BÌNH AN NHƯ MỘT HỒNG ÂN
Chúa nhật 27A Thường niên
Bạo lực đã len lỏi vào
trong những nơi thánh thiêng nhất như thánh đường. Bạo lực khống chế mọi nẻo đường
trần gian. Hơn lúc nào Bình an, giấc mơ bình thường nhất, đang vuột khỏi tầm
tay. Nước trần gian không đủ năng lực bảo đảm bình an cho mọi người. Đã đến lúc
phải tìm hiểu nguồn gốc sâu xa của những rối loạn hôm nay. Không dễ
gì tìm lại được sự bình an. Bình an có một chiều kích sâu xa như chính lịch sử
cứu độ. Chỉ có một cách nhanh nhất tìm về nguồn gốc bình an chính là Thiên Chúa.
NỔI LOẠN
Tội lỗi là nguyên nhân
mọi rối loạn. Quan sát cảnh hỗn loạn trong vườn nho trong ngày thu hoạch, chúng
ta mới thấy bọn tá điền gian ác tới mức nào. Như vị chủ vườn, Thiên Chúa tìm mọi
cách cống hiến cho nhân loại một mùa màng tốt đẹp nhất. Ngày đêm Người lo lắng
chăm nom, "rào giậu chung quanh, đào hầm ép rượu và xây tháp canh"
(Mt 21:33). Giấc mơ duy nhất là "thu hoa lợi" (Mt 21:34) từ những
tá điền. Nhưng thật bất ngờ ! Tất cả đều vượt quá mọi dự tính. Các
tá điền đã làm mọi cách ngăn cản ông thu hoa màu. Họ không chấp nhận bất cứ ai
nhân danh ông chủ tìm cách "cưỡng đoạt" sức lao động của họ, vì
họ nghĩ hoa lợi hoàn toàn do sức lao động. Bởi vậy họ "đánh người này, giết
người kia và ném đá người no." (Mt 21:35). Sự tàn ác lên tới tột độ khi họ
hè nhau giết đứa con thừa tự. Chính lúc đó cơn giận ông chủ cũng chĩa thẳng vào
bọn tá điền độc ác. Họ sẽ bị tru diệt và vườn nho sang tay người khác.
Chỉ trong một vườn
nho nhỏ bé đã diễn ra một cảnh tượng rối loạn, đảo điên chưa từng thấy. Chỉ có
một cách duy nhất vãn hồi trật tự, đó là phải tái lập uy quyền ông chủ. Uy quyền
đó thể hiện rõ rệt khi "các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng
mùa, họ nộp hoa lợi cho ông" (Mt 21:41).
Israel đẹp như vườn
nho Thiên Chúa (xc.Is 5:7). Nhưng các tá điền đã mặc sức thao túng và đã không
mang lại hoa lợi nào. Bởi vậy Chúa Giêsu cảnh cáo các thượng tế và kỳ lão
: "Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho
một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi" (Mt 21:43). Nhưng muốn sinh hoa
lợi, các tá điền mới phải có một thái độ khác với các tá điền cũ. Nghĩa là ngoài
việc chăm nom vườn nho, phải biết nhìn nhận quyền bính của ông chủ. Họ phải biết
đón nhận sứ điệp từ các sứ giả đưa tới. Sứ giả có thể đến thu góp hoa lợi hay cảnh
cáo những đường lối không thích hợp cho một mùa màng tốt đẹp. Liệu các tá điền
mới có nghe không ?
MỘT TRẬT TỰ MỚI
Chắc chắn các tá điền
mới được sai đến để thiết lập một trật tự mới trước khi bắt đầu sản xuất.
"An cư lạc nghiệp" mà ! Giáo hội là vườn nho của Thiên Chúa.
Nhiều nhóm thợ đã được sai đến. Mùa màng tốt đẹp hứa hẹn một tương lai tươi sáng.
Tương lai mở ra với "bình an của Thiên Chúa vượt lên trên mọi hiểu biết"
(Pl 4:7), vì "Thiên Chúa là nguồn bình an" (Pl 4:8). Chính nhờ sự
bình an đó, các tá điền mới yên tâm sản xuất một mùa màng tươi tốt.
Tất cả những kết quả
tốt đẹp đó đều phát sinh từ một nội tâm sâu xa, nhờ mật thiết "kết hợp với
Đức Kitô Giêsu" (Pl 4:7), hiện thân của Nước Thiên Chúa
(Origen). Có thể thấy rõ những hoa trái tốt đẹp qua "những gì
là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến
và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen" (Pl
4:8) nơi con người và cuộc đời của các người thợ đó. Đó là những đức tính bảo đảm
một mùa màng tươi tốt. Chắc chắn chủ sẽ thu hoạch được tất cả mọi hoa lợi khi
sai người đến gặp những tá điền như thế.
Người thợ đắc lực không
dừng lại ở những đức tính đó, nhưng còn quan tâm tới những dấu chỉ thời đại.
Tin Mừng luôn mang chiều kích "hôm nay". Không thể mời gọi con người
thế kỷ 21 vào Nước Thiên Chúa bằng ngôn từ hay hình ảnh thời trung cổ. Bởi vậy
họ "biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi" (Mt 21:43). Nhưng bằng cách nào
? Đó là việc Tân Phúc âm hóa cho con người thế kỷ tới.
TÂN PHÚC ÂM HÓA
Giữa những tiện nghi
và bảo đảm vật chất hôm nay, con ngườiï không còn thấy bóng dáng Thiên Chúa đâu
nữa. Họ không cần Thiên Chúa, làm sao có thể rao giảng Nước Thiên Chúa
cho họ ? Coi như Thiên Chúa đã chếtï, làm sao có thể phục sinh Thiên Chúa
trong lòng và cuộc đời họ ? Chỉ một mình Thánh Linh mới có khả năng phục
sinh mà thôi. Bởi vậy hơn lúc nào, chúng ta phải cầu xin Chúa Thánh Linh đến
"canh tân bộ mặt trái đất," nơi Tin Mừng đang được loan báo giữa nhiều
tôn giáo và văn hóa khác nhau.
Tân Phúc âm hóa vô cùng
cần thiết cho con người hôm nay. "Tân Phúc Aâm hóa nhắm tới những dân
đã có đạo nhưng nay đang sống trong một thế giới tục hóa. Thế giới này không
nhìn nhận giá trị tôn giáo và chỉ miễn cưỡng chấp nhận tôn giáo như một vấn đề
riêng tư hay đôi khi tấn công thẳng ngay cả vào vấn đề riêng tư đó hoặc khéo léo
che dấu bằng những chính sách hay tục lệ gạt các tín hữu và cộng đoàn của họ ra
ngoài lề xã hội"(Carrier:1995). Giữa một thế giới đang bị tục hóa, Kitô giáo
đang bị thương mại hóa, làm sao có thể phục hồi giá trị Kitô giáo ? Người
ta làm lơ trước những vấn đề tôn giáo, làm sao có thể khơi dậy vấn đề tâm linh
?
Tuy thế, giữa những xáo
trộn vẫn còn tìm được những giá trị cao quí. Con người vẫn mãi là con người.
"Những khát vọng công lý, nhân phẩm, chia sẻ trách nhiệm, và tình huynh đệ
cho thấy họ muốn trở nên người hơn và khao khát cái tuyệt đối"
(Carrier:1995). Nếu vậy Kitô hữu không thể trở thành khách bàng quang trước những
khát vọng lớn lao và sâu thẳm đó của con người. Thực vậy "không có gì liên
quan đến nhân loại mà không có tiếng vang trong cõi lòng môn đệ Đức Kitô
(…). Cộng đoàn tín hữu cảm thấy thực sự và sâu xa liên đới với con
người và lịch sử nhân loại" (GS., số 2).
Chính nhờ những khát
vọng đầy tính Tin Mừng đó, người Kitô hữu mới thấy mình không lạc lõng và vô
duyên khi trình những chân lý Phúc âm. Nói khác Tin Mừng vẫn còn đủ năng lực thức
tỉnh lương tâm và cải hóa con người. Nhưng Tin Mừng không phải chỉ nhằm cải hóa
cá nhân, nhưng tất cả những gì liên quan tới con người như văn hóa, cơ chế,
kỹ thuật v.v. Đặc biệt trong vườn nho Việt Nam hôm nay, Thiên Chúa muốn các
tá điền làm gì ? Các Kitô hữu đang đối đầu với những vấn đề liên quan tới
công lý, niềm tin lâu đời của các tôn giáo bạn, người nghèo v.v. Trước
bao nhiêu công việc ngổn ngang đó, làm cách nào cho Tin Mừng hội nhập vào văn hóa
và xã hội Việt Nam ? Vườn nho Việt Nam vẫn đầy hứa hẹn . . .
Công việc bề bộn không thể giải quyết một sớm một chiều, càng không thể ủy thác
cho một nhóm người, dù quan trọng tới đâu. Trái lại một mặt cần đến sức mạnh Thánh
Linh, một mặt cần nhiều bàn tay Kitô hữu góp sức mới mang lại hoa trái dồi dào
cho chủ vườn là Thiên Chúa. Thế kỷ 21 phải là thế kỷ giáo dân đi hàng đầu. Chỉ
giáo dân mới thực sự là muối và men thấm sâu vào những thực tại trần thế để Tin
Mừng biến cộng đồng nhân loại thành một tổ ấm chan hòa tình yêu.
Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP