Chúa Nhật IV mùa Vọng,
A
2007
Nói
với sứ giả do ông Gio-an sai đến, Chúa Giê-su tuyên bố: “Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi”
(Mt 11:6). Biết bao người đã vấp ngã vì
Chúa Giê-su, bởi nhiều lý do. Một trong
những lý do đáng kể nhất, đó là vì xuất xứ tầm thường của Người. Trước hết là dân thành Na-da-rét, quê hương của
Người. Họ xì xầm: “Ông ta không phải là bác thợ, con bà
Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Gio-xê, Giu-đa và Si-mon sao?” (Mc
6:3). Trước khi được gọi làm môn đệ, ông
Na-tha-na-en đã chẳng có ấn tượng gì đối với xuất xứ của Chúa Giê-su. “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được?”
(Ga 1:46). Nhưng có lẽ tranh luận sôi nổi
nhất về xuất xứ của Chúa Giê-su vẫn là tranh luận giữa Người với nhóm
Pha-ri-sêu, đặc biệt trong Tin Mừng Gio-an.
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay giúp ta hiểu Đấng Cứu Thế, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta,
xuất thân từ đâu.
1.
“Xét như một người phàm, Đức Giê-su Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua
Đa-vít” (bài đọc Tân Ước – Rm 1:1-7)
Thần học gia Phao-lô Tông đồ cho ta một
cái nhìn tổng quát về thân thế của Chúa Giê-su Ki-tô. Ngài cho ta thấy hai hình ảnh liên hệ với sứ
vụ cứu thế của Chúa: con vua Đa-vít và
Con Thiên Chúa, hoặc Chúa Giê-su vừa là người vừa là Thiên Chúa, tức
Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.
Sự kiện Con Thiên Chúa làm người đến với
nhân loại được gọi là “Tin Mừng của Thiên Chúa”. Tin Mừng này đã được chính Thiên Chúa loan
báo lần đầu tiên tại vườn Địa đàng và Người “đã dùng các ngôn sứ của Người mà hứa
trước trong Kinh Thánh”. Thiên Chúa đã
chuẩn bị cho việc Người đến. Nhìn lại lịch
sử cứu độ, Đấng làm chủ thời gian và không gian đã không phá bỏ luật tự nhiên,
nhưng Người đã khép mình vào giới hạn không gian và thời gian, làm người và chọn
một dân tộc với quê hương để đi vào lịch sử nhân loại. Từ khi gọi ông Áp-ram rời bỏ quê cha đất tổ để
đến nơi xa lạ, Thiên Chúa muốn thiết lập một dân biết hoàn toàn đặt niềm tin và
hy vọng vào Người. Chỉ có niềm tin tuyệt
đối mới giúp ta được cứu rỗi. Rồi từ khi
dân riêng ấy thành hình, điều Thiên Chúa đòi hỏi vẫn luôn là lòng tin, lòng tin
được rèn luyện qua những gian nan thử thách, tại quê nhà cũng như tại xứ Ai-cập. Song song với cuộc đào tạo lòng tin ấy, Thiên
Chúa dùng các vị ngôn sứ để nhắc nhở, loan báo và mặc khải kế hoạch cứu độ của
Người. Lời hứa tại vườn Địa đàng được lập
lại nhiều lần và dân Chúa phải luôn đặt hy vọng vào lời hứa ấy. Cùng với lịch sử Ít-ra-en, kế hoạch của Thiên
Chúa mỗi ngày một rõ hơn. Ngôn sứ
Giê-rê-mi-a cho thấy Đấng cứu tinh xuất thân từ dòng dõi Đa-vít (Gr 23:1-8;
33:14-16).
Con vua Đa-vít là danh hiệu diễn tả xuất
xứ trần thế của Chúa Giê-su, là “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa
chúng ta” (Ga 1:14). Chúa Giê-su “đã
cùng mang lấy huyết nhục” của ta, để “nhờ cái chết của Người, Người đã tiêu diệt
tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ, và đã giải thoát những ai vì sợ chết
mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ” (Dt 2:14-15). Khi đã toàn thắng sự chết và tội lỗi, Chúa
Giê-su đã được Thiên Chúa Cha “đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền
năng”. Như thế, thánh Phao-lô muốn trình
bày xuất thân của Chúa Giê-su là từ Thiên Chúa đến với ta qua dòng dõi vua
Đa-vít, để sau khi hoàn tất kế hoạch cứu độ, với tính cách là Con Thiên Chúa,
Người sẽ đưa mọi kẻ “thuộc về Người” về lại với Thiên Chúa Cha.
2.
Cha mẹ của Chúa Giê-su (bài Tin Mừng
– Mt 1:18-24 và bài đọc Cựu Ước – Is 7:10-14)
Trong dòng dõi vua Đa-vít, có một người
“công chính” đã được Thiên Chúa chọn làm cha nuôi của Con Một Người, để khi
sinh ra, Con Một Người được trở thành một phần tử đích thực của nhà
Đa-vít. Người ấy là thánh Giu-se, hậu duệ
của vua Đa-vít. Danh nghĩa vợ chồng giữa
thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a chỉ có tính cách pháp lý, mục đích duy nhất là để thực
hiện lời hứa của Thiên Chúa: “Từ gốc tổ
Gie-sê sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy sẽ mọc lên một mầm non. Thần khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này…” (Is
11:1-2). Gie-sê là cha của vua Đa-vít.
Thánh Mát-thêu rất cẩn thận khi nhắc đến
cha mẹ Chúa Giê-su. Trước hết, khi nói về
Đức Mẹ, ngài viết: “Sau đây là gốc tích
Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà
đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần”.
Ngay sau tên Ma-ri-a, thánh sử thêm cụm từ “mẹ Người” là có ý cho ta hiểu
rằng chỉ có một mình Đức Ma-ri-a là mẹ Chúa Giê-su theo ý nghĩa trọn vẹn của một
bà mẹ như bao bà mẹ khác, đồng thời cũng là cụm từ sẽ được giải thích ngay sau
đó, là “bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần”.
Còn khi nói về thánh Giu-se, thánh sử muốn
nhấn mạnh đến nguồn sốc “con cháu Đa-vít” và đề cao sự công chính của
ngài. Sứ thần Chúa hiện ra với thánh
Giu-se để bênh vực cho sự công chính của Người.
Vì Người công chính không muốn làm hại thanh danh của Mẹ Ma-ri-a nên định âm thầm bỏ đi. Còn sứ thần Chúa lại bảo đảm cho sự công
chính của Người nên bảo Người đừng ngại đón Mẹ Ma-ri-a về nhà. Rồi để chứng tỏ đức công chính của thánh
Giu-se, sứ thần Chúa còn trao cho Người nhiệm vụ “phải đặt tên cho con trẻ là
Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”. Việc đặt tên mang ý nghĩa một người có quyền
trên người họ đặt tên, giống như ông A-đam được Chúa ban quyền đặt tên cho muôn
vật, tức là A-đam có quyền trên những vật ấy (St 2:19-20). Ở đây thánh Giu-se đặt tên cho con trẻ là
Giê-su, nghĩa là “Thiên Chúa cứu độ”. Nếu
vậy thì vai trò của thánh Giu-se đối với kế hoạch cứu độ đâu phải tầm thường. Quả thực là tuyệt vời: từ sự công chính của thánh Giu-se đã nảy sinh
“Đấng công chính của Thiên Chúa” để đem sự công chính là ơn cứu độ đến cho mọi
người! Thêm vào lời biện minh của sứ thần
Chúa, thánh sử Mát-thêu cũng dẫn chứng lời ngôn sứ I-sai-a (7:14) để gián tiếp
tán dương sự công chính của thánh Giu-se:
Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi
tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. Nếu để ý, ta nhận thấy ở đây nhắc đến hai
danh hiệu của Hài Nhi: Giê-su, tên do thánh Giu-se đặt, và Em-ma-nu-en, tên do
người ta gọi con trẻ của Trinh Nữ. Phải
chăng ý nghĩa của hai danh hiệu ấy cũng nói lên nhiệm vụ của cha mẹ Chúa
Giê-su? Thánh Giu-se thì chủ động việc
giới thiệu Đấng cứu độ cho nhân loại, còn Mẹ Ma-ri-a thì đem Thiên Chúa đến ở lại
với loài người.
3.
“Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em
ân sủng và bình an” (Rm 1:7)
Nếu
hiểu rõ Chúa Giê-su Ki-tô xuất thân từ Thiên Chúa xuống làm người trong lòng Mẹ
Ma-ri-a và thi hành sứ vụ cứu độ như ý nghĩa tên Giê-su do thánh Giu-se đặt cho
Người, ta sẽ biết tại sao thánh Phao-lô đã chào thăm tín hữu Rô-ma với những lời
như trên. Ân sủng và bình an. Đó là món quà vô cùng quý giá Thiên Chúa ban
cho nhân loại và nhân loại cũng chẳng cần gì hơn ngoài ân sủng và bình an.
Ân
sủng trọn vẹn là chính Chúa Ki-tô, “Con
Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1:14), để “Từ nguồn sung mãn của Người, tất
cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1:16). Còn bình an thì chỉ có vị “Thủ Lãnh hòa bình”
(Is 9:5) mới có thể ban cho ta sự bình an của Người, “sự bình an không như thế
gian ban tặng” (Ga 15:27), nói khác đi, đó là ơn giải thoát hoặc ơn cứu độ chỉ
một mình Chúa mới có thể ban cho ta.
Không
một lời chúc nào đẹp, ý nghĩa và thích hợp trong mùa Giáng Sinh cho bằng lời
chúc của thánh Phao-lô Tông đồ gửi đến tín hữu Rô-ma. Tuy nhiên lời chúc đó cũng là một đề tài
phong phú giúp ta hiểu rõ hơn ý nghĩa đích thực của việc Thiên Chúa đến ở cùng
ta và cứu độ ta. Điều cần thiết là ta phải
biết tiếp nhận Ân Sủng (Đức Ki-tô) và Bình An (ơn cứu độ). Mở rộng tâm hồn để Ân Sủng đến với ta, sống
trong ta, biến đổi ta, khi ấy ta mới cảm nghiệm được Bình An, cảm nghiệm được
mình đang thuộc về Đức Giê-su Ki-tô. Tuy
nhiên, uống nước thì phải nhớ nguồn. Ta
nhận được Ân Sủng và Bình An cũng là nhờ Mẹ Ma-ri-a và Thánh Giu-se, những vị
đã làm gương mở lòng cho Thiên Chúa để đón nhận Ân Sủng và Bình An và trao lại
cho toàn thể nhân loại.
4.
Sống Lời Chúa
Các
bài đọc đưa ta trở lại với những lời hứa ban Đấng Cứu Thế của Thiên Chúa, đồng
thời cũng cho ta cơ hội suy ngắm việc Thiên Chúa thực hiện lời hứa ấy như thế
nào. Người đã tuyển chọn dân riêng, đặc
biệt là dòng dõi vua Đa-vít để ban cho ta Đấng Cứu độ. Tuy nhiên ta không thể không nhớ đến vai trò
của những vị được Thiên Chúa cho trực tiếp cộng tác vào việc thực hiện lời hứa
của Người, đó là Đức Trinh Nữ Ma-ri-a và Thánh Cả Giu-se, nhờ các ngài mà ta được
đón nhận Ân Sủng và Bình An của Thiên Chúa.
Suy nghĩ: Thánh Phao-lô Tông đồ nói về sứ vụ của
ngài: “Tôi là Phao-lô, tôi tớ của Đức
Ki-tô Giê-su; tôi được gọi làm Tông Đồ, và dành riêng để loan báo Tin Mừng của
Thiên Chúa” (Rm 1:1). Còn tôi, tôi phải
định nghĩa sứ vụ của tôi như thế nào? Và
tôi có thi hành sứ vụ như Chúa đã gọi tôi hay không? Tôi cần phải học hỏi nơi thánh Phao-lô điều
gì để có thể chu toàn sứ vụ?
Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con
sắp mừng lễ Giáng Sinh của Con Chúa. Người
là Ngôi Lời đã không quản mặc lấy xác phàm trong lòng Trinh Nữ Ma-ri-a và ở giữa
chúng con, thì xin Người cũng tỏ cho chúng con là tôi tớ thấp hèn thấy lòng
Chúa từ bi nhân hậu. Người là Thiên Chúa
hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, đến muôn thuở
muôn đời. A-men. (Lời nguyện nhập lễ ngày 23-12).
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi