HÀNH ĐỘNG

Chúa Nhật 9A Thường Niên

 

Trước cuộc sống vô cùng phức tạp hôm nay, nhiều người đã bị lạc đường.  Người ta cố gắng đi tìm thày để học khôn.  Nhưng ai xứng đáng cho chúng ta chọn mặt gởi vàng ?

 

CON ĐƯỜNG TRƯỚC MẶT

 

Nhiều người chỉ xử dụng đôi tai để nghe Lời Chúa, chứ không hề đụng tới bất cứ một việc gì.  Trong khi Lời Chúa vẽ ra một con đường phục vụ, họ ngại ngùng hành động.  Thực tế, họ lại dễ dàng lên tiếng đòi hỏi, hạch sách.  Họ nghe rất rõ lời kêu gọi của Chúa  và Giáo hội, nhưng lại mơ màng sống theo đam mê.  Thấy những người đang vất vả xây dựng cộng đoàn, họ trề môi bỉu mỏ : “Aên cơm nhà, vác tù và hàng xóm.”   Có thể họ là những người siêng năng đi lễ, chầu Thánh Thể,và cầu nguyện sốt sắng.  Không ai phủ nhận niềm tin nơi họ.  Nhưng Đức Giêsu lên tiếng cảnh cáo : “Không phải bất cứ ai thưa với Thày : ‘Lạy Chúa ! Lạy Chúa !’ là sẽ được vào Nước Trời cả đâu !” (Mt 7:21)  Hơn nữa, Người minh họa hình ảnh thực tế của những con người ấy như sau : “Ai nghe những lời Thày nói đây mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát.  Gặp mưa sa, nước cuốn hay  bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành.” (Mt 7: 26-27)  Thật là thê thảm !

Vậy bây giờ phải làm gì để tránh thảm họa đó ?  Đâu là thái độ khôn ngoan của con người biết nhìn xa trông rộng ?  Dù quyền uy tới và công trạng tới mấy, con người cũng không đủ điều kiện vào hưởng hạnh phúc vĩnh hằng.  Chỉ có một điều kiện duy nhất quyết định số phận con người, đó là “thi hành ý muốn của Cha Thày là Đấng ngự trên trời.” (Mt 7:21)  Cụ thể, đó là người thực hiện những gì đã nghe từ Lời Chúa (x. Mt 7:24).  Như thế, thực tế bắt buộc con người phải có một lựa chọn quyết liệt, hoặc đứng hẳn về phía Thiên Chúa hay ngả theo ma quỷ, thế gian (x. Đnl 11:27.28).  Tự do là đây !  Định mệnh cũng là đây !  

Đức Giêsu đã nhìn thấy trước những cạm bẫy rình rập bước chân những người tín hữu.  Bởi vậy, Người nhấn mạnh đến mặt thực hành Lời Chúa (x. Mt 7:24; Đnl 11:32).  Không phải những lời nói hấp dẫn hay những công việc lạ lùng làm lé mắt thiên hạ có giá trị trước nhan Chúa.  Nếu Đức Giêsu cũng chỉ nghe Lời Chúa Cha, mà không dấn thân hành động cho đến hi sinh mạng sống trên thập giá, thử hỏi Người có được Chúa Cha chấp nhận không ?  Đối với Người, thánh ý Thiên Chúa là ưu tiên số một.  Suốt đời, Người chỉ cố gắng diễn tả và tìm cách vâng phục ý Chúa Cha.  Ngày chung thẩm, “chỉ có một đời sống đầy ắp tình yêu và công lý mới là điểm trổi vượt” (The New Jerome Biblical Commentary 1990:647) mà thôi.  Tình yêu tạo nên những liên đới cần thiết cho công cuộc xây dựng và cứu độ.  Công lý đem lại hòa bình đích thực cho nhân loại.  Không hành động không thể có hòa bình và công lý.  Tin Chúa phải dấn thân hành động công lý và hòa bình!

Không hành động theo Lời Chúa, chắc chắn trần gian sẽ bị bóng tối che phủ và trở thành mồi ngon cho những lực lượng ác thần.  Sống và hành động theo Lời Chúa là một lựa chọn khôn ngoan nhất.  Chỉ có Lời Chúa mới là nền móng vững chắc nhất nâng đỡ nhân loại khỏi rơi vào cảnh tiêu vong.  Lời Chúa luôn là một thách đố lớn lao đối với tín hữu.  Tuy thế, không có ơn Chúa, con người cũng không thể tin, chứ đừng nói đến hành động.  Nói khác, tin hay hành động đều phải do ân sủng Thiên Chúa.  Không có việc chia cắt giữa đức tin và hành động.  Một đức tin đích thực luôn phải đi tới hành động.  “Đức tin không có việc làm là đức tin chết.”  Một hành động đem lại ơn cứu độ đích thực cho nhân loại đòi phải phát xuất từ đức tin.  Nói cho cùng, chúng ta “được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Kitô Giêsu.” ( Rm 3:24)  Nếu không hành động để tạo nên công trình ấy, Đức Giêsu đã không đáng chúng ta bước theo.  Thế nên, tin là bước theo Người để tiếp tục hành động cho ơn cứu độ nhân loại.  Tự nhiên, ai cũng ngại dấn thân hành động và thích hưởng thụ.  Đức Giêsu đến lôi kéo chúng ta ra khỏi cái tôi và tìm đường phục vụ mọi người.  Nếu cứ khư khư bảo vệ cái tôi quá kỹ, chúng ta sẽ đánh mất tất cả, kể cả cái tôi.  Nhưng nếu “ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.” (Ga 12:25)  Bởi thế, nhờ đức tin, chúng ta hành động.  Nhờ hành động, chúng ta được cứu độ.

 

GIỜ HÀNH ĐỘNG

 

Trước những thúc bách của Lời Chúa và đòi hỏi của cuộc sống, chúng ta phải làm gì ?  Muốn biết phải làm gì, chúng ta cần xét mình cẩn thận và học hỏi gương sáng của các anh em Kitô hữu tại Hoa kỳ, nơi chúng ta đang sinh sống.

Có lẽ nhiều người rất hãnh diện khi nghe nói các Đức Giám Mục Hoa Kỳ lên tiếng ca ngợi và  biết ơn sự hiện diện của người Công Giáo Việt Nam tại đây.  Họ càng có lý do coi mình là một gương mẫu cho các cộng đoàn Công giáo Hoa kỳ, khi thấy các nhà thờ Mỹ thưa bóng người, nhất là giới trẻ.  Thực tế, chúng ta có học hỏi được cái gì nơi các cộng đoàn Công giáo Hoa kỳ không ?

Quả thực, chúng ta có những điểm tích cực và khởi sắc lôi cuốn các vị lãnh đạo Công giáo Hoa kỳ.  Thế nhưng, càng nhìn sâu vào đời sống của giáo dân Hoa kỳ, chúng ta mới thấy mình còn thua xa họ về nhiều mặt, nhất là về suy tư và hành động.  Về mặt suy tư , có ai đếm nổi những tựa sách về tín lý, thánh kinh, thiêng liêng, luân lý v.v.  xuất bản mỗi năm của Giáo hội Hoa kỳ không ?  Mỗi tựa sách xuất bản với số lượng bao nhiêu ?  Nếu không có người đọc những sách đạo đó, các tác giả có dám viết và xuất bản nhiều như vậy không ?   Trong khi sách đạo ở Việt Nam và Hải ngoại, xuất bản và tiêu thụ được một ngàn cuốn sách phải mất bao nhiêu năm trời ?

Về mặt hành động và hy sinh cho tha nhân cũng như cộng đoàn, chúng ta cũng thấy mình phải học hỏi nhiều lắm.  Một truyền thống phổ biến khắp các cộng đồng Công giáo Hoa kỳ về việc đóng góp cho xứ đạo cũng như công cuộc  bác ái mới đáng cho chúng ta suy nghĩ.  Đây là một ví dụ cụ thể.  Một họ lẻ của người Việt Nam và một xứ đạo nhỏ của người Hoa kỳ tại Houston, Texas cho chúng ta thấy một bài học rất thấm thía.  Số người ở hai cộng đoàn đó hầu như ngang nhau, nghĩa là quãng trên ba trăm.  Tại họ lẻ Việt nam đó, linh mục quản nhiệm có kêu gào tới mấy, mỗi tuần cũng chỉ thu chừng hơn ba trăm đô.  Trong khi đó, số tiền giỏ trung bình mỗi tuần của xứ đạo Hoa kỳ đó là bốn ngàn đô.  Dĩ nhiên, có thể người Mỹ giàu hơn chúng ta.  Nhưng ở đây, không nói về số tiền lớn hay nhỏ.  Chúng ta chỉ muốn đặt vấn đề về số tiền đóng góp đó chiếm bao nhiêu phần trăm đồng lương mỗi tuần của người tín hữu.  Chúa cũng không nói về số lượng, nhưng tỷ lệ đóng góp của bà góa vào hòm tiền nhà thờ mới đáng kể.  Số tiền bà đóng là một trăm phần trăm, vì “bà đã bỏ vào đó tất cả những gì bà có.” 

Nhìn vào giỏ tiền nhà thờ của cộng đoàn Việt Nam, chúng ta thấy trên chín mươi phần trăm mang hình ông Washington, nghĩa là một Mỹ kim.  Tại sao có hiện tượng khác biệt đó ?  Có lẽ tại nếp văn hóa Việt Nam khác với văn hóa Hoa Kỳ.  Sở dĩ thường bỏ một Mỹ kim vào giỏ, có lẽ vì chúng ta coi việc bỏ tiền vào giỏ nhà thờ cũng giống như việc bố thí vậy.  Trong khi đó, người Mỹ coi đó là một bổn phận.  Họ cảm thấy có trách nhiệm, chứ không phải là việc làm phúc.

Khi đề cập tới vấn đề tế nhị này, chúng tôi không muốn nói đến chuyện tiền bạc.  Nếu đóng góp nhiều hơn cũng chỉ dành cho cộng đoàn, chứ không cho các linh mục đang coi sóc cộng đoàn.  Khác với các linh mục ở Việt Nam, các linh mục ở các nước Aâu Mỹ thường có lương cố định.  Một số người phê bình về thói xin lễ của giáo dân Việt Nam ở Hải ngoại.  Dưới mắt họ, đó là một thói quen mù quáng và phí phạm.  Họ tưởng giáo dân Việt Nam đóng góp và tốn phí quá nhiều. 

Thực tế, sức đóng góp của chúng ta còn xa giáo dân Hoa kỳ nhiều lắm.   Họ hơn chúng ta cả về suy tư, sức đóng góp và hành động, vì đạo đã thấm vào tận xương tủy của họ.  Trong khi đó, đạo Công giáo mới vào Việt Nam chừng bốn thế kỷ nay mà thôi.  Đạo chưa thấm …

 

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà