GIẤC MƠ HÒA BÌNH

 

Chúa Nhật 2A Mùa Vọng

 

 

 

 

Nhân loại khao khát hòa bình.   Nhưng lúc nào thế giới cũng căng thẳng vì những mâu thuẫn về nhiều phương diện.   Ai có thể đem lại cảnh hòa bình trăm họ ?   Có thể có hòa bình thực sự trên trái đất không ?

 

MỘT THÁCH ĐỐ.

 

Ngôn sứ Isaia đã phác ra một cảnh tượng không thực.  Làm sao “sư tử cũng ăn rơm như bò” được ?  Cảnh không tưởng đó diễn tả chính xác giấc mộng hòa bình của nhân loại.  Mộng bao giờ mới thành sự thật ?  Đó là một thách đố.   Ngày xưa người Do thái cứ tưởng dòng máu Abraham bảo đảm họ được giải thoát và sống bình an trong Nước Chúa.   Nhưng ông Gioan Tẩy giả đã vạch rõ giấc mộng hoang tưởng đó (x. Mt 3:9).   Thiên Chúa không bao giờ lệ thuộc bất cứ khuôn khổ nào.   Trái lại, muốn thuộc về Dân Chúa, muốn được cứu độ, muốn hưởng hòa bình chân chính, “hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối.” (Mt 3:8)   Tội lỗi làm tê liệt mọi sinh lực. 

Tội lỗi hàng đầu phải kể là bất công.   Đó là nguyên nhân mọi xáo trộn và chiến tranh.  Chẳng hạn, trong cộng đoàn Giáo hội tiên khởi, đã có bất công trong tương quan giữa giới cắt bì và không cắt bì.   Bởi đấy, khi viết Tin Mừng hậu Phục sinh, bận tâm lớn nhất của thánh Mathêu là phải dẹp tan nguy hiểm lớn lao đó.   Nếu không, cộng đoàn sẽ sụp đổ.   Muốn chấm dứt bất công, “hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.” (Mt 3:3)   Rõ ràng đây là những hình ảnh sống động phác họa những cắc cớ trong tâm tư và tương quan nhân loại.  Thánh Gioan Tẩy giả còn mạnh mẽ lên tiếng : “Cái rìu đã đặt sát gốc cây : bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa.” (Mt 3:10)   Nguy cơ cận kề chấm dứt mọi niềm hi vọng.   Bởi thế, muốn sống, “anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần.” (Mt 3:2)   Sám hối để xứng đáng đón nhận hồng ân lớn lao là Nước Trời.  Nước Trời không thể chồng chất những bất công, vì “Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần.” (Rm 17:17)    Nói khác, Nước Trời không phải là vấn đề lợi lộc cá nhân hay tập thể, nhưng là sự công chính làm cho con người sống hòa hợp và vui tươi.

Thực tế, phe nhóm Pharisêu và Xađốc đã làm những gì đến nỗi thánh Gioan chỉ thẳng mặt: “Hỡi nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy ?” (Mt 3:7)   “‘Nòi rắn độc’ không phải chỉ là một từ nguyền rủa, nhưng còn phác họa hình ảnh những ông thày chuyên dạy những điều độc hại, sai lầm và bất công làm hư hoại quần chúng.” (NIB 1995:157) Giữa một xã hội đang được hướng dẫn sai lầm như thế, tất nhiên tận thâm tâm con người phải mong chờ một vị thày quyền thế có sức chuyển núi dời non.  Lúc đó thiên hạ đang hướng về ông Gioan.  Quả thực, “bấy giờ, người ta từ Giêrusalem và khắp miền Giuđê, cùng khắp vùng ven sông Giođan, kéo đến với ông.” (Mt 3:5)   Lời giảng này đã đánh động muôn người, đến nỗi “họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giođan.” (Mt 3:6)

Nhưng giữa lúc mọi người đặt tất cả niềm hi vọng nơi ông Gioan, thì chính ông lên tiếng : “Phần tôi, tôi làm phép rửa cho các anh bằng nước để giục lòng các anh sám hối.” (Mt 3:11)   Oâng đã nhìn thấy giới hạn của chính mình nơi lời giảng và phép rửa. Tất cả chỉ để chuẩn bị cho một nguồn ân sủng vô cùng lớn lao.   Vua công chính sắp đến với muôn dân để đem lại cảnh thái bình trăm họ.  Quả thế, chính ông Gioan giới thiệu : “Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người.   Người sẽ làm phép rửa cho các anh bằng Thánh Thần và bằng lửa.” (Mt 3:11)   Thánh Thần chính là lửa Đức Giêsu ném xuống trần gian để thiêu rụi những rơm rác bất công.   Quả thực, “Thần khí Đức Chúa sẽ ngự trên  vị này : thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa.” (Is 11:2)   Để xây dựng lại trần gian, cả ông Gioan lẫn Đức Giêsu đều bắt đầu bằng lời kêu gọi sám hối. Không sám hối, không thể đón nhận được Nước Thiên Chúa.

Lòng sám hối phải biến thành việc phục vụ.   Quả thực, mặc dù là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu cũng đã bị “Thiên Chúa biến thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta.” (2 Cr 5:21)   Bởi vậy, Người không còn con đường nào khác để bước vào vinh quang Thiên Chúa ngoài việc phục vụ cho đến chết trên cây thập giá.   Quả thế,  “Đức Kitô có đến phục vụ những người được cắt bì, để thực hiện những gì Thiên Chúa đã hứa với tổ tiên họ.  Còn các dân ngoại có được tôn vinh Thiên Chúa, thì đó là do lòng thương xót của Người.” (Rm 15:8)  Phục vụ vô giới hạn.  Chính vì thế, Người trở thành nguyên động lực “làm cho anh em được đồng tâm nhất trí với nhau.” (Rm 15:5)  Sự công chính của Thiên Chúa đã đổi mới tương quan nhân loại và trở thành nguyên nhân đưa lại hòa bình và hạnh phúc cho toàn thế giới.

 

HÒA BÌNH HÔM NAY.

 

Chưa nhìn ra nguồn hạnh phúc và bình an đó, con người vẫn ngụp lặn trong nỗi lo sợ và hoang mang.   Điểm nóng Palestine chưa xong, nhân loại đã phải hồi hộp theo dõi cuộc chiến Afghanistan.   Thời chiến tranh lạnh mấy lần thế giới căng thẳng tới tột độ vì hiểm họa nguyên tử.   Chưa hết bài toán Cộng sản, nhân loại lại cắm đầu giải quyết vấn nạn các nước Hồi giáo.  Nhưng đầu mối gây nên chiến tranh chính là sự bất công thâm căn cố đế trong mọi cơ chế và nếp sống con người.   Trước mắt ai cũng tưởng diệt được quân khủng bố, thế giới sẽ vui hưởng hòa bình.   Nhưng theo Đức Thượng phụ Michel Sabbah, “đánh bại chủ nghĩa khủng bố phải gắn liền với công lý về kinh tế.” (VietCatholic 30/11/2001)   Không phải chỉ có công bằng trong việc phân chia của cải.   Hơn nữa, sự bất công còn tràn ngập trong các lãnh vực văn hóa, chính trị, tôn giáo v.v.   Aâu Mỹ vẫn tự hào về nền văn minh Tây phương cao vượt hơn tất cả mọi nền văn mình khác trên thế giới.   Người da trắng vẫn tự cho mình có quyền bá chủ về mọi phương diện.   Các cuộc viện trợ vẫn thường kèm theo ý đồ chính trị.   Các cường quốc vẫn tìm cách thống trị ngay cả khi làm việc nhân đạo. 

Bởi thế, khi được vực dậy khỏi cảnh bần cùng, người nghèo bỗng thấy mình không còn được làm người nữa.  Cảnh người áp bức người phổ biến khắp hoàn cầu.   Bất công có nền tảng sâu xa nơi sự chênh lệch về quyền bính và của cải.   Đức Thượng Phụ Michel Sabbah cũng đồng ý như thế khi nói: “Sự khác biệt toàn cầu là mối nguy căn bản cho nền an ninh thế giới.” (VietCatholic 30/11/2001)  Lối sống ích kỷ và bất công hoàn toàn dựa trên sự khác biệt đó.   Chính ĐGH Gioan Phaolô II “đã nhắc nhở mọi người về những thách đố chính chúng ta phải đương đầu hôm nay gồm nền văn hóa hưởng thụ, ích kỷ, và sự chết.   Khắp nơi đang phổ biến một lối sống dựa trên nhưng tiêu chuẩn hoàn toàn vật chất, lối sống khuyến khích việc cạnh tranh tiêu thụ.” (CWNews 30/11/2001)  

Sự thật đã được phơi bày ra ánh sáng.   Nhưng ai dám nhìn thẳng vào sự thật đó ?     Nếu nhìn thẳng vào sự thật, người ta sẽ thấy phải canh tân tinh thần đạo đức sâu xa và tìm một hướng sống đem lại hạnh phúc và tự do đích thực.   Đó chính là sựï sám hối chân thật. Thực vậy, “sám hối hay thống hối là sự chuyển hướng tinh thần tận căn, từ tình trạng tội lỗi trở về với Thiên Chúa.” (Fahey 1994:19)   Muốn sám hối, Kitô hữu cần biết lắng nghe, ngay cả khi phải nghe những điều chói tai.  Có chấp nhận người khác như tôi tớ và sứ giả Thiên Chúa ngay cả khi họ không thuộc về cùng cộng đoàn với chúng ta, mới có thể đối thoại với nhau.  Từ đó mới có hòa bình lý tưởng như ngôn sứ Isaia đã mơ về thời Thiên sai …

(Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP)


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà