NÀNG
Chúa Nhật 32A Thường Niên
Thế giới đang trải qua những biến động.
Cảnh bắn giết bừa bãi xảy ra như cơm bữa. Động đất, lụt lội, chiến tranh càng
ngày càng đe dọa mạng sống con người. Bệnh ung thư, liệt kháng làm rất nhiều người
thất vọng. Cuộc sống càng bấp bênh hơn nữa với những tiên tri xuất hiện đó đây
báo trước ngày tận thế. Nhiều người đã chuẩn bị dầu đèn, hoa nến không
phải ra đón Chúa Kitô như mười cô trinh nữ, nhưng để phòng thân trước những biến
cố năm 2000. Phải chăng đó là một chuẩn bị chu đáo và khôn ngoan
? Ngày Chúa đến đem lại niềm vui hay nỗi buồn ? Chúng ta phải chuẩn bị làm
sao để xứng đáng đón Chúa ?
AI DẠI AI KHÔN ?
Không hiểu tại sao khi nói về sự khôn
ngoan, Đức Giêsu lại dùng hình ảnh mười NÀNG TRINH NỮ ? Tại sao không dùng hình ảnh một cụ già đầu râu
tóc bạc vừa dễ nói vừa hợp với thực tế hơn ?
Hay như một số triết gia Đông Tây dùng chiếc đầu lâu hay quan tài để chọn
một thái độ khôn ngoan giữa những biến ảo
cuộc đời, có phải xứng đáng với tư thế của một người sáng lập đạo hơn không ? Có lẽ Đức Giêsu không muốn con người bi quan
về cuộc sống. Người muốn họ nhìn thấy
tất cả lẽ sống sâu xa ngay trong những biến ảo của kiếp người. Lẽ sống đó có thể khám phá nơi đỉnh cao niềm
vui cuộc đời, tức là đám cưới.
Đám cưới là hình ảnh tuyệt vời diễn tả
niềm vui lớn nhất đời người. Cô dâu chú rể là những nhân vật chính. Nhưng trong
dụ ngôn mười trinh nữ hôm nay, chú rể có vẻ quan trọng hơn. Chính thời gian đợi
chú rể sẽ cho thấy một lằn ranh chia cắt các cô thành hai nhóm với số phận rõ rệt.
Bên ngoài các cô có đầy đủ điều kiện như nhau. Cô nào cũng có đèn. Thực tế không
đúng như các cô dự liệu. “Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi và ngủ cả”
(Mt 25:5).
Tin chàng rể đến như sét đánh. Thật bất
ngờ. Nửa đêm có tiếng la lên : "Kìa chú rể, ra đón đi !"(Mt
25:6) Tiếng la lớn đến nỗi khiến tất cả các cô đều thức giấc. Lúc đó các
cô khờ cuống cuồng cầu cứu các cô khôn : “Xin các chị cho chúng em chút dầu của
các chị, vì đèn của chúng em tắt mất rồi” (Mt 25:8). Chính dầu
trong đèn đã chia các cô thành hai hạng khờ và khôn. Nhìn bên ngoài không thể
biết được. Nghe lời các cô khôn khéo léo từ chối, các cô khờ không nói thêm
được lời nào. Trách móc ai bây giờ ? Lòng các cô thật bấn loạn. Thế là ba chân
bốn cẳng, các cô khờ chạy ra ngoài chợ mua dầu châm đèn. Thời gian thật gấp rút.
Khi các cô về tới nhà, tất cả đã xong. Thật vậy, “đang lúc các cô đi
mua, thì chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự
tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại” (Mt 25:10).
Thế là ranh giới đã phân biệt rõ ràng. Có
một khoảng cách xa thăm thẳm giữa bên trong và bên ngoài, mặc dầu hai bên còn
nghe thấy tiếng nhau. Bên trong chan hòa ánh sáng và niềm vui. Bên ngoài bóng đêm
tràn ngập. Gió bão sẽ nổi lên. Chắc chắn đèn sẽ tắt. Sương đêm bao phủ rợn rùng.
Bao nguy hiểm vây bọc chung quanh. Làm sao các cô có thể đi trong đêm tối ?
Chỉ vì một chút bất cẩn, các cô khờ đã
không được dự tiệc cưới. Cuộc đời từ nay phiêu lưu vô định hướng. Tất cả xảy ra
ngoài ý muốn. Nhưng tại sao các cô khôn có thể chuẩn bị chu đáo như thế ?
Các cô có giật mình, kinh hoàng như các cô khờ không ? Thực ra việc chàng
rể đến chậm hay đúng giờ chẳng ảnh hưởng gì tới các cô khôn. Các cô luôn ở
trong tình trạng sẵn sàng. Chính tình trạng sẵn sàng nói lên sự khôn ngoan của
các cô.
Cùng một sự kiện có thể là niềm vui cho
người này, nhưng lại là nỗi kinh hoàng cho người khác. Chú rể đã đem tất
cả các cô khôn vào niềm vui bất tận, nhưng lại đẩy các cô dại vào đêm tối mịt mùng
và đầy nguy hiểm. Tất cả tùy thuộc vào thái độ của các cô. Mặc dù thời gian ngắn
ngủi, nhưng cũng đủ cho mỗi cô chuẩn bị dầu đèn cần thiết cho ngày vui tân hôn.
CHỜ ĐỢI VÀ CANH THỨC
Cuộc đời cũng giống như người tử tội ngồi
chờ ngày ra pháp trường. Một triết gia Pháp đã nói như thế. Hình ảnh thật rợn rùng
và đầy thất vọng. Giờ phút kinh hoàng đó chẳng khác lúc các cô khờ khi nghe tin
chú rể đến. Nếu cuộc đời như thế, ai còn muốn sống làm gì ?! Chẳng lẽ con
người sinh ra để chết ?
Khác hẳn với cái nhìn đầy bi quan đó, Đức
Giêsu so sánh cuộc đời như giờ phút chờ đợi chú rể đến trong tiệc cưới. Niềm
vui đó chỉ dành cho những ai có một thái độ sẵn sàng như các cô khôn. Khôn không
phải lo lắng quá về sự sống đời này. Chắc chắn cuộc sống này bảo đảm tới mấy cũng
có lúc chấm dứt. Chắc chúng ta còn nhớ nhà triệu phú vô địch đánh Golf mới đây đã
bị tai nạn trên phản lực riêng . . . Không một hành khách nào trên phản lực
747 của Ai cập vừa qua có thể biết trước số phận mình kết thúc quá nhanh chóng
và gọn gàng như vậy. Chúng ta cũng không thể biết trước những gì sẽ xảy ra cho
chính mình khi phải lìa bỏ cõi thế. Bởi vậy bao lâu còn sống, chúng ta phải một
thái độ khôn ngoan.
Thái độ khôn ngoan nhất là nghe lời Đức
Giêsu khuyên : “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào”
(Mt 25:13). Giờ phút bí mật đó hằng ám ảnh chúng ta. Người ta tìm mọi cách để
quên giờ phút đó. Nhưng càng quên hình như càng được nhắc nhở dưới nhiều hình
thức khác nhau. Tất cả không tùy thuộc vào trí nhớ, nhưng vào cái nhìn chúng
ta về giờ phút đó. Quên hay không, cái gì phải tới sẽ tới. Chúng ta
cần sự bình an thực sự trong giờ phút kinh hoàng đó.
Nhưng sự bình an làm sao đến được khi chúng
ta không chuẩn bị ? Phải chuẩn bị những gì và bằng cách nào ? “Thái độ lo lắng
về tương lai và tinh thần lãnh đạm phản ánh cuộc đời chúng ta thiếu vắng niềm
tin” (Fahey:1994). Giả sử tận thế đến năm 2000, liệu những tích trữ gạo nước,
than củi bảo đảm kéo dài sự sống hơn được bao lâu ? Chính những lo lắng đó sẽ
giết chết họ khi cơn biến động tới. Những lo lắng đó chỉ chứng tỏ một đức tin hời
hợt, nông cạn. Trái lại nếu lắng nghe lời Chúa, chúng ta sẽ thấy phải chuẩn
bị thứ dầu nào để rước Chúa trong ngày vui tiệc cưới.
Chắc chắn ngày Chúa đến sẽ là ngày vui tột
độ cho những ai trọn đời phục vụ. Bản chất Kitô hữu là phục vụ. Chỉ hành động mới
bảo đảm cho chúng ta khỏi rơi vào nguy cơ của những người suốt ngày kêu : “Lạy
Chúa, lạy Chúa !” mà thực tế không sống đạo. Hố ngăn cách giữa đức tin và hành động
sẽ chôn sống chúng ta trong nỗi kinh hoàng ngày cánh chung.
Người ta vẫn nói đùa : “Đoàn kết chết chùm,
chia rẽ chết lẻ tẻ.” Chết tập thể hay cá nhân cũng thế thôi. Đời sống cá nhân
luôn bị đe dọa vì tai nạn, bệnh tật. Tận thế đến hằng ngày cho bao nhiêu người
chung quanh ta. Tận thế đến cũng chẳng ăn thua gì đối với những người đã chết.
Chỉ người sống tận thế mới thành vấn đề đáng lo sợ. Chẳng có gì đánh tan được nỗi
lo sợ đó.
Chỉ ơn thánh mới bảo đảm chúng ta chiếm được
niềm vui và bình an đích thực trong Chúa. Chính vì thế, thánh Phaolô đã nói : “Đối
với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi” (Pl 1:21). Lợi gì ? Lợi
là được kết hiệp với Đức Kitô trong Thiên Chúa. Bởi vậy ngay khi còn sống, thánh
nhân đã tâm sự : “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời,
là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi, vì Người, tôi đành mất hết, và tôi
coi tất cả như đồ bỏ, để được Đức Kitô, và được kết hợp với Người” (Pl 3:8-9). Đó
là một thái độ khôn ngoan cần thiết chuẩn bị đón Chúa. Nếu ai cũng như thánh
Phaolô, làm sao phải sợ giờ Chúa đến ? Chính Thánh Linh đang hướng dẫn chúng ta
chuẩn bị dầu đèn cần thiết để đón Chúa Kitô vào tiệc cưới muôn đời.
Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP