CHÚA NHẬT III PHỤC SINH

Đức tin từ Kinh Thánh đến Bí tích Thánh Thể

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Lu-ca 24:13-35)

          Câu chuyện hai môn đệ Em-mau nói lên một hành trình đức tin thật sống động.  Cuộc hành trình khởi đầu từ tình trạng “Mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Đức Giê-su” và tiến tới thời điểm “Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người”.  Vậy trong giai đoạn hình thành và củng cố đức tin ấy, họ đã làm gì và Chúa Giê-su đã can thiệp ra sao?

          Trước hết chúng ta phải công nhận rằng hai môn đệ Em-mau là những người đã sống niềm hy vọng, hy vọng Chúa Giê-su sẽ cứu độ Ít-ra-en.  Ít ra họ đã tiến một bước khá xa trong hành trình đức tin, thay vì coi Chúa Giê-su như một nhà giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ ngoại bang thì họ đã “hy vọng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en”.    Họ hy vọng như thế, vì họ đã chứng kiến “câu chuyện ông Giê-su Na-da-rét”.  Họ đã nghe Người giảng dạy và thấy những phép lạ Người làm.  Quả thực Người là một ngôn sứ đầy uy thế trước mặt Thiên Chúa và toàn dân.  Nhưng điều gì đã ngăn cản không cho họ nhận ra Chúa Giê-su là Đấng cứu độ, đến nỗi họ vẫn lẩn quẩn trong niềm hy vọng?  Đó chính là cái chết của Người trên thập giá.  Họ không thể hiểu được tại sao Người phải chết và họ cũng không thể tin được Người đã sống lại.  Như vậy là bây giờ ngay cả niềm hy vọng của họ cũng tiêu tan!

          Tuy nhiên trong giai đoạn cực kỳ khủng hoảng này của hành trình đức tin, Chúa Giê-su đã giúp họ hiểu ý nghĩa cái chết và sự phục sinh của Người.  Người sử dụng toàn bộ Kinh Thánh Cựu Ước để “giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người”.  Cách giải thích của Chúa đã làm cho lòng họ bừng cháy lên, vì chính người trong cuộc nói cho họ thì phải rất ấn tượng rồi!  Nhưng Chúa Giê-su không vội vàng.  Người biết rằng nếu họ chỉ nghe Người giải thích Kinh Thánh thôi chưa đủ, mà còn phải nhìn thấy một dấu ấn nào đó độc đáo của Người nữa.  Cử chỉ “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ” là hành vi bí tích duy có Chúa Giê-su làm mà thôi.  Cử chỉ ấy giúp họ nhận ra tình yêu và chăm sóc Người dành cho họ, giống như “Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en” đã làm khi Người thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng.  Chúa Giê-su đã khéo léo và nhẫn nại dẫn dắt hai môn đệ Em-mau đi theo con đường Kinh Thánh và dừng lại ở Bí tích Thánh Thể, để họ được “mở mắt ra và nhận ra Người”.  Phần hai môn đệ Em-mau, họ đã biết chăm chú lắng nghe “người khách lạ” và nhất là “nài ép mời Chúa ở lại với họ”.  Đó cũng là giai đoạn mở lòng cần thiết để đón nhận niềm tin vào Chúa Giê-su.

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Hai môn đệ Em-mau vừa kịp nhận ra Chúa thì Người lại biến mất!  Có phải đó chính là bối cảnh để chúng ta sống đức tin vào Chúa Phục sinh không?  Chúa Giê-su biến đi để chúng ta trở lại với cuộc sống và bổn phận hằng ngày của chúng ta.  Người phải biến đi để chúng ta cũng giống như hai môn đệ Em-mau, là phải đứng dậy lên đường loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho anh chị em.  Mỗi người chúng ta đều có một cách riêng và một hoàn cảnh độc đáo để nói lại cho anh chị em biết những gì Chúa đã làm cho chúng ta và chúng ta “đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh”.

          Có khi nào chúng ta dành một chút thời giờ để nhìn lại hành trình đức tin của chính mình không?  Nhiều khi tự mãn với đức tin của người “đạo dòng” được thừa hưởng từ ông bà cha mẹ, chúng ta không hăng hái muốn “biết” thêm về Chúa qua Kinh Thánh, mà chỉ giữ một đức tin rất mù mờ và nông cạn.  Có lẽ cũng ít khi chúng ta có được cảm nghiệm “lòng chúng ta đã bừng cháy lên”, vì chúng ta không thích đọc, suy niệm và cầu nguyện Kinh Thánh, hoặc chúng ta không mấy quan tâm đến những bài giảng trong Thánh lễ.

          Chúa Giê-su “biến mất” trước mắt hai môn đệ, nhưng Người đã “ở lại” trong tâm hồn các ông để giục giã các ông lên đường thi hành sứ mệnh.  Cũng thế, Chúa Giê-su không “hiện ra” trước mắt chúng ta, nhưng Người ngự giữa tâm hồn chúng ta, hòa tan vào thân xác và linh hồn chúng ta qua Bí tích Thánh Thể, để chúng ta cũng lên đường!

 

           Lm. Đa-minh Trần đình Nhi    


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A