CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG
NIÊN, năm A
Mt 25, 1-3
NGƯỜI KHÔN - NGƯỜI DẠI
Đọc Tin Mừng của Chúa
Giêsu, chúng ta vẫn luôn cảm thấy lúc nào cũng có những điều mới lạ, những dụ
ngôn, những ví dụ, những câu chuyện Chúa đưa ra để dạy dỗ, để răn đời luôn hấp
dẫn, luôn mới mẻ dù rằng có những đọan Tin Mừng chúng ta đã đọc rất nhiều lần.
Dụ ngôn 10 trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể là một ví dụ điển hình. Dụ ngôn này
có người đã thuộc nằm lòng, có người đã nghe nhiều lần, nhưng hầu như lúc nào
đoạn Tin Mừng này cũng làm con người say mê vì sự khôn ngoan của Chúa Giêsu,
dạy dỗ nhân loại, dạy dỗ con người phải tỉnh thức để đón nhận nước trời, đón
nhận Thiên Chúa.
DỤ NGÔN 10 TRINH NỮ
KHÔN NGOAN VÀ KHỜ DẠI NÓI GÌ ?: Đoạn Tin Mừng này là một dụ ngôn bởi vì chẳng
có một đám cưới nào ở trần gian này lại tổ chức cái kiểu đó. Mà cũng chẳng có
cuộc rước dâu nào lại như thế.Chàng rể nếu có đến trễ. Các cô dâu cũng chẳng
thể nào ngủ được vì quần áo cưới, đầu tóc, trang điểm. Tất cả những hình thức
bề ngoài như quần áo, đầu tóc, sự trang điểm luôn phải làm các cô dâu phải tỉnh
thức. Dụ ngôn này là một lời cảnh tỉnh nhân loại, cảnh tỉnh mọi người phải luôn
tỉnh thức và sẵn sàng. Trong dụ ngôn này, chàng rể cư xử một cách khác thường
không như các chàng rể bình thường. Chúa Giêsu muốn nói đến một chàng rể đặc
biệt và tiệc cưới, đám cưới cũng rất đặc biệt. Tiệc cưới này đòi mọi người phải
tuân thủ những luật lệ khác với những luật lệ thông thường nơi những đám cưới
chúng ta thường tham dự. Ở đây 10 cô trinh nữ phù dâu biểu tượng cho toàn thể
nhân loại, toàn thể con người trên thế gian này được Thiên Chúa yêu thương, đón
mời vào dự tiệc cưới nước trời. Dầu và đèn là những phương tiện cần có để tham
dự tiệc cưới. Mười cô phù dâu lại có năm cô khôn ngoan và năm cô khờ dại. Đó là
hình ảnh của nhân loại, của con người. Trong nhân loại hay giữa con người, có
người khôn, có người dại. Đó là cái trớ trêu của con người và là cái dí dỏm của
đoạn Tin Mừng này. Khôn hay dại được đánh giá bằng việc con người có sẵn sàng
hay không sẵn sàng tỉnh thức. Tất cả 10 trinh nữ phù dâu đều ngủ chứ chẳng có
cô nào thức. Đó là cái nghịch lý của dụ ngôn. Tuy nhiên, cái khôn và cái dại
được đo lường dựa trên tiêu chuẩn các cô có cẩn thận và sẵn sàng hay không ?
Năm trinh nữ khôn ngoan đã ngủ vùi nhưng họ khôn trong tư thế, trong thái độ
sẵn sàng. Còn năm cô khờ dại đã ngủ trong tư thế thờ ơ, chểnh mảng. Nên khi
nghe tin chàng rể đến thì đã quá muộn rồi. Việc chàng rể đến chậm, đến trễ, đến
bất ngờ ám chỉ giờ của Chúa đến. Chắc chắn Chúa sẽ đến nhưng Ngài đến cách bất
ngờ, đột xuất, nên ai khôn sẽ sẵn sàng.
ÁP DỤNG VÀO THỰC TẾ CỦA
CUỘC ĐỜI CHÚNG TA : Chúa Giêsu đã luôn cảnh tỉnh mọi người :” Hãy tỉnh thức và
sẵn sàng “. Tỉnh thức để mau mắn nghe bước chân Chúa đến và sẵn sàng đón Chúa
để cùng vào nước trời với Ngài. Bởi vì, muốn đón Chúa, chúng ta phải có đèn,
đèn muốn có tác dụng, muốn cháy sáng phải có dầu, mà dầu đốt mãi, đốt liên tục
thì cũng sẽ hết, giờ Chúa đến lúc nào chúng ta cũng chẳng rõ, cũng chẳng hay
biết được.Bởi vậy, muốn chắc chắn, chúng ta phải khôn ngoan dự trữ dầu mà càng
dự trữ dầu càng nhiều càng tốt. Dầu ở đây tượng trưng cho đức tin, cho đời sống
thánh thiện, cho đời sống công chính, bác ái, và đời sống lương thiện, chân
chính và thiện hảo của chúng ta. Đời sống của mỗi người luôn là một cái gì đó
xem ra rất mỏng manh, cuộc đời mau tàn, mau chấm dứt. Nhưng chúng ta nào thấy
trước hoặc biết được lúc nào cuộc đời của chúng ta sẽ chấm dứt, sẽ qua đi. Tốt
nhất là chúng ta phải khôn ngoan như năm cô trinh nữ khôn ngoan trong dụ ngôn
là tỉnh thức và sẵn sàng, nghĩa là chúng ta phải sống theo ý Chúa, sống đời
sống của Chúa như thánh Phaolô viết :” Đối với sống là Đức Kitô “ “ Tôi sống
không phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi “. Tôi đã sống và loan báo
Tin Mừng cho người Dân tộc Kơho từ nhiều năm nay. Điều anh chị em Dân tộc gây
ấn tượng cho tôi nhiều nhất đó là sự hồn nhiên, phó thác của họ cho Thiên Chúa
hằng ngày bởi vì họ không bôn chen, không tham lam và không dự trữ của cải như
những người khôn ở thế gian thường làm. Tuy nhiên, sự hồn nhiên, trong sáng của
họ là dầu họ đang dự trữ tràn trề để sẵn sàng đón Chúa và lãnh nhận nước trời.
Lạy Chúa, xin cho chúng
con luôn biết tỉnh thức và sẵn sàng để đón Chúa đến bất cứ lúc nào. Amen.
GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :
1.Mười cô trinh nữ
trong Tin mừng hôm nay tượng trưng cho ai ?
2.Tại sao lại gọi năm
trinh nữ khôn và năm trinh nữ khờ ?
3.Sứ điệp dụ ngôn Chúa
Giêsu muốn nhắn gửi chúng ta ?
4.Chúng ta có biết lúc
nào Chúa đến ? Tại sao ?
5.Khôn ngoan theo ý
Chúa là làm sao ?
Linh mục Giuse Nguyễn
Hưng Lợi, DCCT