Chúa Nhật 4 mùa Thường niên, A

 

          Với các bài đọc trong ba Chúa Nhật đầu của mùa Thường niên, ta đã có dịp suy niệm việc Chúa Giê-su khởi sự sứ vụ rao giảng Tin Mừng.  Phụng vụ Lời Chúa hôm nay bắt đầu trình bày giáo lý của Chúa Giê-su về ơn cứu độ.  Qua bài giảng thường được mệnh danh là “Hiến chương Nước Trời” – Tám mối phúc – ta có thể nhận ra những giá trị chính yếu của Tin Mừng, đồng thời cũng nói lên những tương phản giữa những giá trị ấy với những giá trị trần thế.  Những ai có đủ điều kiện để đón nhận những giá trị Tin Mừng và phải đón nhận như thế nào?

1.  “Đức Ki-tô Giê-su đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta, sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa” (bài đọc Tân Ước – 1 Cr 1:26-31)

          Chúa Giê-su bắt đầu rao giảng Tin Mừng.  Nhưng ai sẽ là những kẻ được đón nghe lời giảng và đem ra thực hành?  Nhiều lần khi kết thúc bài giảng, Chúa Giê-su đã nói:  “Ai có tai nghe thì nghe” (Mc 4:9.23).  Nói như thế, Chúa muốn bảo rằng mọi người đều được mời gọi đón nhận Tin Mừng, không trừ ai.  Tuy nhiên, Chúa lại đặc biệt nhắc tới một lớp người thích hợp hơn để đón nghe Tin Mừng khi Người xác nhận Người được sai đi rao giảng Tin Mừng cho “những kẻ nghèo khó”.  Tại sao lại những kẻ nghèo khó mà không là những kẻ giàu có giỏi giang?  Là vì những ai muốn hấp thụ giáo lý của Người thì phải làm lại từ đầu, phải trở nên trẻ nhỏ, phải làm những học trò hoàn toàn tín thác vào thầy dạy. Quan sát một buổi rao giảng của Chúa, ta nhận thấy người nghe thuộc nhiều thành phần.  Đám đông dân chúng thì khao khát nghe những lời giảng dạy “có uy quyền” của Người (Mc 1:27) và “sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa”.  Nhưng lẫn trong đám họ, cũng xuất hiện một số người vẫn cho mình là đỉnh cao trí tuệ, cầm cân nảy mực cho cuộc sống cả đạo lẫn đời, đó là những người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, Xa-đốc, thượng tế và các kinh sư.  Những người này đến nghe với mục đích là để vạch lá tìm sâu, bắt bẻ và nhiều khi còn giương những cạm bẫy mong làm cho Chúa mất uy tín trước dân chúng.  Họ muốn lấy sự khôn ngoan của người đời để phủ bác sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

Thánh Phao-lô đã trình bày Chúa Giê-su là “Đấng đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta, sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa”.  Sự khôn ngoan này không thể đo lường theo mức độ trí tuệ con người, nhưng là một cách sống đi theo đường lối và lề luật của Thiên Chúa.  Điều vĩ đại nhất, đó là sự khôn ngoan của Thiên Chúa “đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta” nơi con người Chúa Giê-su.  Nói khác đi, sự khôn ngoan của Thiên Chúa đã trở nên người phàm như chúng ta để chúng ta có thể sống theo khuôn mẫu khôn ngoan ấy.  Thật là kỳ diệu!  Làm sao ta biết được sự khôn ngoan của Thiên Chúa?  Làm sao giảng giải cho ta hiểu được sự khôn ngoan của Thiên Chúa?  Thế là Thiên Chúa có cách.  Người cho ta thấy được, sờ được, cảm nhận được sự khôn ngoan của Người nơi con người Đức Ki-tô!  Hơn thế nữa, sự khôn ngoan ấy đã đảo ngược những giá trị của khôn ngoan trần thế mà ta có thể thấy rõ qua bài giảng khai mạc của Chúa Giê-su về Tám mối phúc.  Nhưng mục đích chính khi sự khôn ngoan của Thiên Chúa mặc lấy xác phàm là vì chúng ta:  để chúng ta “được hiện hữu, được trở nên công chính, được thánh hóa và được cứu chuộc”.  Ta được Thiên Chúa tạo dựng do sự khôn ngoan của Người là Đức Ki-tô.  Rồi từ đó, công chính hóa là bước đầu để ta làm con Chúa, thánh hóa là thời gian để ta được trở nên giống Chúa Ki-tô và được cứu chuộc là chung cuộc để ta được vĩnh viễn hưởng gia nghiệp Thiên Chúa ban.  Tất cả những bước này đều diễn tiến trong Chúa Ki-tô là sự khôn ngoan xuất phát từ Thiên Chúa.

2.  Chúa Giê-su giảng về sự khôn ngoan của Thiên Chúa hoặc những giá trị của Tin Mừng (bài Tin Mừng – Mt 5:1-12a)

          Trước hết hình ảnh Chúa Giê-su lên núi, ngồi xuống và các môn đệ đến gần gợi lại cho ta hình ảnh ngày xưa ông Mô-sê dạy dỗ dân Ít-ra-en trên núi Xi-nai.  Giờ đây ta có Mô-sê Mới, là chính Lời của Thiên Chúa, chứ không phải chỉ là phát ngôn viên của Thiên Chúa.  Ông Mô-sê truyền rao Mười giới răn của Thiên Chúa cho Ít-ra-en, còn Chúa Giê-su dạy ta về Tám mối phúc là lề luật của Tin Mừng.

          Có lẽ hầu hết ta đều quen thuộc với các mối phúc, nhất là người Công giáo Việt Nam với kinh “Phúc thật tám mối”.  Văn vẻ hơn thì ta gọi bài giảng này của Chúa Giê-su là “hiến chương Nước Trời”, vì nó đề ra những nét chính gặp thấy nơi những người có đủ điều kiện được làm thành phần của vương quốc cứu độ.  Tám điều này đều được thể hiện nơi Chúa Giê-su và nói lên sự khôn ngoan của Thiên Chúa.  Phân biệt ra làm tám điều không có nghĩa đó là những điều riêng biệt, nhưng liên hệ với nhau và bảy điều kia càng làm nổi bật lên một mối phúc.  Với lăng kính đức tin và xét theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa, chúng được gọi là các Mối phúc.  Nhưng nhìn theo con mắt người đời thì những Mối phúc đó lại là các Mối họa, vì tất cả đều là những bất lợi cho con người.  Chẳng ai dại chọn cái nghèo thay vì được giàu có.  Chẳng ai muốn để bị người khác bắt nạt, bị khổ đau, chịu thiệt thòi… Những giá trị Tin Mừng của Tám mối phúc là những điều người đời không thể chấp nhận và luôn dựa thế vào những giá trị trần thế như tiền bạc, danh vọng, chức quyền. 

          Nhưng ta đừng vội tin vào những giá trị trần thế, vì thánh Phao-lô quả quyết với ta rằng:  “Những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh;  những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để hủy diệt những gì hiện có, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người”.  Quả thực, qua Đức Ki-tô sự khôn ngoan của Thiên Chúa đã thắng mọi quyền lực của ma quỷ và thế gian.  Mạnh mẽ như tội lỗi và sự chết mà cũng bị Chúa Giê-su chiến thắng.  Như thế, ta thấy rõ
Chúa Giê-su không những “giảng” về Tám mối phúc, nhưng hơn thế nữa, Người còn sống và thực hành những mối phúc ấy để làm gương mẫu cho ta.

3.  Ki-tô hữu thuộc về “số dân Ít-ra-en còn sót lại” (bài đọc Cựu Ước – Xp 2:3; 3:12-13)

          Làm Ki-tô hữu là ta làm những người học với Chúa Giê-su, sự khôn ngoan của Thiên Chúa.  Ngôn sứ Xô-phô-ni-a đã gióng lên lời kêu gọi những kẻ nghèo hèn hãy sống công chính và khiêm nhường “để được che chở trong ngày thịnh nộ của Đức Chúa”.  Nhưng điều đáng để ý nhất, đó là vị ngôn sứ đã thấy trước sẽ có “số dân Ít-ra-en còn sót lại”, một hình ảnh ám chỉ những người sống theo giá trị Tin Mừng do Đức Ki-tô rao giảng.  Những người này sống hoàn toàn ngược lại lề lối của thế gian, bởi vì họ “sẽ không làm chuyện tàn ác bất công, cũng không ăn gian nói dối và miệng lưỡi chúng sẽ không còn phỉnh gạt”.  Tuy nhiên, điều an ủi hơn cả, đó là những người này “sẽ được chăn dắt và nghỉ ngơi mà không còn bị ai làm cho khiếp sợ”.  Đúng vậy, Đức Ki-tô là vị Mục Tử Nhân Lành chăn dắt ta, thì ta còn phải lo lắng khiếp sợ gì nữa!  (Xem Ga 10:1-18).

          Bình thường ta dễ bị cám dỗ sống theo những giá trị trần thế và không mấy tin tưởng vào những giá trị Tin Mừng.  Thế giới càng văn minh và đời sống vật chất càng phát triển thì những giá trị bề ngoài của chúng càng có vẻ quyến rũ.  Chúng ngạo nghễ thách thức những giá trị Tin Mừng và luôn giành phần thắng ở đời này.  Do đó, đời sống Ki-tô hữu sẽ khó khăn hơn và đòi hỏi làm chứng cho những giá trị Tin Mừng cũng cam go hơn.  Ta là những người “còn sót lại”, điều này không có nghĩa là ta sẽ thất bại hoặc yếu thế.  Nhưng ta xác tín mình đã được Thiên Chúa “chọn” để hạ nhục những kẻ khôn ngoan và những kẻ hùng mạnh của thế gian, để hủy diệt sức mạnh của tiền tài danh vọng.  Ta xác tín mình đã được Thiên Chúa “chọn” để đạt được chiến thắng cuối cùng là được cứu độ và chia sẻ gia nghiệp của Thiên Chúa.

4.  Sống Lời Chúa

          Lời Chúa hôm nay đã cho ta một cái nhìn đại cương về giáo lý Chúa Giê-su sẽ giảng dạy trên đường rao giảng Tin Mừng.  Rõ ràng có sự đối nghịch giữa lối sống do Chúa dạy và lối sống của người đời.  Sự đối nghịch đó đã dần dần đưa Chúa Giê-su đến cái chết khổ nhục trên thập giá.  Tuy nhiên cuối cùng thì sự khôn ngoan của Thiên Chúa đã chiến thắng vinh hiển qua sự Phục Sinh của Đức Ki-tô.  Chiến thắng ấy là bảo đảm và khích lệ ta hãy bước đi theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa, tức là thực hành những mối phúc Chúa Giê-su rao giảng.

Suy nghĩ:  Nhìn vào tấm gương “Tám mối phúc”, tôi nhận ra hình ảnh của tôi như thế nào?  Đâu là đường nét rõ nhất về con người tôi?  Nói khác đi, đâu là ưu điểm thể hiện một mối phúc rõ rệt nhất nơi tôi?  Tôi đang cố gắng sống theo mối phúc ấy như thế nào để nói lên hình ảnh của Chúa Ki-tô?

Cầu nguyện:  Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho tất cả các dân tộc có cùng một nguồn gốc.  Chúa lại muốn cho họ nhận biết Chúa, và quy tụ họ thành một gia đình.  Xin tuôn đổ tình thương Chúa trong lòng mọi người, để hết thảy đều cùng chung một khát vọng là lo sao cho anh em cũng được tiến triển với mình.  Rồi một khi đã dẹp bỏ những hàng rào ngăn cách và cùng nhau chia sẻ những tài nguyên Chúa ban, cá nhân mỗi người sẽ được phát triển, và xã hội loài người sẽ công bình thịnh vượng hơn.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, lễ cầu cho các dân tộc được phát triển).

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà