Chúa Nhật 3 mùa Thường niên, A
2008
Khởi
đầu một sứ vụ quan trọng thường là cần phải có một cứ điểm, để phát xuất, để
đào tạo huấn luyện hoặc để kết thúc. Sứ
vụ rao giảng Tin Mừng của Chúa Giê-su lấy Ca-phác-na-um thuộc miền Ga-li-lê làm
cứ điểm. Ga-li-lê là nơi xuất phát (Mt
4:17), đồng thời cũng là nơi kết thúc sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Chúa Giê-su
(Mt 28:16-20). Ga-li-lê mang ý nghĩa gì
trong công cuộc truyền giáo của Chúa Giê-su và Người đã làm gì tại đó để bắt đầu
sứ vụ? Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nói đến
địa danh Ca-phác-na-um miền Ga-li-lê và thuật lại việc Chúa gọi các môn đệ đầu
tiên. Ta hãy suy niệm về ý nghĩa của việc
Chúa chọn cứ điểm Ca-phác-na-um và gọi các môn đệ.
1.
“Chúa Giê-su bỏ Na-da-rét, đến ở Ca-phác-na-um, một thành ven biển hồ
Ga-li-lê, thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li” (bài Tin Mừng – Mt 4:12-23 và bài đọc Cựu Ước Is 8:23b-9:3)
Những
năm tháng sống ẩn dật tại Na-da-rét đã kết thúc. Giờ đây Chúa Giê-su, người Na-da-rét, từ biệt
nơi Người được dưỡng dục và đào tạo tinh thần tông đồ để lên đường thi hành sứ
vụ. Theo lối suy nghĩ thường tình, Người
sẽ chọn nơi nào tiếng tăm để khởi sự, thí dụ Giê-ru-sa-lem là thánh đô hoặc
Giê-ri-khô là địa danh lịch sử. Vậy tại
sao Chúa lại lấy một thành nhỏ bên bờ hồ Ga-li-lê làm nơi xuất phát rao giảng? Thánh Mát-thêu đã ghi lại lý do rõ ràng: là để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a. Vào thế kỷ VIII trước Chúa Giê-su giáng sinh,
ngôn sứ I-sai-a đã được linh hứng và nhìn thấy trước tương lai của
Ca-phác-na-um: “Này đất Dơ-vu-lun và đất
Náp-ta-li, hỡi con đường ven biển và vùng tả ngạn sông Gio-đan, hỡi Ga-li-lê,
miền đất của dân ngoại… nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi”. Do đó, Chúa Giê-su mới xuất hiện tại Ga-li-lê
như ánh sáng huy hoàng chiếu soi những kẻ đang ngồi trong bóng tối của tử thần.
Có
lẽ khi bỏ Na-da-rét, Chúa Giê-su cũng bị cám dỗ lên Giê-ru-sa-lem thay vì
Ca-phác-na-um. Nhưng Người quyết định đến
ở Ca-phác-na-um là vì Người tin tưởng vào kế hoạch của Thiên Chúa đã được
I-sai-a nói đến. Đối với ngôn sứ
I-sai-a, đất Dơ-vu-lun và Náp-ta-li có hai thời điểm, “thời đầu” và “thời
sau”. Theo kế hoạch của Thiên Chúa, thời
đầu là lúc những vùng đất đó bị hạ nhục và thời sau là khi chúng được vẻ
vang. Chúng bị hạ nhục, vì “dân đang lần
bước giữa tối tăm và đám người sống trong vùng bóng tối”. Nay Chúa Giê-su được sai đến để thiết lập “thời
sau”, tức là thời cứu độ. Có Người hiện
diện, miền đất Dơ-vu-lun và Náp-ta-li đang từ tối tăm nay bừng lên ánh sáng huy
hoàng vì chính Người là ánh sáng thế gian (Ga 9:5). Người đến khiến cho mọi người được vui mừng
hoan hỷ. Người đến để phá đi “cái ách đè
lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ và bẻ gẫy ngọn roi của kẻ hà hiếp họ”. Ánh sáng cứu độ đã từ Ca-phác-na-um chiếu rọi
miền đất dân ngoại và tất cả thế giới.
2.
Chúa Giê-su bắt đầu rao giảng và kêu gọi người ta sám hối (bài Tin Mừng)
Chúa
Giê-su đến ở Ca-phác-na-um và bắt đầu sứ vụ tại đó “để ứng nghiệm lời ngôn sứ”,
tức là để theo đúng đường lối của Thiên Chúa.
Tiếp đến, thánh Mát-thêu không quên ghi vắn tắt Chúa Giê-su đã giảng điều
gì trước hết: “Từ đó, Đức Giê-su bắt đầu
rao giảng và nói rằng: ‘Anh em hãy sám hối,
vì Nước Trời đã đến gần’” (Mt 4:17). Kể
cũng lạ! Để khai mạc một nhiệm kỳ, vị
tân tổng thống thường đọc trong lễ nhậm chức một bài diễn văn được soạn kỹ lưỡng
để trình bày với đồng bào chương trình và đường lối làm việc của mình. Còn Chúa Giê-su lại không làm như thế. Người đưa ra một sứ điệp ngắn gọn, nhưng hết
sức rõ ràng: Anh em hãy sám hối, vì Nước
Trời đã đến gần. Đó là mệnh lệnh của
Thiên Chúa dành cho mọi người không trừ ai.
Sám hối là quay lưng lại với tội lỗi và hướng mặt về Thiên Chúa. Tội nguyên tổ và tội lỗi cá nhân cũng như xã
hội đã làm ta quay mặt đi và trở thành “kẻ thù” của Thiên Chúa. Vì thân phận tội lỗi nên mọi người đều là kẻ
thù của Thiên Chúa, do đó sám hối là điều mọi người phải thực thi.
Sám
hối là cánh cửa mở rộng đưa Nước Trời vào tâm hồn ta. Cánh cửa càng mở rộng, ánh sáng càng tràn ngập
căn phòng. Sám hối là độ xoay từ 180 độ
ngược lại. Ta đang quay lưng lại với
Chúa, nên độ xoay càng lớn thì ta càng hướng về Chúa nhiều hơn. Sám hối cũng là tiến trình thay đổi não trạng
(metanoia). Ta đang sống bằng não trạng
hoặc tinh thần của ma quỷ và thế gian.
Cho nên sám hối là cố gắng loại bỏ dần dần nơi ta não trạng của ma quỷ
và thế gian để ta được thấm nhuần não trạng và tinh thần của Chúa Ki-tô, nhờ đó
lối sống của ta sẽ phản ảnh đời sống mới, tức là sống theo Thần Khí của Chúa
Ki-tô.
Nước Trời không phải là một cơ cấu trần
thế, nhưng là thực tại ân sủng được Thiên Chúa ban và được ta tiếp nhận tùy
theo khả năng và thiện chí. “Nước Trời
đã đến gần” không diễn tả khoảng cách đo lường bằng thước tấc hay ngày tháng,
nhưng diễn tả thái độ luôn sẵn sàng, sẵn sàng của Thiên Chúa, Đấng ban ân sủng
cứu độ, và sẵn sàng của ta là kẻ phải biết sám hối và mở lòng đón nhận. Như thế, hãy sám hối là mệnh lệnh phải thi
hành và Nước Trời đã đến gần là một nhắc nhở ta phải luôn sẵn sàng đón nhận ân
sủng cứu độ.
3.
Chúa Giê-su tuyển gọi các môn đệ (bài
Tin Mừng và bài đọc Tân Ước – 1 Cr 1:10-13.17)
Song song với việc rao giảng sám hối, Chúa
Giê-su tuyển gọi những môn đệ đầu tiên.
Chúa Giê-su có thể một mình gánh vác việc rao giảng Tin Mừng chứ! Nhưng đó không phải là kế hoạch của Thiên
Chúa Cha. Nếu Chúa Giê-su cứ sống mãi
cho đến ngày tận thế để rao giảng Tin Mừng cứu độ thì Người đâu còn phải là người
phàm như ta nữa. Người có cùng một kiếp
người như ta, nghĩa là có sinh có tử. Do
đó sau khi Người về trời, phải có những người tiếp tay, những người “được sai
đi”. “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy
cũng sai anh em” (Ga 20:21).
Thánh
sử Mát-thêu ghi là Chúa Giê-su bỏ Na-da-rét và đến ở Ca-phác-na-um. Ta không rõ Người đã ở Ca-phác-na-um được bao
lâu. Nhưng chắc là trong thời gian ở đó,
Người đã có thì giờ để tìm hiểu, quan sát xem ai là người “sẵn sàng” để được
Người sai đi. Những kẻ “lọt mắt xanh” của
Người thuộc nhiều giai cấp và tầng lớp xã hội khác nhau. Nhưng họ có một điểm chung là “lập tức bỏ mọi
sự” để theo làm môn đệ Chúa. Lập tức là
không trì hoãn, không tính toán hơn thiệt.
Bỏ mọi sự trước nhất nói lên lòng quảng đại, đã theo Chúa thì Chúa là
trên hết. “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt
thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi, vì
Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như đồ bỏ, để được Đức Ki-tô và được
kết hợp với Người” (Pl 3:8-9a). Như thế,
bỏ mọi sự mà theo Chúa còn nói lên lòng tín thác tuyệt đối của người môn đệ nơi
Thầy, hoàn toàn đặt cuộc đời mình trong tay Thầy và gắn bó mật thiết với Thầy. Trong câu truyện Tin Mừng hôm nay, Chúa
Giê-su nói với anh em ông Si-mon Phê-rô:
“Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người
như lưới cá”. Chắc chắn các ông phải bỡ
ngỡ và không hiểu nổi ông này muốn gì.
Nhưng lòng tín thác vượt trên cả sự hiểu biết.
Phao-lô
Tông đồ đã xác tín sứ mệnh làm môn đệ Chúa.
Ngài nói: “Quả vậy, Đức Ki-tô đã
chẳng sai tôi đi làm phép rửa, nhưng sai tôi đi rao giảng Tin Mừng”. Không những Phao-lô đi rao giảng Tin Mừng, mà
ngài còn hoàn toàn theo cách rao giảng của Thầy Giê-su. Khi mới bắt đầu sứ vụ rao giảng, Phao-lô đã sử
dụng “lời lẽ khôn khéo” như ngài đã làm trước Hội đồng A-rê-ô-pa-gô tại A-then,
Hy-lạp. Nhưng thay vì trở lại đạo, đám
thính giả lại nhạo cười và bỏ đi. Qua
bài học đó, từ nay Phao-lô mới quay về với phương thức chính quy, là “làm chứng
nhân” cho Tin Mừng hơn là dùng lời lẽ khôn khéo để rao giảng. Phải chăng đó cũng là một cách “sám hối” của
Phao-lô.
4.
Sống Lời Chúa
Các
bài đọc hôm nay cho ta một hình ảnh sống động về khởi đầu sứ vụ rao giảng của
Chúa Giê-su. Sự xuất hiện của Người sau
những năm sống ẩn dật sẽ thay đổi không chỉ “vùng đất dân ngoại”, nhưng là toàn
thể vũ trụ. Tin Mừng cứu độ sẽ thay đổi
thân phận của nhân loại. Tuy nhiên việc
rao giảng Tin Mừng không chỉ hạn hẹp trong thời gian ba năm Chúa thi hành sứ vụ,
nhưng phải được tiếp nối không những do các môn đệ Người tuyển chọn như ta thấy
trong bài Tin Mừng hôm nay, mà còn do những môn đệ mọi thời mọi nơi, trong số
đó ta cũng phải có mặt nữa.
Suy nghĩ: Chúa Giê-su gọi anh em ông Si-mon và anh em
ông Gia-cô-bê làm môn đệ Người. Các ông
đã lập tức bỏ mọi sự mà theo Người. Còn
tôi, làm sao tôi nhận ra lời gọi của Chúa?
Tôi có “lập tức bỏ mọi sự mà theo Chúa” không? Tôi mau mắn đáp lại lời gọi hay còn chần chờ? Bỏ mọi sự có nghĩa gì đối với tôi?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho Tin Mừng giữa lòng
thế giới thành nắm men làm cho cả khối bột dậy lên. Xin đưa mắt nhìn xem tất cả những ai đang sống
giữa cảnh đời huyên náo, nhưng lòng vẫn thiết tha đáp lại ơn gọi làm Ki-tô hữu. Xin cho tâm hồn họ luôn được Thần Khí Đức
Ki-tô thiêu đốt, để họ vừa chu toàn bổn phận người công dân vừa tích cực mở
mang Nước Trời. Chúng con cầu xin, nhờ Đức
Ki-tô, Chúa chúng con. A-men. (Lời
nguyện Nhập lễ, lễ cầu cho giáo dân).
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi