THIỆP HỒNG.
Chúa nhật 28A thường niên
Có lẽ đời người không
bao giờ vui bằng ngày cưới. Người ta chuẩn bị rất lâu. Bao nhiêu bạn bè họ hàng không thể thiếu sót một
người. Bởi thế thiệp hồng phải vẽ thật đẹp và gởi đúng nhân vật, đúng thời điểm.
Tiệc cưới là dịp quy tụ lớn lao. Đời người chỉ đẹp một lần, nên người ta
không ngại tốn phí và trổ hết năng lực để làm vừa lòng mọi người.
Nếu
đám cưới thường còn mệt như thế, phải nói sao về tiệc cưới hoàng tử
? Phải chuẩn bị tới mức nào cho một niềm vui lớn như vậy ? Tuy
nhiên trong tiệc cưới này có một cái gì không bình thường. Vấn đề vượt quá phạm
vi một đám cưới. Nói đúng hơn, tiệc cưới đã trở thành một biểu tượng, một dụ ngôn
nói lên tính cánh chung và phổ quát của Nước Trời.
MỘT LỜI MỜI GỌI
Như thường lệ, tiệc cưới này cũng gởi giấy mời tới các quan khách. Các quan khách
nhà vua chắc chắn phải thuộc loại sang trọng lắm. Những vị đó phải được tuyển
chọn đặc biệt. Bởi đấy nhà vua phải dọn bữa tiệc thịnh soạn, ê hề "bò tơ và
thú béo" (Mt 22:4). Vua đã dồn hết tâm lực và tài lực để tổ chức tiệc cưới
cho con mình. Nhưng các quan khách không quan tâm tới biến cố lớn lao đó. Họ tỏ
thái độ rất kỳ cục. Họ coi quyền lợi và đời sống thường ngày quan trọng hơn. "Kẻ
thì đi thăm trại, người thì đi buôn" (Mt 22:5). Càng khó hiểu hơn khi họ
"bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết" (Mt 22:6). Bạo lực đã
có mặt ngay khi chưa mở tiệc.
Làm
sao nhà vua còn tâm trí tổ chức tiệc cưới nữa ? Nhà vua còn có một chút ảnh
hưởng và quyền bính gì trên họ không ? Có lẽ họ đã mượn dịp này để trả thù
vua chăng ? Nghĩ vậy nên nhà vua đã nổi giận. Tất cả đã sụp đổ. Lòng
ưu ái đổi thành hận thù. Trong giây lát, nhà vua đã "sai quân đi tru diệt
bọn sát nhân ấy và thiêu hủy thành phố của chúng" (Mt 22:7). Aùc giả ác báo.
Nếu không ra tay có ngày họ sẽ nổi loạn, lật đổ triều đình.
Tuy
tức giận, nhưng nhà vua vẫn bình tĩnh phản ứng. Tiệc cưới chuyển hướng. Thay vì
dành riêng cho một nhóm người ưu tuyển, tiệc cưới mở rộng cho mọi người. Nhà
vua ra lệnh cho các đầy tớ : "Các ngươi đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời
hết vào tiệc cưới" (Mt 22:9). Cuối cùng "phòng tiệc cưới đã đầy thực
khách" (Mt 22:10). Thế mới biết phòng tiệc rộng biết chừng nào và bữa tiệc
phong phú tới đâu. Phòng tiệc không còn thiếu một hạng người nào. Họ không nhận
được giấy mời. Họ không có gì đặc biệt, bởi vì sau khi nghe lệnh "đầy tớ
liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại"
(Mt 22:10). Nếu các quan khách đáp lại lời mời của vua, thử hỏi bao giờ đám
đông này mới vào nổi phòng tiệc cưới này ?
Biến
cố này cũng cho thấy tầm nhìn của vua đã mở rộng. Vua đã di sát với thực
tế, chứ không còn bị lệ thuộc vào địa vị, chức quyền, tiền bạc. Một mặt nhà vua
rất nghiêm thẳng. Mặt khác ngài đầy lòng xót thương, bao dung.
Mục đích vẫn đạt được, nhưng trong một chiều kích khác.
TIỆC CƯỚI NƯỚC TRỜI
"Nhà vua ở đây chính là Thiên Chúa ; tiệc cưới là hạnh phúc thời Messia và
hoàng tử chính là Đấng Messia đó" (The New Jerusalem Bible). Thiên Chúa đã
chuẩn bị thật chu đáo. Người đã sai các đầy tớ là các tiên tri và các tông
đồ đạt giấy mời người Do thái đến tham dự lễ cưới Con Chiên. Nhưng cuối cùng tất
cả giấy mời phải bãi bỏ vì thái độ kiêu hãnh và đầy tự ái của dân riêng. Tuy thế
Thiên Chúa không hủy bỏ chương trình cứu độ. Người tìm mọi cách thực hiện niềm
vui cực kỳ lớn lao cho tất cả mọi người, dù họ chưa bao giờ nhận được giấy mời.
Vào phòng cưới mà thực khách cứ tưởng mình như đang đi trên mây.
Trong
đám khách đông đảo đó, có biết bao người tội lỗi và dân ngoại. Dù chưa sẵn sàng,
họ đều mặc áo cưới sang trọng, xứng với tiệc cưới hoàng tử. Thế mà
vẫn có người bước vào tiệc cưới, lười biếng đến nỗi không khoác cho mình
một chiếc áo cưới treo sẵn ngoài hành lang cho mọi người. Bởi đó nhà vua nổi giận
và có những biện pháp cứng rắn. Sang lãnh vực thiêng liêng, ân sủng chính là
chiếc áo cưới mỗi người tín hữu phải mặc khi vào dự tiệc cưới Con Chúa.
Khác
hẳn người không mặc áo cưới, một nhân vật thu hút lạ lùng vì nhan sắc tuyệt vời
và áo cưới rực rỡ, một người không được nhắc tới trong dụ ngôn tiệc cưới, nhưng
cực kỳ quan trọng, đó là cô dâu. Tại sao đám cưới chỉ đề cập tới chú rể
? Cô dâu chính là Hội Thánh mà tiên trưng là Đức Maria. Mẹ là cô dâu
tuyệt vời đã xuất hiện trong bộ áo cưới lộng lẫy. Chưa một cô dâu trần gian nào
đẹp như Mẹ, vì chính Thánh Linh đã chuẩn bị cho Mẹ ra mắt Chúa Thượng và toàn
thể triều đình. Toàn dân sẽ tràn ngập niềm vui khi chiêm ngắm cô dâu khả ái
trong cung điện cực kỳ sang trọng như thế. Mẹ cực kỳ diễm lệ vì đã tin tưởng
tuyệt đối vào Thiên Chúa.
Lòng
tin ấy mô hình sống động cho toàn thể Hội Thánh. Sống trong Hội Thánh không thể
không biết tới bản chất "Công giáo" của Hội Thánh. Còn sống theo não
trạng cục bộ, bè phái là chưa sắm cho mình áo cưới để sẵn sàng dự tiệc cưới Con
Chúa. Đặc tính Công giáo đòi đòi hỏi họ phải biết vượt lên trên ranh giới chủng
tộc, màu da, văn hóa. Càng bị lệ thuộc vào những thực tại trần gian, nhất là vào
cái tôi của mình, càng cảm thấy lúng túng, thẹn thùng khi nhà vua bước vào phòng
cưới.
Ngay
trong nhiều cộng đoàn tu trì cũng có những đầu óc hẹp hòi như thế. Ơn
gọi và sứ mệnh Kitô luôn mang chiều kích phổ quát. Đánh mất chiều kích phổ quát
đó, liệu ơn gọi còn được gọi là ơn gọi Kitô nữa không ? Sứ mệnh có hoàn
thành được không ? Tại sao còn có những băn khoăn về ưu tiên này nọ cho
những người cùng chủng tộc, văn hóa với mình ?
Đã
đến lúc tiệc cưới không dành riêng cho một thứ thực khách nào. Ơn cứu độ không
dành riêng cho một dân tộc nào. Cánh cửa phòng cưới đã mở rộng. Chắc
chắn Thánh Linh đang may cho mỗi người chúng ta một chiếc áo cưới. Nhưng
chúng ta có muốn mặc để dự tiệc cưới hay không ? Ai cũng nhận được thiệp hồng,
nhưng thử hỏi chúng ta có đáp lại lời mời gọi của nhà vua hay không ?
Lm. Giuse Đỗ Vân Lực,
OP