Chúa Nhật III Mùa Vọng, A

(2007)

 

          Đấng Cứu Thế đầy quyền năng Thánh Thần đang đến gần.  Nhưng thái độ chờ đợi lại có thể khác biệt nơi con người.  Dân Do-thái đang sống dưới ách thống trị của đế quốc Rô-ma, nên nóng lòng chờ đợi một vị anh hùng xuất hiện để giải phóng họ.  Những kẻ bần cùng lép vế và sống bên lề xã hội thì chờ đợi một nhà cách mạng đến để xóa đi những bất công và phục hồi nhân phẩm cho họ.  Ai ai cũng nôn nóng với câu hỏi:  khi nào mới có được vị anh hùng hay nhà cách mạng như thế?  Những khát vọng đầy tính cách chính trị xã hội chỉ là bề mặt của nhân loại, trái lại, những khát vọng sâu xa của con người sống dưới ách thống trị của tội lỗi mới quan trọng hơn.  Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, đặc biệt là bài đọc Cựu Ước và bài Tin Mừng, đã soi sáng cho ta hiểu ý nghĩa đích thực của việc giải phóng.

1.  Cái nhìn Cựu Ước về giải phóng: “Chính Thiên Chúa sẽ đến cứu anh em” (bài đọc Cựu Ước – Is 35:1-6a.10)

          Sống trong hoàn cảnh chính trị thời bị đô hộ, ta dễ dàng bị lôi cuốn vào khát vọng chung của dân tộc là mong được giải phóng.  Có thể khát vọng của dân Do-thái không thể vượt qua được giới hạn chính trị, mặc dù các vị ngôn sứ thường cho họ thấy liên hệ giữa sự kiện họ bất trung với Thiên Chúa và sự kiện họ bị ngoại bang đánh phá hoặc thống trị.  Cứ mỗi lần họ bỏ Thiên Chúa để thờ phượng các thần ngoại là quốc gia họ gặp tai ương, chiến tranh, lưu đày…  Do đó, người ta dễ dàng nhận ra những điều xảy đến ấy là những dấu chỉ nhắc nhở họ quay về với Thiên Chúa.  Do-thái là nước nhỏ bé giữa những lân bang hùng mạnh như Xi-ri, Ai-cập, Rô-ma.  Cho nên khi họ cầu cứu với Thiên Chúa thì không khỏi vẫn mang màu sắc chính trị của một chế độ thần quyền.

          Có một người đến nói thay cho Thiên Chúa để hướng dẫn dân Chúa vượt qua hàng rào chính trị trần thế mà bước sang lãnh vực thiêng liêng.  Người ấy là ngôn sứ I-sai-a.  Từng bước, I-sai-a giúp ta hiểu giải phóng đích thực là gì.  Do thống trị của tội lỗi, thế giới ta sống đã trở thành “sa mạc và đồng khô cỏ cháy”.  Bóng đen tội lỗi đã bao phủ địa cầu.  Ai có thể biến sa mạc thành núi Li-băng và Các-men bốn mùa xanh tươi, và đồng khô cỏ cháy thành đồng bằng Sa-ron đất đai màu mỡ?  Thực là một hình ảnh sống động giúp dân Chúa xác tín rằng ngoài Thiên Chúa ra không ai có thể thực hiện được “phép lạ”, diệt trừ sức mạnh và quyền năng của tội lỗi.  Chống cự với tội lỗi khiến con người mệt mỏi, bàn tay rã rời, đầu gối bủn rủn.  Con người sắp bước vào tuyệt vọng, thì đây, lời ngôn sứ vang lên:   “Can đảm lên, đừng sợ!  Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công phạt tội.  Chính Người sẽ đến cứu anh em.”  Sứ điệp của I-sai-a thật rõ ràng:  Thiên Chúa đến không để phục thù cho người Do-thái về nỗi tủi nhục bị đô hộ, nhưng để thưởng công phạt tội, tức là thuộc lãnh vực thiêng liêng.  Người đến cứu ta khỏi tội lỗi và những hệ quả nó gây ra khiến ta không thể tiếp cận với Thiên Chúa và đồng loại.  Những căn bệnh mù lòa, câm điếc, tê liệt tinh thần ngăn cản ta nhìn thấy Chúa, nghe tiếng Chúa, đến với Chúa.  Đối với anh chị em cũng vậy, mối quan hệ giữa ta với họ bị những căn bệnh ấy của tội lỗi ngăn cách ta với anh chị em.

          Sứ điệp của I-sai-a không dành riêng cho dân Do-thái, nhưng cho toàn thể nhân loại mọi thời mọi nơi.  Nếu vậy, Thiên Chúa đang đến với mỗi người để cứu ta.  Ngôn sứ bảo:  Thiên Chúa của anh em đây rồi!  Người ở bên ta, trong tâm hồn ta, trong anh chị em.  Người muốn mở mắt, mở tai, chữa lành ta.  Nhưng chính ta phải chủ động xin Người:  “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được” (Mc 10:51), hoặc “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (Lc 5:12).

2.  Cái nhìn Tân Ước về giải phóng: Thiên Chúa đến cứu ta qua Đức Giê-su (bài Tin Mừng – Mt 11:2-11)   

          Ngôn sứ I-sai-a trong Cựu Ước đã giúp ta hiểu đâu là việc giải phóng đích thực, thì vị ngôn sứ của Tân Ước là Gio-an Tẩy giả sẽ chỉ cho ta biết Thiên Chúa thực hiện việc giải phóng ấy thế nào.  Khi Chúa Giê-su bắt đầu thi hành sứ vụ cứu thế là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Emmanuel) rồi.  Tuy nhiên không ai có thể tin được việc Thiên Chúa đến với ta bằng cách làm người.  Ngay cả ông Gio-an có lẽ cũng chưa hoàn toàn tin, mặc dù ông đã nghe người ta kể lại những việc Chúa Giê-su làm.  Ông muốn đích thân nghe Chúa Giê-su xác quyết điều ông tin, nhưng Chúa chỉ muốn cho ông biết qua những nhân chứng do chính ông sai đến, cho nên Người bảo họ:  “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: người mù xem thấy, kẻ què bước đi, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng”.

          Tuy nhiên ta đừng bỏ qua lời nhắn cuối cùng của Chúa Giê-su, vì nó vô cùng quan trọng:  “Và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi”.  Đây là lời mở đầu để Chúa Giê-su nói về ông Gio-an.  Ông là người đầu tiên nhận ra Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế khi ông còn trong lòng mẹ (Lc 1:41) cũng như khi ông rao giảng sám hối và làm phép rửa (Ga 1:36).  Tuyên bố “Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” là Chúa Giê-su muốn ám chỉ ông Gio-an, khẳng định ông là người có phúc.  Tin Mừng muốn đặt ông Gio-an như là “gương mẫu” cho những người tin vào Chúa Ki-tô.  Ông tin vì đã nhận ra việc làm của Chúa Giê-su thể hiện những điều các vị ngôn sứ đã tiên báo trong Cựu Ước, nhất là ngôn sứ I-sai-a.  Chẳng những ông tin, mà ông còn được Thiên Chúa Cha đặt làm “sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến”.  Để nói lên sự cao trọng của ông, Chúa Giê-su đã khéo léo sử dụng kiểu so sánh kín đáo:  trong nhân loại không có ai hơn ông Gio-an, thì trong Nước Trời cũng chẳng có ai hơn ông Gio-an.  Tại sao?  Bởi vì nếu kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông Gio-an giữa nhân loại thì ông Gio-an trong Nước Trời đâu phải là kẻ nhỏ nhất!

3.  Để được giải phóng, “anh em hãy bền tâm vững chí, vì ngày Chúa quang lâm đã gần tới” (bài đọc Tân Ước – Gc 5:7-10) 

          Được giải phóng nghĩa là được cứu độ.  Công trình cứu độ của Thiên Chúa sẽ hoàn tất vào ngày Chúa quang lâm, tức là ngày Chúa Giê-su lại đến lần thứ hai để xét xử muôn loài.  Nhưng đối với từng người, ngày Chúa lại đến với ta chính là giây phút ta phải lìa bỏ cõi đời và bị xét xử trước mặt Người.  Dù ta có sống lâu trăm tuổi thì ngày Chúa lại đến với ta cũng chẳng là mấy.  Xa gần không còn là quan trọng nữa, nhưng quan trọng là ta phải chờ đợi ngày ấy như thế nào.  Thánh Gia-cô-bê Tông đồ là người cha rất thực tế.  Lời khuyên của ngài không nặng phần lý thuyết, nhưng đơn giản và dựa vào kinh nghiệm sống.  Ngài chỉ nêu lên một điểm: cứ kiên nhẫn cho tới ngày Chúa quang lâm, vì “Vị Thẩm Phán đang đứng ngoài cửa”.  Rồi ngài giải thích thế nào là kiên nhẫn qua kinh nghiệm nhà nông.  Nông gia phải đợi mưa xuống cho hoa màu.  Chưa có mưa thì cũng cứ đợi, vì mưa là nhân tố quan trọng cho cây cỏ.  Tuy nhiên đợi không có nghĩa là ngồi đấy không làm gì cả hoặc làm bậy làm xằng, nhưng nông gia sẽ sử dụng thời giờ để làm những việc khác ích lợi cho mình, cho gia đình, cho làng xóm.  Như thế thánh Tông đồ muốn diễn tả sự chờ đợi của Ki-tô hữu gồm có hai mặt: một đàng tin tưởng và trông đợi vào ơn cứu độ của Chúa như nông gia đợi mưa, đàng khác sử dụng thời giờ mà làm việc tốt và sống đời Ki-tô xứng đáng, “không phàn nàn kêu trách lẫn nhau”.

4.  Sống Lời Chúa

          Ngôn sứ I-sai-a và thánh Gio-an Tẩy giả đã giúp ta có cái nhìn đúng đắn về việc giải phóng hoặc cứu độ.  Còn thánh Gia-cô-bê Tông đồ thì giúp ta một lời khuyên thực tế làm thế nào để chờ đợi ngày Chúa quang lâm cho phải.  Chúa Giê-su đã đến với ta để cứu thoát ta.  Người đang ở đây rồi!  Người đến để dạy ta sống như con cái Thiên Chúa.  Nhưng ta có tiếp đón Người hay không lại là chuyện khác.  Ta cần phải gặp gỡ Người, yêu mến Người, trung thành theo Người và trở nên giống Người.  Nếu ta luôn sống trong quan hệ mật thiết với Người, thì ngày Người đến phán xét ta, Người sẽ nhận biết ta là bạn hữu của Người.

Suy nghĩ:  Chúa Giê-su khẳng định:  “Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi”.  Có những người vấp ngã vì Chúa Giê-su, nghĩa là họ không muốn tin Chúa và sứ mệnh của Người.  Tôi có thuộc hạng người đó không?  Nhiều khi tôi sống không xứng danh là Ki-tô hữu, đó là những lúc nào?

Cầu nguyện:  Lạy Chúa, Chúa đã sai Con Một giáng trần, để biến đổi chúng con thành tạo vật mới, thành những công trình của lòng Chúa yêu thương.  Này chúng con đang chờ Người ngự đến, xin đoái nhìn và thanh tẩy chúng con khỏi mọi vết nhơ con người cũ.  Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  (Lời nguyện nhập lễ, Thứ Ba tuần III mùa Vọng).

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà