KIẾN ĂN CÁ HAY CÁ ĂN KIẾN ?
Chúa nhật 25 Mt 20:1-16a
Tuần qua, sau
một ngày mệt nhọc câu được một thùng đầy cá nhỏ, chúng tôi đổi địa điểm xem làm
ăn có khấm khá hơn không. Con đầu tiên tại địa điểm mới là con cá vô giá trị như
loài trê biển to bằng cổ tay. Giận quá, chúng tôi ném cá ngay lên bờ và sửa soạn
ra về.
Sau mười phút,
cá đã bị kiến bu đầy. Kiến từng đoàn lũ kéo đến, reo hò như lần đầu tiên vớ được
món bở nhất trên đời. Đàn kiến như mở hội trên thân mình béo mập này. Con bám râu,
đục mắt. Con trèo lên mình. Con cắn sau đuôi. Trước cảnh tượng đó, cá nằm như bất
động. Thực tế cá vẫn sống mặc dù đã bắt đầu ngả màu. Thấy tội nghiệp, tôi thả cá
về biển. Vừa trở lại biển khơi, cá lao đi như chớp. Thế là đang ở thế chủ động,
kiến biến thành mồi ngon cho cá. Tất cả đã đảo ngược.
CẠNH TRANH HAY PHI CẠNH TRANH ?
Trên đời khó
lường được khi nào kiến ăn cá hay cá ăn kiến. Trong thế giới con người cuộc cạnh
tranh ráo riết trên nhiều phương diện, hứa hẹn rất nhiều bất ngờ, thú vị và ngoạn
mục. Không cạnh tranh, con người không thể tiến bộ. Cạnh tranh chính là định luật
“mạnh được yếu thua”.
Chúa Giêsu muốn
phá vỡ luật cạnh tranh đó trong Nước Thiên Chúa, mà vẫn không làm mất tính sáng
tạo, lòng phấn khởi và nỗ lực con người. Nhưng nếu Chúa không tìm được một cái
gì thay thế luật tự nhiên đó, người ta sẽ mất hết hứng thú trong việc xây dựng
Nước Chúa ở trần gian.
Rất may, Người
kêu gọi mọi người phải biết nhìn xa hơn công trạng. Chính Đấng thưởng công mới đáng
kể. Nếu tất cả tùy thuộc Thiên Chúa, chắc chắn người ta sẽ tìm mọi cách thu hút
lòng Chúa xót thương. Chỉ có một cách thu hút lòng Chúa xót thương đó là phải xót
thương như Chúa. Thực vậy “phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên
Chúa xót thương” (Mt 5:7). Đức Maria đã trở thành hấp lực mãnh liệt nhất lôi
kéo đôi mắt nhân từ của Chúa.
Trong dụ ngôn
vườn nho hôm nay, Chúa cho thấy ngườiø làm từ sáng sớm hay kẻ đến lúc chiều tà đều
được hưởng một đồng lương như nhau. Thật là bất công ! Như thế còn ai cố gắng đến
sớm làm chi ? Thực ra, từ hoàn cảnh con người nhảy vào thế giới Thiên Chúa, lý
trí hầu như tê liệt. Chính Chúa nói rõ : “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng
của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải đường lối của Ta” (Is
55:8).
Còn nghĩ tới
công xá trong vườn nho Thiên Chúa tức chưa thấy được sự thật. Sự thật sẽ giải
thoát khỏi những hạn hẹp của thế giới con người. Nếu chỉ căn cứ vào công trạng
cá nhân, làm sao có thể hiểu nổi Thiên Chúa là Đấng thương xót.
Chính vì chỉ
biết cá nhân với những công trạng đầy mình như ăn chay một tuần hai lần, bố thí
một phần mười cho kẻ nghèo khó, anh Biệt phái đã trở về tay không. Trái lại người
thu thuế lại chan hòa niềm vui vì được Chúa xót thương.
Quá chú ý tới
công trạng sẽ quên mất Đấng thưởng công chính là Thiên Chúa. Thiên nhiên và cuộc
sống đầy dẫy dấu vết lòng từ bi Chúa. Chúa Giêsu “không bao giờ mập mờ trong
việc công bố lòng thương xót của Thiên Chúa, nhất là qua dụ ngôn và lời giảng,
Chúa mạc khải lòng xót thương của Thiên Chúa khi tiếp xúc hằng ngày với quần chúng
thuộc mọi giai tầng xã hội.” (Upton:654) Chúa đến để cho chúng ta thấy Thiên
Chúa thực sự quan tâm, chăm sóc và lo lắng đến hạnh phúc con người.
TÌM MỘT HƯỚNG SỐNG
Qua dụ ngôn vườn
nho hôm nay, Chúa Giêsu không những mạc khải Thiên Chúa đầy lòng thương xót, nhưng
còn cho thấy lòng xót thương vô cùng cần thiết cho cuộc sống. Hơn lúc nào xã hội
hôm nay đang vắng bóng lòng xót thương. Lòng dạ chai đá đã tạo nên bao nhiêu thảm
cảnh xã hội. Bạo lực đã phá vỡ những khung cảnh bình an nhất như học đường, thánh
đường, bệnh viện v.v. Sự tàn bạo đã có mặt khắp nơi. Con người không thể tha thứ
cho con người như Thiên Chúa đã tha thứ cho họ. Nhiều người vẫn còn sống theo
luật rừng. Não trạng công bình quá mức có thể tạo nên bất công ngay trong những
tương quan hằng ngày.
Không vượt
qua được não trạng đó, Kitô hữu không thể xây dựng Nước Thiên Chúa ở trần gian.
Bao lâu còn dừng lại ở cái tôi, họ không bao giờ hiểu được tại sao có những người
chuyên môn “ăn cơm nhà vác ngà voi.” Có những anh em Kitô hữu hi sinh hơn
họ tưởng. Nhiều người đã hi sinh mạng sống, thời giờ, sức lực, tiền của vì hạnh
phúc tha nhân. Họ hăng say đóng góp cho những công việc xứ đạo mà không mong được
một chút lợi nhuận nào, ngoài chính mối lợi là Đức Kitô, hiện thân của lòng xót
thương. Hơn thế, họ còn tham gia tích cực vào công cuộc bác ái, thể hiện lòng
Chúa xót thương đối với những người nghèo khổ.
Hăng say ngày
đêm như thế chỉ vì họ cảm thấy đã được Chúa xót thương quá nhiều. Họ phấn khởi
chỉ vì ý thức rằng “sống là Đức Kitô” (Pl 1:21). Trong Đức Kitô, kiến và
cá sẽ sống chung hòa bình như chiên con nằm chung với sư tử vậy.
Lm Đỗ Vân Lực, OP