MỘT LỰA CHỌN
Chúa Nhật 29A Thường Niên
Cho tới nay, thế giới
vẫn chưa phân thành những ranh giới rõ rệt.
Các thế lực còn tranh chấp để giành dân lấn đất. Phải chăng Thiên Chúa cũng đang tranh giành ảnh
hưởng trên phần đất nhân loại ?
AI BẪY AI ?
Dưới cái nhìn của những
người Pharisêu, Đức Giêsu xuất hiện như một đối thủ lợi hại. Chính vì thế, họ không ngớt “tìm cách làm cho
Đức Giêsu phải lỡ lời mà mắc bẫy.” (Mt 22:15) Họ khéo léo che phủ cái bẫy bằng miếng
mồi hấp dẫn. Trước hết, họ toa rập với
phe Hêrôđê mở miệng ca bài “con cá” (xc. Mt 22:16) với Chúa. Tài đóng kịch thật tuyệt vời khi họ
cố mang dáng vẻ những người tầm sư học đạo (xc. Mt 22:17).
Trả lời kiểu nào cũng
chết. Có hay không cũng đều mắc mưu nhóm
Pharisêu hay Hêrôđê, đại diện cho dân tộc và đế quốc. Kết quả có thể mắc tội phản quốc hay phản
loạn. Đức Giêsu đã thấy rõ tất cả đường
đi nước bước của những mưu mô quỷ quyệt đó.
Trò chơi đó không qua mắt Người dễ dàng như bọn Biệt Phái và Hêrôđê mơ tưởng. Đức Giêsu đã thoát hiểm trong gang tấc. Người chứng minh cho họ thấy tất cả cá tính
siêu việt khi nói : “Tại sao các người lại thử tôi, hởi những kẻ đạo đức giả !” (Mt 22:18) Bị đánh
trúng tim đen, họ ngoan ngoãn chui vào bẫy chính mình đã trương lên. Lần lượt họ
đã đưa quan tiền và trả lời những câu hỏi liên qua tới việc nộp thuế. Còn chính
câu trả lời của Chúa lại chẳng đáp ứng chút nào tới nỗi bận tâm của họ. Họ đành
câm họng, không dám đặt vấn đề thêm nữa.
Còn dám nói gì nữa
khi nghe Đức Giêsu dõng dạc trả lời : “Thế thì của Xêda, trả về Xêda, của Thiên
Chúa, trả về Thiên Chúa.” (Mt 22:21) Hai lãnh vực phân biệt, nhưng không tách biệt. Cần có những phân biệt cần thiết cho sinh hoạt
xã hội. Những vi phạm và lạm dụng đã
sinh ra bao tai hoạ cho nhân loại.
Làm sao phân biệt “của
Xêda” và “của Thiên Chúa” ? Lịch sử chỉ
là cuộc tranh đấu để phân biệt hai lãnh vực đạo đời đó. nhiều người đã hoa mắt trước châm ngôn “tốt đời
đẹp đạo”. Thực tế đó chỉ là cái bẫy
! Nhiều người đã mắc bẫy quá ư dễ dàng. Chỉ vì quyền lợi riêng, họ đã dễ dàng thoả
hiệp với đời. Chính Chúa khẳng quyết : “Anh
em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được.” (Lc 16:13; Mt 6:24) “Tiền
của” là một thứ tà thần thống trị mọi lãnh vực “đời”, trong đó có thế quyền. Thoả
hiệp chỉ là một hành động hèn nhát !
Làm sao có thể tránh được
hành động hèn nhát đó ? Chính “Đức Giêsu
được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu cám dỗ.” (Mt 4:1; Mc 1:12-13; Lc 4:1-13) Cuộc chiến
thắng dựa trên sức mạnh Lời Chúa, “là thần khí và là sự sống.” (Ga 6:63) Chính
thánh Phaolô đã xác quyết về sức mạnh đó : “Khi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho
anh em, thì không phải chỉ có lời chúng tôi nói, mà còn có quyền năng, có Thánh
Thần và một niềm xác tin sâu xa.” (1 Tx 1:5b) Nhờ Thần Khí, thánh nhân đưa một lời khuyên chí lý : “Anh em đừng mang
chung một ách với những kẻ không tin. Thật
thế, làm sao sự công chính lại liên kết được với sự bất chính ? Làm sao ánh sáng lại dung hoà được với bóng
tối ? Làm sao Đức Kitô lại hoà hợp được
với Xatan ? Làm sao Đền Thờ Thiên Chúa
lại đi đôi với tà thần được ? Vì chính chúng ta là Đền Thờ của Thiên Chúa hằng
sống.” (2 Cr 6:14-16)
THỰC TẾ
Rõ ràng không thể thoả
hiệp. Cũng không thể san bằng Thiên Chúa
với bất cứ thế lực nào. Người ta cứ tưởng
Giáo hội là một thế lực chính trị, đang tranh giành ảnh hưởng quần chúng. Bởi đó, mới đây sau khi thống kê dân số Việt
Nam vượt trên 80 triệu, nhà nước Việt Nam cho biết trong số đó có 60 triệu người
vô thần. Còn lại 20 triệu chia cho 5 tôn
giáo khác. Đúng là phản ánh não trạng đấu tranh giai cấp
và dành giựt quyền lợi. Giữa một
xã hội với những não trạng như thế, người Kitô hữu phải có cái nhìn và lựa chọn
như thế nào ?
Con người luôn ở
trong thế lựa chọn. Nhiều khi rất quyết
liệt và khó khăn kinh khủng. Mỗi lựa chọn
đều ảnh hưởng tới cuộc sống. Nhất là giữa
đức tin và những đòi hỏi thực tế. Chẳng
hạn trước những phong trào trần tục hoá hôm nay, làm sao gia đình có thể giữ vững
những giá trị Kitô giáo ? Nhìn về Giáo
hội Chilê, ĐGH lên tiếng báo động hiện đang có những nỗ lực hợp pháp hoá việc
phá thai và ly dị tại quốc gia Châu Mỹ La Tinh này. Đời sống gia đình “ngày nay đang đối đầu với
nhiều khó khăn tại Chilê.” (ĐGH Gioan Phaolô II : CWNews 15.10.2002) Giữa những khó khăn đó, chắc chắn các gia đình
đang phải lựa chọn giữa lương tâm và quyền lợi trước mắt. Trước những trào lưu “khoái lạc chủ nghĩa và
những tầm thường của cuộc sống” làm thế
nào các bạn trẻ có thể có những lựa chọn sáng suốt và can đảm, nếu đời sống thiêng
liêng không được chăm sóc đặc biệt nhờ các bí tích ? (ĐGH Gioan Phaolô II : CWNews 15.10.2002)
Không phải chỉ có Giáo
hội tại Châu Mỹ La Tinh. Khắp nơi các
Kitô hữu luôn phải đối đầu với những vấn đề và những lựa chọn, có khi ngay
trong cơ cấu nội bộ. Chẳng hạn, Giáo Hội
Đức đang gặp thử thách ngay trong thói quan liêu của Giáo hội. ĐHY Joachim Meisner, tổng giám mục giáo phận
Cologne bên Đức, thúc đẩy các nhân viên trong cơ chế Giáo Hội Công Giáo hãy
quay về “gặp gỡ đích thân Đức Kitô” và cảnh cáo rằng thói quan liêu của Giáo hội
đang có nguy cơ làm lu mờ đức tin. (Zenit 10.10.2002) Như vậy, chính khi làm việc phục
vụ Giáo hội, các tín hữu cũng phải lựa chọn giữa thói quan liêu cơ chế hay con
người như một giá trị Tin Mừng. Thực tế
có nhiều người sẵn sàng hi sinh giá trị Tin Mừng để bảo vệ cơ chế Giáo hội. Đó là một cám dỗ lớn lao. Bởi đó, theo ĐHY Meisner, “các cấu trúc, mệnh
lệnh, qui chế và các nhân viên” trong Giáo hội đang có nguy cơ “làm hoang mang đức
tin.” (Zenit 10.10.2002) ĐHY tỏ ra quan ngại về đức tin yếu kém của các
cộng sự viên giáo dân trong Giáo hội.
Thực tế đó không chỉ tìm thấy nơi Giáo hội Đức. Nhiều Giáo hội non trẻ cũng đang sa lầy. Đức tin yếu kém không thể hướng dẫn các nhân
viên có những lựa chọn sáng suốt.
Trái lại, nếu có một đức tin sâu xa và vững chắc,
các nhân viên, nhất là các vị lãnh đạo Giáo hội có thể tìm được nhiều cơ hội làm
chứng cho Đức Kitô. Chẳng hạn, mới đây,
ĐGH Gioan Phaolô II và Thượng Phụ Teoctist, Giáo Chủ Romania, đã ký một Tuyên Cáo
Chung cam kết tìm kiếm sự hiệp nhất Giáo Hội Chính Thống và Công Giáo. Bản Tuyên Cáo nhấn mạnh : “Phúc âm hoá không
thể dựa trên tinh thần cạnh tranh, nhưng trên sự tương kính và cộng tác, biết
nhìn nhận tự do của mỗi người có quyền sống theo xác tín riêng, tôn trọng việc họ
theo đạo riêngï.” (Zenit 13.10.2002) ĐGH
nhìn nhận các Giáo Hội Chính thống “được kêu gọi đảm trách sứ mệnh truyền giáo
nơi các quốc gia mà họ đã bám rễ lâu đời.
Giáo hội Công Giáo chỉ muốn giúp đỡ và cộng tác với anh em trong sứ mệnh
này mà thôi.” (Zenit
13.10.2002) Đây là một biến cố, đánh dấu
một bước tiến rất quan trọng sau một quá trình đối thoại và những lựa chọn đúng
đắn. Chắc chắn lựa chọn này sẽ ảnh hưởng
lâu dài và sâu xa đến Giáo hội toàn cầu.
Lm. Đỗ Vân Lực, OP