MÈO NÀO CẮN MÈO NÀO
Chúa nhật 26: Mt 21:28-32
Ở
Mỹ mới được chín tháng, nhưng tôi đã có nhiều kinh nghiệm về lối sống và suy tư
của đồng bào mình tại đây. Có phải do ảnh hưởng của lối sống Mỹ, người Việt Nam
thích hứa hẹn đủ điều, nhưng ít khi giữ được lời hứa. Họ thích hứa vì nghĩ mình
có dư phương tiện. Trong một nước giàu có nhất thế giới này cái gì chẳng có. Nhưng
người ta không ngờ có một cái vô cùng thiếu đó là thời giờ. Họ chẳng khác đứa
con thứ hai trong dụ ngôn hai người con hôm nay.
HAI LỐI HÀNH XỬ
Căn cứ bên ngoài, ai
cũng thấy người con thứ hai rất nhã nhặn và biết điều. Khi cha vừa ngỏ ý, anh đã
thưa ngay: “Thưa ngài, con đây !” (Mt 21:30) Nghe thế, người cha nào chẳng mát
ruột ? Thực tế anh không hề quan tâm tới lệnh cha hay quyêàn lợi gia đình. Anh
thuộc loại người nói một đàng quàng một nẻo. Nếu ai cũng như anh, chắc chắn gia
đình đã suy sụp từ lâu rồi. Hình như anh hiện diện như một cái xác, chứ không một
chút gắn bó với người cha và không có một chút tinh thần trách nhiệm đối với những
việc trong nhà.
Trái lại, người con
thứ nhất rất đáng khen vì đã biết điều, mặc dù ban đầu anh có vẻ khó thương vì đã
cưỡng lời bố. Thái độ buồn sầu của bố có thể làm anh nghĩ lại hay có thể hoàn cảnh
đã bắt anh không thể làm khác. Anh suy tư rất nhiều. Anh đã “hối hận” (Mt
21:29). Chính hành động của anh sẽ đem lại cho bố niềm vui sâu xa và lâu dài.
Người Do thái đã hiểu
rất rõ Chúa muốn nói gì. Họ càng chợt tỉnh khi Chúa vạch trần thái độ của họ :
“Tôi bảo thật các ông : những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên
Chúa trước các ông. Vì ông Gioan đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông
không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các
ông khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy.” (Mt
21:31-2) Đưa ra những nhận định như thế thật là bạo phổi ! Ngay cả bây giờ ai dám
lên tiếng chỉ trích những người trong cơ chế bằng một so sánh đảo lộn mọi nhận định
bình thường như vậy ?
Nhận định đó bắt người
Biệt phái không thể không suy nghĩ về thái độ cố chấp của mình trước Tin Mừng Đức
Giêsu Kitô. Chúa đã làm mọi cách để thuyết phục họ. Chính mắt họ cũng chứng kiến
biết bao phép lạ. Nhưng họ vẫn cố tình làm ngơ. Họ làm ngơ vì họ không có một tâm
hồn rộng mở, không muốn nhận ra chương trình cứu độ nhân loại thực hiện nơi con
người và cuộc đời Đức Giêsu. Bên ngoài ai cũng nghĩ và họ cũng tự cho mình là
người am hiểu chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Họ còn giải thích và đặt ra đủ
thứ lề luật như dẫn đường chỉ lối cho mọi người biết đường về Nước Thiên Chúa.
Nhưng thực tế họ chỉ chất những gánh nặng không ai vác nổi. Còn chính họ không đụng
ngón tay (xc Mt 23; Lc 11).
Người Biệt phái đua
nhau kiếm tìm vinh quang hão huyền. Họ tự tâng bốc nhau. Đó không phải là thái độ
Tin mừng, cũng không phải là thái độ xứng hợp để đón nhận Tin Mừng. Không bao
giờ họ có thể thuộc bài học khiêm nhường của Thiên Chúa nơi con người Đức Giêsu,
Đấng “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ” (Pl 2:7). Bởi đó họ
không thể khám phá nổi chân lý về chính mình và về Thiên Chúa. Chân lý đó chỉ dành
cho những con người đơn sơ chân thành như những người tội lỗi biết sám hối.
Kinh nghiệm cho thấy các em bụi đời thường có một tâm hồn chân thành. Các em là
những người nhiệt tình. Chỉ vì thiếu người hướng dẫn hay hoàn cảnh đẩy đưa nên
các em mới nên nông nỗi. Các em rất tốt khi đối xử với nhau và không thể chịu đựng
được sự lừa dối của người cùng băng đảng, mặc dù chính các em thường làm cho người
ngoài mất tin tưởng. Nếu thay đổi hoàn cảnh, nhiều em có thể trở thành người hữu
ích cho xã hội.
THỜI SỰ NÓNG BỎNG
Những tâm hồn đơn sơ ấy
không thiếu trong các tôn giáo bạn. Họ thực sự chân thành, khao khát tìm kiếm
chân lý. Không ai có thể khinh thường những cảm nghiệm tôn giáo, lòng nhiệt thành,
sức phấn đấu, lương tâm trong sáng nơi những tâm hồn như thế. Chính những ảnh hưởng
văn hóa xã hội đã khiến niềm tin có những màu sắc khác nhau.
Ai dám nói Thiên Chúa
không quan tâm tới vận mệnh của những con người như thế ? Nhưng vẫn có những người
thiếu thiện cảm mới cố gò ép tâm trí khi nhìn sang những anh em khác tôn giáo với
mình. Trong khi Giáo hội không còn dồn sức tập trung vào chính mình như trung tâm
cứu độ, họ vẫn chủ trương: “Ngoài Giáo hội, không có ơn cứu độ”. Họ giữ một thái
độ xa lạ đối với niềm tin khác biệt và tìm cách khống chế nhũng con người sống
trong niềm tin ấy. Nhưng khác niềm tin đâu có nghĩa là xấu. Ngày nay Giáo hội đã
chuyển sức tập trung từ Giáo hội sang Đức Kitô và từ Đức Kitô sang Thiên Chúa
như nguồn ơn cứu độ duy nhất cho mọi người trong mọi hoàn cảnh.
Riêng trong hoàn cảnh
Việt Nam, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đòi hỏi phải “nhấn mạnh hơn nữa việc đối
thoại với các tôn giáo.” (VietCatholic) Lý do vì “Giáo hội Công giáo không hề
phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo,” (Nostra
Aetate) nhờ đó biết bao tâm hồn thánh thiện đã cảm nhận được ơn cứu độ của Thiên
Chúa qua những hoạt động bí nhiệm của Thần khí.
Thực vậy tại
Bangalore, miền Nam Ấn độ, các Thần học gia Á châu đã nhất trí nhận định : “Chúng
ta cần nhìn nhận rằng sự đa dạng các tôn giáo là kết quả của hành động của Ngôi
Lời-đang-hoạt-động và là việc cùng đáp trả trước kế hoạch sáng tạo của Thiên Chúa”
(VietCatholic 31/8/1999). Kitô giáo không thể rao giảng trong một môi trường vắng
bóng tôn giáo. Bởi vậy Giáo hội không thể coi thường ảnh hưởng của các tôn giáo.
Trái lại, “sứ mạng Kitô giáo trong bối cảnh đa nguyên tôn giáo ở Châu Á phải
nhìn nhận sự hiện hữu của các tôn giáo khác và vai trò hợp pháp của các tôn giáo
này trong đời sống các tín đồ.” (Đại hội các Thần học gia Á châu : VietCatholic
31/8/1999) Kitô giáo tự bản chất là một lời mời gọi hơn là một sức mạnh chinh
phục.
Chỉ khi nào đối thoại
thực sự, chúng ta mới thấy được giá trị đích thực của những anh em không cùng
niềm tin và mới khám phá được “mối quan hệ của Chúa Giêsu với tha nhân như là
tha nhân.” (Đại hội các Thần học gia Á châu : VietCatholic 31/8/1999).
Lm. Giuse Đỗ Vân Lực,
OP