Chúa Nhật 9 mùa Thường niên, A

 

          Cuộc sống ta lúc nào cũng có chọn lựa:  chọn lựa giữa điều tốt và điều xấu, chọn lựa giữa ý Chúa và ý riêng, chọn lựa một lối sống, lớn hơn nữa là chọn lựa nghề nghiệp hay bậc sống cho mình.  Là người Công giáo, hết thảy ta đều có một chọn lựa quan trọng nhất, đó là thực hành những điều Chúa dạy ta qua Đức Ki-tô.  Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày sự chọn lựa của những người con cái Chúa, thời Cựu Ước cũng như thời Tân Ước.  Riêng đối với ta là môn đệ Chúa Ki-tô, ta phải chọn theo Người bằng cách lắng nghe và tuân giữ lời Người.

1.  Chọn lựa của Ít-ra-en trong Cựu Ước:  chọn thờ phượng Đức Chúa (bài đọc Cựu Ước – Đnl 11:18.26-28)

          Dân Ít-ra-en đã kết thúc cuộc hành trình bốn mươi năm trong sa mạc và chuẩn bị tiến vào Đất hứa.  Trên đường lưu lạc, ngoài ảnh hưởng của Ai-cập, Ít-ra-en còn tiếp xúc với những dân tộc ngoại giáo họ đi ngang qua và họ bị lôi cuốn do những sinh hoạt tôn giáo của những nước ấy.  Việc đúc bê bằng vàng để tôn thờ là một bằng chứng cho thấy lòng tin của họ vào Thiên Chúa vẫn còn dễ dàng bị lung lạc.  Dân chúng thường nhẹ dạ chạy theo những lối sống mới lạ của những dân họ đã tiếp xúc.  Ông Mô-sê rất am hiểu tình huống ấy và lúc nào cũng lo lắng răn bảo dân chúng phải tuyệt đối trung thành với Thiên Chúa.  Hôm nay là thời điểm ông quyết liệt đòi hỏi dân chúng phải tỏ rõ lập trường trước khi ông trao cho họ “những thánh chỉ và quyết định phải đem ra thực hành trong đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông họ, đã ban cho họ để chiếm hữu mọi ngày sống trên mặt đất” (Đnl 12:1).  Lập trường đó phải bắt đầu bằng chọn lựa một trong hai điều:  hoặc được chúc phúc hoặc bị nguyền rủa.  Nếu họ muốn được chúc phúc, thì phải “vâng nghe những mệnh lệnh của Đức Chúa”.  Còn nếu muốn bị nguyền rủa thì cứ việc “không vâng nghe những mệnh lệnh của Đức Chúa”.

          Chọn lựa một trong hai điều trên, theo lẽ thường ai mà chẳng muốn chọn được chúc phúc.  Tuy nhiên việc chọn lựa không đơn giản đâu.  Chọn lựa nào cũng phải trả cái giá của nó.  Tôi muốn chọn làm bác sĩ thì phải chấp nhận học hành vất vả và nhiều năm hơn, phải tốn tiền hơn, phải ráng chịu khổ chịu sở những năm thực tập…  Chọn lựa đi song song với hành động, vì chọn lựa là chọn lựa đích tới, nhưng để tiến đến mục tiêu thì phải hành động.  Dân chúa muốn chọn được Chúa chúc phúc, họ “phải lo đem ra thực hành mọi thánh chỉ và quyết định” của Chúa mà hôm nay ông Mô-sê trình bày cho họ.  Bộ Đệ nhị luật mà ông Mô-sê sắp truyền cho họ cốt yếu nói về việc thờ phượng Chúa và đời sống luân lý đạo đức.  Ít-ra-en không được thờ phượng Chúa theo cách dân ngoại thờ phượng các thần của họ, nhất là những cách tế tự của người Ca-na-an (Đnl 12:29-31).  Đời sống luân lý đạo đức phải phản ảnh lòng bác ái yêu thương của Thiên Chúa, trong đời sống gia đình cũng như ngoài xã hội.  Nói tóm lại, Thiên Chúa muốn dân Người phải từ bỏ lối sống của dân ngoại và một lòng thờ phượng Thiên Chúa.  Vì tính cách quan trọng của việc chọn lựa này, nên ông Mô-sê muốn nhắc nhở họ:  “Những lời tôi sắp nói đây, anh em phải ghi lòng tạc dạ, phải buộc vào tay làm dấu, mang trên trán làm phù hiệu”.

          Nhưng Ít-ra-en có thực thi những điều ông Mô-sê dặn dò hay không, ta đã biết qua lịch sử của họ.  Những bất trung, những lơ là nhẹ dạ của họ thường đã phải đánh đổi bằng những đau khổ nhục nhằn họ phải chịu do thống trị của ngoại bang, bị phát lưu làm tôi mọi cho Ba-by-lon…  Lịch sử Ít-ra-en cũng là lịch sử của mỗi người con cái Chúa.  Ta chọn lựa làm con cái Chúa, nhưng những sa ngã yếu đuối của ta chứng tỏ rằng ta thường chọn mục đích, nhưng lại không muốn chọn phương tiện, muốn được Chúa chúc phúc, nhưng lại không muốn sống lối sống của người Ki-tô hữu.

2.  Chọn lựa của Ki-tô hữu:  chọn đồng hành với Đức Ki-tô (bài đọc Tân Ước – Rm 3:21-25a.28)

          Dân Do-thái tự hào về Lề Luật Mô-sê và cho rằng nguyên việc giữ luật ấy cũng đã đủ làm cho họ trở nên công chính.  Họ đã đặt sai vấn đề.  Làm cho ta trở nên công chính không phải là bản chất của Lề Luật, vì tự nó Lề Luật chỉ là những điều nhắc nhở ta phải làm thế này thế nọ, cũng không phải chính ta làm cho ta nên công chính khi ta tuân giữ Lề Luật, nhưng đó là công việc của một mình Thiên Chúa mà thôi.  Thánh Phao-lô đã trình bày kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa trên nền tảng công chính hóa, tức là việc Thiên Chúa làm cho ta trở nên công chính.  Ngài nêu lên chân lý cốt yếu của kế hoạch ấy như sau:  “Người ta được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ lòng tin vào Đức Giê-su Ki-tô”.

          Chân lý này vô cùng tinh tế và có thể gây hiểu lầm cho một số người.  Khẳng định của thánh Phao-lô gồm có hai điều:  a) Thiên Chúa làm cho ta nên công chính, và b) nhờ lòng tin vào Đức Giê-su Ki-tô.  Đúng vậy, kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa nhắm mục đích đưa ta đến chung phần hạnh phúc với Người.  Hành trình ấy khởi đầu bằng việc làm cho ta trở nên công chính, tức là thay đổi căn tính của ta từ một kẻ thù nghịch với Thiên Chúa và không có tư cách đứng thẳng trước mặt Chúa trở thành con cái Người và được gọi Người là Abba (Cha ơi!).  Người thay đổi căn tính của ta bằng cách sai Con Một là Đức Ki-tô đến và chết để chuộc tội lỗi ta.  Với căn tính mới làm con cái Thiên Chúa, ta sẽ bắt đầu đồng hành với Đức Ki-tô để tiến về quê hương đích thực là nhà Cha.  Nhưng làm sao ta có thể đồng hành với Đức Ki-tô nếu ta không có lòng tin vào Đức Ki-tô.  Đối nghịch với chân lý này trước hết là người Do-thái phủ nhận vai trò của Đức Ki-tô và chủ trương nguyên việc giữ Luật Mô-sê đã đủ để cứu độ họ.  Tiếp đến là nhiều hệ phái Tin Lành cho rằng nguyên lòng tin vào Đức Ki-tô sẽ cứu độ ta, chứ không phải chính Đức Ki-tô đã đổ máu chuộc tội và đồng hành để cứu độ ta.

          Còn ta, những anh chị em Công giáo, trước hết tin rằng việc ta được trở nên công chính hoàn toàn là “do ân huệ Thiên Chúa ban không”, vì ta chẳng bao giờ xứng đáng để Chúa phải cho ta được nên công chính.  Thứ hai, chính Đức Ki-tô là Đấng cứu độ ta chứ không phải việc giữ luật hoặc lòng tin của ta cứu độ ta.  Lòng tin chỉ là cách ta tiếp nhận ơn cứu độ của Đức Ki-tô, hay nói khác đi, lòng tin của ta vào Đức Ki-tô là cách ta đáp trả lời mời gọi cứu độ của Thiên Chúa.  Con đường cứu độ của ta bắt đầu với việc được rửa tội làm con Chúa.  Thứ đến ta phải tiếp tục đồng hành với Đức Ki-tô, nghĩa là “nghe những lời Thầy nói đây mà đem thực hành” trong suốt cuộc sống trần gian của ta.

3.  Từ nghe đến thực hành (bài Tin Mừng – Mt 7:21-27)

          Chọn Đức Ki-tô tức là ta theo làm môn đệ Người.  Môn đệ nghe lời giảng của Thầy, nhưng có thực hành lời dạy của Thầy hay không thì lại là chuyện khác.  Từ nghe đến thực hành, con đường quả là dài dằng dặc.  Ta nghe Lời Chúa biết bao nhiêu lần và bao nhiêu điều, nhưng sống và thực hành Lời Chúa thì được bao nhiêu?  Để diễn tả hai việc, nghe Lời Chúa và thực hành, nghe Lời Chúa và không thực hành, Chúa Giê-su dùng hình ảnh xây nhà trên đá và xây nhà trên cát.  Xây nhà trên đá là hình ảnh quen thuộc đối với người Do-thái, vì hầu như nơi nào cũng thấy đá, đá làm nền, đá xây tường, kể cả đá dùng để… ném người có tội!  Đá cứng rắn, có đủ sức chống chọi với mưa gió và thời gian.  Thánh vịnh ví Thiên Chúa như núi đá cho ta trú ẩn (Tv 28:1; 31:4), thật là chí lý và dễ hiểu.  Căn nhà đứng vững hay không là nhờ nền nhà.  Ta làm môn đệ Chúa giống như làm công việc xây nhà.  Nghe lời Chúa và thực hành là những yếu tố nền tảng của việc làm môn đệ.  Nghe mà thực hành thì là nền đá.  Nghe mà không thực hành thì là nền cát.  Ta kêu “lạy Chúa! Lạy Chúa!” nghĩa là ta chọn Đức Ki-tô làm Thầy.  Nhưng ta nghe lời Chúa mà đem ra thực hành thì ta mới là môn đệ chân chính.  Thiếu gì người chỉ muốn làm môn đệ kiểu “lạy Chúa, lạy Chúa”, môn đệ hữu danh vô thực!  Thiếu gì người mang danh Công giáo, nhưng cuộc sống chẳng nói lên được căn tính Công giáo chút nào!  Nghe Chúa dạy yêu thương hoặc nói về yêu thương đâu có gì khó và không đủ để chứng tỏ ta là môn đệ Chúa.  Nhưng sống yêu thương mới cho người khác thấy ta thực sự là môn đệ Chúa vì ta đã sống giống như Chúa vậy.

          Muốn nghe lời Chúa đâu có gì khó.  Chỉ cần ta có đôi tai tốt, nếu không đã có những dụng cụ trợ thính.  Nhưng muốn thực hành lời Chúa, ta cần phải nghe không chỉ bằng đôi tai, nhưng còn bằng con tim nữa.  Với con tim, ta đón nhận lời Chúa với tất cả lòng khao khát mến yêu, với tình tôn kính Đấng phán dạy ta và với ý chí ta quyết tâm làm điều Chúa dạy.  Ở đây Chúa Giê-su tỏ mình ra là Thiên Chúa, vì những từ “lạy Chúa, lạy Chúa” được sử dụng cho Thiên Chúa lại được Chúa Giê-su áp dụng cho chính Người.  Người là Lề Luật Mới thay thế cho Luật Mô-sê.  Người là con đường, sự thật và sự sống.  Do đó, nghe và thực hành lời Chúa là ta đi trên con đường, nhận biết sự thật và chiếm hữu sự sống đích thực.

4.  Sống Lời Chúa

          Khi được rửa tội, ta chọn Chúa Giê-su làm Đấng cứu độ ta và hứa sống xứng đáng như con cái Chúa.  Lời hứa rửa tội hoặc sống như môn đệ Chúa đòi hỏi ta phải lắng nghe Chúa dạy ta qua Kinh Thánh và đem những điều ấy áp dụng vào đời sống hằng ngày.  Ta trả cái giá chọn lựa khi ta chống lại lối sống đi ngược với những giá trị Tin Mừng, một lối sống đầy quyến rũ của quyền lực, danh vọng và thú vui chóng qua.  Thiên Chúa lấy cái chết của Đức Ki-tô để làm cho ta được trở nên con cái Người.  Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu của tiến trình cứu độ.  Ta cần phải sống theo lời dạy và gương mẫu của Đức Ki-tô, Con Yêu Dấu của Thiên Chúa, để hoàn tất hành trình đức tin nơi trần gian này.

Suy nghĩ:  Môn đệ chân chính là những ai nghe lời Chúa mà đem ra thực hành.  Còn những hạng môn đệ đầu môi chót lưỡi thì chỉ biết kêu “lạy Chúa, lạy Chúa” mà không thực hành lời Chúa, có khi còn làm ngược lại.  Tôi lắng nghe lời Chúa, nhưng đã thực sự sống lời Chúa chưa?  Tôi có thể sống lời Chúa rõ ràng nhất tại đâu và khi nào?

Cầu nguyện:  Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin giúp mỗi người chúng con hằng để tâm suy nghĩ những gì thiêng liêng cao thượng, và biết dùng lời nói việc làm mà thực thi những điều đẹp ý Chúa.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật 7 mùa thường niên)                 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi         

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà