Chúa Nhật 28 mùa Thường niên, A

 

          Đây là lần thứ hai Chúa Giê-su dùng dụ ngôn để nói với các thượng tế và kỳ mục về Nước Trời .  Lần trước trong dụ ngôn các tá điền gian ác, Chúa Giê-su đã tố cáo những nhà lãnh đạo Ít-ra-en không nhìn nhận sứ mệnh cứu độ của Người và không mở lòng đón nhận Nước Trời.  Hôm nay, Chúa Giê-su dùng một dụ ngôn khác để trình bày cùng một sự tố cáo giống như lần trước, đó là dụ ngôn tiệc cưới.  Vườn nho và tiệc cưới là những hình ảnh quen thuộc trong Cựu Ước diễn tả Thiên Chúa quy tụ dân được Người tuyển chọn.  Với dụ ngôn tiệc cưới, Chúa Giê-su nhấn mạnh đến chỗ đứng của Người trong Nước Trời và việc tham dự vào Nước Trời của tất cả những ai được mời gọi.

1.  Ngôn sứ I-sai-a tiên báo về Nước Trời (bài đọc Cựu Ước – Is 25:6-10a)

          Thế giới sống trong một cảnh tượng buồn thảm.  Đói khát dằn vặt mọi người.  Tất cả đều sống gò bó trói buộc sau “chiếc khăn che phủ mọi dân” và “tấm màn trùm lên muôn nước”.  Tử thần chẳng để một ai thoát được lưỡi hái của nó.  Lệ chảy không ngừng và nỗi nhục nhã không sao diễn tả.  Quả thực đây là những hậu quả do tội nguyên tổ và tội lỗi của con người đã gây nên, những hậu quả không ai trong nhân loại có thể tiêu diệt được.

          Nhưng bỗng nhiên ngôn sứ I-sai-a loan báo cho nhân loại một tin vui trọng đại.  Thiên Chúa sẽ xóa bỏ tất cả những nỗi cơ cực buồn đau của nhân loại.  Người sẽ đập tan tội lỗi và những hậu quả tàn khốc do nó gây nên.  Những điều ấy Thiên Chúa sẽ thực hiện vào một ngày nào đó “khi thời gian đã mãn” và “trên núi này”.  Người thực hiện những điều ấy qua Chúa Ki-tô, Đấng do Người sai đến để thiết lập một cuộc tạo dựng mới.  Để xóa đi những đói khát của nhân loại, không chỉ đói khát thể chất, nhưng nhất là đói khát tinh thần, đói khát chân lý và bình an, Thiên Chúa sẽ ban cho họ một bữa tiệc thịt béo rượu ngon.  Nước Thiên Chúa dưới sự lãnh đạo của Chúa Ki-tô sẽ là một bữa tiệc phong phú.  “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10:10), hoặc “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống.  Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6:51).  Bóng tối và màn che bao trùm nhân loại sẽ bị xua đi, vì “Tôi là ánh sáng thế gian.  Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8:12).  Dòng lệ không còn lăn trên khuôn mặt mọi người, thay vào đó là niềm hân hoan.  “Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng;  và niềm vui của anh em không ai lấy mất được” (Ga 16:22).

          Ngôn sứ I-sai-a nhấn mạnh đến “ngày ấy”, ngày Thiên Chúa đến ở giữa nhân loại (Emmanuel) để mọi người được nhận biết ơn cứu độ.  Giới thiệu Chúa Cứu Thế ngự đến trần gian, ngôn sứ loan báo:  “Ngày ấy, người ta sẽ nói:  ‘Đây là Thiên Chúa chúng ta…  Chính Người là Đức Chúa chúng ta từng đợi trông.  Nào ta cùng hoan hỷ vui mừng bởi được Người cứu độ’” (Is 25:9).  Bữa tiệc Thiên Chúa đãi muôn dân sẽ được thực hiện để đem lại sự sống và niềm hạnh phúc cho nhân loại, nhưng cũng là dịp để loài người nhận ra tình thương cứu độ của Thiên Chúa.  Bữa tiệc Thiên Chúa đãi vào “ngày ấy, trên núi này” sẽ là tiệc cưới Nước Trời, một dụ ngôn do Chúa Giê-su kể để mời gọi mọi người đến dự phần vào ơn cứu độ.

2.  Chúa Giê-su kể dụ ngôn Tiệc cưới để nói về việc đón nhận Nước Trời (bài tin Mừng – Mt 22:1-14)

          Điểm đầu tiên khiến ta chú ý là Chúa Giê-su “dùng dụ ngôn mà nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân”.  Thánh Mát-thêu hiểu rằng sở dĩ Chúa nói dụ ngôn tiệc cưới cho nhóm thượng tế và kỳ mục, vì chính họ là đám quan khách được mời nhưng không đến, thậm chí còn giết hại những người được sai đến để mời họ.  Họ đã khinh thường tính cách quan trọng của tiệc cưới.  Trước hết tiệc cưới là quan trọng vì do vua đãi, cho nên từ chối không dự ngay cả khi có lý do chính đáng cũng là điều không nên làm.  Thế mà đám quan khách lại “không thèm đếm xỉa tới và bỏ đi”!  Một số khác còn khinh thường nhà vua đến độ dám “hành hạ và giết chết” những người được vua sai tới để mời họ.  Tiếp đến, tiệc cưới quan trọng vì là tiệc cưới của hoàng tử, lại còn là hoàng tử duy nhất của vua.  Do đó, đám quan khách khinh thường luôn cả hoàng tử nữa.  Hậu quả của việc khinh thường ấy là:  “Nhà vua bèn nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu hủy thành phố của chúng”.  Dụ ngôn không có ý nói nhà vua thiếu lòng nhân từ nên đã tiêu diệt bọn sát nhân, nhưng là bọn sát nhân ấy đáng lãnh nhận hình phạt do tội ác chính họ đã gây nên.

          Chắc chắn đám thính giả thượng tế và kỳ mục đã hiểu Chúa Giê-su nói dụ ngôn tiệc cưới ám chỉ họ chính là đám quan khách gian ác kia, vì “bấy giờ những người Pha-ri-sêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giê-su phải lỡ lời mà mắc bẫy” (Mt 22:15).  Có tật giật mình nên họ mới bàn nhau tìm cách chống lại Chúa Giê-su!  Tuy nhiên câu truyện dụ ngôn cũng có thể áp dụng cho bất cứ ai được mời gọi nhưng từ chối không tiếp nhận Nước Trời.  Đặc biệt phần tiếp theo của câu truyện, kể lại việc vua tiến vào quan sát tiệc cưới, nhận thấy một người không mặc y phục lễ cưới nên truyền cho những người phục dịch lôi cổ tên ấy ra ngoài và giam vào chỗ tối tăm, làm cho ta nghĩ rằng cách hành xử của ông vua liệu có hợp lý hay không.  Nhưng dụ ngôn không nhất thiết phải là một câu truyện “hợp lý”, mà chỉ đơn thuần là một câu truyện được dùng để nói lên một điều gì đó người kể muốn nói hoặc người nghe muốn nghe.  Do đó, người khách dự tiệc không mang y phục lễ cưới có thể là một câu truyện được thêm vào để nói về thái độ dấn thân trọn vẹn cho việc tiếp nhận Nước Trời.  Nói khác đi, đã nhận ân sủng trở thành con cái Chúa trong Giáo Hội thì Ki-tô hữu phải tiếp tục trung thành với ơn gọi và sống xứng đáng một Ki-tô hữu đích thực cho đến chết, chứ không thể sống nửa vời rồi đến giờ chết mới phân bua với Chúa:  Chúa ơi, con không kịp mặc áo cưới!

          Tuy dụ ngôn nhấn mạnh đến thái độ tiếp nhận ơn cứu độ, nhưng cũng không bỏ qua dịp nói lên tính cách phong phú và phổ quát của ơn cứu độ.  Giống như bữa tiệc có thịt béo rượu ngon được ngôn sứ I-sai-a tiên báo, bữa tiệc ơn cứu độ trong dụ ngôn của Chúa Giê-su cũng đề cập đến sự dồi dào và phổ quát của ơn cứu độ.  “Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn.  Mời quý vị đến dự tiệc cưới!” (Mt 22:4).  Nghĩa là “Nước Trời đã đến gần”, ở trong tầm tay của mọi người, bởi vì Vua vũ trụ đã sai các đầy tớ đi mời:  “Các ngươi hãy đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới!” (Mt 22:9).  Ơn cứu độ càng phong phú thì càng chứng tỏ tình yêu thương Thiên Chúa dành cho ta thật là lớn lao vô biên.

3.  Tiếp nhận Nước Trời là nhận biết tình yêu bao la của Thiên Chúa (bài đọc Tân Ước – Pl 4:12-14.19-20)

          Tiếp nhận Nước Trời hoặc tiếp nhận tình yêu cứu độ là ý mong mỏi của Thiên Chúa.  Ta có thể hiểu được tâm trạng không vui của ông vua khoản đãi tiệc cưới khi những quan khách được mời đã từ chối không đến.  Ta cũng hiểu được nỗi thất vọng của hoàng tử khi thấy khách mời đã không nể vua cha và cũng chẳng tôn trọng mình.  Suy nghĩ về việc tiếp nhận ơn cứu độ, thánh Phao-lô tông đồ cảm nghiệm được sự giàu sang của Thiên Chúa, giàu sang về lòng nhân từ thương xót.  Ngài cảm nghiệm điều ấy ngay trong những nhu cầu cuộc sống của ngài.  Trong bất cứ hoàn cảnh sống nào, no hay đói, thiếu thốn hay dư dật, ngài đều nhận ra một điều là Thiên Chúa luôn ban cho ngài sức mạnh và ơn can đảm để tập quen, để chịu dựng.  Hơn thế nữa ngài còn xác tín ơn Chúa không chỉ dồi dào cho riêng ngài, mà còn phong phú đối với những anh chị em Ki-tô hữu đã quảng đại “chia sẻ” và giúp đỡ ngài.  Tuy nhiên ngài không quên nhắc nhở ta rằng sự giàu sang của Thiên Chúa được biểu lộ “trong Đức Ki-tô Giê-su”, nghĩa là nếu ta tiếp nhận Chúa Ki-tô là ta tiếp nhận kho tàng giàu sang của chính Thiên Chúa vậy.  Nhận thức Chúa Ki-tô là sự giàu sang phong phú của Thiên Chúa, thánh Phao-lô đã “coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi, vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như đồ bỏ, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người” (Pl 3:8-9a).  Thánh Phao-lô thường kêu gọi ta hãy bắt chước ngài.  Ngài không ngừng rao giảng về sự phong phú của tình yêu Thiên Chúa, mà còn sống và chia sẻ tình yêu ấy.  Ngài “tôn vinh” Thiên Chúa giàu lòng thương xót và lúc nào cũng muốn nói cho mọi người biết và lãnh nhận lòng thương xót ấy.  Đứng trước một Thiên Chúa như thế, ta không còn lời nào thích hợp hơn là lời chúc tụng:  “Xin tôn vinh Thiên Chúa là Cha chúng ta, đến muôn thuở muôn đời!  A-men.” (Pl 4:20).

4.  Sống Lời Chúa

          Vì yêu thương ta, Chúa đã dọn sẵn bàn tiệc ơn cứu độ để thỏa mãn khát vọng được hạnh phúc muôn đời của ta.  Bàn tiệc ấy trước hết là Giáo Hội Chúa Ki-tô.  Mọi người được mời gọi lãnh nhận áo trắng bí tích Rửa tội để làm con Chúa, giống như khách dự tiệc mang y phục lễ cưới trong tiệc cưới hoàng tử.  Tấm áo trắng là biểu tượng cho căn tính Ki-tô của ta.  Tiệc cưới cũng là bàn tiệc Thánh Thể để ta đến dự và lãnh nhận tình yêu phong phú của Thiên Chúa, nhất là được kết hợp với Hoàng Tử Bình An là Chúa Ki-tô.  Noi gương thánh Phao-lô, ta cố gắng đánh đổi mọi sự để được Đức Ki-tô là gia nghiệp Thiên Chúa Cha ban cho ta ngay tại đời này và đời sau.

Suy nghĩ:  Cuối dụ ngôn, Chúa Giê-su kết luận:  Kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít.  Tôi có coi lời này như một cảnh cáo cho chính mình không?  Tôi có giống như người khách được mời không mang y phục lễ cưới không?  Nói khác đi, căn tính Ki-tô của tôi còn hay mất?  Tôi phải sống thế nào để duy trì và biểu lộ căn tính ấy?

Cầu nguyện:  Lạy Thiên Chúa toàn năng, ước gì Ân Sủng Chúa là Đức Ki-tô vừa mở đường cho chúng con đi, vừa đồng hành với chúng con luôn mãi, để chúng con sốt sắng thực hành những điều Chúa truyền dạy.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật 28 mùa Thường niên).  

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A