Chúa Nhật 2 Mùa Thường Niên,A

 

          Phụng vụ Lời Chúa lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa đã mở đầu cho mùa Thường niên bằng cách giới thiệu Chúa Giê-su lên đường thi hành sứ vụ Thiên Chúa trao phó.  Từ nay trong các Chúa Nhật quanh năm, Lời Chúa sẽ mời gọi ta suy niệm về sứ vụ của Chúa Giê-su qua lời giảng và việc làm của Người.  Vậy sứ vụ ấy là gì?

1.  Chúa Giê-su đem ơn cứu độ của Thiên Chúa đến tận cùng trái đất (bài đọc Cựu Ước – I-sai-a 49:3.5-6)

          Bài ca “người tôi trung” thứ hai diễn tả một khía cạnh đặc biệt sứ vụ của Chúa Giê-su.  Có bốn bài ca về người tôi trung (Is 42; 49; 50 và 53) trong sách ngôn sứ I-sai-a, mỗi bài được Phụng vụ Lời Chúa sử dụng tùy theo mùa hoặc lễ.  Bài ca hôm nay ghi lại lời Thiên Chúa khẳng định sứ vụ của người tôi trung như sau:  “Này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất”.  Quả thực là một sứ vụ hết sức lớn lao, vượt trên mọi khả năng con người.  Nhưng Thiên Chúa đã có kế hoạch, theo đó người tôi trung sẽ được Người chuẩn bị từng bước một.

          Trước hết Thiên Chúa đã “nhào nặn” ngài ngay từ khi còn trong lòng mẹ.  Công tác đầu tiên của ngài là “đem nhà Gia-cóp về cho Thiên Chúa và quy tụ dân Ít-ra-en chung quanh Người”.  Tuy nhiên đó chỉ là bước đầu, vì sứ vụ của ngài không chỉ đóng khung trong lãnh vực Ít-ra-en.  Thiên Chúa có viễn tượng lớn lao hơn nhiều.  Người đoái thương nhìn xuống thân phận của toàn thể nhân loại đang trên đường bị hư mất.  Do đó, nếu chỉ cứu vớt dân Ít-ra-en thôi, thì thực là “vẫn còn quá ít”.  Thiên Chúa muốn ôm tất cả nhân loại trong vòng tay yêu thương của Người.  Cho nên Người muốn người tôi trung phải đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất.

          Chúa Giê-su đã thực hiện trọn vẹn những điều ngôn sứ I-sai-a nói về người tôi trung (Mt 12:15-21).  Thực vậy, khi Chúa khởi đầu thi hành sứ vụ, địa bàn hoạt động chính là miền Ga-li-lê, rồi xuống Giu-đê.  Đã có lần Người xác định với các môn đệ:  “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi” (Mt 15:24).  Rồi Người căn dặn họ:  “Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Sa-ma-ri.  Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en” (Mt 10:5-6).  Vậy có phải Chúa Giê-su thực sự không muốn đến với người ngoài Ít-ra-en hay sao?  Không phải vậy.  Người không có ý loại bỏ họ, nhưng chỉ muốn nói lên việc đến với Ít-ra-en là việc phải làm trước nhất, để rồi từ đó sẽ đi đến với dân ngoại.  Điều ấy hợp lý, vì việc truyền giáo phải khởi sự từ chính gia đình và xứ sở mình trước đã.  Thánh Phao-lô cũng theo đường lối của Chúa Giê-su.  Ngài cùng với ông Ba-na-ba nói với người Do-thái tại An-ti-ô-khi-a miền Pi-xi-đi-a:  “Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại” (Cv 13:46).  Các ngài đã đem “ánh sáng muôn dân” đến cho những chưa biết Chúa Ki-tô.

2.  Chúa Giê-su xóa bỏ tội trần gian (bài Tin Mừng – Ga 1:29-34)

          Thi hành sứ vụ cứu độ muôn dân, Chúa Giê-su không cư xử như một vị thần linh quyền năng, vung đôi đũa thần để thay đổi cục diện thế giới.  Nhưng Người đóng một vai trò tầm thường ta không thể tưởng tượng nổi.  Đó là làm Chiên Thiên Chúa để xóa bỏ tội trần gian.  Thánh Thần đã linh hứng cho ông Gio-an Tẩy giả nhận ra thân phận đích thực của Chúa Giê-su và sứ mệnh của Người.  Ông đã nói cho dân chúng biết Chúa Giê-su là ai:  “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian”.  Nhưng đáng buồn là dân chúng thờ ơ trước lời giới thiệu ấy, vì ai ai cũng nghĩ Đấng xóa bỏ tội trần gian phải là vị anh hùng cái thế, chứ đâu tầm thường như con người đang tiến về phía ông Gio-an.  Cũng may là vài người môn đệ của ông Gio-an đã nghe lời chỉ dạy của thầy mà đi theo Chúa (Ga 1:35-39).

          Hình bóng ám chỉ Chiên Thiên Chúa chính là con chiên vượt qua, máu nó đã cứu dân Ít-ra-en thoát cái chết bao trùm khắp nơi bên Ai-cập và thoát khỏi ách nô lệ của Pha-ra-ô.  Máu con chiên bôi trên khung cửa đã cứu dân It-ra-en khỏi nanh vuốt của Thần Tru Diệt (Xh 12:21-23).  Là Chiên Thiên Chúa, Chúa Giê-su đã đổ máu ra trên thập giá để đền bù tội lỗi nhân loại, cứu ta thoát khỏi cái chết đời đời.  “Người đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của Người, Người vào chỉ một lần thôi và đã lãnh được ơn cứu độ vĩnh viễn cho chúng ta… Đức Ki-tô đã tự hiến tế chỉ một lần, để xóa bỏ tội muôn người” (Dt 9:12.28).  Để diễn tả cái chết hy sinh của Chiên Thiên Chúa, ngôn sứ I-sai-a đã viết:  “Đức Chúa đã đổ trên đầu người tội lỗi của tất cả chúng ta.  Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng” (Is 53:6-7).

          Chúa Giê-su là Chiên Thiên Chúa.  Nhưng mấy ai để ý tới hình ảnh và ý nghĩa của Chiên Thiên Chúa?  Ở đoạn Tin Mừng này, ta như đọc được nỗi ưu tư đó của ông Gio-an Tẩy giả.  Ông chỉ muốn bằng mọi cách làm chứng cho chân lý Chúa Giê-su là Chiên Thiên Chúa.  Mắt thấy tai nghe đối với ông chưa đủ, cho nên ông phải nại đến Thánh Thần truyền cho ông phải làm chứng cho Chúa Giê-su.  Bài học làm chứng cho Chiên Thiên Chúa không chỉ cho riêng ông Gio-an, nhưng cho tất cả các Ki-tô hữu, nhưng người có bổn phận phải giúp người khác thấy:  “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian”.

3.  Trong Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta được hiến thánh và được kêu gọi làm dân thánh (bài đọc Tân Ước – 1 Cr 1:1-3)  

           Thực hiện kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, Chúa Giê-su Ki-tô đã rao giảng Tin Mừng, chết và sống lại vinh hiển.  Tuy nhiên kế hoạch ấy cần phải được tiếp tục cho tới khi mọi sự được viên mãn trong Người (Cl 1:19-20).  Vậy Chúa Giê-su tiếp tục công cuộc cứu độ của Người như thế nào?  Trong lời chào thăm tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phêrô Tông đồ đã cho ta thấy vai trò của Chúa Giê-su khi Người tiếp tục cứu độ ta.  Chúa Giê-su đã lấy máu mình chuộc ta lại cho Thiên Chúa, giao hòa ta với Thiên Chúa.  Điều này mới chỉ khởi đầu cho việc cứu độ của ta, cho ta một căn tính mới, tức là ta lại được làm con cái Thiên Chúa giống như A-đam và E-và trước khi sa ngã.  Thánh Phao-lô gọi việc này là “chúng ta được hiến thánh trong Đức Ki-tô Giê-su”, hoặc từ thần học là “sự công chính hóa”.  Bước kế tiếp là ta phải “làm dân thánh”, nghĩa là sống như một tạo vật mới, sống theo Thánh Thần, sống như Đức Ki-tô đã sống và thuộc về Người.  Thánh Tông đồ đưa ra một nguyên lý căn bản:  “Ai không có Thần Khí của Đức Ki-tô, thì không thuộc về Đức Ki-tô” (Rm 8:9).

          Lời chào của thánh Phao-lô thường nói đến hai điều:  ân sủng và bình an.  Quả thực đây là hai yếu tố chính của ơn cứu độ.  Ân sủng nguồn cội là chính Đức Ki-tô, quà tặng của Thiên Chúa ban cho ta, và những hồng ân tiếp nối hết ơn này đến ơn khác (Ga 1:16).  Bình an là mối quan hệ tốt đẹp và thân mật giữa ta với Thiên Chúa cần phải được bảo trì và phát triển không ngừng cho tới khi nhắm mắt lìa đời.  Tất cả những điều này chỉ có thể được thực hiện “trong Đức Giê-su Ki-tô mà thôi.

4.  Sống Lời Chúa

          Suy niệm về sứ mệnh của Chúa Giê-su không giống như tìm hiểu sự nghiệp của một vĩ nhân trần thế, nhưng là một sứ mệnh liên hệ đến mỗi người.  Sứ mệnh của một vĩ nhân có hay không cũng không mấy ảnh hưởng đến ta, nhất là về phương diện thiêng liêng.  Nhưng sứ mệnh của Chúa Giê-su thì hoàn toàn cần thiết cho mọi người, vì không thể có ơn cứu độ ngoài Đức Ki-tô.  Cả ba bài đọc đã trình bày những khía cạnh khác nhau của sứ mệnh ấy.

Suy nghĩ:  Thánh Gio-an Tiền hô quả quyết khi làm chứng về Chúa Giê-su, ngài nói:  “Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn”.  Thánh Gio-an đã thấy Thần Khí ngự xuống trên Chúa Giê-su.  Vậy những người chung quanh nhìn vào tôi, liệu họ có thấy gì để chứng thực rằng tôi là người Công giáo, là con cái Chúa không?

Cầu nguyện:  Lạy Thiên Chúa toàn năng, chúng con nhận biết Đức Ki-tô, Con Một Chúa, xuất hiện như người phàm và mặc lấy thân xác giống hệt chúng con.  Xin Chúa làm cho tâm hồn chúng con được đổi mới và trở nên giống hình ảnh Người.  Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  A-men.  (Lời nguyện nhập lễ, lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa). 

 

Lm. Đaminh trần đình Nhi

1-18-2008

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà