩn bị rất kỹ cho công cuộc lớn lao đó. Chính ông Gioan đã nêu lên tất cả chiều kích
siêu việt và sức mạnh kỳ diệu nơi con người sẽ thực hiện công cuộc cứu độ : “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời
xuống và ngự trên Người.” (Ga 1:32) Đó
là dấu chỉ cho ông thấy “người đó chính
là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.” (Ga 1:33) Hình ảnh lộng lẫy đó cũng mạc khải Ba Ngôi
Thiên Chúa hợp lực với nhau để tha thứ cho nhân loại. Không có sức mạnh Thánh Linh, không thể thực
hiện được công cuộc tha thứ. Chỉ có phép rửa trong Thánh Thần mới thực sự
mang lại ơn tha thứ cho nhân loại. Đó là
nét trổi vượt của thời kỳ Tân Ước.
Chính ông Gioan đã thú nhận : “Chính Người là Đấng tôi đã nói khi bảo rằng
: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.” (Ga 1:30) Trổi hơn vì chính “Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” (Ga
1:34)
để thực hiện tất cả ý
muốn hòa giải của Thiên Chúa. Trổi hơn
vì chỉ mình Người mới có thể “xóa bỏ tội trần gian,” (Ga 1:29) hầu giải phóng
nhân loại khỏi mọi thứ nô lệ.
Sau khi được tràn ngập
Thánh Linh, Đức Giêsu trở thành Đấng Kitô, Đấng được xức dầu. Sứ mệnh Người chỉ hoàn thành khi tất cả nhân
loại được tha thứ. Người đã tha thứ vô điều
kiện. Lượng tha thứ vô cùng vô tận. Không ai có thể tha thứ như Người. Chính vì thế, Người mới có thể mời gọi chúng
ta “hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” (Mt
5:44) Lòng yêu thương kẻ thù là gì, nếu
không phải là sự tha thứ ? Tội lỗi đã biến
nhân loại thành kẻ thù của Chúa và tạo một khoảng cách vô cùng giữa Thiên Chúa
và con người. Xa Thiên Chúa là xa nguồn
sống, là đi vào cõi tiêu diệt. Thế nhưng
chính Thánh Linh trong Đức Giêsu đã mạc khải cho mọi người biết tình yêu mạnh hơn
sự chết. Aân sủng đã lấp đầy hố thẳm.
Từ nay con người không
còn phải thất vọng vì tội lỗi, nhưng tràn đầy niềm vui vì được tình yêu Thiên
Chúa giải thoát. Thế mới biết “không phải
tội lỗi, nhưng tình yêu Thiên Chúa mới là điều căn bản” (The New Dictionary of
Catholic Spirituality, 1993: 407) cho mọi suy tư và hành động nhân loại. Giải thoát khỏi tội lỗi cá nhân chỉ là một
phần trong chương trình cứu độ. Đúng hơn,
sau khi được tha thứ, con người được hướng dẫn vào đườngï công chính. Nói khác, “hành động vì công lý và hòa bình
là hệ quả chính sau khi nhận thức về tình yêu Thiên Chúa và nhu cầu cần được
tha thứ của nhân loại.” (The New
Dictionary of Catholic Spirituality, 1993: 407)
THA THỨ VÀ HÒA BÌNH NHÂN LOẠI.
Thế nhưng ngày nay,
nhiều người còn nhân danh Thiên Chúa khoan nhân để đối xử bất bao dung với anh
em. Thật là một xỉ nhục đối với Thiên Chúa. Họ không thể tha thứ cho anh em, vì họ tưởng
có thể kéo Thiên Chúa về phe mình và biến Người thành phương tiện thực hiện những
mưu đồ đen tối của mình. Một cái nhìn hẹp
hòi như thế cần phải dẹp tan. Theo ĐGH
Gioan Phaolô II, các nhà lãnh đạo tôn giáo có trách nhiệm phải “từ chối và cô lập
những người lợi dụng danh Thiên Chúa vào những mục tiêu và những hành động thực
tế xúc phạm đến Người.” (CWNews, 21/1/2002)
Nếu thực sự hiểu biết
và tôn thờ Thiên Chúa, con người không thể không tha thứ cho nhau. Không tha thứ cho nhau, không thể có hòa
bình. Thực tế cho thấy cuộc chiến ngày càng
leo thang giữa Palestine và Israel. Những
cuộc khủng bố trả đũa nhau khiến cho bất cứ sáng kiến hòa bình nào cũng lâm vào
bế tắc. Đã đến lúc cần phải nhìn vào “Chiên
Thiên Chúa” để tìm ra phương hướng cho những vấn đề tranh chấp hôm nay. Nếu chỉ dựa trên những tính toán tự nhiên,
không bao giờ con người có thể tha thứ cho nhau. Tự nhiên ai cũng muốn ăn miếng trả miếng. Đó là sự khôn ngoan loài người. Không làm như thế sẽ bị đối phương chê là ngu dại. Người ta chỉ lo ăn thua, ngay cả trong đời sống
hôn nhân và gia đình !
Nếu muốn chung sống
hòa bình, nhân loại hôm nay cần hiểu biết lẫn nhau và thắt chặt mối giây thân ái.
Đó là một công cuộc lớn lao và rất phức tạp.
Các nhà lãnh đạo tinh thần và tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong công
cuộc đó. Thực vậy, theo ĐGH Gioan Phaolô
II, “tất cả các nhóm tôn giáo phải nhận thức rằng họ có chung một cam kết kiến
tạo hòa bình và công lý.” (CWNews 21/1/02) Công cuộc xây dựng hòa bình không phải chỉ
thuộc về các nhà chính trị, ngoại giao.
Không ai có thể đứng ngoài các cuộc tranh chấp hôm nay. Nhất là khi các tên khủng bố nhân danh Thượng
Đế để sát phạt anh em, các nhà lãnh đạo tôn giáo càng thấy rõ vai trò của mình
hơn. Dù khác biệt nhau về niềm tin, nhưng
họ đều có trách nhiệm khám phá và trình bày một Thiên Chúa đầy lòng bao dung
tha thứ. Từ cái nhìn trung thực về Thiên
Chúa như thế, nhân loại sẽ dễ dàng đi đến với anh em.
Nhưng việc kiến tạo
hòa bình không chỉ là trách nhiệm của các nhà lãnh đạo tinh thần. Trái lại, tất cả mọi người đều phải cầu nguyện
cho tinh thần bao dung của Thiên Chúa thấm nhuần vào đại gia đình nhân loại. Thật vậy, ĐGH Gioan Phaolô II cho rằng “nhân
loại phải chung lời cầu nguyện để vượt qua ‘những nguy cơ của những đối kháng mới’
sau vụ khủng bố 11/9. ‘Bây giờ là lúc
khẩn thiết phải cầu nguyện cho hòa bình.’ Người thúc đẩy đặc biệt các cộng đoàn
tôn giáo hãy đoàn kết cầu nguyện cho hòa bình vào ngày đã ấn định.” (CWNews
21/1/02) Đúng hơn, cần phải cầu xin
Thiên Chúa hoán cải lòng người để sẵn sàng tin tưởng vào Thiên Chúa tình thương
và chấp nhận tha nhân như những người anh em cùng chia sẻ một tình thương Thiên
Chúa. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể
tha thứ cho nhân loại. Chỉ một mình Thiên
Chúa mới có thể làm cho nhân loại sống bao dung và tha thứ như Người. Con người thực sự chỉ hạnh phúc và sống hòa
bình với nhau khi khôi phục được hình ảnh Thiên Chúa bao dung nơi chính mình và
cộng đoàn. Không thể nào khôi phục được
hình ảnh tươi sáng đó, nếu con người không hết tình tha thứ cho nhau như Thiên
Chúa đã tha thứ cho họ.
Hơn ai hết, các Kitô
hữu là những “Chiên Thiên Chúa” giữa thời đại hôm nay. Họ là những người đã được xức dầu như Đức Kitô. Họ cũng đã lãnh nhận đầy đủ sức mạnh Thánh
Linh để thực hiện công cuộc hòa giải giữa Thiên Chúa và nhân loại. Nhân loại chưa hòa bình, vì còn nhiều Kitô hữu
chưa nhận thức mình là “những người đã được hiến thánh trong Đức Kitô Giêsu, được
kêu gọi làm dân thánh,” (1 Cr 1:2) và “làm
ánh sáng muôn dân, để đem ơn cứu độ (của Ta) đến tận cùng cõi đất.” (Is 49:6)
Lm. Giuse Đỗ Vân Lực