GIÁO HỘI PHỔ QUÁT

Chúa Nhật 20 A Thường Niên

 

 

Khuynh hướng “ăn cây nào rào cây ấy” đã ăn quá sâu vào phong tục và con người.   Không dễ mở tung những giới hạn đang vây chặt lòng người.   Tin Mừng chính là sức mạnh phá tung mọi giới hạn và mở ra một chân trời mới cho nhân loại.

THỬ THÁCH

Chiếu kích phổ quát luôn đặt Giáo hội trước một thách đố lớn.   Quả thực, ngay từ đầu Đức Giêsu đã nêu vấn đề phức tạp đó.  Đức Giêsu không bao giờ chấp nhận sự kỳ thị chủng tộc hay tôn giáo giữa con người.  Nhưng trước khi tỏ cho mọi người biết lòng thương xót vô bờ bến, Người đã hướng dẫn người phụ nữ Canaan qua ba cơn thử thách, những thử thách do chính Chúa đưa đến. 

Trước hết, lời van xin thống thiết của bà chỉ là tiếng kêu trong sa mạc.  Bà chỉ đón nhận được thái độ hoàn toàn im lặng của Đức Giêsu.  Đó là một sự im lặng ghê sợ !  Các môn đệ tưởng có thể phá đổ bức tường im lặng đó.  Nhưng thực tế, cơn thử thách thứ hai còn dữ dội hơn.  Người cho bà biết chỉ con cái Israel mới là dân đặc tuyển. Hình như Người cũng bị cám dỗ vướng vào đầu óc cục bộ khi muốn dành mọi ưu tiên cho đồng hương (xc Mt 15:24).  Bà là dân ngoại, không có quyền chia sẻ một chút đặc quyền nào.  Như thế chẳng khác gì Người giơ chân đạp bà ra khỏi phòng tiệc,  tiệc cưới giữa Thiên Chúa và Dân Người, tiệc cưới của Con Chiên.  Bà vẫn không khiếp sợ trước thái độ hắt hủi đó.  Bà càng kêu gào lớn tiếng : “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi !” (Mt 15:25)  Tình yêu đã đồng hóa bà với chính người con đau khổ !  Đến nỗi này, bà vẫn chưa lay động nổi lòng thương xót của Chúa.  Trái lại, Chúa còn đạp bà xuống tận bùn đen, với một thái độ khinh bỉ ra mặt : “Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.” (Mt 15:26)  Như thế bà đã biết mình là ai chưa ?  Quả thật với niềm tin mãnh liệt và một thái độ khiêm nhường sâu thẳm, bà đã biết mình là ai : “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụ trên bàn chủ rơi xuống.” (Mt 15:27)  Đến đây, chính Chúa bị đo ván, chứ không phải bà ! 

Bà đã thắng cả ba cơn thử thách đó như Đức Giêsu.  Bà đã làm cho Người đầu hàng : “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật.” (Mt 15:28)   Thế là lòng tin của bà đã lớn lên.   Nếu hoàn toàn tự ái, chắc chắn bà không thể chịu đựng nổi ngay từ đầu khi Đức Giêsu “phớt lờ” trước tiếng kêu gào thảm thiết của bà.  Niềm tin đã được thể hiện rõ nét trong thái độ thật khiêm cung khi bà sẵn sàng chấp nhận mọi thử thách một cách vô điều kiện (xc Mt 15:27).   Bà kiên nhẫn và khiêm cung biết chừng nào !!!  Thực tế cũng cho thấy tình yêu Chúa không hề bị đóng khung trong giới hạn nào.  Chính vì thế, bà mới được vui sướng khi nghe Chúa mạc khải tất cả tấm lòng nhân hậu và quyền năng vô biên : “Bà muốn thế nào, sẽ được như vậy.” (Mt 15:28)

Khiêm cung chính là nét đẹp nhất của lòng tin.   Chính nhờ tấm lòng khiêm cung đó, bà đã nhận lãnh tất cả.  Thái độ khiêm cung cũng thật cần thiết cho tính phổ quát của Giáo hội.  Nhìn vào thực tế, đầu óc cục bộ bao giờ cũng đi kèm với thái độ kiêu ngạo.  Bởi đó, không khiêm nhường, không thể giữ được tính phổ quát và duy nhất của Giáo hội.

Thái độ cuối cùng của Đức Giêsu đã mạc khải cho mọi người thấy thực sự óc cục bộ không thể khống chế được Người.  Nếu như dân Do thái chiếm ưu tiên trong danh sách cứu độ, làm sao cuối cùng Đức Giêsu lại chữa con bà khỏi bệnh ?   Thế nên ơn cứu độ thực sự mang tính phổ quát, không thiên vị bất cứ dân tộc nào.    Không hề có kỳ thị trong cách Thiên Chúa đối xử với nhân loại.  Thiên Chúa là Cha mọi dân tộc.   Thực vậy, Chúa phán : “Người ngoại bang nào gắn bó cùng Đức Chúa, đều được Ta dẫn lên núi thánh, vì nhà của Ta sẽ được gọi là nhà  cầu nguyện của muôn dân” (Is 56: 6.7).    Trong nhà Thiên Chúa mỗi dân tộc đều có phần riêng, nhưng cùng chia sẻ một hạnh phúc là tình yêu Thiên Chúa.     

Nhưng theo Thánh Phaolô, sở dĩ dân ngoại có thể chiếm được địa vị ưu đãi trong lòng thương xót của Thiên Chúa, vì dân Do thái đã “không vâng phục Thiên Chúa.” (Rm 11:30)    Thật là trớ trêu, kẻ bên ngoài lại trở thành người trong nhà.   Còn người nhà lại bị tống ra ngoài.   Mục đích Thiên Chúa chỉ muốn chứng tỏ lòng thương xót chia đều cho hết mọi người.  Người Do thái cũng cần Thiên Chúa xót thương.  Họ không thể “lên mặt” với dân ngoại, vì tưởng mình chẳng cần lòng thương xót hay mình là những “cục cưng” của Thiên Chúa.  Thực tế, mọi người đều bình đẳng trước lòng thương xót của Thiên Chúa.

Trước cao trào muôn dân trở về với Thiên Chúa, thánh Phaolô rất hãnh diện về dân ngoại.  Lý do vì họ cũng được hưởng trọn vẹn lòng thương xót.  Chắc chắn thái độ thánh nhân sẽ khiến đồng bào tức tối (xc Rm 11:15).   Nhưng như thế là đạt mục đích.   Thánh nhân ở thế “đánh đu” giữa quyền lợi đồng bào và dân ngoại.  Tất cả chỉ vì ơn cứu độ cho muôn dân !   Ơn cứu độ là nội dung sâu xa nhất và cùng đích của lòng thương xót.  Nghĩa là cả Do thái lẫn Hy lạp đều bình đẳng trước nhan Thiên Chúa, vì tất cả đều cần đến ơn cứu độ !

THỰC TẾ NIỀM TIN

Vào đầu thập niên ‘80, một bà Phật giáo đến gặp tôi tại tu viện Đa Minh Gò vấp, Việt Nam, nơi tôi đã sống quãng chừng mười lăm năm.  Bà tâm sự : “Thưa cha, cha biết không, Đài Đức Mẹ ở ngoài nhà thờ rất linh thiêng.  Con khấn xin gì, Đức Mẹ cũng nhận lời.”  Tôi liền hỏi : “Bà đã được Đức Mẹ thương như thế nào ?”  Bà ta trả lời ngay : “Cha biết đấy, bây giờ làm ăn rất khó khăn.  Làm cái gì cũng phải ‘chui’, mới sống được.  Mỗi lần con làm xong một mặt hàng, con đều đến khấn xin Đức Mẹ che mắt công an, cho con được làm ăn trót lọt.  Lần nào Đức Mẹ cũng nghe lời.  Sau mỗi lần như thế, con đều mua hoa tạ ơn Đức Mẹ.”  Tôi rất vui vì thấy bà có niềm tin chẳng khác phụ nữ Canaan.  Tôi nghĩ với niềm tin đơn sơ và thành khẩn như thế, chắc chắn tương lai không xa, bà sẽ trở lại đạo mà thôi.  Như thế là tôi cứu được một linh hồn và cả gia đình họ.  Nhưng trong lúc niềm vui chưa tắt, tôi phải kiểm tra một lần nữa cho chắc ăn.  Tôi tò mò hỏi bà : “Thế, bà làm nghề gì ?”  Bà trả lời ngay : “Con làm nghề chế biến và bán thuốc Tây giả.” 

Trời !  Tôi ngây người như trời trồng.  Bao nhiêu hi vọng tiêu tan.  Niềm vui tắt ngúm.  Vì hạnh phúc gia đình, bà đã giết hại bao sinh mạng ? Chẳng lẽ Đức Mẹ cũng hỗ trợ một người ích kỷ hại nhân như vậy à ?   Thật khác với phụ nữ Canaan, bà không có một đức tin trong sáng và chân thành.  Tình yêu cũng rất khác biệt.  Bà yêu con cái mình, bất chấp mọi nguy hiểm cho tha nhân.  Tóm lại, bà chẳng có đức tin.  Chắc chắn tình yêu vị kỷ đó không dẫn bà tới Chúa.  “Ơn lạ Đức Mẹ” chỉ là con đẻ của trí tưởng tượng nơi bà.

Hai phụ nữ ngoại đạo đã để lại hai bài học cho chúng ta.  Niềm tin hôm nay dạy chúng ta biết phải sống theo gương của bà nào.  Niềm tin là sức mạnh, nhưng phải là niềm tin chân chính.  Cuộc sống hôm nay đang cần đến sức mạnh đó.  Có thế, chúng ta mới đủ kiên nhẫn và khiêm cung chịu đựng và thắng vượt bao thử thách muôn mặt.  Không có niềm tin chân chính đó, chúng ta sẽ dễ dàng bỏ cuộc trước những khó khăn cuộc sống hàng ngày.  Chúng ta dễ dàng tự ái và nổi loạn.  Đó là lý do tại sao bao nhiêu đại cuộc bị dở dang.

Kiên nhẫn và khiêm cung cũng vô cùng cần thiết cho cuộc đối thoại đại kết hôm nay.  Cuộc đối thoại kỳ thú giữa Đức Giêsu và phụ nữ Canaan mở ra một chân trời mới cho những ai muốn hòa giải giữa các đối lực tôn giáo, chính trị, xã hội hôm nay.  Chính niềm tin sẽ dẫn con người tìm đến Thiên Chúa và đến nhau.  Cuộc gặp gỡ vô cùng lý thú và cần thiết cho nền hòa bình và hạnh phúc nhân loại hôm nay và ngày mai.

 

Lm. Đỗ Vân Lực, OP

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà