CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN, năm A

Mt 16, 13 – 20

 

PHÊRÔ, NGƯỜI MÔN ĐỆ

ĐƯỢC CẤT NHẮC LÀM ĐẦU HỘI THÁNH

 

    Đọc lại lịch sử cuộc đời của thánh Phêrô, chúng ta không khỏi vừa buồn cười, vừa khâm phục, vừa cảm thông với người môn đệ Chúa Giêsu:”có lúc xem ra ông cương quyết, nhất định theo Chúa tới cùng, nhưng có lúc ông lại tỏ ra yếu ớt, nhát đảm và tỏ ra sợ sệt ”. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cảm thấy như có một cái gì đó thật lạ lùng, thật dễ thương nơi con người của Phêrô. Do đó, thay vì Chúa truất phế Phêrô, Ngài lại chọn Phêrô làm đầu Giáo Hội của Chúa ở trần gian này. Đi vào cuộc đời của Phêrô, chúng ta sẽ hiểu con người thật lạ lùng của Ông.

TIN MỪNG MUỐN NÓI GÌ ? : Phải đọc đoạn Tin Mừng của thánh Matthêu 16,13-20 cách thật thong thả,chăm chú và suy nghĩ chúng ta mới nghiệm ra được cốt lõi đời của thánh Phêrô. Thật vậy, các môn đệ là những người được Chúa kêu mời, tuyển chọn giữa nhiều thành phần Do Thái lúc đó. Các Ngài đã được chính Chúa Giêsu uốn nắn, dậy dỗ, hun đúc để trở thành những cánh tay nối dài của Chúa Giêsu, để biến họ trở nên những ngư phủ bắt người. Sau một thời gian ở với Chúa Giêsu tương đối đã khá lâu, Chúa muốn trắc nghiệm về sự hiểu biết của các môn đệ thân tín nghĩ sao về mình, trong khi đó dư luận của quần chúng có người cho Ngài là Gioan Tẩy Giả, có người nói Ngài là Êlia, là Giêrêmia hay một ngôn sứ nào khác. Điều ấy mới chỉ nói lên một khía cạnh rất nhỏ bé của con người Chúa Giêsu mà thôi. Phêrô vẫn là một con người bộc trực nhưng rất đỗi dễ thương, đã được Chúa Cha mạc khải, Phêrô mạnh dạn thay mặt các môn đệ khác, thưa với Chúa Giêsu:”Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống “ ( Mt 16, 16 ). Một câu nói Chúa Giêsu đã chờ đợi từ lâu nơi các môn đệ của Ngài. Phêrô tuyên xưng:” Thầy là Đức Kitô “. Như thế, Phêrô đã tin nhận Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai. Tin nhận Đức Kitô là Con Thiên Chúa hằng sống là đã diễn tả được cả sứ mạng lẫn con người của Chúa Giêsu. Ngài là Đấng Thiên Chúa sai tới trần gian để cứu chuộc nhân loại, cứu độ con người. Chúa Giêsu trở thành trung tâm để Chúa Cha quy hồi vạn vật :” Nhờ Ngài mà muôn vật được tạo thành. Mọi vật, mọi người đều quy hướng về Ngài “. Liền sau câu tuyên tín của Phêrô, Chúa Giêsu khen ông là người có phúc và cất nhắc Phêrô, trao cho ông quyền bính trên Giáo Hội :” Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời. Dưới đất anh ngăn cấm điều gì, trên trời cũng ngăn cấm như vậy, dưới đất anh cho phép điều gì, trên trời cũng cho phép như vậy “ ( Mt 16, 18-19 ).Rõ ràng, Chúa đã chọn, đặt Phêrô làm đầu Hội Thánh. Ngài đổi tên Simon tên cha mẹ đặt thành Phêrô do chữ Kêpha tiếng Aram là Tảng Đá. Chúa đã xây dựng Hội Thánh của Người trên Đá Tảng Phêrô và hứa bao bọc, chở che Hội Thánh khỏi các cuộc tấn công của ma quỷ, của sự dữ, của satan. Chúa trao cho Phêrô chìa khóa tượng trưng cho quyền bính trên trời dưới đất. Với quyền bính ấy, Phêrô cai quản, giáo huấn và thánh hóa Hội Thánh trong phục vụ yêu thương, sẵn sàng hy sinh để chiên được sống và sống dồi dào ( Ga 10, 10 ).

TẠI SAO CHÚA LẠI CHỌN PHÊRÔ LÀM ĐẦU HỘI THÁNH : Rõ ràng không phải Chúa chọn Phêrô vì Phêrô trí thức, giỏi giang hay hoàn toàn thánh thiện, nhưng Chúa chọn Phêrô là một con người bộc trực, nóng nảy, ít học, là một dân chài lành nghề, một con người đầy khuyết điểm và phản bội. Chúng ta thử xem con người của Phêrô, Ông tuyên xưng Chúa là Con Thiên Chúa đấy, được Chúa khen ngợi nhưng liền sau đó Ông cản Chúa, đã bị Chúa mắng cho một cách thậm tệ:” Satan, lui lại đằng sau Thầy ! anh cản lối Thầy “( Mt 16, 23 ). Phêrô nhát đảm, sợ như thỏ đế dù trước đó Ông đã xác quyết với Thầy :” Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã “ ( Mt 26, 33 ). Tuy nhiên Ông đã nhát đảm ngay trước mặt một cô đầy tớ của vị thượng tế : “ Tôi không biết người ấy là ai “ ( Mt 26, 74 ). Phêrô đã phản bội, chối Chúa tới 3 lần. Con người của Phêrô là vậy nhưng Chúa hiểu thấu tâm can của Phêrô : Ông luôn có tâm tình, thái độ khiêm tốn sâu thẳm và lòng sám hối thật chân thành, Phêrô đã khóc lóc, đấm ngực vì con người yếu đuối, tội lỗi của mình. Ông nhận ra Chúa đã tha thứ cho Ông như Chúa đã dậy :” Thầy không bảo là phải tha đến 7 lần mà là 70 lần 7 “( Mt 18, 21 ). Phêrô quả thực đã cảm nghiệm sâu xa lòng thương xót vô bờ của Chúa. Nên, Ngài đã sống cái cảm nghiệm tha thứ của Chúa khi Ngài lãnh đạo Giáo Hội. Ngài đã luôn nhiệt thành chăn dắt chiên con, chiên mẹ mà Chúa đã trao phó cho Ngài.

ÁP DỤNG VÀO THỰC TẾ TRONG ĐỜI SỐNG : Theo Chúa Giêsu, người môn đệ Chúa dầu nhiều hay ít cũng cảm nghiệm được lòng chạnh thương của Chúa. Chúa yêu thương con người, xót thương đoàn lũ dân chúng đi theo Người :” Chúa chữa lành mọi thứ bệnh hoạn tật nguyền. Chúa làm cho bánh và cá hóa nhiều để nuôi dân chúng “. Chúa yêu thương từng con chiên:” Bỏ chín mươi chín con chiên mà đi tìm một con chiên lạc “. Người môn đệ Chúa đều tin Chúa là Con Thiên Chúa. Nhưng liệu người môn đệ Chúa có luôn trung thành với Chúa hay đã có rất nhiều lần hồ nghi tình thương của Chúa và đã không dám tuyên xưng đức tin trước mặt người khác ? Người môn đệ Chúa tin Chúa trên đầu môi chóp lưỡi, hay đã dám sống cho Chúa bằng cả cuộc đời của mình.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

Chúng ta nghĩ Chúa là ai ?

Phêrô tuyên xưng Chúa là ai ?

Tại sao Phêrô lại nói lên được thân thế của Chúa Giêsu ?

Tại sao Chúa lại đổi tên cho Phêrô ?

Ông bà anh chị em nghĩ sao về con người của Phêrô ?

 

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi  DCCT