Chúa Nhật 25 mùa Thường niên, A
Trong đời sống cộng đoàn, việc sửa lỗi
anh chị em là điều cần thiết để giúp nhau trở nên hoàn thiện hơn. Một khía cạnh khác cũng không kém phần quan
trọng, đó là quảng đại tha thứ cho nhau.
Theo bản chất con người, tha thứ là điều khó khăn vô cùng, chưa nói đến
những trường hợp người ta không bao giờ tha thứ được. Nhưng lại có những điều ta không thể làm được
tự sức riêng loài người thì lại có thể làm được nhờ ơn Chúa trợ giúp, nhất là
khi ta nhớ đến Chúa luôn tha thứ cho ta và khi ta liên kết với Chúa Ki-tô, một
mẫu gương tuyệt vời về tha thứ.
1.
“Đường lối của Thiên Chúa” là giàu lòng xót thương và rộng lòng thứ tha (bài đọc Cựu Ước – Is 55:6-9)
Nhiệm
vụ của ngôn sứ I-sai-a là kêu gọi dân Ít-ra-en lầm lỗi hãy trở về với Thiên
Chúa. Còn chịu ảnh hưởng của dân ngoại
nên Ít-ra-en vẫn nghĩ rằng Thiên Chúa sẽ cư xử với họ giống như các thần cư xử
với dân ngoại, nghĩa là cư xử theo cách của loài người, lấy ác báo ác. Cứ theo lối suy nghĩ của người đời, kẻ làm điều
ác là phải chịu phạt. Còn theo lối suy
nghĩ của Thiên Chúa, kẻ ác cần phải hối cải và Thiên Chúa lúc nào cũng sẵn sàng
tiếp nhận họ trở về chính lộ. Dân Ít-ra-en đã làm điều dữ đối với Chúa và họ biết
mình sẽ bị phạt. Nhưng qua ngôn sứ
I-sai-a, Thiên Chúa nói cho họ biết họ cứ an tâm hối cải, vì Người “sẽ xót
thương và sẽ rộng lòng tha thứ”. Người bảo
họ đừng lấy lối suy nghĩ của người đời mà hiểu lối suy nghĩ của Thiên
Chúa. Đường lối và tư tưởng của Thiên
Chúa hoàn toàn khác biệt với đường lối và tư tưởng của loài người, khác biệt
như trời với đất. Thiên Chúa muốn con
người hãy từ bỏ đường lối và tư tưởng của họ để đi theo đường lối và tư tưởng của
Thiên Chúa. Nhưng khác biệt như thế thì
làm sao con người có thể làm chuyện thay đổi ấy được, ngay cả đến biết được đường
lối của Chúa cũng là chuyện đội đá vá trời rồi.
Thiên
Chúa đã có cách giúp nhân loại biết được và đi theo đường lối và tư tưởng của
Người. Người cho ta thấy và hiểu được đường
lối và tư tưởng của Người qua Chúa Giê-su Ki-tô. Chúa Ki-tô biểu lộ chính tư tưởng và đường lối
của Thiên Chúa. Chúa Ki-tô giàu lòng xót
thương và rộng lượng thứ tha. Đó là điều
ta dễ dàng gặp thấy qua mọi trang sách Tin Mừng. Trước những khổ đau của con người, lúc nào
Chúa Giê-su cũng “chạnh lòng thương”, thí dụ khi Người đứng trước đám dân chúng
đói khát vì họ đã đi theo Người mấy ngày rồi (Mt 14:14). Người đi tìm những người tội lỗi để ban ơn
tha thứ cho họ, nào là cho những người tội lỗi, những người thu thuế, cho ông
Phê-rô chối Người, và cả đến những kẻ đóng đinh Người trên thập giá. Giảng dạy và sống theo đường lối của Thiên
Chúa, Chúa Ki-tô đã trở nên Thầy dạy ta biết đâu là tư tưởng và đường lối của
Thiên Chúa.
2.
Dụ ngôn Chủ nhà trả tiền công cho thợ làm vườn nho minh chứng tư tưởng của
Thiên Chúa khác với tư tưởng của ta (bài
Tin Mừng – Mt 20:1-16a)
Sấm
ngôn của Thiên Chúa qua ngôn sứ I-sai-a cho ta thấy sự siêu việt của tư tưởng
Thiên Chúa. Còn Chúa Giê-su thì dùng một
dụ ngôn đơn sơ để giúp ta hiểu tư tưởng Thiên Chúa khác tư tưởng loài người như
thế nào. Dụ ngôn kể một người chủ nhà
thuê thợ vào làm vườn nho cho ông và “thỏa thuận với thợ là mỗi ngày một quan
tiền”. Những đám thợ lại được ông thuê
vào những giờ khác nhau, từ tảng sáng cho đến giờ mười một. Như vậy, có người làm từ sáng sớm đến chiều,
có người từ trưa đến chiều và cũng có người chỉ làm có một giờ. Chiều đến, những người thợ được trả công và
ai ai cũng chỉ nhận được một quan tiền, mặc dù thời gian làm việc khác
nhau. Những người làm nhiều giờ hơn thì
phàn nàn cho là bất công. Nhưng ông chủ
trả lời: “Này bạn, tôi đâu có xử bất
công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với
tôi là một quan tiền sao?... Hay vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ra ghen tức?”
(Mt 20:13.15). Những lời của ông chủ cho
thấy ông vừa công bằng nhưng cũng vừa đầy lòng thương xót, thương xót cho hoàn
cảnh thất nghiệp của những người thợ đến sau.
Tại
Hoa-kỳ, hầu như ở đâu cũng gặp thấy cảnh những người anh em Nam Mỹ đứng tụm năm
tụm ba gần những tiệm tạp hóa Seven-Eleven hoặc những tiệm ăn McDonald, để chờ
xem có ai đến thuê mình đi làm công không.
Thật là một cảnh đáng thương. Ta
cứ tưởng tượng có người đứng đấy suốt ngày từ sáng đến chiều mà không có ai mướn
họ, thì họ lo lắng biết chừng nào. Có lẽ
người thợ làm vườn nho được ông chủ mướn vào giờ mười một cũng đã trải qua những
giờ lo lắng buồn rầu như vậy, nên anh ta đáng được ông chủ đối xử tốt.
Với
câu truyện dụ ngôn này, Chúa Giê-su nói lên sự khác biệt giữa tư tưởng của
Thiên Chúa và tư tưởng loài người. Trong
tình huống trả lương đồng đều cho người đến làm sớm cũng như làm muộn, loài người
chỉ lấy sự công bằng làm vấn đề, nghĩa là phải xét sự việc theo lý trí. Nhưng Thiên Chúa lại lấy lòng nhân lành xót
thương làm điểm chính, xét sự việc theo lý lẽ của con tim và xử sự bằng cả công
bằng theo thỏa thuận lẫn lòng tốt theo bản chất thần linh của Người. Dùng dụ ngôn này để nói về Nước Trời, Chúa
Giê-su muốn làm sáng tỏ một khía cạnh mầu nhiệm, đó là lòng nhân lành của Thiên
Chúa. Người công bằng với tất cả mọi người
và trong mọi sự, nhưng Người còn xử với ta theo lòng nhân lành nữa, bởi vì nếu
Người chỉ đối xử theo lẽ công bằng, chấp tội lỗi của ta, thì thử hỏi “nào ai sống
nổi”. Do đó ta có thể định nghĩa Nước Trời
là cơ hội hoặc phương thế để Thiên Chúa biểu lộ lòng nhân lành của Người. Kêu gọi ta vào Nước Trời có nghĩa là kêu gọi
ta hãy nhận biết lòng nhân lành của Thiên Chúa và hãy thực tâm sám hối để sống
trong ân nghĩa với Người.
3.
Sống theo đường lối và tư tưởng của Thiên Chúa (bài đọc Tân Ước – Pl 1:20c-24.27a)
Lời
Chúa và gương mẫu Chúa Ki-tô giúp ta hiểu tư tưởng Thiên Chúa khác với tư tưởng
loài người, đồng thời cũng kêu gọi ta hãy thay đổi lối sống theo ý Chúa muốn,
nghĩa là theo lối sống của Chúa Ki-tô.
Thánh Phao-lô luôn luôn ao ước và cố gắng “trở nên đồng hình đồng dạng”
với Chúa Ki-tô. Không những thế, ngài
còn nêu gương sống theo lối sống của Chúa Ki-tô. Ngài bị giằng co giữa hai lựa chọn: một là chết để “được ở với Chúa Ki-tô”, hai
là còn phải ở lại đời này để phục vụ tín hữu.
Dĩ nhiên được ở với Chúa Ki-tô là điều thánh Phao-lô mong ước và điều
mãn nguyện của ngài. So với việc ở lại đời
này với anh chị em tín hữu, việc ngài ra đi mang lại lợi ích nhiều hơn cho cá
nhân ngài. Để chọn lựa, ngài không theo
lý lẽ của người đời, tức là chọn điều tốt hơn cho mình, nhưng chọn điều tốt hơn
theo thánh ý Chúa.
Lựa
chọn cách suy nghĩ và lối sống là đặc nét của Ki-tô hữu. Trên đời người ta bảo “ở bầu thì tròn, ở ống
thì dài”, nhưng đối với Ki-tô hữu khuôn mẫu suy nghĩ và hành động phải là khuôn
mẫu Ki-tô. Thí dụ cụ thể cho thấy người
đời yêu kẻ yêu họ và ghét kẻ ghét họ, nhưng Chúa Giê-su lại dạy ta yêu thương
và tha thứ cho kẻ thù, vì “Cha anh em, Đấng ngự trên trời, Người cho mặt trời của
Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công
chính cũng như kẻ bất chính… Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời
là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48). Chọn lựa
lối suy nghĩ và cách sống của Chúa Giê-su, ta sẽ phải lãnh chịu những hậu quả bất
lợi. Nhưng như thánh Phao-lô cho thấy, vấn
đề lựa chọn không phải chỉ là lợi và bất lợi, mà còn là có theo hay không theo
ý Chúa nữa.
4.
Sống Lời Chúa
Khi
bắt đầu rao giảng về Nước Trời, Chúa Giê-su đã kêu gọi ta hãy sám hối và tin
vào Tin Mừng, nghĩa là từ bỏ lối sống theo người đời để sống theo những giá trị
Tin Mừng. Cuộc thay đổi là cả một hành
trình ở trần gian, để mỗi ngày ta cố gắng sống và thực hành những lời Chúa
Giê-su dạy. Càng bỏ đi cách suy nghĩ và
hành động theo người đời, ta càng dễ dàng hấp thụ cách suy nghĩ và hành động của
Chúa. Ta sẽ suy nghĩ bằng não trạng của
Chúa Giê-su. Ta sẽ hành động theo cách của
Chúa Giê-su. Nếu đích thực tin vào Chúa
và có Chúa ở cùng ta, ta sẽ thay đổi được, vì đức tin bằng hạt cải cũng có thể
rời núi non.
Suy nghĩ: Thánh Phao-lô cho ta một nguyên tắc sống khi
ngài nói: Với tôi, sống là Đức
Ki-tô. Nguyên tắc này dạy tôi điều
gì? Tôi áp dụng nguyên tắc ấy thế nào
trong đời sống hằng ngày, nhất là trong cách đối xử của tôi với những người
chung quanh?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, khi Chúa thương xót và thứ tha,
chính là lúc Chúa biểu lộ quyền năng cách tỏ tường hơn cả; xin không ngừng ban ơn giúp chúng con đạt tới
Nước Trời là hạnh phúc Chúa đã hứa ban mà chúng con hết lòng theo đuổi. Chúng con cầu xin, nhờ Đức ki-tô, Chúa chúng
con. A-men. (Lời
nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật 26 mùa Thương niên).
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi
13-9-08