CHÚA
NHẬT IV PHỤC SINH
Tầm
quan trọng của cửa chuồng chiên
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Gio-an
10:1-10)
Chúa Giê-su là Mục Tử Nhân Lành, đó là ý tưởng chính của
chương 10 sách Tin Mừng Gio-an. Tuy
nhiên trước khi đi vào đề tài ấy, Chúa Giê-su giúp chúng ta hiểu sự sống của
đàn chiên tùy thuộc vào hai yếu tố quan trọng:
cửa chuồng chiên và người chăn chiên.
Bài Tin Mừng hôm nay quảng diễn ý tưởng thứ nhất: Chúa Giê-su là cửa chuồng chiên.
Cái cửa nhà chúng ta ở không kém phần quan trọng nên thường
được trang bị chu đáo. Không những nó
cần một ổ khóa an toàn mà còn phải làm sao trông cho đẹp mắt nữa. Tại vì nó phần nào liên hệ tới mạng sống
chúng ta. Nhưng còn hơn thế nữa, cái cửa
của chuồng chiên có thể nói là gắn liền với sự sống của các con chiên. Nên sau khi nói đến vai trò của cửa chuồng
chiên và sứ mệnh của người chăn chiên, Chúa Giê-su không ngại trước hết ví mình
là “cửa chuồng chiên”.
Quả thực dụ ngôn cửa chuồng chiên khó hiểu đối với những
người Do-thái nghe Chúa nói không phải vì đó là hình ảnh xa lạ, mà chính là họ
không hiểu Người áp dụng câu chuyện như thế nào. Ít ra họ có vài câu hỏi chính: Nếu ràn chiên là dân Ít-ra-en như họ từng đọc
Thánh Vịnh 23, thì chuồng chiên là cái gì, ai là cửa và ai là người giữ
cửa? Người Do-thái không muốn hiểu những
câu hỏi này, hay nói khác đi, họ không muốn nhìn nhận vai trò và sứ mệnh của
Chúa Giê-su. Ý của Chúa Giê-su muốn nói
chuồng chiên là Ít-ra-en Mới, tức Giáo Hội, cửa chuồng chiên là chính Chúa
Ki-tô và người giữ cửa là Thiên Chúa Cha.
Chúa Cha mở cửa chuồng chiên Giáo Hội bằng cách sai Con Một Người đến
làm cửa chuồng chiên là nguồn ơn cứu độ, đồng thời cũng làm người chăn chiên để
dẫn nhân loại tới đồng cỏ vĩnh cửu. Tầm
quan trọng của cửa chuồng chiên vô cùng lớn lao. Nếu cánh cửa đó cứ luôn đóng chặt, nhốt các
con chiên ở trong chuồng, thì chiên sẽ chết đói. Nhưng ban đêm nếu cánh cửa đó không đóng lại,
mạng sống con chiên sẽ gặp nguy hiểm vì sói dữ đang gầm gừ bên ngoài chuồng
chiên. Một hình ảnh thật đơn sơ, nhưng
lại vô cùng ý nghĩa để diễn tả sứ mệnh cứu độ của Chúa Giê-su. Hình ảnh Đức Gia-vê chăn dắt dân Ít-ra-en đã
đẹp thế nào trong Cựu Ước, thì hình ảnh Chúa Giê-su vừa là cửa chuồng chiên vừa
là người chăn chiên lại càng đẹp hơn trong Kinh Thánh Tân Ước gấp bội. Chủ đề cái mới thay thế cái cũ trong sách Tin
Mừng Gio-an được nói lên rõ ràng trong việc Chúa Giê-su khẳng định Người là Mục
Tử Nhân Lành vậy.
Ở đây, Chúa Giê-su cũng đề cập đến lý do tại sao Người được
Chúa Cha sai đến. Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào. Đúng vậy, nhân loại đã bị lên án chết vì tội
tổ tông, đã không còn là con cái Thiên Chúa hằng sống nữa. Nhưng Chúa Giê-su đã được sai đến để thực
hiện đức công chính của Thiên Chúa, lấy cái chết trên thập giá hòa giải nhân
loại với Thiên Chúa và phục hồi chức phận làm con cái Chúa cho họ, nghĩa là cho
họ được sống. Tuy nhiên không phải chỉ là sống bình thường,
mà là sống dồi dào, đầy tràn sự sống
của Thiên Chúa qua Chúa Ki-tô như cây nho chuyển thông sự sống đến các cành
nho.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Có khi nào tôi đọc kỹ và suy niệm chương 10 sách Tin Mừng
Gio-an chưa? Nếu chúng ta biết ơn cha mẹ
đã cho chúng ta sự sống thì chúng ta càng phải biết ơn Chúa Giê-su trăm ngàn
lần vì sự sống Thiên Chúa mà Người đem lại cho chúng ta. Nguồn sống của Thiên Chúa dâng tràn từ mạch
nước Ki-tô “vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Gio-an 4:14). Có lẽ câu nói của Chúa Giê-su, “Tôi là
cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu”, phải là đề tài để chúng ta suy
niệm hằng ngày. Đó là câu trả lời cho
mọi thắc mắc của chúng ta về ý nghĩa cuộc sống.
Sống mà không “qua cửa Ki-tô” thì chỉ là cuộc sống thể chất. Còn sống trong mối tương quan mật thiết với
Chúa Ki-tô là “cuộc sống dồi dào”. Chúng
ta ra vào cửa chuồng chiên là hình ảnh
gặp gỡ Chúa qua việc cầu nguyện và suy niệm, lãnh nhận bí tích và nhất là sống
tất cả những gì Người đã dạy và làm để chúng ta được cứu độ.
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi