KHI ÁNH SÁNG BỪNG LÊN.

Chúa Nhật 3A Thường Niên.

 

Thế giới đang khát vọng hòa bình.   Nhưng làm sao có hòa bình nếu lúc nào nhân loại cũng đầy ắp những đội quân khủng bố và vắng bóng những chiến sĩ hòa bình ?   Hôm nay Đức Giêsu giới thiệu chiến sĩ hòa bình với những trang bị tinh thần cần thiết cho một nền hòa bình đích thực.

 

TIN MỪNG HÒA  BÌNH.

 

Tin Mừng hòa bình là sứ điệp duy nhất Thiên Chúa gởi đến nhân loại.   Mở đầu sứ điệp đó, “Đức Giêsu bắt đầu rao giảng và nói rằng : ‘Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.’” (Mt 4:17)   Người đến loan báo và thiết lập Nước “công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần,” (Rm 14:17) ngược hẳn với nước trần gian.   Tất cả mọi người đều cần hồi tâm.      Cần mở mắt nhìn “ánh sáng đã đến thế gian.” (Ga 3:19) là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa hằng sống.   

 

“Aùnh sáng thế gian” lần đầu tiên đã chiếu soi tận “Galilê, miền đất của dân ngoại !” (Mt 4:15)   Ánh sáng đã vượt qua ranh giới Do thái, vượt trên mọi hạn chế Cựu Ước,  chiếu soi “những dân đang ngồi trong cảnh tối tăm, nhưng kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần.” (Mt 4:16)   Nhờ vậy, tất cả sẽ bừng tỉnh trước sức mạnh tình yêu Thiên Chúa.   Chính nơi Đức Giêsu, mọi người sẽ thấy ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia : “Chúa đã ban chứa chan niềm hoan hỷ, đã tăng thêm nỗi vui mừng” (Is 8:2) cho những người đặt tất cả niềm hi vọng nơi Nước Chúa. 

 

Loan báo cho muôn dân biết Nước Chúa là tất cả sứ mạng cao cả của Đức Giêsu nơi trần gian.   Việc loan báo đó không chỉ thông tin, nhưng còn kêu gọi mọi người hãy trở về với Thiên Chúa.   Việc trở về không chỉ nhắm cải hóa cá nhân, nhưng giải thoát con người khỏi mọi hình thức đàn áp và nô lệ.   Bởi thế, “Phúc âm hóa là loan báo và mạc khải sức mạnh cứu độ của Thiên Chúa là ‘sự kiện có thật’ nơi chúng ta.” (The New Dictionary of Theology 1989:358)    Quả thế, Đức Giêsu chính là ánh sáng Thiên Chúa chiếu soi vào mọi thực tại trần gian, kể cả những vấn đề tinh thần, luân lý, công bình và toàn thể cuộc sống nhân loại.   Như  thế, rao giảng Tin Mừng không chỉ nhằm kết nạp thêm phần tử.   Hơn nữa, Đức Giêsu còn muốn mời gọi mọi người trở thành môn đệ và sai họ đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân.

 

Chính vì thế khởi đầu sứ mệnh loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu đã tìm cách qui tụ các môn đệ giữa những người đang vật lộn với cuộc sống.   Oâng Phêrô và Anrê “đang quăng chài xuống biển.” (Mt 4:18)   Ông Giacôbê và Gioan “đang cùng với cha là ông Dêbêđê vá lưới ở trong thuyền.” (Mt 4:21)   Họ không phải là những người đang quay cuồng với những mớ lý thuyết viển vông trong phòng kín.   Đức Giêsu vận dụng từ cuộc sống thực tế để thúc đẩy con người dấn thân rao giảng Tin Mừng.  “Người bảo các ông : ‘Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.’” (Mt 4:19)   Các ông không ngạc nhiên vì lời mời gọi bất ngờ đó, vì “Người gọi các ông” (Mt 4:21) thi hành cùng một công tác, nhưng ở một lãnh vực và mức độ cao hơn nhiều.   Đức Giêsu đã móc nối thực tại trần thế với  Nước Trời một cách tài tình.   Bởi thế, Người đã khiến các môn thực hiện một bước nhảy vọt rất êm thắm.  

 

Bước nhảy vọt có thể thấy trong thái độ các ông “lập tức theo Người.” (Mt 4:20.22)    Như ánh sáng vụt chiếu vào người đang mê ngủ, Đức Giêsu là ánh sáng trần gian đã chiếu vào tận cuộc đời lam lũ của các ông.    Suốt ngày các ông tối tăm mặt mũi với những rổ cá.   Không còn nghĩ gì xa hơn lòng thuyền ngổn ngang chài lưới. Thế nhưng Thiên Chúa đã đi vào tận những mảng sống tươi rói ấy.   Đó là bước đi tuyệt vời nhất của Con Thiên Chúa khi “đem Tin Mừng vào tất cả mọi tầng lớp nhân loại, và dùng ảnh hưởng Tin Mừng biến đổi và canh tân tự bên trong nhân loại.” (Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng, đoạn 18)  

 

 NHU CẦU THỜI ĐẠI.

 

Chính khi canh tân nhân loại như thế, Tin Mừng trở thành sức mạnh đem lại hòa bình. Bởi vậy, chỉ có Tin Mừng mới đáp ứng khát vọng thâm sâu và nhu cầu lớn lao nhất của nhân loại hôm nay.   Tin Mừng không ngừng chiếu sáng niềm hi vọng giữa lúc niềm tin vào hòa bình đang bị xoi mòn vì mọi hình thức khủng bố.   ĐGH Gioan Phaolô quả quyết : “Chắc chắn chống lại con người là chống lại Thiên Chúa.  Không tôn giáo nào nhằm biện minh cho việc con người dùng vũ lực chống lại con người.” (Zenit 24/1/2002)   Thứ Năm 25 tháng 01 năm 2002 vừa qua, cuộc tụ họp cầu nguyện liên tôn khác thường tại Assisi đã làm cho niềm tin vào nền hòa bình như sống lại.   Quả thế, “ĐGH Gioan Phaolô II đã tiêm một lượng hi vọng mới vào thế giới.”  (CWNews 25/01/2002) khi tuyên bố : “Xây dựng hòa bình trong trật tự, công lý và tự do ưu tiên đòi phải cầu nguyện.  Đó là cách cởi mở, lắng nghe, đối thoại và sau cùng kết hiệp với Thiên Chúa, suối nguồn phát sinh nền hòa bình đích thực.” (Zenit 24/01/2002)   Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể uốn nắn và nối kết lòng người.  Bởi thế, hòa bình không phải chỉ là kết quả của những nỗ lực ngoại giao, chính trị, nhưng là một hồng ân Thiên Chúa.   “Nếu hòa bình là hồng ân Thiên Chúa và bắt nguồn từ nơi Chúa, chúng ta sẽ tìm kiếm hòa bình ở đâu và làm cách nào có thể xây dựng hòa bình, nếu không đi vào tương quan sâu xa và thân mật với Thiên Chúa ?” (ĐGH Gioan Phaolô II, Zenit 24/01/2002)  

 

Nhưng làm sao thiết lập tương quan vô cùng tốt đẹp và cần thiết đó, nếu trước tiên con người không “sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15) ?    Tất cả nhân loại cần phải sám hối.   Sám hối vì những hành vi bạo động, khủng bố.   Sám hối vì đã không rao giảng Tin Mừng cho anh em.  Sám hối vì đã không không lắng nghe tiếng mời gọi của Thiên Chúa.  Sám hối vì đã quên thi hành sứ mạng hòa bình giữa những tương quan muôn mặt hôm nay.   Sám hối vì đã không đem ánh sáng Tin Mừng hòa bình chiếu soi “những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối  của tử thần.” (Mt 4:16)

 

Tử thần đang gây chia rẽ và xúi giục con người chống lại con người.  Bao lâu còn sống trong hận thù, con người vẫn không thể đón nhận Tin Mừng hòa bình.   Bởi thế, thánh Phaolô khuyên : “Anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hòa thuận, một lòng một ý với nhau” (1 Cr 1:10) để tất cả nhân loại được “thấy một ánh sáng huy hoàng” (Is 9:1) từ Tin Mừng hòa bình.   Nhưng làm sao nhân loại “được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” và “mừng vui trước nhan Chúa” (Is 9:1.2) nếu Kitô hữu không xác tín về sứ mệnh đã lãnh nhận từ khi chịu bí tích Thanh Tẩy: “Đức Kitô đã sai tôi đi rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 1:17) cho muôn dân ?   Bao lâu chưa sống với chiều kích phổ quát đó của Tin Mừng, làm sao có thể trở thành ánh sáng muôn dân ?   Họ vẫn là những người mù đang sống trong bóng tối của lòng mình.    “Mù mà lại dắt mù được sao ?   Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố ” (Lc 6:39) tử thần ?   Nhưng tình yêu mạnh hơn sự chết.  Thiên Chúa không thể chiến bại trước sức mạnh tử thần. 

 

Hi vọng đã vươn lên khi các đại diện tôn giáo thế giới nhất trí thề hứa sẽ nỗ lực xây dựng và cầu nguyện cho hòa bình nhân loại.   Xây dựng hòa bình tận tâm hồn con người, nơi Thiên Chúa đang ngự trị.   Chỉ có Tin Mừng mới có thể cống hiến giải pháp vững bền để kiến tạo một nền hòa bình đích thực cho nhân loại.   

 

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà