Chúa Nhật 3 Mùa Phục Sinh Năm A
Loan báo Nước Trời và đổi mới con người
(Cv 2,14.22-28; 1P 1,17-21; Lc 24,13-35)
Phúc Âm: Lc 24, 13-35
"Hai ông đã nhận ra Người
lúc bẻ bánh".
Cùng ngày thứ nhất trong tuần,
có hai môn đệ đi đến một làng tên là Emmaus, cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm.
Dọc đường, các ông nói với nhau về những việc vừa xảy ra. Ðang khi họ nói truyện
và trao đổi ý kiến với nhau, thì chính Chúa Giêsu tiến lại cùng đi với họ,
nhưng mắt họ bị che phủ nên không nhận ra Người. Người hỏi: "Các ông có
truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?" Một người tên là
Clêophas trả lời: "Có lẽ ông là khách hành hương duy nhất ở Giêrusalem mà
không hay biết những sự việc vừa xảy ra trong thành mấy ngày nay". Chúa hỏi:
"Việc gì thế?" Các ông thưa: "Sự việc liên can đến ông Giêsu quê
thành Nadarét. Người là một vị tiên tri có quyền lực trong hành động và ngôn
ngữ, trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng. Thế mà các trưởng tế và thủ
lãnh của chúng ta đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh Người vào thập giá.
Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu
Bấy giờ Người bảo họ:
"Ôi kẻ khờ dại chậm tin các điều tiên tri đã nói! Chớ thì Ðấng Kitô chẳng
phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?" Ðoạn Người bắt đầu
từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh
Thánh chỉ về Người. Khi gần đến làng hai ông định tới, Người giả vờ muốn đi xa
hơn nữa. Nhưng hai môn đệ nài ép Người rằng: "Mời ông ở lại với chúng tôi,
vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn". Người liền vào với các ông.
Ðang khi cùng các ông ngồi bàn,
Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và
nhận ra Người. Ðoạn Người biến mất. Họ bảo nhau: "Phải chăng lòng chúng ta
đã chẳng sốt sắng lên trong ta, khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh
Thánh cho chúng ta đó ư?" Ngay lúc ấy họ chỗi dậy trở về Giêrusalem, và
gặp mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp. Họ bảo hai ông: "Thật
Chúa đã sống lại, và đã hiện ra với Simon". Hai ông cũng thuật lại các
việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.
Suy Niệm:
Chúa Nhật III Phục Sinh
Cv 2,14.22-28; 1P 1,17-21;
Lc 24,13-35
Như Ðức Kitô đã dùng Thánh Kinh
để giải thích cho hai môn đệ tin vào mầu nhiệm Người sống lại mà hồi sinh, Phụng
vụ hôm nay cũng muốn dùng các bài chúng ta vừa nghe đọc để khai sáng tâm trí ta
hiểu hơn về việc Chúa phục sinh hầu được tinh thần mới và nếp sống mới.
A. Bài Sách Công Vụ
Trước hết chúng ta hãy để tai
nghe lời thánh Phêrô. Nói đúng hơn chúng ta hãy khảo sát bài đọc I, vì diễn từ
chúng ta vừa nghe là của tác giả sách Công vụ hơn là của chính thánh Phêrô.
Hôm ấy là ngày lễ Ngũ Tuần. Các
môn đệ vừa được đầy Thánh Thần. Thiên hạ chen nhau tuốn đến nhà các ngài vì nghe
tiếng động từ trời vang xuống nơi đó. Phêrô đứng lên cùng với 11 Tông đồ và cất
tiếng nói với dân. Ông phải giải thích cho mọi người hiểu: Chính Ðức Kitô phục
sinh vừa gửi Thần trí của Người xuống trên các môn đệ. Ðiều quan trọng là phải
làm chứng việc Người đã sống lại vì ơn để Thánh Thần xuống chỉ là điều tất yếu
phải theo sau. Việc làm đó thật tế nhị và cũng khó; vì Phêrô phải nói với những
người mà đa số cũng đã nghe đầu mục Dothái xúi giục đòi đóng đanh Ðức Yêsu.
Nhưng tác giả bản văn đã rất tài tình. Ông vắn tắt phác lại hình ảnh Ðức Yêsu,
một Ðấng đã được Thiên Chúa chứng nhận bằng bao việc kỳ diệu, tức là như một
tiên tri, nói đúng hơn như một Môsê; "Thế mà anh em đã giết Người",
lẽ ra ông chỉ cần nói như thế. Nhưng không! Ông đã khéo léo chữa lỗi cho họ.
Chính theo ý định đã vạch sẵn và sự dự tri của Thiên Chúa mà Người đã bị nộp,
rồi họ mới dùng tay kẻ vô đạo mà giết Người. Nhưng đây mới là điều quan trọng:
Thiên Chúa đã phục sinh Người từ kẻ chết để ứng nghiệm lời tiên tri Ðavít. Quả
thật, Thánh vịnh 16 có câu: Người không để Ðấng Thánh của Người phải thấy mục
nát.
Rõ ràng Phêrô không nại đến sự
kiện mồ trống. Ông cũng không nói đến những lần Chúa sống lại hiện ra. Có thể
những chuyện đó đã được đồn đãi nhiều nhưng không gây được sự nhất trí. Ðó chỉ
là những dấu hiệu cần được giải thích. Cũng như việc Thánh Thần hiện xuống hôm
nay cũng chỉ là một dấu hiệu. Ðối với Phêrô chẳng lời giải thích nào đáng tin
như lời Thánh Kinh. Ông dẫn giải Thánh Kinh để soi sáng hiện tượng, để kêu gọi
lòng tin. Và hôm đó ông đã thu phục được "lối ba ngàn linh hồn".
Chúng ta tưởng chính thánh Phêrô
đã sáng nghĩ ra đường lối ấy sao? Ðó chỉ là phương pháp Ðức Yêsu đã làm khi còn
tại thế và lúc đã sống lại. Cuộc đàm đạo của Người với hai môn đệ trên đường
Emmau sẽ làm chứng điều đó.
B. Bài Tin Mừng Luca
Tác giả sách Công vụ và sách
Tin Mừng Luca chỉ là một, nên bài Tin Mừng hôm nay có nhiều nét giống với bài Công
vụ mà chúng ta vừa khảo sát.
Câu chuyện được kể bắt đầu xảy
ra vào buổi sáng ngày Chúa Nhật Phục sinh và kết thúc vào buổi tối. Hai môn đệ
chứ không phải hai Tông đồ đi đường đến Emmau. Họ trở về nhà sau khi đã chứng
kiến những sự việc xảy ra tuần rồi ở Yêrusalem? Luca kể họ đang nói với nhau
những chuyện đó và buồn rầu vì thất vọng. Họ đã tưởng Ðức Yêsu sẽ cứu chuộc
Người khách lạ vừa đến nói ngay
với họ: Hỡi những kẻ ngu độn và trí lòng chậm tin vào mọi điều các tiên tri đã
nói. Ông ta là ai mà dám nói thẳng như thế? Lời kia không giống lời Ðức Yêsu
nói hôm nào khi môn đệ ở trên thuyền đánh thức Người dậy lúc sóng nước làm thuyền
sắp chìm sao? Hai môn đệ kia chưa nhận ra Người. Nhưng Người dẫn giải Thánh
Kinh đến đâu, lòng họ nóng lên đến đó và cuối cùng họ đã nhận ra Người khi bẻ
bánh.
Câu kết của câu chuyện rất quan
trọng. Hai môn đệ trở về Yêrusalem tức khắc. Họ chưa kịp kể chuyện của mình thì
các Tông đồ đã cho họ biết: "Thực thế, Chúa đã sống lại và đã hiện ra cho
Simon". Người ta có thể đoán sau đó câu chuyện họ kể không còn hào hứng
nhiều nữa vì không còn hi hữu và mới mẻ gì.
Chúng ta tiếc vì Luca đã kết
thúc câu chuyện như vậy sao? Nhưng dường như đó là chủ ý cuối cùng với câu kết lại
làm cho người nghe hết hào hứng. Là vì đối với ông, việc Chúa hiện ra với hai
môn đệ, dù có thật và phấn khởi, vẫn chỉ là phụ thuộc. Ðức tin của chúng ta về
việc Chúa sống lại chỉ căn cứ vào nhân chứng của các Tông đồ mà đứng đầu là
Phêrô. Câu "Chúa đã sống lại và hiện ra với Phêrô", tuy vắn tắt, khô khan,
nhưng chính là đá tảng vững vàng xây lên Hội Thánh. Mọi câu chuyện khác về việc
ấy chỉ là trang trí.
Và quả thật Luca đã có ý trang
hoàng câu chuyện của ông hơn là ghi lại trung thực một sự kiện y như đã xảy ra.
Rõ ràng ông đã có ý muốn cho có nhiều chuyện xảy ra trong ngày thứ nhất trong
tuần để tô điểm ngày ấy nên ngày Phục sinh. Ông là "y sĩ" ưa nói đến
lòng thương xót của Chúa, nên câu chuyện ông kể có vẻ tâm tình và khiến lòng
bốc cháy. Ông chỉ là một môn đệ và mất ý thức về vai trò của các Tông đồ, nên
muốn cho các chuyện của môn đồ đứng hàng thứ sánh với sự nghiệp của các Tông
đồ. Nhất là ông muốn viết một tác phẩm sau khi đã sưu tra và xếp đặt cho có đầu
có ngọn; do đấy câu chuyện của ông có nhiều nét chắc chắn , tức là diễn tả
nhiều điểm đức tin vững vàng: nào là hình ảnh Ðức Yêsu được phác họa như một tiên
tri hứa hẹn nhiều hy vọng, nào là sự kiện mồ trống với lời thuật của các phụ nữ
được trình bày một cách khách quan và chưa có lời giải thích. Nhất là Luca muốn
nhấn mạnh: các môn đệ chậm tin lời tiên tri, chẳng hiểu gì về mầu nhiệm Thập
giá và phải đọc lại Lời Thánh Kinh để thấy ánh sáng cứu độ. Khi nhắc lại lời
Chúa nói ở trên biển bão táp. Luca ngầm ví việc Người chịu chết như khi Người
ngủ trên thuyền; môn đồ hốt hoảng, nhưng tỉnh dậy Người đưa họ vào bến bình an.
Cũng vậy, việc Người sống lại kéo họ ra khỏi vực sâu sự chết. Họ phải nhờ Thánh
Kinh để nhận ra mầu nhiệm này và đức tin của họ sẽ đạt tới cao điểm trong việc
bẻ bánh.
Ở đây ta cũng nên hỏi: có thật
Ðức Kitô đã làm lễ nghi bẻ bánh với hai môn đệ không? Suy nghĩ kỹ, ta nên kết
luận: có lẽ không, vì Người đang hiện diện ở đó, không cần đến bí tích làm gì,
bởi lẽ bí tích là để thay thế hiện diện. Ðó có thể chỉ là bữa ăn thường, nhưng
Luca đã hữu ý dùng những từ ngữ của việc bẻ bánh để mô tả (như khi kể việc Chúa
làm phép lạ hóa bánh ra nhiều: 9,16), để đề ra một ẩn ý thần học: niềm tin vào
việc Chúa sống lại đạt tới cao điểm trong việc bẻ bánh, tức là nơi bí tích
Thánh Thể và bữa ăn này thực hiện lời hứa sẽ cho môn đệ vào dự bàn tiệc Nước
Trời khi Người lên nơi vinh hiển.
Như vậy, câu chuyện hai môn đệ
trên đường Emmau hôm nay không những hấp dẫn, nhưng nhất là sâu sắc. Nó diễn tả
quan niệm của Luca về việc Chúa sống lại. Có những sự kiện dẫn tới niềm tin ấy
như sự kiện mồ trống và việc Chúa hiện ra. Nhưng đức tin thật sự của ta phải căn
cứ vào chứng tá của các Tông đồ mà đứng đầu là Phêrô và vào sự tìm hiểu Kinh Thánh.
Ðức tin ấy đạt tới mức độ đầy đủ trong việc cử hành bàn tiệc Thánh Thể loan báo
Nước Trời và đổi mới con người, làm cho họ mến Chúa nồng nàn và nhiệt thành
truyền giáo.
Ðó cũng là những tư tưởng mà
bài sách Công vụ đã thoáng thấy. Nói đúng hơn vì viết sau bài Tin Mừng, diễn từ
của Phêrô là một bản văn súc tích, gồm đủ các yếu tố mà Luca đã trình bày trong
bài Tin Mừng.
Phụng vụ hôm nay đọc lại cho
chúng ta nghe những lời Kinh Thánh ấy để làm gì?
C. Bài Thư Phêrô
Tất nhiên đã có nhiều điều chúng
ta có thể đem ra ứng dụng và thi hành sau khi hiểu biết các bài đọc trên. Chúng
ta đã hiểu rõ hơn về niềm tin của chúng ta đối với việc Chúa sống lại. Và muốn
hun đúc niềm tin ấy để đổi mới con người và cuộc đời, chúng ta cũng phải bắt
chước hai môn đệ, để Thần Trí Chúa phục sinh hướng dẫn mình đọc lại Kinh Thánh
và tham dự các buổi phụng vụ Thánh Thể.
Nhưng để giúp chúng ta có một
thái độ cụ thể, Phụng vụ đã trích một đoạn thư Phêrô. Tác giả không nói gì mới
lạ, chỉ xinh chúng ta đánh giá đúng ân sủng đã nhận được. Nhờ Ðức Kitô chúng ta
đã tin vào Thiên Chúa (c.21), xưng tụng Người là Cha (c.17), nhìn nhận Người là
Thẩm phán chí công, thì hãy sống trong lòng kính sợ Người. Lý do là vì niềm tin
của chúng ta thật là đắt giá. Nó đã được trả bằng Máu châu báu của Ðức Kitô và
chỉ có Máu Người mới trả được. Thế nên chúng ta phải bảo toàn niềm tin ấy, tức
là hy vọng của chúng ta luôn phải hướng về Thiên Chúa (c.21), là sống trong
lòng kính sợ (kẻo mất) Người.
Giờ đây chúng ta sẽ cử hành mầu
nhiệm Thánh Thể, nhắc nhở việc Chúa chịu chết và sống lại, nhận thức đức tin
của chúng ta đã được trả bằng Máu châu báu của Người, chúng ta hãy mở mắt tinh
thần ra như hai môn đệ Emmau và như những người đã nghe bài diễn từ của Phêrô.
Và lòng chúng ta hãy nồng nàn lên khi thấy Chúa hiện diện nơi Thánh Thể. Chúng
ta hãy quyết tâm đổi đời như lối "ba ngàn người" nghe Phêrô nói ngày
trước; và chúng ta hãy ra về trở lại với đồng bào như hai môn đệ Emmau. Chúng
ta sẽ làm như họ, tin tưởng tuyệt đối vào mầu nhiệm Phục sinh, khai triển lời
Kinh Thánh trong đời sống, làm chứng Ðức Kitô đã sống lại đang kêu gọi mọi người
hiểu biết kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa mà phấn chấn trong cuộc sống, nhiệt
tình xây dựng hạnh phúc, vì này, sức mạnh của Chúa đi kèm công việc của những
người đã tin Ðức Yêsu Kitô sống lại từ kẻ chết.
(Trích
dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức
cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)