THÁCH
ĐỐ CUỐI CÙNG
Chúa
Nhật 26A Thường Niên
Thách đố lớn nhất
cuộc đời có lẽ là cái tôi. Chính vì
thế Đức Giêsu muốn phơi bầy tất cả sự thật để cảnh giác mỗi người chúng ta trên
bước đường theo Chúa.
HAI THÁI ĐỘ
Để minh họa chướng
ngại lớn lao đó, Đức Giêsu dùng hình ảnh hai người con được thân phụ sai đi làm
vườn nho, tượng trưng hai thái độ khác nhau.
Người con thứ nhất có dáng dấp thật khó thương. Anh ta bướng bỉnh vì dám cưỡng lệnh thân
phụ. Tại sao anh lại có thái độ như vậy
? Phải chăng đó là thái độ tuổi trẻ
ngang tàng ? Nhưng sau cùng lương tâm đã
thức dậy. Anh không thể cưỡng lại tình
phụ tử. Hình ảnh đó chẳng khác gì “kẻ
gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm, mà thi hành điều chính trực công minh”.[1] Chắc chắn hành động đó sẽ thu hút cái nhìn
của Thiên Chúa. Thực vậy, những người
thành tâm “sẽ cứu được mạng sống mình.”[2]
Ngược lại, người con
thứ rất dễ thương từ lời nói tới cử chỉ.
Không cần suy nghĩ, anh nhanh nhẹn đáp lại lệnh cha truyền. Anh nói để cha yên lòng, chứ không muốn hành động gì cả. Cùng chịu một nền giáo dục như nhau, tại
sao lại có hai thái độ khác nhau ? Bao
nhiêu luật lệ và thói tục trong nhà đã không hướng được con mắt anh vào đường
lối thân phụ. Anh có khác chi “các thượng tế và kỳ mục trong dân”[3]? Mặc dù đã được ông Gioan chỉ đường công
chính, họ “vẫn không chịu hối hận và tin ông ấy.”[4]
Sau khi vẽ lên hai
hình ảnh đó, Đức Giêsu đặt vấn đề : “Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý
muốn của người cha ?”[5] Cách đặt vấn đề đã mạc khải chủ điểm câu
truyện hôm nay. Thực ra, cả hai người
con đều đã có lúc làm phật lòng cha.
Nhưng dầu sao, điểm quan trọng là thực hành, chứ không phải chỉ dừng lại
ở lý thuyết. Chính vì thế, khẳng quyết
của Đức Giêsu đã khiến mọi người giật mình : “Tôi bảo thật các ông : những
người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông”.[6] Ngay bây giờ ai dám nói một điều như thế
trước những người cầm quyền ? Sở dĩ những hạng người tội lỗi đó được tuyển chọn
vì họ đã hối hận khi nhìn về quá khứ và bước vào đường công chính do ông Gioan
Tẩy Giả vạch ra.[7]
Trên đời, chỉ có một
người con duy nhất vừa mau lẹ đáp ứng lệnh truyền của thân phụ, vừa thi hành
tới nơi tới chốn, đó là Đức Giêsu.
Chính Đức Giêsu đã nói : “Lương
thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình
của Người.”[8] Bởi vậy, Chúa Cha đã âu yếm giới thiệu Đức
Giêsu với các môn đệ : “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.”[9] Chính nhờ vâng phục, Người đã trở thành mẫu
gương cho muôn ngàn thế hệ. Từ nay muốn
chu toàn sứ mệnh Kitô hữu, “anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô
Giêsu,”[10]
Đấng suốt đời tâm niệm : “Tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý
Đấng đã sai tôi.”[11] Để thi hành thánh ý, “Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.”[12] “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người
và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.”[13] Thật đơn giản. Chỉ cần vâng phục, Đức Giêsu đã “được trao
toàn quyền trên trời dưới đất”[14]
để thi hành sứ mệnh cứu thoát muôn dân.
KHÁM PHÁ MỚI
Sứ mạng đó đã được
trao cho các tín hữu ngay trong bí tích thanh tẩy. Đó là một vinh dự lớn lao và là một trách
nhiệm nặng nề. “Trong xã hội tục hóa
ngày nay, càng ngày càng có nhiều người lãnh đạm với tôn giáo và sống như không
có Thiên Chúa, nhiều người cần tái khám phá các bí tích khai tâm Kitô giáo, đặc
biệt là bí tích thanh tẩy”[15]. Quả thật, tất cả ơn gọi cao đẹp đều được
Kitô hữu lãnh nhận trong bí tích thanh tẩy.
Chính vì thế, trong cuộc gặp gỡ 1,200 linh mục và giáo lý viên, “ĐGH
Gioan Phaolô II đã coi Phương Pháp Tân Giáo Lý như một đường lối quan phòng đáp
ứng lại sự lãnh đạm tôn giáo trong nhiều xã hội.”[16] Phong trào này hiện có 17,000 cộng đoàn
trong 105 quốc gia, rải rắc trên 900 giáo phận và 5,500 giáo xứ. Trên một triệu giáo dân, 1,500 chủng sinh và
800 linh mục khắp thế giới đang theo đuổi Phương Pháp Tân Giáo Lý này. Thành
quả có thể chứng minh rõ ràng khi nhìn đến “bao nhiêu người nhiệt thành và
quảng đại rao giảng Tin Mừng Đức Giêsu Kitô nhất là cho những người sa
ngã. Biết bao người đã thức tỉnh trước
ơn gọi linh mục và tu sĩ.”[17]
Hơn bao giờ, thế
giới hôm nay cần có những nỗ lực thức tỉnh trước những giá trị Tin Mừng. ĐGH nhận thấy thế giới “rất giầu những
phương tiện kỹ thuật, vật chất và tiện nghi, nhưng bi đát thay lại nghèo về cứu
cánh, giá trị và lý tưởng. Dầu vậy,
chúng ta không được phép bi quan và chán nản, vì Thần Khí hướng dẫn Giáo Hội và
ban cho Giáo Hội can đảm xông pha khám phá những phương pháp tân Phúc âm hóa,
để có thể tới những những miền chưa từng khám phá. Chân lý Kitô giáo hấp dẫn và có sức thuyết
phục rõ ràng vì có thể in đậm vào cuộc sống nhân loại một chiều hướng rất rõ
nét, vững chí công bố Đức Kitô là Đấng Cứu độ duy nhất của nhân loại. Việc loan báo Tin Mừng đó ngày nay vẫn có
giá trị như Kitô giáo tiên khởi, khi Tin Mừng loan truyền khắp nơi nhờ bước
chân các nhà truyền giáo vĩ đại đầu tiên.”[18] Đó là sứ mạng cao cả nhất đã được Giáo Hội
hoàn thành vẻ vang.
Thấy trước những
thách đố lớn lao, Đức Giêsu đã cầu nguyện cho các môn đệ: “Con đã truyền lại
cho họ lời của Cha. Xin Cha lấy sự thật
mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như
Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian.”[19] Sự thật ấy đang bị lãng quên giữa một thế
giới trống vắng những giá trị. Con
người ngày nay thường rút vào những khung trời nhỏ hẹp và tương đối. Trong bối cảnh vô tri và đôi khi thù nghịch
đó, Giáo hội không dễ thực thi sứ mạng cứu độ.[20] Nhưng ngay trong hoàn cảnh khó khăn nhất như
xã hội Hồi giáo hay vô thần, vẫn có thể có nhiều sáng kiến và nỗ lực Phúc âm
hóa. Thực vậy, TGM Henri Teissier nói :
ngay tại Algeria, một quốc gia Hồi giáo, “việc rao giảng có thể thực hiện, dù
không qua việc dạy giáo lý, nhưng bằng việc loan báo về Thiên Chúa tình yêu,
bao dung và về lương tâm tự do. Việc
công bố Tin mừng sẽ vang vọng khắp nơi nếu mọi người đồng tâm tranh đấu cho
nhân phẩm.”[21]
Lm. Đaminh Đỗ Vân
Lực, OP
[1] Ed 18:27.
[2] Ed 18:27.
[3] Mt 21:28.
[4] Mt 21:32.
[5] Mt 21:31.
[6] Mt 21:31.
[7] x. Mt 21:32.
[8] Ga 4:34.
[9] Mt 17:5.
[10] Pl 2:5.
[11] Ga 5:30.
[12] Pl 2:8.
[13] Pl 2:9.
[14] Mt 28:18.
[15] ĐGH Gioan Phaolô II : Zenit 23.09.2002.
[16] Zenit 23.09.2002.
[17] ĐGH Gioan Phaolô II : Zenit 23.09.2002.
[18] Zenit 23.09.2002.
[19] Ga 17:
[20] x. ĐGH Gioan Phaolô II : Zenit 23.09.2002.
[21] Zenit 23.09.2002.