Chúa Nhật Phục Sinh A
Chỉ có đức tin mới cho ta biết Chúa đã sống lại
(Cv 10,34a.37-43; 1C 5,6b-8; Yn 20,1-9)
Phúc
Âm: Yn 20, 1-9
"Người
phải sống lại từ cõi chết".
Ngày
đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng
đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia
được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: "Người ta đã lấy xác
Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu". Phêrô và
môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn
Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng
ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và
thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này
không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia
mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa
hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.
Chúa
Nhật Phục Sinh
Cv
10,34a.37-43; 1C 5,6b-8; Yn 20,1-9
Ðức
Kitô đã sống lại, thì chúng ta phải làm gì? Dường như các bài đọc Kinh Thánh
hôm nay muốn trả lời câu hỏi ấy. Chúng ta có cần phải ra đi kiểm chứng lại sự
kiện mồ trống như hai Tông đồ trong bài Tin Mừng không? Hay chúng ta chỉ cần
tin vào lời giảng dạy của Giáo Hội như thời các tín hữu đầu tiên? Hoặc hơn nữa
chúng ta phải có một thái độ mới và một nếp sống mới như bài thư hôm nay nói?
Chúng
ta sẽ lần lượt tìm hiểu sứ điệp của bài Tin Mừng, của bài sách Công vụ các Tông
đồ và của bài thư 1 Corinthô.
A.
Bài Tin Mừng Yoan
Rõ
ràng bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe có một cái gì giống như bài Tin Mừng trong
thánh lễ ban đêm. Cả hai đều khởi đầu bằng việc Maria ra viếng mộ Chúa. Nhưng
rồi lập tức mỗi tác giả đi theo hướng riêng của mình. Yoan có lối trình bày của
ông. Ông chỉ kể tên một bà Maria Magđala, đang khi Matthêô nói đến hai người
theo thói quen gấp đôi của ông. Yoan ngược lại thích nói đến một người để nhấn
mạnh đến suy tư, thân mật và khiến độc giả chú trọng hơn vào nhân vật trong
truyện. Ông cũng thích nói đến ánh sáng và tối tăm, nên viết: sáng Ngày thứ
nhất, lúc trời hãy còn tối, Maria ra mộ. Ông có nghĩ đến hình ảnh người phụ nữ
đi tìm người yêu lúc đêm khuya ở trong sách Diệu ca không?
Dù
sao, Yoan không chú trọng đến mồ trống. Ðó là sự kiện rõ ràng. Trọng tâm bài
tường thuật của ông nhắm vào suy nghĩ về sự kiện ấy. Người không có đức tin đã
nói như Maria: "Họ đã lấy xác Thầy khỏi mộ rồi, và chẳng biết chúng đã để
Người ở đâu". Lập tức Phêrô và người môn đệ khác đã chạy ra mộ. Phêrô chạy
ra vì là Tông đồ trưởng. Người môn đệ kia cũng phải đến vì là Tông đồ Chúa yêu.
Ðàng khác chứng của hai người sẽ có giá trị. Người Tông đồ Chúa yêu chạy nhanh
hơn vì tình yêu vốn mau lẹ và vì trong Phúc Âm Yoan, người đó luôn gần Chúa hơn
hết. Phêrô quan sát cẩn thận, kiểm kê đầy đủ. Nhưng mắt môn đệ kia tinh hơn,
theo nghĩa tình yêu sớm linh cảm được sự việc. Cũng như có lần khác, ông đã báo
cho Phêrô biết: Kìa Thầy đang đi trên nước! Lần này ông cũng sớm nhận ra: Người
đã sống lại. Ông đã thấy và đã tin.
Phêrô
có tin không? Câu kết của bài Tin Mừng dường như muốn khẳng định rằng họ đều đã
tin. Và đồng thời câu kết ấy cũng muốn nói lên điều này: lòng tin dựa vào chứng
từ (của lời giảng hay của mồ trống) chỉ hoàn toàn sau khi bắt nối với Lời Tiên
tri. Ý của Yoan muốn nói rằng: ai cũng nghe nói về sự kiện mồ trống, nhưng
người ta sẽ chẳng tin bao lâu "chưa hiểu Lời Kinh Thánh là Người phải sống
lại từ cõi chết".
Như
vậy bài Tin Mừng hôm nay khuyên mọi người muốn tin vào việc Chúa sống lại, thì
không cần sưu tra về sự kiện mồ trống hay tìm hiểu các lần Chúa hiện ra, nhưng
hãy hiểu Lời Kinh Thánh nói rằng Con Người sẽ từ cõi chết sống lại. Và như thế,
đúng như Yoan đã viết trong câu truyện về Thôma: con thấy nên con đã tin, nhưng
phúc cho những ai không thấy mà tin. Với tư tưởng ấy, Yoan vừa nói cùng người
đồng thời với mình đã thấy mồ trống, vừa nhắn nhủ các thế hệ đến sau chẳng nhìn
thấy gì cả. Người thấy cũng hãy tin như Tông đồ kia; và người không thấy cũng
hãy dựa vào Lời Kinh Thánh mà tin. Chỉ có đức tin mới cho ta biết Chúa đã sống
lại. Ðó là sứ điệp của bài Tin Mừng hôm nay.
B.
Bài Sách Công Vụ Các Tông Ðồ
Còn
Phêrô trong bài sách Công vụ, nói với cử tọa trong nhà Cornêliô còn có thêm một
sứ điệp nữa. Những người ngồi trước mặt ông đều kính sợ Chúa. Hơn nữa họ đã mời
ông tới đây để biết phải làm gì. Thế nên ông chỉ cần vắn tắt giới thiệu cho họ
biết Chúa Cứu thế. Và dĩ nhiên ở đây sách Công vụ vẽ lại một vài nét của sách
Tin Mừng Luca, vì theo truyền thống tác giả cả hai sách chỉ là một. Sách Tin
Mừng Luca đã nói Ðức Kitô được xức dầu và đầy quyền năng; Người luôn luôn thi
thố lòng thương xót khi chữa bệnh tật; nên ở đây sách Công vụ cũng nói Người đã
được xức dầu Thánh Thần và quyền năng, và Người đã từng đi lại chữa lành nhiều
đau khổ. Cuối cùng Người đã bị treo lên cây gỗ, nhưng Thiên Chúa đã cho Người
sống lại.
Phêrô
không nói đến mồ trống; ông nại đến việc Chúa hiện ra với các Tông đồ là những
chứng nhân của việc Người phục sinh vì sau khi sống lại Người đã từng ăn uống
với họ. Tuy nhiên đó cũng vẫn chưa phải là sứ điệp Phêrô muốn trình bày. Ðiều
cốt yếu đối với ông và đối với mọi người bây giờ là nhìn nhận nơi Ðức Kitô Phục
sinh, Ðấng "đã được Thiên Chúa đặt làm Thẩm phán trên người sống và kẻ
chết". Và điều này buộc người ta phải kiểm điểm lại đời sống, có lòng
thống hối ăn năn và cầu xin ơn tha tội.
Phêrô
đã đạt được điều đó nơi Cornêliô và gia quyến ông. Khi trích lại câu truyện
này, Phụng vụ cũng muốn được nhìn kết quả ấy nơi mỗi người chúng ta. Nói cách
khác, trong ngày lễ Phục sinh, Phụng vụ không chỉ muốn chúng ta tin vào mầu
nhiệm Chúa sống lại, mà còn muốn chúng ta hành động phù hợp với niềm tin kia.
Việc Chúa Phục sinh không phải chỉ là sự kiện khách quan, tức là chỉ liên quan
tới Chúa; nhưng việc ấy còn chi phối định mệnh của mọi người; vì Ðức Kitô Phục
sinh từ nay đã là Thẩm phán của người sống và kẻ chết. Không ai đứng trước mặt
Vị Thẩm phán xét xử mình mà lại không phải tự kiểm điểm. Trong trường hợp chính
Chúa là Thẩm phán, thì chúng ta chỉ còn có thái độ thống hối ăn năn và xin ơn
tha thứ.
Ðó
cũng là điều mà thư Phaolô hôm nay muốn khai triển.
C.
Bài Thánh Thư
Phaolô
trong thư này đang phàn nàn về câu chuyện tai tiếng xảy ra trong giáo đoàn: có
kẻ dám sống loạn luân với vợ của cha mình. Ðừng tưởng đó chỉ là chuyện một con
sâu làm rầu nồi canh; nhưng phải cẩn thận kẻo "chỉ một tí men là đã làm
dậy cả khối bột", nghĩa là tội lỗi kia có thể lây sang làm hư hỏng cả giáo
đoàn.
Việc
Phaolô ví tội lỗi như một tí men, cũng dễ hiểu thôi: chính Ðức Kitô cũng đã có
lần căn dặn môn đệ phải coi chừng men Biệt phái, là ảnh hưởng của lập trường
tại hại của họ. Là vì tuy men làm cho bột dậy, nhưng bánh có men lại chóng hư
nát. Bản chất của men là làm hư hỏng những gì nó ăn sang. Nên ví tội lỗi làm hư
đời sống như men cũng thật là dễ hiểu.
Ðàng
khác kiểu ví này đưa ngay Phaolô vào một vấn đề tôn giáo và thích hợp để khuyên
bảo tín hữu. Mọi người đều biết: Luật pháp cấm dùng bánh có men khi ăn lễ Vượt
qua. Thế nên các Luật sĩ căn dặn người ta: trước khi ăn lễ Vượt qua phải thắp
đèn đi soi mọi ngóc ngách trong nhà kẻo nhỡ ra còn sót lại một chút men nào.
Nếu người Dothái ăn lễ Vượt qua còn như vậy, thì huống hồ là người Kitô hữu. Họ
không đang sống dưới chế độ Vượt qua sao? Và hằng ngày họ không cử hành mầu
nhiệm Phục sinh là gì? Kìa xem người Dothái khi thấy Chiên Vượt qua bị sát tế,
là lập tức mau mau vứt men đi để làm lễ. Trong Kitô giáo Chiên Vượt qua là Ðức
Kitô đã bị sát tế rồi. Vậy mọi tín hữu phải mau mau vứt bỏ men tội lỗi làm hư
hỏng đời sống, để mừng lễ, không phải với bánh có men gian tà và độc ác, nhưng
với bánh không men tức là với lòng tinh tuyền và chân thật.
Tất
cả chúng ta đang sống trong chế độ mừng lễ. Ngày nào chúng ta cũng cử hành mầu
nhiệm Phục sinh. Thánh Phaolô bảo ta phải hân hoan, vì đó là tư cách của người
mừng lễ. Phụng vụ giục ta hãy vui mừng Allêluia! Nhưng muốn hân hoan thật phải
có lòng tinh tuyền chân thật, tức là phải vứt bỏ men tội lỗi gian tà làm hư hỏng
đời sống. Ai làm cho ta được một lương tâm như vậy, nếu không phải Vị Thẩm phán
mà Thiên Chúa đã đặt lên khi cho Người sống lại từ cõi chết? Chính việc Người
Tử nạn-Phục sinh đã ban ơn tha thứ tội lỗi, rửa các linh hồn nên sạch, khiến họ
được vui mừng như các tạo vật mới. Chúng ta hãy đi vào mầu nhiệm chết và sống
lại của Người trong thánh lễ này để được tha thứ tội lỗi, được hồi sinh và hân
hoan, hầu như tạo vật mới, đem sức sống mới vào đời, chứng tỏ Ðức Kitô đã phục
sinh không những ở nơi Người, nhưng ngay nơi chúng ta là những bánh không men
của lễ Phục sinh năm nay.
(Trích
dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của
Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)