NIỀM VUI TUYỆT VỜI

Chúa Nhật 33A Thường niên

 

 

Thế giới đang lo sợ về cuộc chiến giữa Iraq và Hoa kỳ xảy ra và có thể lan rộng đến độ không kiểm soát được.   Cuộc chiến đó chỉ khơi sâu hố ngăn cách giữa các nền văn hoá khác nhau.   Thật là một thách đố lớn lao giữa những giá trị hôm nay.

 

NHỮNG CÁI NHÌN KHÁC NHAU

Vì “sắp đi xa” (Mt 25:14) trong “một thời gian lâu dài” (Mt 25:19), một ông chủ khôn ngoan kia đã chu đáo sắp xếp mọi việc.   Được ông giao phó của cải, chắc chắn các đầy tớ phải là những người đáng tin cậy sau nhiều năm làm việc cho ông.  Thật vậy, không một đầy tớ nào cuỗm số tiền bỏ trốn, mặc dù ông vắng nhà khá lâu. Về mặt trung tín không ai có thể trách họ.  

Không những khôn ngoan, ông chủ còn có con mắt tinh đời khi “giao phó của cải mình cho họ,” (Mt 25:14) “tuỳ khả năng riêng mỗi người.” (Mt 25:15)   Hớ hênh một chút, ông có thể trở về trắng tay.  Giả sử ông giao năm yến cho cho người “tôi tớ xấu xa và biếng nhác” (Mt 25:26), chắc chắn tài sản ông đã bị ảnh hưởng lớn và công việc đã ngưng trệ.   Thất đức đã biến anh trở thành một thứ “kỳ đà cản mũi”.   Người tôi tớ đó không hẳn bất tài.   Nhưng tất cả những hành động xấu xa đó đều phát xuất từ một cái nhìn tiêu cực về ông chủ.   Nếu đúng như người đầy tớ này nhận xét, tại sao các người đồng nghiệp với anh lại có thể yên tâm làm việc cho chủ ?  

Oâng đã chọn mặt gởi vàng, khi giao năm và hai yến cho các “tôi tớ tài giỏi và trung thành” (Mt 25:21.23).    Điều ông quan tâm nhất không phải là khả năng chuyên môn, nhưng là nhân đức của người tôi tớ.   Chính nhân đức mới quyết định tất cả thành bại cuộc đời.   Những người tôi tớ này không những tài giỏi, nhưng còn có cái nhìn sáng suốt và đặt tất cả niềm hi vọng lớn lao nơi ông chủ.   Bằng chứng họ đã hết sức tích cực làm việc ngay cả khi ông chủ vắng mặt.   Đối với họ, ông chủ có mặt hay không, điều đó không ảnh hưởng tới công việc của họ.    Vì chính lương tâm thúc đẩy họ hoàn thành mọi việc một cách xuất sắc.   Niềm hi vọng đó phát xuất từ niềm tin tưởng ông chủ sẽ ban niềm vui lớn lao vào lúc ông trở về.   Niềm vui chính là phần thưởng chỉ dành cho những “tôi tớ tài giỏi và trung thành”, bất kể số lượng được giao bao nhiêu.  Quả thực, còn gì vui bằng khi nghe ông tuyên bố: “Phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa.” (Mt 25:29)  Niềm vui tràn trề ! Vượt quá niềm tin và hi vọng.

Nhưng trong khi người tôi tớ “tài giỏi và trung thành” vào “hưởng niềm vui của chủ” (Mt 25:21.23), thì  “tên đầy tớ vô dụng kia” bị quăng vào “chỗ tối tăm bên ngoài : ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.” (Mt 25:29.30)    Một hoàn cảnh, hai số phận.  Giá trị cuộc đời không đo bằng số lượng của cải hay tài năng, nhưng bằng lòng trung thành.  Giả sử người đây tớ nhận một yến hoàn toàn hài lòng và hành động theo chỉ thị ông chủ, chắc chắn anh dư khả năng để hoàn thành nhiệm vụ. Thế nhưng, mặc dù đủ tài năng và được chủ tín nhiệm, anh cũng không muốn cố gắng chút nào. Anh không muốn biết đến cảnh đồng nghiệp đang nỗ lực thi hành ý muốn ông chủ.   Anh lợi dụng cơ hội ông xa nhà để đứng nhìn cuộc đời dưới cặp kính đen thui của anh.   Hẳn anh đã từng chê bai và buồn cười trước những lam lũ của những người cúi lưng làm tôi mọi cho một ông chủ “hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi.” (Mt 25:24)    Thực tế, cái nhìn tăm tối đó đã đẩy anh vào “chỗ tối tăm bên ngoài” để “khóc lóc nghiến răng” (Mt 25:30) trong tuyệt vọng.

Chắc chắn đồng nghiệp không chia sẻ quan niệm của anh về ông chủ.   Ngược lại, qui luật cuộc sống rất cần để đạt đến hạnh phúc và niềm vui.   Phân chia công tác hay lợi lộc, ông chủ căn cứ “khả năng riêng mỗi người.” (Mt 25:15)   Khả năng khác nhau chỉ nhằm phục vụ anh em và giúp mọi người đạt tới hạnh phúc đích thực.  Khả năng này chỉ tỏ lộ khi gặp thách đố.    Đúng là “thui ra mới biết béo gầy”.   Qua cơn thử thách tất cả sẽ lộ nguyên hình.   Sau cơn thử lửa mới thấy niềm vui tuyệt vời.  

 

NIỀM VUI TUỔI TRẺ

Niềm vui chính là hấp lực mạnh nhất đối với tuổi trẻ.   Nhưng làm sao tìm được niềm vui đó giữa một thế giới quá nhiều bất ổn và khủng hoảng về mọi mặt như hôm nay ? Tương lai thuộc về ai “đem lại niềm hi vọng cho một thế giới đầy dẫy những bất công và thiếu vắng những giá trị,” (ĐGH Gioan Phaolô II : Zenit 8/11/2002)    Muốn thế, “giữa một thời đại nổi cộm với một nền văn hoá nhiều lo lắng, trống rỗng và vô nghĩa, hãy lên tiếng rao giảng Thiên chúa siêu việt, Đấng luôn lắng nghe tiếng những người bị áp bức và đau khổ kêu gào.” (ĐGH Gioan Phaolô II : Zenit 8/11/2002)   

Không thể rao giảng Thiên chúa siêu việt, nếu không có lòng “kính sợ Đức Chúa.” (Cn 31:30)  Chính lòng kính sợ ông chủ đã giúp những người tôi tớ hoàn thành công tác  xuất sắc.  “Kính sợ Đức Chúa là bước đầu của tri thức.  Kẻ ngu si khinh thường khôn ngoan và lời nghiêm huấn.” (Cn 1:7)  Như thế các đầy tớ ông chủ đã được phân ra hai hạng rõ rệt : khôn ngoan và ngu si.  Khôn ngoan là thành trì vững chắc nhất bảo vệ mọi giá trị. Không bắt nguồn từ khôn ngoan, niềm vui sẽ hời hợt và lạt lẽo.   Chỉ Đức Giêsu, sự khôn ngoan của Thiên Chúa, mới có thể đem lại niềm vui thực sự cho nhân loại.    Giữa một thế giới đang vắng bóng Thiên Chúa, các bạn trẻ “hãy tin tưởng !  Hãy xây dựng cuộc sống với Đức Giêsu trong niềm hi vọng!” (Các Giám mục Pháp : Zenit 13/111/2002)   Vì chỉ Đức Giêsu mới dẫn mọi người “vào hưởng niềm vui của” Thiên Chúa qua nẻo đường “công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần”(Rm 14:17).   Đó chính là con đường thánh thiện, là “bổn phận căn bản và cấp thiết mà bạn có thể đóng góp vào công cuộc tân Phúc âm hoá, và là một bảo đảm cho công cuộc phục vụ Tin mừng đích thực cho những người cùng khốn.” (ĐGH Gioan Phaolô: II Zenit 8/11/2002)

Giữa “những hoàn cảnh có thể làm lu mờ niềm hi vọng vì những căng thẳng và sợ hãi, chống đối và chia rẽ, quá khích và bạo lực, các bạn phải cấp thiết đem sứ điệp Tin mừng đến cho mọi người.  Để có thể thực hiện sứ mệnh đó, trên hết các bạn phải duy trì sự hiệp thông bền bỉ với Đức Giêsu, không ngừng chiêm niệm thánh nhan Người trong kinh nguyện và hết sức phục vụ Người qua anh em.” (ĐGH Gioan Phaolô: II Zenit 8/11/2002)   Muốn được như thế, họ cần “mở rộng tâm trí trước những nhu cầu nhân loại, vì nhân loại đang chiến đấu để tìm ra mục đích trong một thế giới có quá nhiều xáo trộn do khủng hoảng về ý nghĩa.” (ĐGH Gioan Phaolô: II Zenit 10/11/2002)   Giữa cơn cuồng loạn ngôn từ hôm nay, người ta có thể sẵn sàng hi sinh anh em cho một mục tiêu không tưởng.  Đó là cảnh tăm tối trần gian đang đầy đoạ con người.  

Chúng ta không thể sống trong cảnh tối tăm đó, “vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày.” (1 Tx 5:5)   Đúng như Chúa nói : “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian.” (Mt 5:14)    Có thế, chúng ta mới có thể làm chứng cho mọi người biết “Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể, là trung tâm của lịch sử nhân loại và là chìa khoá mở cho mọi người thấy mầu nhiệm con người và mạc khải về ơn gọi tối cao của Người.” (ĐGH Gioan Phaolô: II Zenit 8/11/2002)   

Sống giữa những ảnh hưởng chồng chéo nhau hôm nay, giới trẻ phải dấn thân vào “việc Phúc âm hoá văn hoá, để làm cho cuộc sống nổi bật lên niềm hi vọng hơn là sợ hãi hay bi quan.” (ĐGH Gioan Phaolô: II Zenit 10/11/2002)    Muốn được như thế, họ phải lao vào cuộc canh tân đặc sủng Công giáo để trở thành “những dấu chỉ sống động của niềm hi vọng,” (ĐGH Gioan Phaolô: II Zenit 10/11/2002) làm chứng cho mọi người thấy Chúa Thánh linh đang hiện diện và hoạt động giữa lòng nhân loại.  Nhờ Thánh linh giới trẻ sẽ cảm nhận sâu xa chỉ Đức Giêsu mới là niềm vui tột đỉnh, vì “chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta” (Gl 5:1) khỏi mọi chế độ áp bức và bất công.

 

Lm. Đỗ Vân Lực, OP



 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A