VAY TRẢ TRẢ VAY

Chúa Nhật 24A Thường Niên

 

Tuần vừa qua, theo sau một chiếc xe hơi, tôi nhìn thấy một tấm biển nhỏ : “God may forgive you. I never will.”   Ai cũng nhớ ngay tới biến cố 911, một biến cố đã thay đổi cục diện thế giới.  Hoa Kỳ đang kỷ niệm biến cố đó với những lắng đọng sâu xa.  Tổng thống Bush kêu gọi lòng khoan dung.   Phải chăng đó là thái độ đáp ứng lại lời Chúa hôm nay ? 

 

BIẾT ĐIỀU

 

Đường lối Thiên Chúa vô cùng khôn ngoan.  Chúa nhật tuần trước, Đức Giêsu đã nói đến từng bước giải quyết những vấn đề trong cộng đoàn.  Không tôn trọng trình tự khôn ngoan ấy, cộng đoàn có thể xáo trộn.   Hôm nay nói đến tương quan giữa cá nhân và cá nhân, Chúa mạc khải giải pháp tuyệt vời : THA THỨ. 

Ông Phêrô đã nêu lên khía cạnh tế nhị và phức tạp của sự tha thứ khi thưa với Chúa (x. Mt 18:21).   Câu hỏi nhấn mạnh đến số lượng hơn chính việc tha thứ.   Bởi đấy, Chúa cũng đáp lại theo chiều hướng ông đặt ra : “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (Mt 18:22)   Thực ra, Chúa không nhấn mạnh đến số lượng.    “Sự khác biệt giữa đề nghị của ông Phêrô và tuyên bố của Đức Giêsu không phải là vấn đề toán học hay ngữ học, nhưng là bản chất sự tha thứ .” (NIB : vol. viii,380)  Thật thế, nếu phải tha thứ vô giới hạn, thì trong dụ ngôn minh họa sau đó, chính tôn chủ cũng không thực hiện nổi.   Người đầy tớ mới tái phạm một lần đã bị ông trả đũa đích đáng.   Quả thực, xét về số lượng, ông đã không đủ kiên nhẫn.   Nhưng nếu xét về sự sai biệt giữa địa vị và số nợ của người đầy tớ với tôn chủ và giữa người đầy tớ vớiø người đồng bạn, mới hiểu Chúa nói về một cái gì vượt trên số lượng.  Nếu ý nghĩa chỉ dừng lại ở số lượng, con người có thể lạm dụng lời Chúa  gây phiền toái cho anh em và cộng đoàn.  Lúc đó, sự thiệt hại sẽ vô lường.

Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II từng nói : “hòa bình thế giới chỉ có thể đặt nền tảng trên “chân lý và công lý mà thôi.” (CWNews 11.9.2002)  Thực tế, bình an và hạnh phúc có thể đến với cuộc sống chỉ hoàn toàn dựa trên công lý và chân lý không ?

Nếu dụ ngôn hôm nay dừng lại ở câu phán quyết của tôn chủ, chắc chắn cách hành xử của người đầy tớ đối với đồng bạn chẳng có gì gây nhức nhối.  Đó là ý nghĩa của đời thường.  Đó là luật công bình.  Aên miếng trả miếng.    Nhưng như vậy thực sự đã xong chưa ?  Đó có phải là giải pháp tốt nhất đem lại sự bình an và hạnh phúc cho gia đình và cộng đoàn không ?   Sở dĩ hành động trả đũa của người đầy tớ quá kệch cỡm, vì ai cũng mong đợi một biến chuyển hoàn toàn nơi người đầy tớ.  Nhưng điều đó đã không xảy ra.   Chính vì thế, anh trở thành bất công ngay trong hành động có vẻ công bình nhất.  Chỉ khi nào hiểu mình là ai trong tương quan với chủ, người đầy tớ mới có thể tạo được mối tương quan mới với người bạn. 

Càng thán phục thái độ bao dung của tôn chủ bao nhiêu, càng thấy rõ sự phi lý của tên đầy tớ.  Dụ ngôn cho thấy người đầy tớ nợ tôn chủ mười ngàn yến vàng.  Trong khi đó, người bạn chỉ mắc nợ anh một trăm quan tiền, tức chỉ bằng 1/600.000 món nợ anh mắc với tôn chủ.  Nếu không có một trái tim bao dung, tôn chủ đã không thể tha thứ cho tên đầy tớ một món nợ kếch sù đến thế.  Nơi tôn chủ, “thành công không đo bằng chiều kích của sự nghiệp, nhưng bằng lòng bao dung của trái tim.” (Một biểu ngữ trong ngày kỷ niệm đệ nhất chu niên biến cố 9/11)   Nhưng tấm lòng bao dung của tôn chủ đã không làm anh thay đổi chút nào.  Trái lại, chứng nào tật ấy.  Anh vẫn khép kín lòng mình trước lời van xin thống thiết của người bạn. 

Bài học hôm nay đòi con người phải có một cái nhìn sâu xa vào chính nguồn ân sủng của Thiên Chúa nơi chính mình.  Không có đức tin, không thể biết tại sao phải tha thứ cho anh em. Tha thứ là một điều kiện cần thiết để không bị hụt mất những ân sủng lớn lao.   Một tấm lòng bao dung như tôn chủ ở đây không thể nào kiếm thấy trên mặt đất.  Bởi thế, khi chép lại dụ ngôn tôn chủ nhân hậu, thánh Mathêu muốn vẽ lên hình ảnh Thiên Chúa đầy lòng xót thương.   Aân sủng Người vượt quá mọi ước tính và trí tưởng tượng.  Nếu biết điều, con người phải có một thái độ hợp lý.   Cần “phân biệt giữa câu truyện nguyên thủy Đức Giêsu dùng để cống bố Nước Thiên Chúa, và lời giải thích sau này của thánh Mathêu nhằm áp dụng vào đời sống Giáo Hội.  Thánh Mathêu đã thêm vào (câu [34] và 35) biến đổi dụ ngôn thành một bài học sống động về sự tha thư ù.”  (The New Interpreter’s Bible 1995:381)

 

THỰC TẾ

Trong cộng đoàn đức tin, tương quan giữa các cá nhân hay bè nhóm luôn nổi lên những vấn đề.  Nếu chỉ dựa trên công bình, có khi không giải quyết những mâu thuẫn.  Vấn đề không phải là ai thắng ai thua.  Ngay cả khi một cá nhân hay bè phái có thắng, thì cả cộng đoàn sẽ thua.  Chỉ có một mình Đức Kitô thua cuộc, vì cộng đoàn đã đánh mất phẩm chất của mình.  Cộng đoàn không còn đưa ra những chứng từ sống động về Đức Kitô nữa.  Mục đích cộng đoàn biến mất.

Giáo hội không loại trừ một ai.  Nhưng rất nhiều cộng đoàn đã loại trừ Đức Kitô.  Không có tấm lòng khoan dung như Đức Kitô, cộng đoàn chỉ còn là một túi những tranh chấp bất tận.  Chỉ còn những đòi hỏi.  Những món nợ chồng chất …  người ta đòi nhau mọi món nợ, trừ món nợ thương yêu.  Nhưng đây mới là món nợ duy nhất chúng ta phải trả cho nhau (xc Rm 13:8). 

Trước những xung đột giữa các cộng đoàn lớn trên thế giới hiện nay, Kitô hữu phủi tay đứng nhìn.  Bóng tối tràn ngập vì họ đã bị mất năng lực chiếu sáng.  Còn lại chỉ là bóng đêm làm mồi ngon cho tội lỗi.  Chính trong môi trường thuận lợi đó,  khủng bố đã sinh ra.  Đứng trước những lo sợ khủng bố hôm nay, nhân kỷ niệm một năm biến cố 9/11, Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã mạnh dạn vạch trần âm mưu đen tối  : khủng bố  “là và mãi mãi là biểu hiện lòng lang dạ thú nơi con người, chính vì thế nó không bao giờ giải quyết được những xung khắc giữa con người.”  (CWNews 11.9.2002)  Hành động đó phát xuất từ một lòng vô tín.   “Không một triết lý hay tôn giáo nào có thế biện minh cho sự sai lầm đó.” (CWNews 11.9.2002)   “Thiên Chúa ra lệnh, luật quốc tế chấp nhận, lương tâm con người tuyên bố và sự sống chung hòa bình đòi buộc” (ĐGH Gioan Phaolô II : CWNews 11.9.2002) phải tôn trọng mạng sống con người.  

Trước cử tọa khoảng 8.000 người tại hội trường Phaolô VI,  Đức Cố Giáo Hoàng Phaolô II kêu gọi giáo dân cầu nguyện “cho các nạn nhân yên nghỉ, và xin Thiên Chúa ban tràn lòng thương xót và tha thứ cho những người đã tạo nên cuộc tấn công khủng bố khủng khiếp đó.”  (Zenit 11.9.2002)  Người nhấn mạnh : “Nhờ sự giúp đỡ của mọi người thiện chí, tình yêu có thể thay thế hận thù, khắp mặt đất mọi người sống hòa hợp và liên đới với nhau.  Tín đồ mọi tôn giáo nên nhất quyết bác bỏ bất cứ hình thức bạo lực và nguyện thề giải quyết các tranh chấp bằng đường lối đối thoại trong kiên nhẫn và kính trọng nhau.”  (CWNews 11.9.2002)  Lý do vì “chỉ có lý trí và tình yêu mới là phương tiện giá trị giúp chúng ta vượt qua và giải quyết những khác biệt giữa cá nhân và các dân tộc.  Cần phải cùng nhau xây dựng một văn hóa liên đới toàn cầu khiến tuổi trẻ có niềm hi vọng trong tương lai.”  (Zenit 11.9.2002)

Không thể sống mãi với quá khứ đen tối.  Không thể để bóng ma quá khứ đè bẹp và hủy diệt tương lai nhân loại.  Chỉ có tha thứ mới có thể giúp nhân loại viết lại lịch sử và mở  ra một chân trời mới cho thế hệ tương lai.  Nhưng làm sao có thể tha thứ cho kẻ thù ?  Điều đó vô phương đối với con người.  Trái lại, “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” (Lc 1:37; Gr 32:27)  Nhưng Thiên Chúa chỉ hoạt động trong những người tin Chúa mà thôi.   Chỉ trong đức tin, Kitô hữu mới có thể đón nhận được tất cả chiều kích vô cùng lớn lao của lòng Thiên Chúa xót thương.  Thay vì giáng phạt nhân loại, Người đã để Con Người chết trên Thánh giá.  Có cảm nghiệm được lòng thương xót vô biên đó, chúng ta mới biết cách sống quảng đại với anh chị em. 

 

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà