CHÚA NHẬT IX THƯỜNG NIÊN,năm A

Mt 7, 21-27

 

NGƯỜI MÔN ĐỆ ĐÍCH THỰC

 

Trong cuộc hành trình theo Chúa Giêsu, những môn đệ được Chúa tuyển chọn luôn phải sống cái cốt lõi của Tin Mừng. Theo Chúa không có nghĩa là được đặc quyền, đặc lợi, được ăn trên ngồi trốc, nhưng theo người phải thực thi lời của Người, phải “ vác Thập Giá mỗi ngày mà theo Người “.

LẮNG NGHE LỜI CHÚA VÀ THỰC THI LỜI CỦA NGƯỜI : Các bài đọc Chúa Nhật hôm nay, đặc biệt bài Tin Mừng Mt 7, 21-27 cho chúng ta thấy người môn đệ của Chúa phải sống Tin Mừng biểu lộ qua cuộc sống, qua lời rao giảng của mình. Suốt những năm tháng theo Chúa, Người không ngừng nhắc bảo, giáo huấn, dậy dỗ các môn đệ phải sống bản chất, cốt lõi của Tin Mừng. Cái bản chất, cái cốt lõi của Tin Mừng không chỉ sống ngoài môi miệng, sống bề ngoài mà phải sống cái đích thực của đời sống con cái Chúa là yêu thương. Bài Tin Mừng ngày hôm nay cho chúng ta hiểu rõ điều ấy. Chúa Giêsu trình bầy dụ ngôn hai ngôi nhà : ngôi nhà xây trên đá thì vững chắc, bền bỉ, dù mưa to, gió lớn, bão táp vẫn không thể nào làm lay chuyển được. Đây là người môn đệ đích thực của Chúa bởi vì người môn đệ chân chính không chỉ kêu ngoài môi miệng :” Lạy Chúa, lạy Chúa “ là đủ, là hoàn thành công việc của mình,nhưng người ấy phải thực hành lời của Chúa. Người môn đệ đã lắng nghe lời Chúa, đã tin vào Người, phải biết thực thi lời của Người trong cuộc sống vì thánh Giacôbê đã viết một câu rất chí lý :” Đức tin không có việc làm là đức tin chết “. Người môn đệ thật của Chúa là người vừa biết lắng nghe lời Chúa cách chăm chú, vừa biết sống bác ái, yêu thương như Chúa. Ngôi nhà xây trên cát là hình ảnh người nghe lời Chúa mà không đem ra thực hành trong đời sống, chỉ nói “Giêsu” ngoài miệng lưỡi mà không yêu như Chúa đã yêu. Cái trớ trêu của Tin Mừng là thế. Lời Chúa không chỉ đọc, không chỉ nghe cho vui tai, nhằm thỏa mãn sự tò mò của con người, nhưng phải được thực thi trong đời sống của mình. Cũng vậy, bác ái không chỉ dùng nói suông, mà phải thực hành bằng những việc làm cụ thể. Chúa Giêsu đã tới trần gian, đã sống trong lịch sử con người bằng chính Con –Người- Chúa Của- Mình. Người đã sống như mọi người ngọai trừ tội lỗi. Đó là bằng chứng hùng hồn nhất Chúa làm gương cho con người, cho loài người. Chúa rao giàng Nước Trời, loan báo Thập Giá không chỉ là một mớ trừu tượng, một mớ những lý thuyết viển vông, khô cằn mà Người đã đi tới cùng tình yêu, đi tới cùng lời rao giảng của Người bằng cái chết trên Thập Giá.

NGƯỜI MÔN ĐỆ PHẢI ĐÁP TRẢ LẠI TÌNH THƯƠNG CỦA CHÚA: Nói cho cùng không thể làm môn đệ của Chúa mà không sống và thực thi lời Chúa. Không thể rao giảng lời Chúa chỉ bằng những lời lẽ viển vông, xa lạ, máy móc. Không thể là con Chúa mà lại sống như một người máy không hồn. Không thể nói về Thập Giá mà lại không kê vai vác Thập Giá của mình mỗi ngày để theo Đức Kitô. Người môn đệ hay nói nôm na, người Kitô hữu không thể theo Chúa, sống niềm tin mà lại không dấn thân, không cố gắng mỗi ngày để trở nên hoàn thiện như Cha trên trời. Trong đời sống, chúng ta đã học hỏi được biết bao gương sáng của những môn đệ Chúa, những người nói ít nhưng sống, thực thi bác ái triệt để. Đời thường chung quanh ta đã cho ta thấy những người chỉ hô hào suông ngoài môi miệng, nói nhiều nhưng thực hành ít, nói bác ái mà sống ngược lại, đó là những người giả hình, không sống niềm tin đích thực. Một Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã luôn sống thương yêu, thiệt thòi miễn sao Chúa được vinh hiển. Một Mẹ Têrêsa Calcutta đã sống tận Tin Mừng cùng như Chúa đã yêu đối với đồng loại. Một cha sở họ Ars đã sống bác ái trọn hảo đối với mọi người và còn biết bao nhiêu là gương sống và thực thi lời Chúa chúng ta không bao giờ có thể kể cho hết được. Cuộc đời đã dậy cho chúng ta nhiều bài học cụ thể : đời sẽ qua đi, chân lý và bác ái, lòng đạo đức, thánh thiện mới tồn tại. Người môn đệ của Chúa phải luôn đáp lại tình thương vô biên của Chúa.

Lạy Chúa, xin ban thêm lòng tin cho chúng con để chúng con luôn biết lắng nghe lời của Chúa và thực thi lời Chúa trong đời sống chúng con. Amen.

 

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi  DCCT


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà