CHÚA NHẬT PHỤC SINH, A

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Gio-an 20:1-9)

          Có khi nào chúng ta thắc mắc tại sao Phụng vụ Lời Chúa chính ngày Phục Sinh chỉ sử dụng bài Tin Mừng của thánh Gio-an cho cả ba chu kỳ Phụng vụ A, B và C không?  Có lẽ chúng ta có thể trả lời sau khi đọc kỹ câu chuyện Ngôi mộ trống trong cả bốn sách Tin Mừng để nhận ra điểm đặc biệt và quan trọng của đoạn Tin Mừng Gio-an 20:1-9.

          Trước hết ba sách Tin Mừng Nhất lãm đều kể lại câu chuyện các bà đi thăm mộ Chúa và nhận thấy ngôi mộ trống, rồi theo lời giải thích của sứ thần, các bà về nhà báo tin cho các môn đệ.  Các ông đều không tin.  Còn trong câu truyện do thánh Gio-an kể lại, chính ông Phê-rô và người môn đệ Chúa yêu thương (có lẽ là ông Gio-an), đã tận mắt nhìn thấy những vết tích trong ngôi mộ.  Rồi thánh sử viết một câu rất ý nghĩa:  “Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào.  Ông đã thấy và đã tin”.  Đây chính là điểm đặc biệt và có thể là lý do tại sao đoạn Tin Mừng này được sử dụng cho cả ba năm chu kỳ phụng vụ.

          Sau khi được bà Ma-ri-a Mác-đa-la báo tin là xác Chúa đã bị đánh cắp, ông Phê-rô và “người môn đệ kia” hối hả chạy ra mộ để kiểm tra hư thực. Tới nơi họ thấy quả đúng như lời bà Ma-ri-a Mác-đa-la nói.  Xác Chúa thì không thấy, nhưng những đồ để khâm liệm thì còn để lại.  Có thể các ông lý giải:  Nếu quả thực là xác Chúa bị đánh cắp, không lẽ kẻ cắp còn có đủ thì giờ và lý trí để gỡ từng cuốn băng vải và gấp khăn che mặt lại cẩn thận rồi để riêng một nơi!  Từ suy nghĩ này, họ đi tới một kết luận:  có lẽ Chúa đã sống lại thật rồi.  Sau khi họ nhớ lại lời Kinh Thánh nói “Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết”, niềm tin Chúa phục sinh được xác định và củng cố.

          Nhìn lại diễn tiến câu chuyện, chúng ta tin rằng thánh Gio-an muốn trình bày niềm tin vào Chúa Phục sinh là một diễn trình dựa trên việc loan báo hoặc rao giảng, suy luận của lý trí và quan trọng hơn cả là quả quyết của Kinh Thánh.  Có nhiều học giả Kinh Thánh cho rằng “người môn đệ kia” không phải là ông Gio-an như truyền thống thường hiểu, nhưng là nhân vật biểu tương cho một gương mẫu đức tin.  Người môn đệ vô danh ấy chính là gương mẫu để tất cả chúng ta phải bắt chước.  Đối với mầu nhiệm Chúa phục sinh cũng như những mầu nhiệm khác, người muốn có đức tin đều phải là người “đã thấy và đã tin”.  Thấy không phải bằng con mắt thể xác, nhưng là con mắt nội tâm có thể cảm nghiệm được những gì Chúa đã thực hiện cho chúng ta và vì chúng ta.

          Phụng vụ Lời Chúa chính ngày lễ Phục Sinh sử dụng câu chuyện do thánh Gio-an kể lại như một mô thức của đức tin thiết yếu không thể thay đổi.  Tin Mừng Gio-an cũng như nhiều thư của Phao-lô là những suy tư thần học về Thiên Chúa và kế hoạch cứu độ của Người, về ý nghĩa của những biến cố và hoạt động của Chúa Giê-su Ki-tô, mà niềm tin vào Chúa Phục Sinh là cốt lõi của Ki-tô giáo, như thánh Phao-lô đã quả quyết:  “Nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1 Cô-rin-tô 15:14).

 

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Có thể chúng ta đã quen với lối diễn tả sống đức tin vào sự Phục sinh là chết đi con người cũ của chúng ta để sống đời sống mới trong Thánh Thần.  Tuy nhiên trong bài đọc Tân Ước hôm nay, thánh Phao-lô đề nghị với chúng ta một lối sống niềm tin vào sự Phục sinh rất thực tế và sống động.  Ngài nói:  “Chúng ta đừng lấy men cũ, là lòng gian tà và độc ác, nhưng hãy lấy bánh không men là lòng tinh tuyền và chân thật, mà ăn mừng đại lễ” (1 Cô-rin-tô 5:8).  Ngài bảo chúng ta là “bánh không men”, được làm nên do men mới là chính Chúa Ki-tô.  Chúng ta “ăn mừng đại lễ” cũng có nghĩa là sống mầu nhiệm Phục Sinh, sống với “lòng tinh tuyền và chân thật”.  Cuộc đời Ki-tô hữu là một tiến trình “loại bỏ men cũ để trở thành bột mới”.  Cuộc loại bỏ và trở thành ấy diễn ra trong mọi nỗ lực của chúng ta, là “trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô” vậy!                                                 

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi

19-4-2011                              


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A