Chúa Nhật 27 mùa Thường niên, A
Sám
hối và mở lòng đón nhận Nước Trời là đề tài của Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật trước. Nhưng nếu người ta cứ ngoan cố không muốn
thay đổi và tiếp nhận Nước Trời thì họ sẽ tự ý chống lại kế hoạch cứu độ của
Người và đi vào con đường tiêu diệt.
Ít-ra-en đã không hoàn thành được sứ mệnh giúp con cái mình sống theo ý
Chúa. Tuy nhiên khởi từ “thất bại
Ít-ra-en”, Thiên Chúa lại thực hiện một công trình vĩ đại hơn, là ban cho nhân
loại một Ít-ra-en Mới dưới quyền lãnh đạo của Chúa Giê-su Ki-tô, Con Một Người. Các bài đọc hôm nay trình bày việc thay thế ấy,
đồng thời mời gọi ta ý thức và thi hành nhiệm vụ canh tác vườn nho Giáo Hội để
sinh hoa lợi cho Chúa.
1.
Vườn nho Ít-ra-en, một kế hoạch “thất bại” của Thiên Chúa (bài đọc Cựu Ước – Is 5:1-7)
Ta
nói “thất bại” là nói theo ngôn ngữ và cái nhìn của loài người, chứ đối với
Thiên Chúa chẳng khi nào có chuyện thất bại!
Thiết lập Ít-ra-en là một giai đoạn trong lịch sử cứu độ. Kết quả việc thiết lập này đã được ngôn sứ
I-sai-a mô tả bằng bài ca của một người bạn nói về vườn nho của ông. “Người bạn” ấy chẳng ai khác hơn là chính
Thiên Chúa, Đấng đã linh hứng cho ngôn sứ I-sai-a về nỗi niềm của Người trước
“thất bại Ít-ra-en”.
Bài
ca trình bày tâm trạng thất vọng của một ông chủ vườn nho, người đã bỏ ra biết
bao công sức, chính tay lao động lập một vườn nho, chọn giống nho quý đem về trồng
và trông chờ mùa hái nho tốt, nhưng cuối cùng vườn nho lại sản xuất nho dại. Tiếp theo, ngôn sứ áp dụng câu truyện vào dân
Ít-ra-en. Thiên Chúa đã dày công thiết lập
“nhà Ít-ra-en”. Như người chủ cần mẫn chọn
“sườn đồi màu mỡ” làm vườn nho, chính tay Chúa chuẩn bị Đất Hứa cho dân Người
cư ngụ. Người ban Lề Luật để họ sống
theo và trông đợi họ sinh được những hoa trái tốt lành, nhưng họ không theo và
chỉ tạo ra những việc làm gian ác xấu xa.
Do đó, Thiên Chúa quyết định phá bỏ vườn nho Ít-ra-en Người đã thiết lập.
Theo con mắt loài người, Thiên Chúa đã
thất bại, không đạt được điều Người muốn.
Nhưng không phải Thiên Chúa thất bại, mà là con người thất bại vì họ đã
không làm được điều đáng lẽ họ phải làm.
Do đó, Thiên Chúa có kế hoạch sửa đổi để giúp con người có thể làm được
điều trước đây họ đã không làm được và còn có thể làm được tốt hơn nữa. Từ điều xấu, Thiên Chúa có thể rút ra một điều
tốt đẹp hơn, thí dụ như việc tổ tông loài người sa ngã đã đem lại cho nhân loại
Đấng Cứu độ. Từ việc “vườn nho Ít-ra-en”
sản sinh nho dại và đáng bị phá hủy, Thiên Chúa sẽ thiết lập vườn nho mới là
Giáo Hội Chúa Ki-tô, thay thế giống nho quý là “dân xứ Giu-đê” bằng cây nho thật
là Chúa Giê-su (Ga 15:1-5). Đúng ra thì
Thiên Chúa không phá bỏ điều gì, Người chỉ tái tạo, nhắm mục đích sinh ích lợi
cho con người Chúa luôn yêu mến vô điều kiện.
Thiết lập Nước Thiên Chúa chính là việc mở rộng ơn cứu độ cho muôn dân
trên địa cầu để bất cứ ai cũng có thể lãnh nhận và được tiếp đón vào “nhà
Ít-ra-en Mới”. Nhận biết lòng yêu thương
vô bờ này của Thiên Chúa, tác giả Thánh vịnh đã mạnh dạn cầu xin: “Lạy Chúa là Chúa Tể càn khôn, xin phục hồi
chúng con, xin tỏa ánh tôn nhan rạng ngời để chúng con được cứu độ” (Tv
79:20). Thật là điều an ủi nếu ta hiểu rằng
vườn nho tâm hồn của ta mỗi khi chỉ sản sinh nho dại thì Thiên Chúa tìm cách để
tái tạo và “phục hồi” ta hầu giúp ta sinh những hoa quả tốt đẹp.
2.
Vườn nho mới của Thiên Chúa là Giáo Hội (bài Tin Mừng – Mt 21:33-43)
Theo cùng một thể thức như bài ca của ngôn sứ I-sai-a về vườn
nho, Chúa Giê-su kể một dụ ngôn về vườn nho của ơn cứu độ, nhấn mạnh đến vai
trò canh tác của các tá điền. Trong câu
truyện của Chúa Giê-su, vườn nho đã được chuẩn bị đầy đủ và chắc chắn có khả
năng sinh hoa lợi tốt đẹp. Chủ nhà cho
đám tá điền canh tác và sẽ nộp một phần hoa lợi cho ông. Đến mùa hái nho và theo khế ước, các tá điền
phải nộp hoa lợi cho ông. Nhưng họ lại
là những tá điền gian ác, họ đánh đập, ném đá hoặc giết chết những đày tớ do chủ
nhà sai đến; cuối cùng họ giết luôn cả
người con trai của chủ nhà khi anh đến với họ.
Kể câu truyện đến đây, Chúa Giê-su quay sang hỏi các thượng tế và kỳ mục
là ông chủ vườn nho sẽ xử trí với các tá điền gian ác kia như thế nào. Họ trả lời:
“Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng và cho các tá điền khác canh
tác vườn nho, để cứ đúng mùa họ nộp hoa lợi cho ông” (Mt 21:41). Câu trả lời của họ đã lên án chính họ và cha
ông họ, vì trong lịch sử Ít-ra-en, cha ông họ đã bách hại các ngôn sứ và chính
họ đã ra tay giết chết người Con được Thiên Chúa Cha sai đến. Câu truyện có thể đưa đến những kết luận khác
nhau, nhưng Chúa Giê-su đã giữ lại một kết luận cho chính Người: “Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng
góc tường”, và một kết luận áp dụng cho việc lãnh nhận ơn cứu độ: “Nước Thiên Chúa, Người sẽ lấy đi không cho
các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi” (Mt
21:42-43).
Chân lý thứ nhất của câu truyện là “tảng đá thợ xây nhà loại
bỏ lại trở nên đá tảng góc tường”. Chúa
Ki-tô ám chỉ “tảng đả thợ xây nhà bỏ lại” là chính Người. Người đã bị giới lãnh đạo Ít-ra-en loại bỏ,
tiêu diệt, giống như bài ca thứ tư về “người Tôi Trung” đã nói đến (Is 53). Người đã “bị ức hiếp, buộc tội, rồi bị thủ
tiêu, bị khai trừ khỏi cõi nhân sinh…” Trong Nước Thiên Chúa, Chúa Ki-tô đóng
vai trò quan trọng nhất. Người rao giảng
Tin Mừng, mặc khải cho mọi người biết mầu nhiệm Nước Trời và mời gọi mọi người
đón nhận. Tột đỉnh sứ mệnh của Người là
cuộc Thương khó và cái chết trên thập giá, nhờ đó Người gánh lấy tội gian trần,
chiến thắng thần chết và tội lỗi. Nhưng
sau khi sống lại từ cõi chết, Thiên Chúa đã siêu tôn Người, đặt Người làm Chúa
để Người quy tụ muôn loài và đưa mọi người về với Chúa Cha. Người trở nên nguồn ơn cứu độ. “Đó chính là công trình của Chúa, công trình
kỳ diệu trước mắt chúng ta” (Mt 21:42).
Chân lý thứ nhì là ai lãnh nhận ơn cứu độ, tức là tin vào
Chúa Ki-tô, thì được sống muôn đời. Ta
nhận lãnh khả năng được cứu độ khi ta được rửa tội và làm con Chúa. Nước Thiên Chúa đã bắt đầu nảy mầm ở trong
lòng ta và bổn phận của ta là làm cho Nước ấy “sinh hoa lợi”. Chúa Giê-su đã cảnh cáo các thượng tế và kỳ mục
Do-thái: “Tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Người sẽ lấy đi không cho các
ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi” (Mt 21:43). Quả thực, họ đã chối bỏ con người và sứ mệnh
của Chúa Giê-su và hơn thế nữa, họ còn quyết tâm loại trừ Người. “Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài
nó!” (Mt 21:38). Không đón nhận Chúa
Ki-tô nghĩa là không đón nhận Nước Thiên Chúa và không làm cho Nước ấy sinh hoa
lợi. Trái lại, vì “Thiên Chúa sai Con của
Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ
Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3:17), cho nên “ai tin vào Con của Người thì
khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16).
3. Làm cho Nước Thiên Chúa sinh hoa lợi trong
lòng ta (bài đọc Tân Ước – Pl 4:6-9)
Lo lắng của ta là
làm sao cho Nước Thiên Chúa được sinh hoa lợi, tức là được phát triển trong
lòng ta. Nhưng thánh Phao-lô bảo
ta: “Anh em đừng lo lắng gì cả” (Pl
4:6). Ngài dạy ta trước hết phải cầu
nguyện trong mọi hoàn cảnh bằng cách “cầu khẩn, van xin và tạ ơn” Thiên Chúa, để
Người ban cho ta được “ơn bình an” và được “kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su”. Tiếp đến ngài xin ta hãy thực hành tất cả “những
gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến
và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen”. Những điều này chính là những điểm cốt yếu của
Nước Thiên Chúa, được Chúa Giê-su dạy dỗ khi Người rao giảng Tin Mừng và thi
hành sứ vụ cứu thế. Đồng thời những điều
ấy cũng là những đặc tính của một Ki-tô hữu đích thực. Hiểu như thế, ta có thể nói rằng làm cho Nước
Thiên Chúa sinh hoa lợi nghĩa là làm cho căn tính Ki-tô hữu của ta mỗi ngày một
trở nên giống và trung thực với căn tính của Chúa Ki-tô hơn.
Thánh Phao-lô không ngần ngại nêu gương mẫu của ngài cho ta
noi theo. “Những gì anh em đã học hỏi,
đã lãnh nhận, đã nghe, đã thấy ở nơi tôi, thì hãy đem ra thực hành” (Pl
4:9). Đúng thế, suốt cuộc đời vị tông đồ
dân ngoại đã cố gắng trở nên “ đồng hình đồng dạng” với Chúa Ki-tô, làm cho Nước
Thiên Chúa trong tâm hồn ngài phát triển đến độ không còn phải là ngài sống nữa,
nhưng là Đức Ki-tô sống trong ngài!
4. Sống Lời Chúa
Vườn nho cứu độ trước hết là Giáo Hội mà ta có bổn phận phải
canh tác, giúp cho Giáo Hội được phát triển.
Chúa ban cho ta những khả năng vật chất và tinh thần để ta đem sử dụng
cho ích lợi của Giáo Hội. Sự đóng góp ấy
được thực hiện ngay tại cộng đoàn giáo xứ hoặc cho những công cuộc truyền giáo
của Giáo Hội. Tuy nhiên muốn đóng góp
vào vườn nho Giáo Hội, trước hết ta phải lo canh tác vườn nho tâm hồn mình, bằng
cách mở lóng đón nhận ơn cứu độ, sống lời giảng của Chúa Giê-su và nhất là kết
hợp mật thiết với Người. Người phải lớn
lên trong tâm hồn ta (Ga 3:30), để ta được biến đổi trở nên giống Người mỗi
ngày một hơn.
Suy nghĩ: Chúa Giê-su dạy: “Chính Thầy đã chọn anh em từ giữa thế gian,
để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại” (Ga
15:16). Vậy tôi đã được Chúa chọn như thế
nào? Tôi ra đi trong đời để sinh được
hoa trái nào? Trái nho ngon ngọt hay
trái nho dại? Tại sao có tình trạng tồi
tệ ấy? Tôi phải làm gì để được Chúa “phục
hồi” hoặc tái tạo?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, khi Chúa thương xót và thứ tha,
chính là lúc Chúa biểu lộ quyền năng cách tỏ tường hơn cả. Xin không ngừng ban ơn giúp chúng con đạt tới
Nước Trời là hạnh phúc Chúa đã hứa ban mà chúng con đang hết lòng theo đuổi. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng
con. A-men. (Lời
nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật 26 mùa Thường niên).
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi